Trong chữ ẩn Thiên cơ: Xem chữ biết vận mệnh của một người định đoạt bởi 3 phụ nữ
Hán tự có nội hàm tinh thâm, người có thể giải Hán tự sẽ có thể thấu hiểu huyền cơ. Các cao nhân xưa làm cách nào để giải khai chữ Hán? Đó chính là thông qua thuật bói chữ, hay còn gọi là trắc tự.
Câu chuyện cao nhân với lời tiên tri về 3 người phụ nữ
Một ngày, vị võ quan bất ngờ nhận được mệnh vua ban. Thì ra, Thành Tông sai ông mang độc dược đến chỗ vương phi bị phế truất, cũng chính là người mẹ thân sinh ra quốc vương Yên Sơn Quân sẽ nối ngôi sau này.
Vị võ quan không cam tâm tình nguyện, nhưng vì lệnh vua khó trái, anh buộc phải thực thi mệnh lệnh. Đêm ấy trên đường trở về, anh bất cẩn ngã xuống khe núi và may mắn gặp được một bậc Đạo sĩ có tiên phong đạo cốt.
Đạo sĩ nói: “Cuộc sống của cậu được định đoạt bởi ba người phụ nữ. Nữ nhân đầu tiên sẽ chết dưới tay cậu. Nữ nhân thứ hai được cậu cứu sống nhưng cuối cùng lại vì cậu mà chết. Còn nữ nhân thứ ba sẽ hại chết cậu nhưng tương lai lại cứu sống được rất nhiều người”.
Sau đó, Đạo sĩ viết cho vị quan quân ba chữ lần lượt là “Cấm” (妗), “Thuận” (順) và “Hảo” (好).
Thời gian trôi đi và dự ngôn dần dần ứng nghiệm, ẩn đố trong ba chữ cũng bắt đầu được giải khai. Ký tự đầu tiên là chữ “Cấm” (妗), bao gồm “Nữ” (女 – nữ) và “Kim” (今 – nay), nghĩa là ‘nữ nhân ngày hôm nay’, chính là vị vương phi mà quan quân hạ độc dược. Ký tự thứ hai là chữ “Thuận” (順) gồm có “Xuyên” (川 – sông) và “Hiệt” (頁 – đầu), nghĩa là ‘nữ nhân xuất đầu lộ diện bên dòng sông’, đại biểu cho người cung nữ oan khuất bị hạ độc, thi thể nàng bị người ta vứt bỏ bên suối, cũng chính là người vợ tương lai của anh. Còn ký tự thứ ba là chữ “Hảo” (好) gồm có “Nữ” (女 – nữ) và “Tử (子 – con) đại biểu cho con gái của vị võ quan sau này.
Hẳn quý vị đã nhận ra đây là câu chuyện trong bộ phim Hàn Quốc “Nàng Dae Jang Geum”. Nhớ lại lần đầu xem cảnh ấy, tôi vô cùng kinh ngạc: Quả thực, vận mệnh đã có an bài! Xem ra, những chữ tưởng chừng như rất bình thường lại có năng lực biểu đạt mạnh mẽ lạ kỳ.
Đương nhiên, câu chuyện trên chỉ là hư cấu trong phim để tạo nên tình tiết kịch tính mà thôi. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là, chữ Hán có nội hàm thâm sâu, vượt xa hơn nhiều so với những gì triển hiện trên phim ảnh.
Vì sao nói như vậy?
Chuyện về đại sư Tạ Thạch
Thuật “bói chữ”, hay còn gọi là “trắc tự”, là phương pháp dự đoán cát hung lưu truyền từ cổ đại đến nay. Thông thường, bậc cao nhân bói chữ sẽ yêu cầu người đến xem bói tùy ý viết ra một chữ, sau đó người bói chữ sẽ thông qua việc phân tích các thành phần bộ thủ trong chữ, hoặc biến đổi thành một chữ khác, từ đó dự đoán cát hung.
