Thánh linh đản sinh không là Thần cũng làm vua, các bậc Thánh vương xuất hiện như thế nào?
Một ngàn người đọc “Thánh Kinh” sẽ có một ngàn cách hiểu khác nhau, một vạn người đọc “Thánh Kinh” cũng sẽ có một vạn nhận thức khác nhau. Bậc chân tu ngộ Đạo sẽ thấy được châm ngôn trong ấy, còn kẻ thế tục lại từ đó mà nhìn ra truyền kỳ. Những người truy cầu sức mạnh huyền bí quan tâm đến hiện tượng siêu nhiên, các nhà sử học lần mò để tìm ra lịch sử chân thật, còn bậc đại trí đại huệ lại nhờ đó mà lĩnh hội được ý nghĩa đích thực của sinh mệnh và vũ trụ.
Sự ra đời của Chúa hài đồng
Mẫu thân của Chúa Jesus là Đức Trinh nữ Maria, bà có một người chị em họ tên là Elizabeth. Mặc dù cả Elizabeth và chồng bà là tư tế Zachariah đều là những người ngoan đạo, thành kính tín Thần, nhưng hai vợ chồng đã hơn 50 tuổi mà vẫn chưa có được một mụn con.
Một ngày nọ, Thiên sứ Gabriel hiện thân vào Thánh điện và nói với tư tế Zachariah rằng: vợ chồng ông sẽ có con lúc tuổi già. Quả nhiên không lâu sau đó, Elizabeth liền mang thai.
Trong khi ấy, Trinh nữ Maria đã đính ước với Joseph (sau này là Thánh Giuse) nhưng vẫn chưa chính thức kết hôn. Thiên sứ Gabriel lại phụng mệnh Đức Chúa Trời đến nhà Maria ở Nazareth để báo tin: “Con sẽ sớm mang thai, hãy đặt tên cho đứa trẻ là Jesus”.
Maria vô cùng sợ hãi, liền hỏi lại Thiên sứ rằng: “Con vẫn còn chưa xuất giá, sao có thể mang thai được?”
Thiên sứ đáp: “Đức Thánh linh sẽ giáng lâm, rồi con sẽ nhận được sự che chở của Chúa Trời. Đứa trẻ này là con trai của Thiên Chúa, trong tương lai sẽ là một vị Thần vĩ đại. Một người thân thích của con, Elizabeth, dù lớn tuổi nhưng cũng đã hoài thai được sáu tháng rồi, ấy đều là nhờ quyền năng của Thiên Chúa”.
Thế rồi Maria nhận được lời chúc phúc của Thiên sứ và hoài thai Chúa hài đồng.
Một ngày, Maria đến thăm Elizabeth. Khi cô vừa tới nơi thì em bé trong bụng Elizabeth liền vui mừng nhảy múa. Đứa trẻ ấy cũng chính là Gioan Tẩy Giả (John the Baptist) sau này.
Câu chuyện trên không chỉ xuất hiện trong “Kinh Thánh – Phúc âm Luca” mà còn được ghi chép trong “Cuộn sách Biển Chết”. Hơn nữa, cả Kitô giáo, Thiên Chúa giáo và thậm chí là Do Thái giáo đều nhất trí đồng thuận rằng Đức Trinh nữ đã linh cảm mang thai Chúa Thánh linh.
Ấy thế nhưng vào năm 2002, một bộ phim tài liệu với tiêu đề “Trinh nữ Maria” (The Virgin Mary) đã đưa ra những lập luận gây sốc khiến người xem ngỡ ngàng.
Trong phim, các nhà Thần học và sử học đã phân tích một số dữ liệu về cuộc sống và địa vị của phụ nữ Palestine vào thế kỷ thứ nhất, cuối cùng họ đưa ra kết luận rằng: Đức mẹ Maria có mái tóc đen, đôi mắt đen và là một thợ cắt tóc. Điều này hoàn toàn xung đột với hình tượng truyền thống của Thánh mẫu Maria – một thiếu nữ tóc vàng, mắt xanh, khoác trên mình chiếc áo choàng màu xanh quý phái. Và nghiêm trọng hơn là, bộ phim đã phủ nhận sự tích Đức mẹ linh cảm mang Thánh thai trong “Kinh Thánh”.
