8 nguyên tắc vàng trong giáo dục con cái, nhiều cha mẹ ước giá như được biết sớm
Hôm nay tôi muốn chia sẻ 8 nguyên tắc giáo dục vàng với tất cả các bậc phụ huynh, nếu sử dụng đúng cách, bạn có thể nhận được kết quả gấp đôi với một nửa công sức và giúp bạn nuôi dưỡng một đứa trẻ lạc quan, có kỷ luật và tự tin.
1. Quy tắc bể cá
Hãy để trẻ phát triển tự do, đừng đưa ra quyết định thay chúng.
Nếu bạn thả một con cá nhỏ vào bể cá, nó vẫn là một con cá nhỏ sau vài năm.
Nhưng một ngày nọ, bể cá bị vỡ và những con cá nhỏ được thả xuống ao, chúng lớn lên thành cá lớn một cách kỳ diệu.
Đối với giáo dục cũng vậy, chỉ có phá vỡ “bể cá” thì trẻ mới phát triển được nhiều hơn, trẻ cần có không gian trống để phát triển.
Những đứa trẻ “tuyệt vời”, những đứa trẻ rất sáng tạo, đều có một người mẹ “khéo hiểu lòng người” ở bên, hoặc một người cha luôn sáng tạo, hoặc một người đánh giá cao tài năng sáng tạo của mình và đối xử tốt với chúng, những người rất quan tâm đến “những ý tưởng tuyệt vời”.
Vì vậy, hãy cho con bạn một môi trường phát triển thoải mái, để chúng chủ động thăm dò và sáng tạo, tự do phát triển tài năng và để chúng thử sức và phạm sai lầm, đó là tài phú hiếm có của trẻ trong cuộc sống.
Là cha mẹ, bạn phải biết rút lui đúng lúc, không vượt quá thẩm quyền và quản lý cuộc sống của con cái, chỉ khi cho con không gian tự do, độc lập thì chúng mới có thể bay cao hơn và đi được xa hơn.
2. Hiệu ứng Rosenthal
Có những kỳ vọng tích cực dành cho trẻ.
Nhà tâm lý học người Mỹ Rosenthal đã tiến hành “Bài trắc nghiệm xu hướng phát triển tương lai” trên 18 lớp học sinh từ lớp một đến lớp sáu trong một trường học, sau đó giao danh sách “những học sinh có triển vọng nhất” cho hiệu trưởng và các giáo viên và yêu cầu họ giữ bí mật.
Tám tháng sau, một điều kỳ diệu đã xảy ra: tất cả học sinh trong danh sách đều có thành tích tiến bộ vượt bậc, tính cách sôi nổi và vui vẻ, sự tự tin mạnh mẽ, ham học hỏi mạnh mẽ và sẵn sàng giao tiếp với người khác hơn.
Một số người có thể thắc mắc về danh sách và cho rằng những học sinh này được lựa chọn cẩn thận, nhưng sự thật là những học sinh trong danh sách được chọn ngẫu nhiên.
Vì vậy, người ta thường dùng câu này để minh họa sinh động cho hiệu ứng Rosenthal: “Nếu bạn nói bạn làm được thì bạn có thể làm được; nếu bạn nói bạn không làm được thì bạn không thể làm được”. Nếu muốn một người phát triển tốt hơn thì bạn nên truyền đạt những kỳ vọng tích cực đến người đó, những kỳ vọng tích cực sẽ khuyến khích mọi người phát triển theo hướng tốt.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là: Trao cho trẻ nhiều kỳ vọng và động viên hơn sẽ thay đổi cuộc đời chúng.
3. Định luật củng cố
Hướng dẫn trẻ hình thành thói quen tốt.
Nhà giáo dục Ye Shengtao cho biết: “Bản chất của giáo dục chính là bồi dưỡng thói quen”.
Thói quen tốt là vận may sẽ mang lại lợi ích cho con người suốt đời. Chìa khóa để trẻ phát triển những thói quen tốt nằm ở sự hướng dẫn và làm gương của cha mẹ.