Vào thời nhà Tống, ở Thành Đô có một đại sư nổi tiếng về thuật bói chữ tên là Tạ Thạch. Sau khi đến kinh thành, Tạ Thạch dựa vào việc bói chữ mưu sinh, hết thảy những gì ông nói đều ứng nghiệm khiến bất cứ ai cũng phải thán phục. Theo ghi chép trong “Xuân Chử Kỷ Văn”, danh tiếng của Tạ Thạch càng ngày càng vang xa, truyền đến tai Hoàng đế Tống Huy Tông Triệu Cát. Tống Huy Tông liền viết chữ “Triều” và lệnh cho nội giám mang đi tìm Tạ Thạch bói chữ.
Tạ Thạch cầm chữ lên nhìn một lát, rồi lại xem xét kỹ lưỡng người vừa mang đến. Ông nói: “Chữ này không phải tay anh viết. Tôi bị đày nơi xa, rồi phải lưu lạc đều là vì người đã viết chữ này, tôi không dám nói bừa”.
Nội giám rất kinh ngạc, nói: “Ông hãy căn cứ theo chữ này có gì thì nói nấy, không cần phải e dè”.
Tạ Thạch đáp: “Chữ ‘Triều’ (朝) tách ra là ‘thập nguyệt thập nhật’ (十月十日), nếu không phải Thiên nhân sinh vào ngày này tháng này, thì còn là ai viết đây?”.
Tống Huy Tông sinh vào ngày 5 tháng 5 theo Hoàng lịch năm Nguyên Phong thứ năm, nhưng vì sinh vào tháng 5 vốn không phải là điềm cát tường nên hoàng thất đã đổi thành ngày 10 tháng 10 theo Vũ lịch. Đám đông đứng xem xung quanh nghe Tạ Thạch nói vậy đều kinh ngạc xôn xao bàn tán, còn nội giám thì vội vàng chạy về bẩm báo lên Hoàng đế.
Hôm sau, Tạ Thạch được Hoàng đế triệu vào hoàng cung. Tống Huy Tông lệnh cho các cung nữ và phi tần viết chữ đưa cho Tạ Thạch xem, ông lại lần lượt căn cứ vào từng chữ mà luận bàn, lời nào cũng vô cùng tinh tế thấu triệt. Sau đó, triều đình ban thưởng cho Tạ Thạch và bổ nhiệm ông làm Thừa tín lang. Lần này, danh tiếng của Tạ Thạch lại càng vang xa, trên từ vua quan dưới đến dân chúng, người đến xin bói chữ nườm nượp không ngừng.
Hôm ấy có một vị quan viên đến tìm Tạ Thạch. Vợ ông ta đã mang thai rất lâu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu sinh nở, vì thế ông muốn nhờ Tạ Thạch xem xem là tình huống gì. Tạ Thạch nói: “Ngài muốn bói chữ phải không, vậy hãy cho tôi một chữ xem nào”.
Vị quan viên liền lấy ra tờ giấy, trên đó viết chữ “Dã” (也). Tạ Thạch nhìn chữ rồi đáp: “Chữ này là phu nhân của ngài viết phải không?”.
Quan viên ngạc nhiên: “Ô, vì sao ông biết?”.
Tạ Thạch nói: “Trong các chữ Chi, Hồ, Giả, Dã, chữ ‘Dã’ là trợ từ ngữ khí, do đó tôi biết đó là người vợ hiền nội trợ của ngài viết ra. Hơn nữa, chữ ‘Dã’ (也) bên trên là Tạp (卅 : nghĩa là 30), bên dưới là chữ Nhất (一 : nghĩa là 1), vậy nên tôi biết lệnh phu nhân năm nay 31 tuổi”.
Điều này thật vi diệu, chỉ một chữ mà ngay cả tuổi tác cũng có thể đoán ra! Tuy nhiên, điều thần kỳ hơn vẫn còn ở phía sau…
Tạ Thạch tiếp tục hỏi quan viên: “Chẳng phải ngài vẫn luôn mong được thăng quan tiến chức, đã tiêu tốn không ít công sức nhưng vẫn chưa có được kết quả gì phải không?”.