Thế nào gọi là linh cảm mang Thánh thai? Chính là khi một trinh nữ chưa từng làm chuyện vợ chồng, nhưng thông qua tiếp xúc với Thánh vật liền có thể mang thai và sinh con.
Vậy rốt cuộc có tồn tại hay không chuyện linh cảm mang Thánh thai?
Kỳ thực trong cả huyền sử và chính sử, đây là hiện tượng rất phổ biến báo hiệu trước sự ra đời của các bậc Thánh vương hay Thánh hiền thời thượng cổ.
“Xuân Thu Công Dương truyện chú sớ” có câu: “Thánh nhân thụ mệnh ư thiên, giai thiên sở sinh, cố vị chi thiên tử” (Thánh nhân nhận mệnh Trời, đều do Trời sinh ra, do đó gọi là thiên tử).
Chữ “giai thiên sở sinh” trong câu trên mang ý nghĩa linh cảm mang Thánh thai. Vì sao nói như vậy?
Sự ra đời của Đại Vũ, Tử Tiết, Hậu Tắc
Trong “Luận Hành”, một học giả thời Tây Hán là Đổng Trọng Thư đã đưa ra lời giải thích khá chi tiết về linh cảm mang Thánh thai. Ông cho rằng, Thánh nhân sinh ra là thừa hưởng tinh khí của trời chứ không phải nhân khí. Đổng Trọng Thư đã đưa ra ba ví dụ để nói rõ vấn đề này.
Ví dụ thứ nhất là mẫu thân của Đại Vũ. Bà tên thật là Nữ Hy, cũng có sử tịch gọi bà là Tu Kỷ (脩己). Trong tiếng Hán, chữ “Tu” (脩 – họ Tu) có 1 nét nghĩa thông với “Tu” (修 – tu luyện, tu dưỡng). Do đó, tên gọi của bà mang ý nghĩa “tu kỷ dĩ an nhân” (tu dưỡng bản thân khiến mọi người xung quanh đều yên vui).
“Trúc Thư Kỷ Niên” chép rằng, Nữ Hy đã hơn ba mươi tuổi mà vẫn chưa có con. Một hôm, bà xuống núi lấy nước, bỗng thấy ở mép nước có một viên minh châu to như quả trứng chim. Bà liền tiện tay nhặt lên, càng ngắm càng thích thú. Khi bà vừa định lên núi thì chợt nghe thấy có tiếng động ầm ầm vang lên giữa không trung, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một ngôi sao băng lớn từ ngọn núi đối diện bay thẳng đến, lướt qua người rồi vụt thẳng lên trời, sau đó nhập vào cung Sao Mão. Đây chính là hiện tượng “Lưu tinh quán Mão” mà cổ nhân từng giảng.
Nữ Hy vô cùng kinh hãi, vội cất viên minh châu kia vào trong miệng, không ngờ viên minh châu vừa đưa vào miệng liền trôi tuột xuống bụng. Nữ Hy đột nhiên cảm thấy có một dòng khí nóng xông thẳng vào đan điền.
Đến đêm, bà mộng thấy một nam tử cao lớn, mũi hổ miệng to, mắt trong như sông, tiếng nói như chim hót, đến nói với Nữ Hy rằng: “Ta là tinh phách của Kim Tinh Bạch Đế trên Trời, giáng sinh xuống thế gian làm cháu đời thứ 19 của Nữ Oa, tên gọi là Thần Vũ, sống thọ đến 360 tuổi. Sau này ta sẽ đến núi Cửu Nghi học Đạo, thành Tiên bay đi, lại trở về làm Kim Tinh Bạch Đế như trước. Hiện nay hồng thủy tràn lan khắp thiên hạ, ta thụ mệnh trị thủy, nên hoá thành một hòn đá chờ đợi người có duyên với ta. Hôm qua được bà nuốt vào, vậy là ta với bà có duyên, nay ta tới làm con trai của bà”.