Có một “thí nghiệm về cá voi”: Các nhà khoa học đặt một bức tường kính trong nước, một bên là cá voi và thức ăn. Lúc đầu, con cá voi đập mạnh vào kính, nhưng khi nhận thấy không thể xuyên qua được nên nó đã bỏ cuộc.
Sau đó, các nhà khoa học đã dỡ bỏ bức tường kính nhưng con cá voi tưởng rằng ở đó có bức tường nên chỉ di chuyển theo hướng riêng của mình.
Hành vi của con người cũng vậy, sau một thời gian hoặc những trải nghiệm lặp đi lặp lại, nó sẽ cố định và trở thành thói quen.
Vì vậy, muốn con phát triển thói quen đọc sách, bạn phải đọc sách cùng con thường xuyên mỗi ngày; muốn con phát triển thói quen vận động, bạn phải thường xuyên vận động cùng con. Để trẻ em hình thành thói quen không xem điện thoại, cha mẹ không nên cầm điện thoại xem suốt ngày trước mặt con…
Những thói quen tốt nằm ở sự củng cố liên tục. Một hành vi nhiều lần hình thành nên thói quen, thói quen nhiều lần hình thành nên phẩm chất, và phẩm chất thay đổi vận mệnh.
4. Quy tắc ước mơ
Trẻ em cần có ước mơ để lớn lên.
Việc gieo mầm ước mơ cho con bạn khi chúng còn nhỏ có quan trọng không?
Khi trẻ biết mình muốn gì thì mỗi bước đi của trẻ sẽ trở nên vững chắc và an tâm hơn.
Điều cha mẹ phải làm là giúp con tìm thấy ước mơ, là bước đệm, chỗ dựa vững chắc để con thực hiện ước mơ, đồng thời hỗ trợ, động viên con tiến tới mục tiêu của mình.
5. Định luật gió nam
Còn được gọi là “Định luật ấm áp”.
Giáo dục trẻ em đòi hỏi phải chú trọng cách thức và phương pháp.
Gió bắc và gió nam tranh nhau xem ai có thể cởi bỏ áo khoác của người đi đường. Gió bắc buốt lạnh rét thấu xương, người đi đường càng lúc càng quấn áo khoác chặt hơn. Gió nam thổi chậm rãi, ấm áp dễ chịu, người đi đường tới tấp cởi áo khoác ngoài.
Đây là “Định luật gió nam” nổi tiếng, còn được gọi là “Định luật ấm áp”.
Định luật gió Nam dạy mọi người: Khoan dung là một sức mạnh mạnh hơn sự trừng phạt.
Việc giáo dục trẻ em cũng vậy, việc chỉ trích, đổ lỗi một cách mù quáng sẽ chỉ khiến trẻ ngày càng nổi loạn, không nghe lời. Dành cho trẻ đủ sự quan tâm, ấm áp và sử dụng những phương pháp giáo dục nhẹ nhàng, ôn hòa sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc độc đoán, thô bạo.
Mỗi đứa trẻ đều có thể mắc sai lầm, cha mẹ nên bao dung những khuyết điểm của con mình và giải quyết các vấn đề khác nhau phát sinh trong cuộc sống hàng ngày một cách khách quan, lý trí và khoa học. Trong khi hiểu và thông cảm cho trẻ, hãy bắt đầu từ chính mình và làm tốt công việc tu dưỡng bản thân, để có thể giáo dục con cái tốt hơn.
6. Quy luật trừng phạt tự nhiên
Hãy để con chịu trách nhiệm cho sai lầm của bản thân, chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Nhà giáo dục người Pháp Rousseau tin rằng: “Hình phạt mà một đứa trẻ phải nhận là kết quả tất yếu của lỗi lầm mà chúng gây ra”.
Vì vậy ông đề xuất “Luật trừng phạt tự nhiên”.
Nói một cách đơn giản, hãy cho trẻ cơ hội đi nếm thử, dù cho đây là việc làm sai, hãy để trẻ tự gánh lấy hậu quả trực tiếp của lỗi lầm đó, tự mình nhận lấy sự trừng phạt đau đớn, hiểu được mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà lỗi lầm đó gây ra và học được tự mình tỉnh lại, tự giác đền bù khuyết điểm, sửa chữa sai lầm.