Quan viên tròn mắt kinh ngạc, Tạ Thạch liền giải thích: “Chữ ‘Dã’ (也) cần phải có thêm chữ ‘Mã’ (馬 – ngựa) mới có thể chạy nhanh (tức chữ ‘Trì’ – 馳: nghĩa là chạy nhanh); cần có thêm chữ ‘Thủy’ (水 – nước) mới có thể mênh mông như ao hồ (tức chữ ‘Trì’ – 池: nghĩa là hồ). Những bộ thủ này đều không có, sao có thể thăng tiến được? Ngoài ra, chữ ‘Dã’ (也) cộng thêm chữ ‘Nhân’ (人) mới có thể trở thành người (tức chữ ‘Tha’ – 他: nghĩa là anh ấy, cậu ấy); cộng thêm chữ ‘Thổ’ (土 – đất) mới trở thành ruộng đất (tức chữ ‘Địa’ – 地: nghĩa là đất). Hai bộ thủ này cũng không có, do đó có thể thấy phu nhân của ngài không có tài sản tích trữ, cha mẹ anh em cũng đều đã qua đời”.
Quan viên gật đầu khen ngợi: “Đúng, đúng, đúng, tất cả đều đúng. Nhưng mà, tiên sinh à, liệu ngài có lạc đề rồi không? Điều tôi hỏi là bao giờ vợ tôi mới có thể sinh cơ mà?”.
Kỳ thực Tạ Thạch ‘lạc đề’ là có mục đích, nếu trước tiên không làm đối phương tín phục thì những lời nói sau này thật không dễ dàng gì. Tạ Thạch nói với viên quan rằng, trong bụng phu nhân không phải em bé mà là xà tinh. Bởi vì chữ “Dã” (也) thêm bộ “Trùng” (虫) là chữ “Xà” (蛇 – con rắn). Nhưng may mắn là không có “Trùng” thì cũng không thành “Xà”, do đó mà không gặp nguy hiểm gì.
Tuy vậy vị quan viên vẫn bán tín bán nghi, ông bèn mời Tạ Thạch đến nhà pha thuốc điều trị cho vợ mình. Sau khi phu nhân uống thuốc, bà đã sinh ra rất nhiều rắn con, bụng cũng nhỏ trở lại. Từ đây, mọi người trong kinh thành đều coi Tạ Thạch như Thần Tiên tái thế.
Cuốn sách cổ “Di Kiên Chí Bổ Quyển” ghi chép rằng, anh trai lớn của tác giả Hồng Mại là Hồng Quát, từng đích thân chứng kiến hai câu chuyện bói chữ kỳ lạ dưới đây:
Lúc ấy có một vị quan tên là Phàn Tướng Sĩ, vợ ông có một chiếc mũ đính ngọc quý. Một ngày, chiếc mũ đính ngọc quý đột nhiên biến mất, không cách nào tìm lại được. Phàn phu nhân liền viết một chữ “Thất” (失: nghĩa là mất) nhờ Tạ Thạch tìm giúp.
Tạ Thạch hỏi: “Trong nhà ngài có một người họ Chu (朱), tên là Nhị Thập Bát (二十八) phải không? Tôi thấy anh ta vì một chút nhầm lẫn nên đã cầm chiếc mũ ấy, nay vật vẫn chưa mất, vẫn có thể tìm lại được”.
Phàn Tướng Sĩ trở về kể lại với vợ. Phu nhân nghe xong thì gầm lên giận dữ, thì ra bà vốn mang họ Chu, anh trai của bà tên là Nhị Thập Bát. Phu nhân tức giận nói: “Anh trai tôi có thể là kẻ trộm sao?”, rồi gọi tỳ nữ đến tra hỏi. Tỳ nữ đáp, hôm qua bác Nhị Thập Bát có việc phải ra ngoài nên đến đây mượn mũ, sau đó vì không dùng đến nên bác đã trả lại rồi, chiếc hộp vẫn còn đây, chưa hề mở ra lần nào. Cả nhà liền mở hộp ra xem, quả nhiên thấy chiếc mũ đính ngọc nằm bên dưới một chiếc mũ khác ở trong hộp. Có thể trước kia phu nhân từng tiện tay để chiếc mũ ngọc vào đây mà không nhớ chăng?