Ngay sau đó bà Nữ Hy liền mang thai. Mười tháng hoài thai, mười phần đau khổ, đến khi trở dạ lại càng quặn đau dữ dội, phần lưng như muốn nứt mở ra, đau đến mức bà ngã xuống nằm hôn mê bất tỉnh.
Chồng Nữ Hy là Cổn không có cách nào khác, đành rạch bụng của vợ để giúp con trai chào đời. Cậu bé chính là Đại Vũ, tức Hạ Vũ, bậc đế vương khai triều của nhà Hạ.
Theo “Sơn Hải Kinh – Hải Nội Kinh”, cha của Đại Vũ tên là Cổn. Khi ấy hồng thủy ngập trời, ông Cổn được Đế Nghiêu giao cho trọng trách trị thủy. Cổn vì muốn hoàn thành sứ mệnh nên đã lên trời lấy trộm bảo bối của Thiên Đế. Bảo bối này gọi là “tức nhưỡng”, là loại đất không ngừng sinh sôi, trong phút chốc đã chất cao thành núi, thành đồi, có thể dùng để đắp đê ngăn nước lũ.
Cổn trộm ‘tức nhưỡng’ là vi phạm Thiên quy, không những không ngăn được nước lũ mà còn khiến hồng thủy bộc phát, đê vỡ, nước dâng ngập trời, vô số dân lành phải tử vong. Cổn trị thủy thất bại nên bị lưu đày, Hỏa Thần Chúc Dung phụng mệnh Thiên Đế chém đầu Cổn tại Vũ Sơn.
“Toàn Thượng Cổ Tam Đại Văn” chép rằng, Cổn chết đã ba năm mà thân xác vẫn không hề mục rữa. Thiên Đế cảm thấy lạ, liền phái Thần đến chân núi Vũ Sơn, dùng thanh Ngô Đao (thanh kiếm nổi tiếng thời cổ đại) mở bụng Cổn. Đột nhiên thân thể Cổn hóa thành con rồng vàng bay đi mất.
Ví dụ thứ hai là mẫu thân của Tử Tiết. Cha ông là Đế Khốc – một trong Ngũ Đế, còn mẹ ông là thứ phi của Đế Khốc, tên là Giản Địch. Tử Tiết sau này là thủy tổ khai triều Ân Thương, được hậu thế tôn xưng là “Thương tổ” và “Hỏa Thần”.
Trong “Thi Kinh” có một bài thơ “Thương tụng”, trong đó có câu: “Thiên mệnh huyền điểu, giáng nhi sinh Thương”, ý tứ là Trời cho chim đen giáng hạ, Giản Địch nuốt trứng huyền điểu rồi mang thai sinh ra Tiết, nhờ đó mới có nhà Thương sau này.
“Sử Ký – Ân bản kỷ” chép rằng: Đế Khốc cưới con gái của bộ lạc Hữu Nhung tên là Giản Địch làm thứ phi. Một năm vào ngày lập xuân, tiết trời ấm áp, gió xuân phơi phới, hoa nở khắp nơi, Giản Địch liền cùng các chị em ra sông Dịch Thủy tắm. Khi các cô gái đang vui đùa trong dòng nước mát, bỗng từ xa có con chim én màu đen bay tới rồi hạ xuống tảng đá, làm rơi ra một quả trứng tròn màu trắng. Các chị em thi nhau lấy trứng, cuối cùng chỉ có một mình Giản Địch lấy được. Các chị em liền nói: Hãy ăn đi, bậc lão nhân thường nói rằng ăn trứng én sẽ có điều cát tường. Giản Địch liền ăn quả trứng rồi mang thai, sau đó sinh ra Tiết.
Lớn lên, Tiết có công giúp Đế Nghiêu và Đế Thuấn trị vì thiên hạ nên được ban họ Tử và thưởng cho đất Thương làm thực ấp.
Ví dụ thứ ba là mẫu thân của Hậu Tắc. Bà tên là Khương Nguyên, là con gái Thai hầu, về sau trở thành nguyên phi của Đế Khốc. Còn Hậu Tắc tên thật là Cơ Khí, là thủy tổ của nhà Chu, người đời sau tôn vinh ông là ông tổ nông nghiệp và Thần ngũ cốc.
