Cột sắt bí ẩn của Ấn Độ đứng trước gió mưa suốt 1.600 năm không rỉ sét
Một cây cột sắt bí ẩn ở Ấn Độ đã đứng phơi nắng mưa suốt 1.600 năm mà không hề có dấu hiệu rỉ sét, điều này khiến các nhà khoa học phải kinh ngạc trước kỹ năng luyện sắt điêu luyện của người xưa. Điểm đáng chú ý hơn cả là hàm lượng sắt của cây cột này chiếm gần 100%. Có một câu hỏi được đặt ra, ai là chủ nhân của kiệt tác này?
Cột sắt Delhi
Tại Delhi, Ấn Độ có quần thể Qutb Minar gồm một nhóm các di tích và tòa nhà từ thời Vương quốc Hồi giáo được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới. Bước sân của Nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam trong quần thể, du khách sẽ thấy ngay một cây cột sắt cao 7,2 mét, đường kính 41cm và nặng 6 tấn. Đây chính là “Cột sắt Delhi” nổi tiếng thế giới.
Đỉnh cột sắt có hoa văn trang trí cổ, lịch sử của nó thậm chí còn lâu đời hơn cả quần thể Qutub Minar. Nhà nghiên cứu người Mỹ, John Rowlett đã viết trong cuốn sách của mình rằng Cột sắt Delhi xuất hiện 400 năm trước khi xưởng đúc lớn nhất thế giới có khả năng sản xuất nó.
Nhà luyện kim người Anh, Robert Hadfield đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về thành phần của các cột sắt ở Delhi và phát hiện ra rằng hàm lượng sắt của nó cao tới 99,72%.
Một cây cột sắt có hàm lượng sắt cao như vậy đã trải qua hàng ngàn năm phơi nắng mưa mà vẫn không bị ăn mòn và giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, điều đó chứng tỏ khả năng luyện kim tuyệt vời của người xưa.
Ông Hadfield cho biết: “Cây cột sắt này là sản phẩm sắt nguyên chất và được tôi hoàn toàn. Xét về độ tinh khiết của sắt, nó thậm chí còn tốt hơn cả sắt cacbon của Thụy Điển hiện đại.”
Cây cột sắt bí ẩn này tiếp tục thu hút sự chú ý của giới truyền thông. CNN đã đưa ra một bài báo nói rằng, thật đáng kinh ngạc khi cây cột sắt này vẫn giữ nguyên trạng thái khi được đúc, và đứng vững trước thử thách của thời gian cũng như môi trường khắc nghiệt, trong đó có nhiệt độ cao của thủ đô Ấn Độ và tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng trong khu vực.
Chuyên gia bảo vệ di tích: “Nên học hỏi công nghệ tôi cột sắt Delhi”
Kiến trúc sư bảo tồn và chuyên gia di sản Pragya Nagar tin rằng, các cột sắt đã được bảo quản rất tốt qua nhiều năm. Cô nói với đài CNN như sau: “Trước tác hại môi trường do các quá trình như khai thác kim loại gây ra, nếu chúng ta nhìn công nghệ chế tạo cột sắt này từ một góc nhìn mới, thay vì chỉ thừa nhận nguồn gốc cổ xưa của nó, chúng ta có thể tìm cách khai thác các phương pháp tiếp cận tương tự để phát triển các vật liệu thay thế bền vững.”
Cô nói, điều cực kỳ quan trọng là khi nói đến các hiện vật lịch sử, mọi người không chỉ đơn giản nghĩ về chúng như một thứ cần được bảo vệ và ngưỡng mộ mà đúng hơn là một kho lưu trữ kiến thức truyền thống. Cách tiếp cận toàn diện này có tiềm năng mở đường cho một tương lai bền vững hơn cho nhân loại.
Vì sao cột sắt đứng hàng nghìn năm không bị rỉ sét?