Và đây là một câu chuyện khác: Hồi ấy có một vị quan viên mắc bệnh nặng, ông liền viết chữ “Thân” nhờ Tạ Thạch đoán thử cát hung. Chữ “Thân” (申) là chữ “Trung” (中) thêm vào một nét ngang ở giữa, mà nét ngang này lại viết khá mỏng, trong thư pháp người ta gọi cách viết ấy là “Táo bút” (燥筆 – chữ ‘Táo’ ở đây nghĩa là ‘khô’).
Tạ Thạch nhìn vào nét chữ của vị quan viên rồi nói: “Cũng tốt”.
Sau khi quan viên rời đi, Tạ Thạch mới tiết lộ với những người đang ngồi xung quanh: “Đan điền đã khô, vị này tất sẽ chết”. Có người hỏi khi nào thì ứng nghiệm? Tạ Thạch đáp: “Không quá giờ Thân ngày mai”. Sau đó, sự việc quả nhiên đúng như lời Tạ Thạch nói.
Xem đến đây, có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Chà, Tạ Thạch lợi hại như vậy, liệu ông đã từng bói chữ cho chính mình hay chưa? Liệu ông có thể xem tiền đồ cát hung của bản thân như thế nào hay không? Câu trả lời là có, nhưng người bói chữ cho ông không phải Tạ Thạch mà lại là một cao nhân khác.
Cao nhân gặp cao nhân
“Di Kiên Chí Bổ Quyển” viết rằng, một ngày nọ, khi Tạ Thạch đang du ngoạn ở Đan Dương thì nhìn thấy một Đạo cô ở giữa chợ. Đạo cô cầm trên tay một chiếc quạt rất lớn, trên quạt đề bốn chữ “Bói chữ như Thần”.
Tạ Thạch vừa nhìn thấy liền nghĩ, người này thật là khẩu khí lớn! Nghĩ vậy ông liền gọi Đạo cô đến và viết một chữ “Thạch” nhờ Đạo cô bói chữ. Vị Đạo cô xem xem một lát rồi đáp: “Vì danh bất thành, được vời lại thoái, gặp Bì thì Phá, gặp Tốt thì Toái (vỡ)”.
Ý tứ là, chữ “Thạch” (石) giống như chữ “Danh” (名) nhưng lại không phải là Danh, nếu muốn triều đình trọng dụng lập được đại công danh thì hoàn toàn không có hy vọng. Chữ “Thạch” (石) thêm chữ “Bì” (皮) thì là chữ “Phá” (破), thêm vào chữ “Tốt” (卒: binh lính) thì là chữ “Toái” (碎), xem ra gặp được Bì và Tốt thì kết quả sẽ không ổn. Tạ Thạch không vui, nhưng trong tâm lại mười phần bội phục Đạo cô.
Hôm sau, ông lại đi tìm Đạo cô nhưng không thể gặp được. Ông bèn hỏi những người dân xung quanh, họ đều nói không biết người này. Tạ Thạch cảm thấy kỳ lạ, ông mơ hồ cảm giác vị Đạo cô này không phải kẻ phàm nhân.
Sau này, khi Tạ Thạch nhậm chức quan Lợi lộ úy, một võ tướng tên là Vương Tiến mời ông dự tiệc rượu. Vương Tiến viết chữ “Tiến” nhờ Tạ Thạch xem giúp tiền đồ. Chữ “Tiến” (進) gồm bộ “Sước” và bộ “Chuy”. Bộ “Sước” nghĩa là đi, cũng có thể nói là chữ “Tẩu”, còn bộ “Chuy” (隹) thì trông giống chữ “Giai” (佳).
Tạ Thạch nói: “Gia dục tẩu, nhược đồ sự tất bại”. Chữ “Gia” (家) ở đây đồng âm với chữ “Giai” (佳), lại kết hợp thêm chữ “Tẩu” (走) ở dưới, do đó mới nói “Gia dục tẩu”. Ý tứ là, có nhà mà không giữ lại muốn đi ra ngoài, vậy thì mưu đồ tất sẽ bại.
Sau này, Vương Tiến kéo bè kéo đảng định làm loạn, bà vú của ông ta bí mật báo quan phủ khiến Vương Tiến bị bắt giam vào ngục. Vương Tiến nhớ lại lời Tạ Thạch, trong lòng vô cùng buồn bã: “Ta hối hận vì không nghe theo lời Tạ Thạch”.