Một ngày, Khương Nguyên vào rừng thì nhìn thấy một vết chân khổng lồ. Bà đột nhiên cảm thấy biển khí ấm áp dâng trào, xông vào các huyệt đạo toàn thân, khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu vô cùng. Trong lòng bà có một cảm giác thôi thúc kỳ lạ, chỉ muốn giẫm lên vết chân khổng lồ này. Bà vừa duỗi chân ra ướm vào ngón chân cái của dấu chân người khổng lồ thì lập tức thấy trong bụng động đậy. Khương Nguyên vừa kinh ngạc vừa sợ hãi biết mình đã mang thai.
Thẹn vì lai lịch bất minh của đứa trẻ, bà đã ba lần đem bỏ con, và cả ba lần đều xảy ra những sự việc kỳ lạ.
Lần thứ nhất bà bỏ con trong hẻm sâu, nhưng trâu ngựa đi qua đều tự giác tránh, không dám giẫm chân lên đứa trẻ. Lần thứ hai bà bỏ con trong rừng hoang, nhưng lại gặp rất nhiều người nên không thể vứt được. Lần thứ ba bà bỏ con trên băng lạnh, bỗng một con chim lớn bay đến giang cánh sưởi ấm cho đứa trẻ. Sau ba lần bất thành, bà biết rằng đây chính là ý chỉ của Thiên Đế, rằng đứa bé này không phải người tầm thường. Bà liền ôm con về nhà và đặt tên là “Khí”, nghĩa là ‘vứt bỏ’.
Sau này lớn lên, Khí say mê trồng trọt và dạy người dân cách trồng ngũ cốc. Ông được hậu thế tôn xưng là Hậu Tắc, trở thành tổ tiên của dân tộc Chu.
Sự ra đời của Tam hoàng Ngũ đế
Mỗi bậc Thánh nhân giáng thế đều mang theo dấu hiệu cát tường, Tam hoàng Ngũ đế thời thượng cổ cũng là như thế.
Mẫu thân của Viêm Đế Thần Nông tên là Nhậm Tự. Khi Nhậm Tự đi du xuân ở Hoa Dương thì thấy trên bầu trời hiện ra một luồng sáng đỏ. Bà ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy giữa không trung là một Thần Long, hai mắt phóng ra hai đạo hồng quang. Đúng vào khoảnh khắc ấy, hai bên bốn mắt nhìn nhau, Nhậm Tự bỗng cảm thấy trong tâm kinh động như vừa mới mang thai. Sau đó, bà sinh hạ một người con trai, chính là Thần Nông trong truyền thuyết.
“Sử Ký” viết: “Thần Nông, thuộc dòng họ Khương, mẹ tên là Nhậm Tự, con gái họ Hữu Kiều, được chọn làm vợ của Thiếu Điển, đi dạo vùng Hoa Dương, trông thấy đầu rồng hiện lên, cảm ứng trong mình mà sinh ra Viêm Đế, Viêm Đế mình người đầu trâu”.
Trong “Ngũ Đế bản kỷ” có câu: “Hoàng Đế giả, Thiếu Điển chi tử“. Cha của Hoàng Đế là Thiếu Điển, mẫu thân là Phụ Bảo.
Một buổi tối, bà Phụ Bảo cùng chồng đi dạo trên cánh đồng, ngẩng đầu lên ngắm bầu trời đầy sao thì bỗng thấy trên thiên khung phát ra luồng ánh sáng như tia chớp, xoay chuyển xung quanh thất tinh Bắc Đẩu. Sau đó, luồng ánh sáng hướng xuống đất, chiếu lên thân Phụ Bảo. Bà Phụ Bảo thấy trong bụng động đậy, từ đó mang thai, sau hai năm mới sinh ra Hoàng Đế.
Mẫu thân của Phục Hy và Nữ Oa là Hoa Tư, được tôn vinh là “thủy tổ mẫu” của dân tộc Hoa Hạ.
