Văn hóa

Giáo huấn cổ nhân: Mang một chữ ‘Nhẫn’ có thể đi khắp thiên hạ

Giữa cha với con mà không có nhẫn nhịn thì trong nhà sẽ mất đi đứa con ngoan, anh em không nhẫn nhịn với nhau sẽ không còn yêu thương kính trọng, bạn bè không nhẫn nhịn lẫn nhau sẽ mất đi nghĩa khí, vợ chồng không nhẫn nhịn lẫn nhau sẽ có nhiều tranh cãi…

Mang một chữ Nhẫn thì có thể đi khắp thiên hạ, mang một chữ Nhẫn thì có thể kết được bang giao, Nhẫn được đạm bạc có thể hàm dưỡng tinh thần, Nhẫn được cơ hàn có thể làm ra của cải, Nhẫn chịu khó khăn cần cù lao động sẽ được dư giả, Nhẫn được hoang dâm thân vô bệnh tật.

Tứ đại đồng đường, tức bốn thế hệ cùng chung sống trong một nhà đã được coi là biểu tượng của kiếp nhân sinh phúc thọ vẹn toàn, thế nhưng trong lịch sử còn có một gia tộc chín thế hệ với chín trăm người ở cùng một nhà chung sống hòa thuận. Điều gì đã làm nên được kỳ tích cửu đại đồng đường này?

Công phu ở một chữ “Nhẫn”

Trong sách ‘Cựu Đường thư’ ghi chép rằng, có một ông lão ở huyện Thọ Trương tỉnh Sơn Đông, tương truyền rằng ông là hậu duệ đời thứ 26 của danh thần Trương Lương thời nhà Hán. Ông sinh vào thời Nam Bắc triều, mất vào thời Đường, thọ 99 tuổi, cuộc đời trải qua ba triều đại với gia tộc có chín thế hệ chung sống cùng nhau.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Trương Công Nghệ là một người bình dân. Tổ tiên ông vốn tiếp thụ sâu sắc lý niệm tề gia “Nhẫn, Nghĩa, Lý, Nhượng” của Nho gia nên gia phong đời đời hiền đức, cháu con ngày càng đông đúc, các thế hệ sau không tách rời gia đình, không lập hộ riêng, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, chị em dâu hòa hợp, trưởng ấu hữu tự.

Đến đời của Trương Công Nghệ gia đình trên dưới đã có chín thế hệ, chín trăm người sống chung một nhà, hòa thuận vui vẻ. Ngần ấy người sống chung một nhà làm sao tránh khỏi những va chạm xích mích hay những chuyện vụn vặt? Thế nhưng từ nhỏ Trương Công Nghệ đã tiếp thụ gia huấn của tổ tiên bằng một chữ Nhẫn, ông lấy Nhẫn làm đạo lý, cũng là nguyên tắc hàng đầu cho chín thế hệ cùng sống chung.

Ông nói với mọi người trong gia tộc rằng: “Giữa cha với con mà không có nhẫn nhịn thì trong nhà sẽ mất đi đứa con ngoan, anh em không nhẫn nhịn với nhau sẽ không còn yêu thương kính trọng, bạn bè không nhẫn nhịn lẫn nhau sẽ mất đi nghĩa khí, vợ chồng không nhẫn nhịn lẫn nhau sẽ có nhiều tranh cãi… Mang một chữ Nhẫn thì có thể đi khắp thiên hạ, mang một chữ Nhẫn thì có thể kết được bang giao, Nhẫn được đạm bạc có thể hàm dưỡng tinh thần, Nhẫn được cơ hàn có thể làm ra của cải, Nhẫn chịu khó khăn cần cù lao động sẽ được dư giả, Nhẫn được hoang dâm thân vô bệnh tật…”

Việc đặt chữ Nhẫn lên hàng đầu đã tạo nên những cảnh tượng mà ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ tán thán. Gia tộc họ Trương với gần ngàn người, mỗi ngày đến giờ ăn cơm thì gõ kẻng tập hợp mọi người lại quây quần bên nhau, ghế trên cho người già, nam nữ riêng biệt, trẻ nhỏ có chỗ ngồi riêng. Mọi người tôn kính nhường nhịn lẫn nhau, kính già yêu trẻ. Người già nhân từ, người trẻ cung kính, trong ngoài nhân ái chan hòa dùng lễ mà đối đãi, gia đình vui vẻ hòa thuận.

Bầu không khí chan hòa này thậm chí còn tác động đến cả những vật nuôi trong nhà. Đến giờ ăn của trăm con chó trong nhà, nếu thiếu đi một con thì những con còn lại sẽ không ăn mà chờ đến con chó vắng mặt kia quay trở về rồi mới cùng nhau ăn. Cảnh tượng thật ngoạn mục và độc đáo! Mãi đến bây giờ người ta vẫn còn lưu truyền câu nói “Đàn chó nhà Trương Công Nghệ nếu thiếu một con thì chúng sẽ không ăn”.