Quận thú hay tin, cho rằng Tạ Thạch là kẻ đồng mưu với Vương Tiến, kết quả liền bắt Tạ Thạch đến vấn tội, sau đó sai người thích chữ lên mặt ông rồi đày ra Bồng Châu. Thời cổ đại, những ai bị thích chữ lên mặt đều là kẻ mang trọng tội, bất cứ ai nhìn thấy cũng đều biết.
Tạ Thạch biết mình đã gặp họa lớn, ông bèn hỏi ra mới biết Vương Tiến là người Nam Bì ở Thương Châu, hơn nữa trước khi làm tướng quân thì Vương Tiến từng làm lính tốt. Thân thế Vương Tiến gắn liền với hai chữ “Bì” và “Tốt”, quả nhiên đã ứng nghiệm với dự ngôn của Đạo cô.
Trên đường áp giải đến Bồng Châu, Tạ Thạch thấy một tiều phu gánh củi đang ngồi nghỉ ở bên cạnh cửa Đạo quán Thiên Khánh. Vốn là cao nhân có thuật xem tướng, Tạ Thạch nhìn người tiều phu và nói: “Tôi thấy ngài thần thanh, cốt thanh, khí thanh. Chẳng lẽ ngài là Thần Tiên sao?”.
Nào ngờ tiều phu nghe xong lớn tiếng mắng rằng: “Nhà ngươi thật lắm mồm, hôm nay còn dám buông lời xằng bậy sao?”.
Ý tứ là: Nhà ngươi nói nhiều nên tạo khẩu nghiệp, vì thế mới gặp xui xẻo bị thích chữ đi đày, hôm nay ngươi dám tùy tiện nói như thế, ta sẽ cho ngươi một trận!
Dứt lời, tiều phu liền bước đến tát Tạ Thạch một cái rồi bỏ đi. Những người áp giải ông đều kinh ngạc, sau khi định thần lại họ thi nhau đến lau mặt cho Tạ Thạch. Tạ Thạch thấy kỳ lạ: Chuyện gì thế này? Các vị đang làm gì vậy? Đến lúc này ông mới nhận ra: Những chữ thích trên mặt đều đã biến mất! Cái tát này thật là có giá trị, xem ra vị tiều phu kia chính là Thần Tiên rồi.
Vận mệnh Kỷ Hiểu Lam
Vào thời Càn Long có một đại học sĩ tên là Kỷ Hiểu Lam, ông đã có công biên soạn “Tứ Khố Toàn Thư” cho Thanh triều. Kỷ Hiểu Lam từng ghi chép hai sự kiện trọng yếu trong cuộc đời ông, đó là khi ông được các đại sư sách tự chỉ điểm cho mình.
Năm Càn Long thứ 19, Kỷ Hiểu Lam tham gia kỳ thi khoa, ông đã vượt qua Lễ bộ Hội thí và chuẩn bị tham gia kỳ thi điện. Trong thời gian chờ đợi, ông đến thăm nhà của thư họa gia Đổng Bang Đạt, tại đây Kỷ Hiểu Lam tình cờ gặp một vị cao thủ sách tự đến từ Chiết Giang. Kỷ Hiểu Lam liền viết một chữ “Mặc” (墨) thỉnh cao nhân xem giúp mình sẽ đạt thứ hạng nào trong kỳ thi sắp tới.
Kỳ thi điện thời Thanh phân thành ba cấp: Nhất giáp, Nhị giáp và Tam giáp. Đỗ Nhất giáp gồm có ba người là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Bảng Nhị giáp gồm có bảy người, sau đó mới đến Tam giáp.
Vị cao nhân nói với ông: “Nhất giáp vô vọng”, Kỷ Hiểu Lam nghe xong trong lòng lo lắng. Vị kia lại nói: “Phần trên chữ ‘Mặc’ (墨) mà tách ra thì giống như chữ ‘Lý’ (里), chữ ‘Lý’ này lại tách ra thành ‘Nhị giáp’ (二甲)”. Có thể lên tới Nhị giáp thì cũng không tệ rồi, Kỷ Hiểu Lam thở phào nhẹ nhõm.