Tương truyền, Hoa Tư mẫu sống ở bến Hoa Tư, thường hay dạo chơi bên sông. Một năm vào mùa xuân, Hoa Tư đến Lôi Trạch du ngoạn, thấy bên cạnh đầm nước có dấu chân rất lớn, bà vô cùng hiếu kỳ liền giẫm lên, trong lòng có một cảm giác vô cùng kỳ diệu. Nhất thời, một luồng khí cầu vồng màu xanh không biết từ đâu bay tới vây quanh bà. Không lâu sau Hoa Tư mang thai. Một lần hoài thai kéo dài tới mười hai năm, sau đó bà hạ sinh một người con trai, chính là Phục Hy.
Theo “Đế vương thế kỷ”, Đế Khốc có bốn phi tần, ngoại trừ nguyên phi Khương Nguyên và thứ phi Giản Địch thì còn có một thứ phi khác tên là Khánh Đô. Vị phi tần này có xuất thân vô cùng đặc biệt.
Truyền thuyết kể rằng, Khánh Đô là con gái của một vị Thần. Một ngày nọ, trời nổi sấm sét khiến vị Thần chảy máu, máu của vị Thần này chảy đến tảng đá lớn, chỗ máu đó hóa thân thành bé gái, bé gái này chính là Khánh Đô. Sau này Đế Khốc cưới nàng làm phi rồi sinh ra Đế Nghiêu.
Sách “Trúc Thư Kỷ Niên” cũng chép rằng, Khánh Đô sinh ra trong một tảng đá lớn chảy máu ở cánh đồng Đấu Duy, từ nhỏ đi đến đâu cũng có mây vàng che trên đầu. Lớn lên, bà đi du ngoạn Tam Hà, lại có rồng theo sau bảo vệ. Một ngày, rồng mang đến bức tranh, trên tranh có bức họa, cạnh đó viết dòng chữ: “Diệc thụ thiên hữu” (được trời ban phước) và bảy chữ phía dưới: “Xích đếkhởi thành thiên hạ bảo” (Xích Đế lớn lên trở thành báu vật của thiên hạ). Chốc lát lại có gió lạnh từ bốn phương thổi lại, một con rồng đỏ bất ngờ xuất hiện bay vòng quanh Khánh Đô. Khánh Đô hoài thai mười bốn tháng sinh ra Đế Nghiêu ở Đan Lăng, tướng mạo giống như miêu tả trong bức họa của rồng.
Linh cảm mang Thánh thai
Có thể thấy, mỗi bậc Thánh vương ra đời đều xuất hiện các dị tượng thần kỳ: có người đêm nuốt Bắc Đẩu, có người nhật nguyệt vào thai, lại có người khắp phòng tràn ngập hương thơm, cảm nhận được thiên địa cùng tác hợp, Thần linh ban Thánh thai.
Những câu chuyện này được ghi chép trong chính sử, huyền sử và rất nhiều thư tịch cổ khác. Rốt cuộc, những Thần thoại lịch sử thời thượng cổ chỉ là truyền thuyết, hay cũng là sự thật?
Chúng ta biết, nhân loại có thể sinh sôi thế hệ sau là nhờ có sự kết hợp giữa tinh trùng của cha và trứng của người mẹ. Nam nữ giao hợp mới có thể sinh con đẻ cái. Vậy thì các bậc Thần Tiên giáng thế, lẽ nào cũng theo phương pháp giống như nhân loại mà xuất sinh?
Có một bộ phim tiên hiệp mang tên “Hương mật tựa khói sương” (Ashes of Love), dù chỉ là tác phẩm hư cấu nhưng cũng cho chúng ta đôi lời gợi ý.
Mở đầu phim là cảnh Hoa Thần Tử Phân sinh hạ một bé gái đặt tên là Cẩm Mịch. Đứa trẻ không nằm trong tử cung của mẹ như con người, mà ở giữa một quả cầu pha lê trong suốt. Nguyên thần của Cẩm Mịch là sự kết hợp giữa Hoa Thần (mẹ) và Thủy Thần (cha), nước và hoa hòa hợp, tạo thành một đóa hoa băng tịnh khiết.
Thần có pháp lực thiên biến vạn hóa, do đó cả Hoa Thần, Thủy Thần và Băng Hoa Thần đều có thể hiển hiện ra hình người. Thần không cần tiếp xúc da thịt, chỉ dựa vào Thần lực là có thể tạo ra Thánh thai. Cũng chính là nói, việc Thần tạo ra sự sống, so với cách nhân loại sinh sôi ra đời sau quả thực khác biệt như trên trời dưới đất vậy.