Gia hòa vạn sự hưng, đức hạnh của Trương gia cao nên tài phúc cũng nhiều. Khi người ngoài đến vay tiền, mượn thóc, mượn gia súc, Trương gia để họ có thì trả, không có cũng không ép phải trả, lần kế tiếp lại đến mượn vẫn cho mượn, không tiếc tài vật giúp đỡ họ. Đôi lúc con cháu trong nhà cảm thấy bất mãn, Trương Công Nghệ bèn dạy rằng: “Nếu ai cũng đều được như chúng ta cái gì cũng có thì họ còn đến cầu cạnh chúng ta làm gì?”

Đạo lý nhân luân “phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, phu chính phụ thuận, cô uyển tức thính” (cha nhân từ con hiếu thuận, anh hữu hảo em cung kính, chồng chính nghĩa vợ nhu thuận, mẹ chồng hiền đức con dâu vâng lời) của Trương gia đã khiến các thành viên trong gia đình thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp đỡ nhau hành xử mọi việc một cách công bình hữu lý. Mỗi người đối xử với cha mẹ người khác cũng đều giống như đối với cha mẹ của mình, quan tâm chăm sóc con cái của khác cũng giống như chăm sóc con cái của chính mình.

Người xưa nói “trên đầu ba thước có Thần linh”, nghĩa cử Đại Thiện Đại Nhẫn này đã làm cảm động lòng người khắp gần xa, thậm chí chấn động cả thiên đình tam giới.

Trương Công Nghệ là người thời Đường ở Thọ Trương (thành cổ này nay nằm ở phía tây nam huyện Đông Bình, tỉnh Sơn Đông), cửu đại đồng đường, vua Đường Cao Tông từng đến thăm và hỏi ông bí quyết của việc chín thế hệ sống chung hòa thuận. Trương Công Nghệ đã viết hơn một trăm chữ Nhẫn trên giấy làm câu trả lời dâng lên vua. Sau khi ông mất con cháu nhà họ Trương đã dựng nên “Bách Nhẫn Đường” để tưởng nhớ ông.

Khảo nghiệm của thần tiên về chữ “Nhẫn” thứ 100

Dân gian tương truyền rằng, Ngọc Hoàng Đại Đế thấy được cảnh giới ‘Nhẫn’ của Trương Công Nghệ đã vượt xa người thường, có thể Nhẫn được những việc mà người khác không thể, trong một trăm việc xảy đến với mình thì ông đã có thể Nhẫn đến 99 việc.

Để nâng cao cảnh giới Nhẫn của Trương Công Nghệ, Ngọc Đế quyết định khảo nghiệm ông bằng một đề tài khó.

Một hôm vào ngày mà cháu đích tôn của Trương Công Nghệ làm lễ thành hôn, trước cửa nhà chiêng trống rộn ràng, bên trong bày tiệc lớn người ra kẻ vào hết sức náo nhiệt thì có một gã ăn mày lôi thôi lếch thếch đến.

Lão ăn mày nói: “Chúc mừng, chúc mừng, ông trời tác hợp lương duyên. Lão già cổ hủ này có thể dùng bữa cùng các vị khách quý nhà ông không?” Trương Công Nghệ vui vẻ đồng ý, thế là ông lão ăn mày ngang nhiên đi vào trong nhà.

Trương Công Nghệ căn dặn gia nhân chuẩn bị một chỗ ngồi ở bên dưới cho lão ăn mày, không ngờ lão từ chối: “Ngồi bên dưới là thế nào, ta phải lên ngồi phía trên mới được.” Trương Công Nghệ thấy ông lão có phần thô lỗ bèn nói: “Chỗ phía trên đều là những người có thân phận cả, ông ăn mặc thế này ta e là sẽ có chút phiền phức?”

Ông lão ăn mày nói: “Ta ăn vận rách rưới, không có nghĩa ta là người xấu, ăn vận đẹp đẽ cũng không hẳn là người  đức hạnh cao. Một người có hàm dưỡng như Ngài đây, sao lại đánh giá người ta thông qua bề ngoài?” Trương Công Nghệ nghe xong vội chắp tay nhận lỗi với lão ăn mày, lại quay sang thi lễ với quan khách rồi sắp xếp cho lão một vị trí ngồi phía trên.

