Tại sao cổ nhân dạy: “Biết rõ mà không hỏi là tu dưỡng, nhìn thấu mà không nói là trí tuệ”?
Biết rõ mà không hỏi, sẽ tránh làm tổn thương người khác. Nhìn thấu mà không vạch trần sẽ giúp bạn tránh được tai họa ập đến. Trong giao tiếp, chỉ cần bạn giữ cho mình một khoảng im lặng thích hợp sẽ khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn. Đó chính là một loại thiện, cũng là một loại trí tuệ, là tu dưỡng tốt nhất của một người.
Nếu có ai đó ở bên cạnh bạn và cố gắng tìm hiểu tận cùng mọi thứ của bạn thì khi đó bạn có cảm thấy rắc rối không? Một cuộc trò chuyện bình thường giữa những người bạn có thể thúc đẩy mối quan hệ một cách hiệu quả, nhưng cố ý hỏi các vấn đề riêng tư thì tình bạn sẽ sớm lụi tàn.
Khi bạn thấy người khác buồn, đừng rắc muối vào vết thương của họ; Biết người khác có bí mật không thể nói ra, không nên phơi bày vết thương của họ trước công chúng; Sốt sắng hỏi đến cùng là khoe khoang bản thân, trí tuệ chân chính là biết mà không hỏi, nhìn thấu mà không nói.
1. Sự tu dưỡng tốt nhất là biết mà không hỏi
Cách đây một thời gian, tôi đã nghe một câu chuyện từ một người bạn. Bạn thân của bạn tôi, Tiểu Linh, bị thiếu vốn trong công ty do một số sự cố kỹ thuật, vì bản thân Tiểu Linh không đề cập đến điều này với gia đình và bạn bè, nhưng mọi người đều biết rằng đây không phải là điều vinh quang, vì vậy ai cũng đều ngầm hiểu trong lòng.
Vài ngày sau, Tiểu Linh nói dối rằng cô cần gấp một khoản tiền để sửa sang nhà cửa và mượn tiền từ bạn bè. Bạn bè cũng không vạch trần Tiểu Linh, nói rằng gia đình họ tình cờ có tiền cho cô vay.
Sau đó, quỹ của công ty Tiểu Linh được cải thiện, và Tiểu Linh cũng đã trả lại tất cả số tiền còn nợ cho mọi người, khi mọi người tập trung ăn tối, Tiểu Linh đã nói sự thật với mọi người, nhưng tất cả đều cười và nói: “Cô gái ngốc nghếch, chúng tôi đã biết về việc của bạn, bạn sẽ không phải chịu đựng nỗi buồn một mình đâu, mọi người sẽ ở bên cạnh bạn”.
Nghe mọi người nói vậy, Tiểu Linh trở nên thoải mái và hạnh phúc, sau đó quan hệ giữa mọi người trở nên thân thiết hơn trước.
Biết một người có những bí mật không thể nói ra và không hỏi quá nhiều chính là phản ánh sự tu dưỡng của bản thân, đó không chỉ là sự tôn trọng người khác mà còn là sự tử tế trong cách cư xử với người khác.
Vì đôi khi, người ta thường thích thể hiện khía cạnh xuất sắc và hoàn hảo của mình với người khác, kể cả với người thân nhất, họ luôn thích báo tin vui chứ không muốn báo tin xấu nên sẽ tạm thời che giấu sự thật của mình.
Biết người ta không muốn nói, biết người ta khó khăn, trắc trở mà mình không muốn vạch trần ra, và lại cũng tận lực trợ giúp, đây là sự tu dưỡng hiếm có. Đôi khi, lựa chọn im lặng là lòng tốt của con người. Đó là một loại trí tuệ trong cuộc sống: nhìn thấu nhưng không nói thấu.
Có câu chuyện về một cô gái xuất thân nghèo khó, mẹ cô làm nghề bán hoa quả, nhưng cô gái mới lớn mặc cảm với nghề của mẹ nên mỗi khi các bạn trong lớp hỏi về nghề nghiệp của mẹ, cô gái luôn tránh nói về việc này.
Về sau, bạn học trong lớp biết mẹ cô gái bán hoa quả ở cổng trường, nhưng họ không bình luận gì về cô gái, cũng không ai nói thẳng vào mặt cô sự thật hay cười nhạo cô gái, và không ai hỏi nghề nghiệp của mẹ cô gái nữa.
Sau này khi cô gái lớn lên, trúng tuyển đại học, có công việc của riêng mình, điều kiện gia đình cũng khá hơn rất nhiều, mẹ cô gái không còn phải đi bán hoa quả kiếm sống nữa.
Trong buổi họp lớp nhiều năm sau đó, mọi người bàn tán xôn xao về sự việc này, cô gái đã thẳng thắn thú nhận sự nghiệp của mẹ mình, đồng thời cảm ơn các bạn cùng lớp đã không tiếc lời đã bảo vệ lòng tự trọng mong manh của cô khi đó và giúp cô có được thành công như bây giờ.
Có lẽ nhìn thấu và vạch trần là bản năng của con người, nhưng có thể nhìn thấu mà không nói gì chính là một loại trí tuệ trong cuộc sống.
Người khôn ngoan thực sự không phải là người có đầu óc phóng khoáng mà là họ biết thấu hiểu nỗi buồn của người khác, đồng thời họ cũng biết không hạ thấp người khác ở nơi công cộng và giữ vững lòng tự trọng cho người khác.
Có câu nói rằng: “Sự quan tâm thực sự không phải là lời chào hỏi hời hợt mà là sự nhiệt tình trong từng chi tiết.” Một chi tiết nhỏ cũng đủ làm ấm áp một trái tim của người khác và đủ để người nhận tôn trọng bạn.
