Hai người phụ nữ cung Bắc Tống sinh cùng ngày, sao khi chết người mùi thơm người mùi xú uế
Vào tháng 12 năm Tuyên Hoà thứ 7, quân Kim mở cuộc xâm lược nhà Bắc Tống (tháng1/1126). Trong tình thế nguy cấp, Tống Huy Tông Triệu Cát đã truyền ngôi cho Thái Tử Triệu Hoàn (tức Hoàng đế Tống Khâm Tông sau này) và thăng vị thành Thái Thượng Hoàng.
Thời điểm ấy, trong chốn hậu cung có hai vị phi tần cùng mang họ Lưu, các cung nhân đều gọi họ là “Lưu nương tử”. Số phận của hai người cũng thật trớ trêu, cùng tên và cùng nhau chết chung một ngày; tạo nên những giai thoại ly kì, hấp dẫn. Văn nhân Hà Vĩ của Tống triều đã chép lại câu chuyện này một cách chi tiết trong quyển “Xuân chử kỉ văn”.
Trong hai vị phi tần họ Lưu, có một người đã ở tuổi ngũ tuần, tính tình tỉ mỉ và cẩn thận. Vào tuổi trung niên, bà bắt đầu trai tịnh, ăn chay niệm Phật. Mỗi ngày trôi qua, bà đều cố gắng tận dụng tối đa thời gian để đọc các loại kinh văn nhà Phật. Vì thế, mọi người thường cung kính gọi bà là “Khán kinh Lưu nương tử”.
Vị còn lại thì tuổi đời trẻ hơn, nàng vốn là cung nữ trong phủ của Tống Huy Tông khi ông còn giữ chức Đoan Vương. Khi Huy Tông lên ngôi Hoàng đế, nàng Lưu thị cũng nhập cung và trở thành phi tần rất được sủng ái, mỗi ngày nàng đều kề cận bên nhà vua.
Nàng có tài nghệ nấu nướng rất giỏi, Huy Tông muốn ăn món gì, nàng đều bỏ tâm huyết vào chế biến món đó. Nàng Lưu thị chăm sóc phu quân tận tình và chu đáo, khiến Huy Tông càng yêu chiều nàng hơn. Mọi người trong cung thấy thế liền gọi nàng là “Thượng thực Lưu nương tử”.
Nhưng có điều, “Thượng thực Lưu nương tử” là người thích lấy việc gây tai hoạ làm niềm vui, tỏ ra hoan hỉ khi vạch trần đời sống ẩn tư của kẻ khác.
Một ngày nọ, có một tiểu cung nữ nhất thời chưa biết hết phép tắc đã làm cho Thái Thượng Hoàng Triệu Cát nổi giận. Sợ bị Thái Thượng Hoàng giáng tội, tiểu nữ ấy đã tìm gặp riêng “Thượng thực Lưu nương tử” để cầu xin chủ tử nói đỡ cho mình, và Lưu Thị cũng đã đồng ý. Cuối cùng, “Thượng thực Lưu nương tử” không những không giúp đỡ mà còn khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Tiểu cung nữ uất ức, liền lấy giấy bút ra viết: “Ta sẽ tố cáo ngươi lên Thiên Đế” rồi đốt đi. Sau đó, tiểu nữ ấy đã treo cổ tự vẫn. Điều kỳ lạ đã xảy đến, chưa đầy một tháng sau, cả hai vị “Lưu nương tử” đều cùng qua đời vào ngày 3 tháng 5.
Đến khi làm lễ nhập quan, các vị thái giám tiến hành nghi thức đưa thi thể của hai vị “Lưu nương tử” vào trong quan tài. Thi thể của “Thượng thực Lưu nương tử” được khiêng đi trước, nhưng vừa nhấc lên thì đầu của nàng ta đã rơi xuống đất. Các cung nhân nhìn kỹ thì thấy giòi bọ lúc nhúc bu kín, thi thể trong vài ngày đã thối rữa nhanh chóng, mùi tử khí bốc lên khiến ai nấy đều hoảng sợ và không dám đến gần.
Về phần “Khán kinh Lưu nương tử”, khi các cung nhân mở tấm chăn đang phủ trên thi thể bà, một hương thơm ngào ngạt toả ra từ chiếc áo quan. Cuộc đời bà một lòng hướng Phật, tu dưỡng tâm tính, nên khi thác xuống, bà nằm đó chỉ như đang ngủ, sắc diện vẫn hồng hào như người còn sống.
Các thái giám, cung nữ, cung nhân chứng kiến 2 cảnh tượng kỳ lạ ấy thì kinh người, liền quỳ rạp xuống lạy bái Thượng Thiên: “Đúng là thiện ác hữu báo, Trời cao đã an bài sự tình này để cảnh tỉnh chúng ta, nhất định phải coi đây là tấm gương ước thúc chính mình làm người lương thiện”.
Qua đây chúng ta rút ra được một điều, cái chết không hề đáng sợ, quan trọng là khi thác sinh rồi sinh mệnh sẽ đi về đâu? Nếu con người sống một lòng thanh bạch, cung kính Trời đất, hiếu thuận mẹ cha, yêu thương đồng loại thì khi chết đi sẽ được lên Thiên đàng.
Nhưng một người khi còn sống mà đạo đức băng hoại, bất nghĩa bất nhân, ma tính đại phát thì khi chết đi chắc chắn nguyên thần sẽ bị đoạ xuống địa ngục chịu tội khổ để trả hết thảy nghiệp lực. Đó chính là sự khác biệt rất lớn!.
Viên Minh biên dịch
Nguồn: soundofhope