Sau khi cơm rượu no đủ người cũng đã tản bớt, lão ăn mày vẫn chưa đi, lại nhất định đưa ra một yêu cầu: “Đêm nay ta không đi đâu cả, ta muốn vào phòng tân hôn ngủ, phòng tân hôn này rất thoải mái, để tân lang tân nương đi chỗ khác ngủ.” Mọi người nghe lời lão nói xong vô cùng tức giận, Trương Công Nghệ cũng có phần không nhịn được, liền nói: “Lão tiên sinh này, Ngài sao có thể đưa ra yêu cầu thất lễ như vậy?”

Lão ăn mày cười tủm tỉm đáp: “Nhẫn không được phải không, thế ta gọi ông là Trương Bất Nhẫn nhé. Ta ngủ phòng tân hôn không được sao, kẻ ăn xin hèn mọn này bốn bể là nhà, nơi nào cũng là nhà, cũng không có nơi nào là nhà, ta xem gia chủ có buông cái tâm xuống được không!”

Trương Công Nghệ nghe xong liền quay sang giải thích cho tân lang tân nương và người nhà hiểu. Cũng may người nhà họ Trương đều là những người có đức hạnh cao, gặp sự việc gì trước hết đều nhẫn nhịn, cộng với việc Trương Công Nghệ khuyên nhủ, mọi người nguôi giận, đôi phu thê cũng nhường phòng tân hôn cho lão ăn mày. Lão vào tân phòng ngủ say sưa, cả đêm không có động tĩnh gì.

Ngày hôm sau Trương Công Nghệ đến tân phòng gọi lão ăn mày dậy nhưng không có tiếng đáp trả. Trương Công Nghệ lấy tay vén chăn lên, ông vô cùng kinh ngạc khi không thấy bóng dáng lão ăn mày đâu cả, dưới chăn chỉ có một pho tượng Thái Bạch Kim Tinh đúc bằng vàng. Trước ngực pho tượng còn có câu đối: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự, bách Nhẫn đường trung hữu thái hòa”. (tạm dịch: Cần cù thiên hạ không việc khó, trăm nhịn trong nhà ắt ấm êm)

Sau khi Trương Công Nghệ qua đời, hậu nhân đã dựng nên “Bách Nhẫn Đường” để tưởng nhớ ông.

Cứu vua Đường Thái Tông, được bốn vị hoàng đế của ba triều đại khen thưởng

Gia tộc Trương Công Nghệ từng được bốn vị hoàng đế khen thưởng và thăm hỏi.

Năm 550 sau CN, Bắc Tề Văn Tuyên Đế Cao Dương đã tặng cho gia tộc Trương Công Nghệ bức hoành phi có đề bốn chữ “Ung Mục Hải Tông” (nghĩa là dòng họ lớn hòa thuận); năm 588 sau CN, Tùy Văn Đế Dương Kiên ban biển “Hiếu Hữu Khả Sư”, năm 635 sau CN, Đường Thái Tông Lý Thế Dân khen thưởng, tặng biển “Nghĩa Hòa Quảng Đường”.

Tương truyền những năm cuối triều Tùy tại Tế Ninh tỉnh Sơn Đông, vua Đường Lý Thế Dân bị người của Từ Viên Lãng truy đuổi, Lý Thế Dân xông phá vòng vây mở được con đường theo hướng Tây Bắc để chạy trốn, khi chạy đến cây cầu bắc qua sông tại Trương gia trang ở huyện Thọ Trương thuộc Sơn Đông thì thân bị thương nặng, ngựa của ông mất móng trước khiến ông ngã xuống nước.

Trương Công Nghệ lúc ấy đang luyện võ bên bờ sông thấy có vị tráng sĩ ngã xuống nước, vội kêu mọi người đến cứu, đưa tráng sĩ về nhà. Ông không hỏi danh tính người bị thương mà gọi ngay thầy thuốc đến chẩn trị cho Lý Thế Dân, giúp người tráng sĩ dưỡng trị vết thương, điều dưỡng thân thể. Lý Thế Dân nhờ vậy mà nhanh chóng phục hồi được sức khỏe. Sau khi đăng cơ vào năm Trinh Quán thứ 9, để cảm tạ ân nghĩa của Trương Công Nghệ nhà vua đã tự tay viết lên tấm bảng vàng bốn chữ “Nghĩa Hòa Quảng Đường” rồi đặc phái sứ thần đến Trương gia ban thưởng.

Sứ thần đến đúng lúc Trương Công Nghệ đang tập hợp mọi người để sửa lại cây cầu đá, cũng chính là cây cầu nơi năm xưa Đường Thái Tông bị thương ngã ngựa rơi xuống nước. Sau khi Đường Thái Tông biết chuyện đã hạ chỉ xây dựng cầu đá này thành một cây cầu lớn, lại phái võ tướng Uất Trì Kính Đức giám sát xây dựng. Cầu đá xây xong dài khoảng 60 thước, chiều ngang 6 thước, cao 7 thước. Sau này cầu này được gọi là “Phóng hiền kiều” hay “Cổ hiền kiều”, Trương gia trang cũng vì vậy mà đổi tên thành “Cổ hiền trang”.

