Cổ nhân nói: “Người ở cảnh giới cao sẽ có 3 tướng phú quý này”
Trong “Kinh Vô Thường” có viết: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển, mệnh do tâm tạo, phúc tự ngã triệu”, người ta có tâm cảnh thế nào thì sẽ có tướng mạo như thế, bởi vậy mà tư tưởng và thành tựu của một người có thể nhìn ra được thông qua biểu hiện đặc trưng của khuôn mặt.
Ngoại hình thực sự của một người thường liên quan chặt chẽ đến suy nghĩ bên trong của một người, và đó cũng có thể nói là sự thể hiện chân thực nhất. Đồng thời, hoàn cảnh xung quanh bạn cũng sẽ theo tâm lý của bạn mà thay đổi, cuộc đời và vận mệnh của bạn sẽ như thế nào là do chính bạn lựa chọn, những phúc lành cuộc đời cũng do chính bạn tạo ra.
1. Làm mọi việc một cách bình tĩnh
Lão Tử nói: “Trọng vi khinh căn, tĩnh vi táo quân”, ý muốn nói người làm việc đáng tin cậy luôn biết nặng nhẹ, không hành động kiểu bốc đồng, làm việc trầm ổn không nóng vội.
Trong “Thanh Sử cảo” cũng ghi chép lại rằng, bản thân Tăng Quốc Phiên là một người “vi nhân uy trọng thiếu ngôn”, là một người trầm ổn, uy nghiêm, nói ít. Trước mặt thuộc hạ, ông rất uy nghiêm, khí chất trầm ổn, vững vàng trước mọi tình huống khiến mọi người kính phục, tôn trọng ông.
Tăng Quốc Phiên từng viết thư cho con trai và nói rằng: “Hành động hấp tấp, không suy xét trước sau là một khuyết điểm lớn, sau này làm gì cũng hãy để tâm một chút, ngay cả trong những việc nhỏ nhất đi như đứng hay ngồi, cũng đều phải trọng (ổn định), hậu (vững vàng).”
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì khả năng mạnh mẽ nhất của một người chính là: sự ổn định. Chỉ khi làm mọi việc một cách bình tĩnh và không vội vàng, chúng ta mới có thể giải quyết được rắc rối và đưa ra giải pháp đúng đắn.
Có thể đạt được không vui mừng khi được ưu ái, cũng không đau khổ khi bị sỉ nhục, giữ vững tâm thái không nóng vội khi sự việc xảy ra và xử lý những việc khó khăn một cách bình tĩnh bạn mới có thể tiến xa trên con đường của mình.
Vương Hi Chi là một nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn, từ nhỏ ông đã khá thành thạo về thư pháp và luôn mong muốn hoàn thiện bản thân.
Một ngày nọ, Vương Hi Chi tình cờ nhìn thấy Trương Chi, một nhà thư pháp thời Đông Hán, đã thực hành thư pháp trong nhiều năm trong một cuốn sách.
Ông nói với Vương Hi Chi rằng: “Chữ phải được viết từng nét một, con đường phải đi từng bước một. Chỉ có tiến bộ vững chắc thì sự việc mới có thể thành hiện thực.”
Cuối cùng, Vương Hi Chi đã thoát khỏi tính nóng nảy của mình, bình tĩnh lại và luyện tập từng nét thư pháp, và cuối cùng trở thành một bậc thầy thư pháp nổi tiếng.
Sự vội vàng sẽ tạo ra sự lãng phí, càng nóng nảy thì khi bận rộn càng dễ mắc sai lầm, chỉ khi bạn giữ được tinh thần vững vàng và đi từng bước một, bạn sẽ thu được kết quả gấp đôi với một nửa công sức bạn bỏ ra. Như vậy con đường chúng ta đi sẽ ngày một suôn sẻ hơn.
2. Người cởi mở, bao dung và nhân hậu
Có hai câu thơ được viết trước tượng Phật Di Lặc ở chùa Đàm Chá Tự ở Bắc Kinh rằng: “Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự, Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân”, nghĩa là “Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được, Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được”.
Trong cuộc sống, người có tâm rộng như biển thì có thể bao dung được những điều mà người bình thường không thể chịu đựng được, người ấy sẽ không dễ dàng tranh cãi với người khác nên có thể tránh được nhiều phiền toái.
Nói cách khác, một người có khuôn mặt cao quý chắc chắn sẽ thể hiện sự cởi mở, bao dung và nhân ái, người đó không chỉ biết giữ vững cảm xúc của bản thân mà còn biết nhường nhịn và bao dung với người khác.
Vào thời Tây Hán, có một vị tể tướng nổi tiếng là người cởi mở, rộng lượng, luôn đối xử với người khác bằng thái độ bao dung và nhân ái.
Trong một lần, khi ông đi ra ngoài xem tình hình của người dân ra sao, thì người đánh xe say rượu đã vô tình nôn mửa trên xe, một thuộc hạ của ông đã định trừng phạt người đánh xe, nhưng vị tể tướng đã ngăn anh ta lại.
