Thành Thang dựa vào điều gì có được cả thiên hạ mở đầu nhà Thương mà không dùng trí?
Mọi người đều biết đến cuốn tiểu thuyết về thần và ác quỷ của Trung Quốc cổ đại “Phong thần diễn nghĩa”. Truyện kể về trận chiến giữa Chu Vũ Vương và Trụ Vương, tội ác của yêu quái và ác quỷ, sự đối đầu giữa chính và tà, và những nguyên tắc thiện và ác mà con người lựa chọn trong thời đại có nhiều biến động lớn. Một số tình tiết trong câu chuyện có lẽ có thể truyền cảm hứng cho chúng ta trong xã hội ngày nay.
Nội dung sau đây được trích từ hồi 1 của “Phong thần diễn nghĩa”: Trụ Vương tế miếu bà Nữ Oa
1. Thành Thang kính sợ mạng trời
Thành Thang là người nhân đức và trung hậu, nghe đồn ông Y Doãn là người tài trí, thất thời ẩn cư cày ruộng nơi Sằn Dã, liền đến rước về, dâng cho vua Kiệt, nhà Hạ dùng. Ấy là vì lòng trung, Thành Thang không dám dùng riêng người tài cho mình.
Ai ngờ vua Kiệt bất trí, không biết dùng người tài, nghe lời dua mị, không trọng dụng Y Doãn. Y Doãn bỏ vua Kiệt trở về với Thành Thang.
Bấy giờ vua Kiệt càng ngày càng đắm say tửu sắc. Giết quan Long Phùng là một vị gián quan có công với nước, nên chẳng ai dám ra can ngăn nữa.
Hành động của vua Kiệt mỗi lúc một thối nát hơn. Ông Thành Thang thấy vậy sai người qua khóc lóc để khuyên can. Vua Kiệt đã không nghe còn bắt ông Thành Thang giam tại Hạ Ðài suốt một thời gian mới thả về.
Trong lúc vua Kiệt ham dâm, độc ác như vậy thì ông Thành Thang lại tỏ cho thiên hạ thấy ông là một người nhân hậu có tiếng.
Một hôm, ông Thành Thang ra ngoài đồng thấy người đi săn bủa lưới bốn phía, và vái:
– Trên trời sa xuống, dưới đất chun lên, tất cả bốn phương đều vô mảnh lưới.
Ông Thành Thang nghe lời vái ấy than thầm:
– Nếu vậy muôn cầm đìểu thú đều bị bắt hết còn gì?
Ông bèn truyền mở ba phía lưới ra, rồi khiến các thợ săn vái rằng:
Muốn lại thì lại, muốn qua thì qua
Ở trên trời sa xuống, có cánh bay xa
Ở dưới đất chun lên, có chân chạy ra
Con nào liều mạng, thì vào lưới ta
Cầm thú đều ra khỏi lưới hết. Bởi vậy đời sau người ta thường nói: “Mở lưới Thành Thang” tức là ý muốn nhắc đến tích ấy.
2. Thiên hạ quy phục theo lòng dân
Ðến sau, vua Kiệt vô đạo, hại dân gần chết, ông Y Doãn phò Thành Thang đánh đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào.
Các chư hầu hội đủ mặt, tôn Thành Thang lên làm Thiên tử, Thành Thang vẫn từ chối, chỉ muốn nhận bổn phận chư hầu thôi, nhưng vì các chư hầu khác ép buộc, Thành Thang cực chẳng đã phải thuận lời lên ngôi Thiên tử lập Kinh đô nơi đất Bạt vào năm Ất Mùi mở đầu nhà Thương.
Vua Thành Thang bỏ các điều luật ác hiểm của vua Kiệt, đặt ra những việc dân ưa, dân mến, lấy đức trị dân, nên ai nấy đều theo về cả.
Trong thời gian đầu, vì vua Kiệt bất nhân, nên trời hạn hán suốt bảy năm, vua Thành Thang mới cầu mưa thì trời liền mưa xuống.
Lịch sử lặp lại. Hạ bởi vì bạo ngược mà mất thiên hạ, Thương bởi vì nhân đức mà có được thiên hạ. “Phong thần diễn nghĩa” mà chúng ta đã xem là câu chuyện về Trụ Vương (đời Ân Thọ nhà Thương) bởi vì bạo ngược mà mất thiên hạ. Thành Thang mở đầu nhà Thương và mang đến cho con người một tia hy vọng, đó không chỉ là sự kính sợ mạng trời mà còn là lòng nhân đức đối với tất cả mọi người trong thiên hạ.
Có câu nói rằng: “Đại vị bất dĩ trí thủ”, có nghĩa là “những vị trí lớn không thể đạt được bằng cách dùng mưu trí”, đối với một số lợi ích nhỏ có thể sử dụng một số thủ thuật và phương pháp, nhưng địa vị lớn (như Hoàng đế hay một số vị trí quan chức cấp cao) phải dựa vào sự ủng hộ của nhân dân. Dân yêu quý, ủng hộ mới là Vương đạo, nếu không sẽ chỉ có thể là tạm thời chứ không thể vĩnh viễn. Người xưa có câu: “Nước có thể chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền”.
Thành Thang là hiện thân của câu nói nổi tiếng trong việc cai trị đất nước: “Đại vị bất dĩ trí thủ”. Chính vì Thành Thang tỏ cho thiên hạ thấy ông là một người nhân hậu có tiếng, đặt ra những việc dân ưa, dân mến, lấy đức trị dân, mà lòng người được thu phục. Vua trị dân nhân đức, dân coi vua như cha mẹ. Hoàng đế là hình mẫu trong lòng dân chứ không phải là kẻ chinh phục hay thống trị.
Kỳ Mai biên dịch
Theo secretchina