Những năm Lân Đức thời Đường Cao Tông Lý Trì trị vì, Cao Tông từng đến nhà Trương Công Nghệ. Hoàng đế muốn thử thách bản lĩnh tề gia của Trương Công Nghệ nên đã tặng ông hai quả lê, nói ông phải chia cho cả nhà cùng ăn. Trương Công Nghệ nhận lê, đưa người nhà bảo dùng cối đá nghiền nát 2 quả lê hòa vào bình nước, sau đó gõ kẻng tập hợp cả gia đình lại rồi mỗi người dùng một ngụm bằng thìa nhỏ, như vậy cả nhà đều được nếm thử lê. Bức họa ghi lại sự kiện này ngày nay vẫn còn được treo trên tường của “Bách Nhẫn đường”.

Cao Tông sau đó đã thỉnh giáo Trương Công Nghệ về đạo tề gia. Trương Công Nghệ bèn viết 100 chữ ‘Nhẫn’ dâng lên Đường Cao Tông và giải thích nội hàm của từng chữ ‘Nhẫn’. Cao Tông cảm động, mắt ngấn lệ, ngự bút đề tặng Trương Công Nghệ câu “Bách Nhẫn nghĩa môn”.

Vì để người trong thiên hạ đều học được mỹ đức “lễ nhượng tề gia” của nhà họ Trương, Đường Cao Tông đã phong cho con trưởng của Trương Công Nghệ là Trương Hy Đạt làm tư nghi đại phu và còn hạ chỉ lệnh cho mười anh em nhà họ Trương phải chia nhau ra mười phương sinh sống. Tháng hai đầu năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627 sau CN) Đường Thái Tông dựa trên điều kiện địa lý và tình huống giao thông của từng nơi mà chia đất nước thành mười khu vực hành chính, tức là “thập đạo”. Rồi yêu cầu mười huynh đệ nhà Trương Công Nghệ phân thực thập đạo, sắp xếp cho họ đến sinh sống ở mười khu vực hành chính đó.

Từ đó gia tộc Trương Công Nghệ chia nhau đi khắp đất nước sinh sống nhằm hoằng dương những mỹ đức cũng như văn hóa Bách Nhẫn của Trương gia. Trước khi mười anh em Trương gia phân thực thập đạo, Trương Công Nghệ đã đập một cái nồi sắt thành mười mảnh, mười anh em mỗi người giữ lấy một mảnh để tương lai sau này dùng làm tín vật đoàn tụ.

Khi Trương Công Nghệ bái kiến Đường Cao Tông đã viết một trăm chữ Nhẫn. Sau cùng ông viết: 忍人仁人任人刃,任人刃人任仁人. Tạm dịch: Nhẫn Nhân Nhân Nhân Nhậm Nhân Nhận, Nhâm Nhân Nhận Nhân Nhậm Nhân Nhân, nghĩa là Nhẫn với người nhân ái với người thì không ai làm hại mình được, hễ ai định hại thì mình lại nhân (trong tiếng Hán cả bốn từ 忍 Nhẫn 人 nhân 仁 nhân 刃 nhậm đều được phát âm khá giống nhau là rěn hoặc rén, nên câu trên sẽ đọc thành rěn rén rén rén rèn rén rèn, rèn rén rèn rén rèn rén rén). Sau này “Bách Nhẫn Ca – Bài ca Bách Nhẫn” mà người của Trương gia soạn ra đã được phổ biến khắp nơi, đến tận thời Minh Thanh vẫn còn là thời kỳ lưu truyền rộng rãi nhất.

“Bách Nhẫn ca, ca Bách Nhẫn, Nhẫn là khí chất của đại nhân, Nhẫn là căn bản người quân tử, có thể Nhẫn mùa hè không nóng, có thể Nhẫn mùa đông không lạnh, có thể Nhẫn cảnh nghèo vẫn vui, có thể Nhẫn thọ mệnh dài lâu, quý không Nhẫn thì khuynh, phú không Nhẫn sẽ mất, không Nhẫn được thì việc nhỏ sẽ hóa lớn, không Nhẫn để làm được việc thiện ắt sẽ có hận thù…”

“Dù chuyện gì đến cũng nhất định phải Nhẫn, việc qua đi vẫn cần phải Nhẫn, đời người không sợ trăm điều Nhẫn, đời người chỉ sợ một lần không Nhẫn, không Nhẫn trăm phúc đều tiêu mất, một chữ Nhẫn thôi mà vạn họa hóa tro tàn”.

 

Lan Hòa biên tập

Nguồn: EpochtimesTV và Chánh Kiến Việt Ngữ

Xem thêm

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *