Vì sao công chúa bị phò mã bạo hành nhưng Hoàng đế lại không trừng phạt con rể?
“Say rượu đập cành vàng” là một vở diễn cổ trang rất nổi tiếng của Trung Quốc, kể về câu chuyện của một người đàn ông, phải chịu nhún nhường vợ nhưng sau khi uống rượu say đã đánh vợ rất tàn bạo.
Tuy nhiên, vụ bạo hành gia đình này nổi tiếng vì hai nhân vật chính có thân phận đặc biệt, nam chính là Phò mã, còn nữ chính là Công chúa, con gái của Hoàng đế. Chuyện bạo hành gia đình kiểu này nghe khó tin, hậu quả tưởng chừng rất nghiêm trọng nhưng cái kết của “Say rượu đập bể cành vàng” lại kết thúc có hậu.
Trên thực tế, “say rượu đập cành vàng” không phải là bịa đặt mà là câu chuyện nguyên mẫu từ lịch sử. Công chúa Thăng Bình, con gái của Đường Đại Tông và con trai của Quách Tử Nghi là Quách Ái.
Sở dĩ “say rượu đập bể cành vàng” nổi tiếng không chỉ là thân phận đặc biệt của nam chính, nữ chính, mà quan trọng hơn, nó còn thể hiện sự khôn ngoan chính trị và cách lấy lòng của người cầm quyền và thừa tướng – Đường Đại Tông và Quách Tử Nghi.
Vào thời kỳ cuối của Hoàng đế Huyền Tông của nhà Đường, cuộc nổi dậy của An Sử, sự xâm lược của Thổ Phiền và các kẻ thù ngoại bang khác đã làm cho nhà Đường gần như diệt vong.
Giữa lúc khủng hoảng này, Quách Tử Nghi xuất hiện, đầu tiên ông dẹp yên cuộc nổi loạn An Sử, sau đó dẫn quân đi thu phục một số thành trì quan trọng. Tiếp theo, Quách Tử Nghi trước tiên dùng chiến thuật buộc người Thổ Phiền phải rút lui, sau đó thuyết phục người Hồi, và cuối cùng đánh bại Thổ Phiền.
Quách Tử Nghi được Đường Đức Tông gọi là Thượng Phụ vì những thành tích lừng lẫy của ông trong việc bình định cuộc nội chiến và đánh lui giặc ngoại bang. Quách Tử Nghi có một người con trai tên là Quách Ái, cũng trạc tuổi công chúa Thăng Bình, nên hoàng đế đã định ước cho công chúa kết hôn với Quách Ái.
Lẽ ra Quách Ái rất hạnh phúc khi cưới được công chúa, nhưng vì công chúa từ nhỏ đã được chiều chuộng, luôn mất bình tĩnh, thường xuyên gây ồn ào với vợ chồng Quách Tử Nghi, điều này khiến Quách Ái rất khó chịu.
Con dâu trong gia đình bình thường là phải hành lễ đối với phụ thân trong nhà, nhưng Quách phu nhân là công chúa, cho nên trong nhà họ Quách, cha mẹ chồng lại phải hành lễ với công chúa.
Tất cả những điều này khiến Quách Ái rất không hài lòng, nên có lần, sau khi uống thêm vài ly rượu, Quách Ái đã mượn rượu để yêu cầu công chúa tuân theo luật nữ nhi, nhưng công chúa không thèm quan tâm, vì vậy Quách Ái nổi giận đánh cho công chúa một trận, nói: “Nàng đừng tưởng cha làm Hoàng đế thì có thể cậy mình hiếp người! Phụ thân ta là Quách Tử Nghi cũng có thể làm Hoàng đế, chỉ là không muốn mà thôi!“.
Công chúa tức giận mà khóc lóc, chạy vào cung tố giác với Đường Đại Tông. Đường Đại Tông nghe chuyện, nói với công chúa: “Sự thực chính là thế! Giả dụ Quách Tử Nghi làm Hoàng đế, để xem con còn có thể hống hách được nữa không?”.
Quách Tử Nghi biết chuyện, bèn lôi Quách Ái trói lại vào điện thỉnh tội. Nhưng Đại Tông nghe xong chuyện không những không trách phạt chàng rể, và nói với Quách Tử Nghi rằng chuyện vợ chồng hãy để hai đứa tự giải quyết! Trên thực tế, Quách Ái với tư cách là Phò Mã mà tức giận đánh công chúa không những vậy còn nói những lời “đại nghịch”, tội ấy lẽ ra phải bị chém đầu.
Tuy nhiên, Đường Đại Tông biết rất rõ Quách Tử Nghi quan trọng như thế nào đối với Đế quốc đại Đường, vì vậy ông đã chọn cách bỏ qua chuyện này, thà rằng để Thiên uy hao tổn còn hơn để quân thần ly tâm, mà đây cũng chính là điều một vị anh quân nên làm, có dũng khí đưa ra quyết phạt, nhưng cũng phải có ý chí “hải nạp bách xuyên” của một bậc Đế vương.
Nguyệt Hòa
Theo sound of hope