Có thể nói, các bậc Thánh vương và Thánh hiền mà chúng ta nhắc tới trên đây đều không dựa vào “nhân khí”, mà là “nhận tinh túy từ trời” để trở thành Thánh thai.
Từ góc độ của cơ học lượng tử, vũ trụ được cấu thành từ các lạp tử lớn nhỏ khác nhau. Trong vũ trụ có vô lượng vô số Thiên quốc và các vị Thần. Nếu các vị Thần khác nhau căn cứ theo hình tượng của bản thân mình để tạo ra các chủng người khác nhau, thì liệu có hay không khả năng Thần vì muốn coi sóc chủng người mà họ tạo ra, nên đã an bài một số vị hạ thế, đến làm bậc Thánh vương dẫn dắt con dân của mình?
Theo ghi chép trong “Thái Bình Ngự Lãm”, sau khi trời đất phân khai, trên mặt đất vẫn chưa có người, Nữ Oa bèn dùng hoàng thổ tạo ra nhân loại. Công việc này mất nhiều thời gian và công sức, Nữ Oa bèn ngắt một cành liễu rồi nhúng xuống, vung mạnh lên tạo thành vô số vết bùn văng ra tung tóe. Mỗi giọt bùn rơi xuống liền hóa thành một người tí hon có sự sống. Kể từ đó, thế giới đã có con người sinh sống, bầu không khí ảm đạm cũng dần dần biến mất.
“Thánh Kinh” kể rằng, Đức Jehovah dùng bụi đất tạo ra con người. Ngài thổi hơi thở vào lỗ mũi, nhờ đó con người mới trở thành một sinh vật sống.
Cho dù là Nữ Oa hay Đức Jehovah, nếu như chỉ tạo ra nhục thể mà không truyền vào đó sự sống thì đó chỉ là những khối đất có hình người, không có lực sống, không thể hô hấp, không thể nói chuyện, giống như thể xác còn lại sau khi nguyên thần đã rời khỏi thế gian. Vì thế, Đức Jehovah cần phải thổi hơi thở vào lỗ mũi của Adam, còn Nữ Oa thì cấp cho con người nguyên thần, sau đó con người liền sống dậy.
Những người mẹ đản sinh ra các vị Thánh vương và Thánh hiền thời thượng cổ cũng như vậy, họ không dựa vào nhân khí mà chỉ nhận tinh túy từ trời để hoài thai Thánh linh. Ấy là bởi vì Thánh thể tiến nhập vào bào thai trong bụng mẹ là các vị Thần có sứ mệnh hạ thế, họ cần giữ bản thân hoàn toàn tịnh khiết, không bị ô nhiễm bởi các vật chất trong Tam giới, như thế mới có thể giữ được thần lực, tạo phúc cho muôn dân.
Nói cách khác, họ là những vị Thánh nhân đã được định sẵn sinh ra để làm chủ thiên hạ, sinh ra để làm bậc đế vương. Vì sứ mệnh đặc biệt, nên thân thể mang linh thể ấy cũng phải đặc biệt, gánh vác trọng trách đặc biệt. Đây là sự khác biệt căn bản giữa Thần và con người.
Có ý kiến cho rằng: Các bậc Thánh nhân đều không cha, vì cảm ứng Thiên mệnh mà sinh ra. Kỳ thực, không phải là Thánh nhân không có cha, chỉ có điều cha của họ không ở nhân gian mà là trên Thiên thượng. Cha của Jesus là Đức Jehovah, cha của Nữ Oa là Hỏa Thần Toại Nhân Thị, cha của Khánh Đô là máu của Thần trên cự thạch, nhờ tự nhiên diễn hóa mà sinh thành. So với Bàn Cổ sinh ra từ hỗn độn, thì sự đản sinh của các bậc Thánh nhân và Thánh vương thời thượng cổ chẳng phải cũng có điểm tương đồng đó sao?
Nguồn: ntdvn (Minh Hạnh biên dịch)