Thông thường, các kết cấu sắt và hợp kim sắt tiếp xúc với không khí hoặc hơi ẩm sẽ bị oxy hóa theo thời gian và rỉ sét, trừ khi chúng được bảo vệ bởi một lớp sơn đặc biệt như tháp Eiffel ở Paris.
Các nhà khoa học từ Ấn Độ và các nước khác bắt đầu nghiên cứu Cột sắt Delhi vào năm 1912. Họ cố gắng tìm hiểu lý do tại sao nó không bị ăn mòn.
Các chuyên gia của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở thành phố Kanpur phía bắc đã nghiên cứu lý do tại sao cột sắt không bị rỉ sét và công bố kết quả trên tạp chí Current Science.
Họ phát hiện ra rằng cột sắt chủ yếu được làm bằng sắt rèn và có hàm lượng phốt pho (phosphor). Ngoài ra, các thợ thủ công cổ xưa có thể đã sử dụng một kỹ thuật gọi là hàn rèn. Có nghĩa là họ nung nóng và đập sắt để hàm lượng phốt pho không đổi. Đây là một phương pháp không được sử dụng phổ biến trong thực tế hiện đại.
Nhà khảo cổ học R. Balasubramaniam cho biết, phương pháp độc đáo này đã giúp duy trì độ bền của các cột sắt. Ông nói, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lớp màng bảo vệ rất mỏng gọi là “misawite” trên bề mặt cột sắt. Nó là một hợp chất của sắt, oxy và hydro. Lớp màng bảo vệ này chỉ bảo vệ các cột sắt khỏi rỉ sét.
Các chuyên gia của Viện Công nghệ Ấn Độ cho rằng, sự hình thành lớp màng chống ăn mòn này có liên quan đến hàm lượng phốt pho trong cột sắt.
Các ghi chép lịch sử cũng chứng minh độ bền của cây cột sắt bí ẩn này, trong đó có sự cố xảy ra vào thế kỷ 18 khi một viên đạn đại bác bắn vào cây cột được cho là đã không thể phá vỡ nó, chứng tỏ sức mạnh đáng kinh ngạc của kiệt tác cổ xưa này.
Theo truyền thuyết, nếu bạn đứng tựa lưng vào cây cột sắt này, vòng tay quanh cây cột và để ngón tay chạm vào thì điều ước của bạn sẽ thành hiện thực. Truyền thuyết này mang lại cho cây cột sắt một ý nghĩa tâm linh vượt xa giá trị lịch sử của nó.
Tuy nhiên, nhằm giảm tác động xấu của con người lên cột sắt, Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã lắp đặt hàng rào vây xung quanh nó.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể biết cụ thể năm nào Cột sắt Delhi được đúc và nguồn gốc của nó cũng vẫn còn là điều bí ẩn. Một giả thuyết cho rằng nó có từ thời Đế chế Gupta, cụ thể là triều đại của Chandragupta II vào khoảng thế kỷ thứ IV và thứ V, dưới thời nhà vua Chandra II (375 – 413) của triều đại Gupta hùng mạnh. Đức vua dựng cây cột này nhằm thể hiện lòng thành kính đối với thần bảo hộ Vishnu của người Hindu. Cây cột này còn có tên khác là “chân của thần Vishnu”.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cột sắt có thể là sản phẩm của nền văn minh tiền sử.
Ngoài ra còn có một dòng chữ Phạn cổ trên cột sắt cổ. Một bản dịch ra tiếng Trung đại ý như thế này: “Ông, như thể đã chán ngán nên, đã từ bỏ thế giới này và tìm đến thế giới khác trong hình dạng thực sự – một nơi giành được nhờ công tích và công đức của ông – (và mặc dù) ông đã ra đi, ông vẫn ở lại trần gian thông qua sự truyền tụng (ký ức về những hành động của ông) trên trái đất mãi mãi”.
Nguồn: The Epoch Times
Vui lòng ghi rõ tác giả, nguồn và giữ tính trung thực khi tái bản.