Ví dụ, nếu trẻ nhất quyết muốn làm một việc gì đó, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở đơn giản, nếu trẻ không tin thì có thể để trẻ làm theo ý mình nhưng hậu quả phải tự gánh chịu.
Luật trừng phạt tự nhiên chính là như vậy, tăng cường những trải nghiệm thống khổ để trẻ rút kinh nghiệm.
7. Pháp tắc tôn trọng
Sự phát triển tâm linh đòi hỏi sự tôn trọng.
Nếu bạn không đối xử với con mình như con người khi chúng còn nhỏ thì chúng sẽ không thể trở thành con người khi chúng lớn lên. Trẻ em sẽ đối xử với bản thân và thế giới giống như cách chúng ta đối xử với chúng.
Điều đầu tiên cha mẹ nên dành cho con mình là sự tôn trọng.
Nghiên cứu cho thấy trong những gia đình mà cha mẹ và con cái có mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và duy trì giao tiếp thì chỉ số IQ của trẻ cao hơn đáng kể so với những đứa trẻ khác.
Lòng tự trọng là một trải nghiệm cảm xúc khi không bị bỏ lại phía sau và tin rằng mình không thua kém người khác.
Để trẻ thực sự trưởng thành, cần cho trẻ “đứng” ngay từ khi còn nhỏ thay vì “nằm” ngước nhìn những hình dáng to lớn đó. Cách tiếp cận tương hỗ này có thể giúp trẻ phát triển nhân cách tự tin và hoàn chỉnh.
8. Quy luật trì hoãn sự hài lòng
Rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ.
Có một “thí nghiệm kẹo” nổi tiếng ở Hoa Kỳ: hàng chục đứa trẻ, mỗi đứa ngồi một mình trong một lớp học nhỏ, với những viên kẹo yêu thích của chúng được đặt trên bàn.
Các nhà nghiên cứu nói với bọn trẻ rằng chúng có thể ăn kẹo ngay nhưng sẽ không nhận được phần thưởng. Ngược lại, nếu có thể đợi cho đến khi nhà nghiên cứu quay lại rồi mới ăn, thì có thể nhận thêm một viên kẹo.
Hầu hết trẻ em không thể cưỡng lại sự cám dỗ của kẹo và chọn ăn trực tiếp, chỉ một số ít trẻ nhất quyết không ăn kẹo cho đến khi các nhà nghiên cứu quay lại.
Nghiên cứu và theo dõi sau này cho thấy những đứa trẻ có thể chống lại sự cám dỗ sẽ có mục tiêu rõ ràng hơn trong cuộc sống tương lai, có khả năng chịu đựng được những lợi ích ngắn hạn hơn và có nhiều khả năng thành công hơn trong sự nghiệp.
Đây chính là “Quy luật trì hoãn sự hài lòng”.
Về mặt giáo dục con cái, phương pháp nuôi dạy con cái “trì hoãn sự hài lòng” cũng ra đời nhằm rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ.
Nghĩa là khi trẻ nêu lên một nhu cầu, chúng ta không thỏa mãn trẻ ngay mà đặt ra một số điều kiện để trẻ phát triển tính kiên nhẫn, ý chí và nghị lực trong khi chờ đợi.
Kết luận:
Môi trường gia đình quyết định hình thức giáo dục gia đình, và nguồn gốc của giáo dục gia đình là sự giáo dục của cha mẹ.
Sự giáo dục của cha mẹ là nền tảng, tuy vô hình nhưng rất quan trọng, nó hấp thu chất dinh dưỡng cho toàn bộ cây. Bạn không thể mong đợi những chiếc rễ cằn cỗi sẽ sinh hoa kết trái.
Cha mẹ đủ tiêu chuẩn nên là tấm gương cho con cái trong suốt cuộc đời và giúp chúng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Kỳ Mai biên dịch
Lý Trí – soundofhope