Ông cảm thấy nếu người đánh xe bị đuổi đi chỉ vì một sai sót nhỏ thì anh ta sẽ khó tìm được công việc phù hợp nữa. Sau đó người đánh xe biết được câu chuyện này đã vô cùng cảm động trước tấm lòng bao dung của vị tể tướng.
Thật trùng hợp, người đánh xe lại là người ở biên cương, nên có mối quan hệ bạn bè rộng rãi ở đó. Một lần tình cờ gặp xe ngựa chở tin tình báo ở biên giới, anh đã lặng lẽ đi theo để hỏi thăm. Sau đó, anh ta đã hỏi thăm được tin tức người Hung Nô sắp xâm chiếm đất nước, anh ta lập tức về phủ báo cho tể tướng, đồng thời cũng đưa ra một số đề nghị.
Tể tướng báo cáo chuyện này với hoàng đế, không những được khen ngợi là người tài trí mà tin tức này đã giúp ích cho đất nước rất nhiều.
Trong Thái Căn Đàm đã viết: “Trong thiên hạ, lùi một bước chính là cảnh giới cao nhất, lùi một bước chính là trí tuệ; khoan dung với người khác là phúc lành.”
Những người có tư tưởng cởi mở sẽ đối xử với người khác bằng tấm lòng bao dung và lòng trắc ẩn, điều này không chỉ giúp ích cho người khác mà còn giúp họ đạt được thành tựu.
Người có lòng bao dung thì sẽ nhận được sự tôn trọng và tình yêu của người khác, vì một trí tuệ vĩ đại nhất thường không thể tách rời khỏi sự hào phóng của chính mình. Bởi có thể khoan dung với người khác chính là gieo vận may cho chính mình, điều này không chỉ mang lại cho bạn sự may mắn mà còn giúp bạn tích lũy ngày càng nhiều phúc lành.
3. Sống tử tế với người khác
Trong “Thái thượng cảm ứng thiên” đã viết: “Sở vi thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi, phúc lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, thần linh vệ chi, sở tác tất thành, thần tiên khả ký”, nghĩa là “Người được xem là thiện lương thì ai ai cũng kính trọng. Trời giúp đỡ họ. Phúc lộc đi theo bên họ. Mọi tà ác sẽ tránh xa họ, vì họ được thần linh bảo hộ, làm gì ắt sẽ thành công.”
Lòng tốt là sự lựa chọn của mỗi người, là đức tính tốt đẹp nhất của con người, nó sẽ mang lại cho bạn phúc khí tốt, từ đó phước lành và giàu có cũng sẽ đến.
Có một câu chuyện về nhà thơ nổi tiếng Tô Thức khi lần đầu tiên trở thành quan chức với tư cách là vị quan thẩm phán ở Thiểm Tây. Khi đó, vị Thái Thú Trần Hi Lượng của Thiểm Tây không thích Tô Thức, ông cho rằng Tô Thức chỉ là một học giả dựa vào quyền lực để làm quan.
Một năm nọ, Thiểm Tây xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng, người dân phải di dời và chết đói khắp nơi. Khi Tô Thức và Trần Hi Lượng cùng nhau đi kiểm tra, họ nhìn thấy một đứa trẻ sắp chết đói bên đường, Tô Thức đã bật khóc và chôn đứa trẻ. Sau đó, Tô Thức còn tổ chức gây quỹ từ thiện, xây nhà cho bốn mươi đứa trẻ mồ côi và tự mình nuôi nấng chúng.
Tấm lòng nhân ái của Tô Thức đã làm thay đổi suy nghĩ của Trần Hi Lượng, ông cho rằng Tô Thức là một người xứng đáng với tình bạn sâu sắc.
Nhiều năm sau, Tô thức bị giáng xuống Hoàng Châu vì “Vụ thơ Ngũ Đài”, tình cờ mà vị quan ở đây lại là Trần Tháo, con trai của vị Thái Thú Trần Hi Lượng. Trần Tháo đã nghe nói về lòng tốt của Tô Thức từ lâu, anh đã nhiệt tình giúp đỡ Tô Thức và họ trở thành bạn tốt của nhau. Vì những phần thưởng mà lòng tốt mang lại, Tô Thức đã trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời một cách bình yên.
Lòng tốt không nhất thiết là làm những việc tốt lớn lao mà đôi khi chỉ đơn giản là sưởi ấm người khác bằng những hành động yêu thương, đồng thời đối xử tử tế với chính mình.
Sống tử tế là tiêu chuẩn quan trọng nhất của một người, đó cũng là dấu hiệu tốt nhất để bạn có thể trở thành một người may mắn.
Vẻ ngoài cao quý của một người không phải đến từ vẻ đẹp bên ngoài mà nó đến từ thái độ sống của chính người đó.
Khi bạn có thể làm mọi việc một cách bình tĩnh, cởi mở và có một trái tim giàu lòng nhân ái, bạn sẽ thấy rằng cảnh giới của chính mình đang ngày càng cao hơn, toàn bộ con người bạn sẽ toát lên vẻ cao thượng từ trong ra ngoài, một vẻ đẹp thuần thiện và trong sáng, hy vọng bạn và tôi đều sẽ có một kiếp nhân sinh đẹp đẽ và đáng giá như vậy!
Thùy Dung biên tập
Nguồn: 163