Vị cao nhân lại nói thêm: “Chữ ‘Mặc’ (墨) có bốn dấu chấm, xem ra giống như chân của chữ ‘Thứ’ (庶), bên dưới là ‘Thổ’ (土) có thể xem như “Sĩ” (士). Chữ ‘Sĩ’ này lại là phần đầu của chữ “Cát” (吉), như vậy cậu tất có thể vượt trên cả Thứ Cát sĩ”. Sau khi bảng xếp hạng được công bố, quả nhiên đúng như những gì cao nhân nói.
Đến năm Càn Long thứ 33, Kỷ Hiểu Lam bị cách chức vì làm lộ tin tức. Trong thời gian chờ quyết định xử án, Kỷ Hiểu Lam luôn thấp thỏm lo âu. Biết rằng vị võ quan giám sát ông là người giỏi về bói chữ, ông liền viết chữ “Đổng” nhờ ông ta xem xem số phận mình sẽ ra sao.
Vị võ quan nói: “Ngài xem chữ “Đổng” (董) này bao hàm cả ngàn dặm (千里 – Thiên lý, nghĩa là ngàn dặm), e rằng tiên sinh sẽ bị đày ra biên ải xa xôi”.
Sao cơ? Đày ra biên ải là phải đến đâu? Kỷ Hiểu Lam lại viết chữ “Danh” (名). Vị võ quan xem xong liền nói: “Chữ ‘Danh’ (名) bên dưới là ‘Khẩu’ (口), trên là ‘Tịch’ (夕), là một phần của chữ ‘Ngoại’ (外 – bên ngoài), là bên ngoài ‘Khẩu’. Mặt trời lặn ở phía Tây thì là ‘Tịch’. Tiên sinh có khả năng sẽ đi Tây Vực”.
“Vậy có thể trở về được không?” – Kỷ Hiểu Lam hỏi.
Vị võ quan nói: “Chữ “Danh” (名) này xem ra vừa giống chữ “Quân” (君), lại vừa giống chữ “Triệu” (召), tiên sinh nhất định sẽ được quân vương triệu hồi về”.
“Vậy cần đợi bao lâu?”
“Chữ “Danh” (名) bên dưới là “Khẩu” (口), là vòng ngoài của chữ “Tứ” (四), ở giữa khuyết hai nét, nên là chưa tới bốn năm sẽ được trở về”.
Quả nhiên, sau khi vụ án được điều tra, Kỷ Hiểu Lam bị đày đến Urumqi ở Tân Cương. Sau hơn 3 năm ở đó, ông lại được Hoàng đế Càn Long triệu về và lệnh cho ông biên soạn “Tứ Khố Toàn Thư”.
Hán tự ẩn giấu Thiên cơ
Truyền thuyết kể rằng, thời cổ đại Hoàng Đế lệnh cho Thương Hiệt tạo chữ, Thương Hiệt đã căn cứ theo hình dáng mặt trời, mặt trăng và dấu chân của chim muông cầm thú để sáng tạo ra văn tự.
Văn tự vừa được tạo ra đã triển hiển năng lượng độc đáo kỳ diệu. “Hoài Nam Tử – Bản Kinh Huấn” chép: “Ngày xưa Thương Hiệt làm sách, trời ban mưa thóc, quỷ khóc đêm”. Một thư họa gia thời nhà Đường tên là Trương Ngạn Viễn viết trong “Lịch Đại Danh Họa Ký” rằng, sau khi xuất hiện văn tự, “tạo hóa không thể giấu bí mật của mình, cho nên trời giáng mưa thóc, linh quái không thể che giấu hình dạng của mình, cho nên quỷ khóc đêm”.
Chữ Hán, hay còn gọi là chữ Nho, có nội hàm tinh thâm rộng lớn, năng lực biểu đạt thần kỳ kinh động đến cả quỷ Thần. Một vài câu chuyện mà chúng tôi kể trên đây chỉ là một phần rất nhỏ mà dân gian lưu truyền lại, hy vọng quý độc giả sẽ có thêm một góc nhìn để hiểu hơn về sự huyền diệu của chữ viết Thần truyền.
Theo NTDVN