Cuộc đời con người sẽ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, sẽ luôn gặp đủ mọi thăng trầm, cũng sẽ gặp những lúc cơ cực, lúc này điều họ cần không phải là những khoản quyên góp, từ thiện hoành tráng mà là cách đối xử với họ với một tâm thái ấm áp, nếu có thể hãy giúp đỡ họ một cách chân thành nhất.
Có câu nói rằng: “Nói được là có năng lực, không nói là trí tuệ, nhưng trầm mặc đúng lúc lại khiến cho người khác cảm thấy dễ chịu hơn”. Khi người khác rơi vào tình huống khó xử, giữ im lặng chính là lòng tốt lớn nhất mà một người có thể làm.
2. Nhìn thấu mà không nói là trí tuệ
Dương Tu vốn là một mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo, học rộng hiểu cao, là người có tài, xuất thân danh giá. Tuy nhiên ông lại tỏ ra thông minh hơn người, hiểu rõ tâm ý của Tào Tháo nên cuối cùng đã chuốc họa vào thân.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có viết về những chuyện Dương Tu làm Tào Tháo bực mình. Ví như một lần nọ, Tào Tháo sai người xây dựng một vườn hoa. Khi công việc xong, Tào Tháo đến xem, không nhận xét gì, chỉ lấy bút viết lên cửa vườn một chữ Hoạt.
Dương Tu trông thấy bèn nói thợ phá cái cửa đi và làm lại nhỏ hơn. Có người hỏi thì Dương Tu nói đó chính là ý của Tào Tháo, rồi chỉ ra rằng, chữ Hoạt mà Tào Tháo lại viết ở ngay cửa vườn thì thành ra chữ Khoát, mà chữ Khoát nghĩa là rộng, vậy ở đây có thể hiểu là cửa rộng quá, nên cho phá đi làm lại. Tào Tháo biết được việc này thì ngoài mặt tỏ ra hài lòng, nhưng lại có phần không vui, vì bị Dương Tu đọc được suy nghĩ của mình.
Có một câu chuyện nữa, lần đó Tào Tháo đem quân chặn đánh Lưu Bị nhưng đánh thua liểng xiểng nên phải hạ trại cố thủ. Tình hình càng về lâu quân Tào càng bất lợi nên Tào Tháo đã có ý muốn rút quân nhưng lại sợ mất mặt trước quần thần. Đúng lúc đang phân vân không biết nên tiến lui thế nào thì đại tướng của Tào là Hạ Hầu Đôn cũng đang rất nóng lòng vào xin chỉ thị.
Lúc đó Tào Tháo lúc đó đang gặm chân gà bỗng dừng lại trầm ngâm một lúc rồi tặc lưỡi: “kê lặc, kê lặc”.
Thấy khẩu lệnh lạ lùng Hạ Hầu Đôn cũng không dám hỏi thêm bởi lại sợ Tể Tướng nghĩ mình kém hiểu biết. Trên đường trở về trại, chợt nghĩ ra Dương Tu là mưu sĩ có biệt tài đoán ý Tào Tháo, ông nhanh chóng chạy đến xin ý kiến Dương Tu.
Sau khi nghe ông trình bày Dương Tu lấy làm khoái chí : “Chủ công nói kê lặc có nghĩa là gân gà, mà gân gà là thứ ăn không được, bỏ thì tiếc. Ý của chủ công là trận đánh này giống như miếng gân gà vậy, đánh thì không được mà lùi thì lỡ dở, nhưng gân gà ăn không được thì cũng đành phải nhả đi thôi chứ làm thế nào. Vậy nên tướng quân nên về chuẩn bị gói ghém đồ đạc, chắc chỉ nội trong vài ba hôm nữa là sẽ có lệnh lui quân”.
Hạ Hầu Đôn nghe Dương Tu nói chí lí nên về ra lệnh cho ba quân rục rịch chuẩn bị tháo trại. Sau khi Tào Tháo biết được Dương Tu nắm rõ suy nghĩ của mình thì rất tức giận và muốn giết Dương Tu.
Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Dương Tu cùng Tào Thực say rượu đi qua Tư Mã môn, do quá say nên đã hạ nhục bộ hạ của Tào Chương. Việc này được trình lên, Tào Tháo mượn cớ Dương Tu tự cao tự đại, để lộ quân cơ mà ra lệnh xử tử Dương Tu.
Lão Tử nói: “Thời nay, kẻ thông minh sâu sắc sở dĩ gặp nạn là do hay chê cái sai của người. Kẻ giỏi hùng biện thông hiểu sự việc gặp hoạ liên miên là do hay vạch ra cái xấu của người. Là bậc làm con đừng cho là mình cao, là bậc bề tôi đừng cho là mình hơn.”
Trang Tử nói: “Dại cũng chết mà khôn cũng chết, biết mới sống. Biết chính là tuệ giác. Biết tùy lúc, tùy thời, ứng xử nhịp nhàng chính là minh triết trong cuộc sống mà mỗi người cần phải thực tập để thành tựu”.
Người xưa có câu: “Họa từ miệng mà ra”, đôi khi nhìn thấu nhưng không cần nói hết lời, hãy giữ lại cho người khác một chút tôn nghiêm, bạn sẽ tránh được sự ghen ghét đố kỵ từ người khác. Không phê bình ác ý chính là chân thiện của con người, không tùy tiện phán xét người khác là học vấn cao nhất của đời người.
Thùy Dung biên tập
Nguồn: aboluowang (Tống Vân)