Tục ngữ có câu: “Tuổi trẻ nhìn mắt, trung niên nhìn miệng” có đúng không?
Có câu nói: “Tuổi trẻ nhìn mắt, trung niên nhìn miệng”, nhìn vào mắt và miệng rốt cuộc có thể biết được điều gì?
Người ta nói nhân sinh là vô thường, mỗi người ai cũng phải trải qua những điều phúc, cát, hung, và sinh, lão, bệnh, tử. Thân thể chúng ta chứa đựng linh hồn, nó cũng là nguồn gốc của đau khổ và niềm vui. Bởi vì sự khác biệt trong thân xác thịt này mà vận mệnh của mỗi người cũng khác nhau.
Tuy nhiên, người xưa phát hiện ra rằng lời nói, việc làm và ngoại hình của một người có mối liên hệ mật thiết với cá tính của người đó, chẳng hạn: “Khi tuổi còn trẻ nhìn vào mắt, lúc tuổi trung niên nhìn vào miệng”. Nghĩa là khi bạn nhìn trẻ em và thanh niên, hãy nhìn vào mắt họ. Khi nhìn một người đàn ông trung niên, hãy nhìn vào miệng của họ, từ hai góc độ khác nhau của mắt và miệng, có thể cơ bản nhìn ra được những bí mật của đối phương.
Tuổi trẻ nhìn mắt
Tục ngữ có câu: “Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão”, có nghĩa là từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ, ta có thể đại khái nhìn thấy tương lai của một đứa trẻ. Nhìn thế nào Chính là cần nhìn vào mắt của đứa trẻ.
Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chúng ta có thể nhìn những đứa trẻ xung quanh mình, có đứa có đôi mắt trong sáng, thông minh, có đứa lại có đôi mắt lờ đờ, đần độn. Chỉ cần nhìn vào đặc điểm này là bạn có thể nhận biết được tương lai của đứa trẻ.
Bởi vì đứa trẻ có đôi mắt linh động chắc chắn phải có tính cách vui vẻ, đầu óc thông minh, còn đứa trẻ có đôi mắt lờ đờ, chậm chạp thường có tư duy và phản ứng chậm.
Đến khoảng 20 tuổi, tinh thần và cá tính của một người về cơ bản đã hoàn thiện, lúc này đôi mắt đã có thể phản ánh những mặt chân thật nhất của con người nên người ta nói “hãy nhìn vào đôi mắt khi còn trẻ” bởi vì đôi mắt thường là một phản ánh cuộc sống của một người.
Tuổi trung niên nhìn vào miệng
Người xưa đã nói: “Thật giả nhìn mặt, thành hay bại nhìn vào miệng”. Trong lịch sử, có vô số người chỉ vì biết ăn nói mà nổi tiếng, cũng có vô số người thất bại vì không quản được cái miệng của mình.
Ăn thì có thể ăn nhiều thứ, nhưng nói thì không thể nói loạn, nếu ăn không đúng thì nhiều nhất là chỉ làm tổn thương chính mình, nhưng nếu nói sai thì rất có thể sẽ làm tổn thương người khác, gây rắc rối về sau, đây gọi là họa đến từ miệng mà ra. Người xưa có câu: “Ba năm học nói, nhưng cả đời học cách im lặng”.
Con người khi đến tuổi trung niên nhất định phải có khả năng kiểm soát được cái miệng của mình, việc đầu tiên là ăn, ăn uống có liên quan đến sức khỏe thân thể. Tăng cân ở tuổi trung niên là quy luật phổ biến. Tại sao lại béo lên ở độ tuổi này? Phần lớn nguyên nhân là họ không thể kiểm soát được miệng mình, béo phì là do ăn uống.
Thứ hai là quản lý tốt cái miệng khi nói, không có nghĩa là phải im lặng mà là biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói, nói phải phù hợp với tình huống, hoàn cảnh, đến tuổi trung niên bạn không còn có thể nói chuyện thoải mái như khi còn trẻ nữa, đây gọi là sự trưởng thành của tuổi trung niên.
Đăng Dũng biên dịch
Nguồn: secretchina (Lan Khắc)