SKĐS – Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, phương thức chuyển tải và tiếp nhận thông tin cũng thay đổi. Mỗi cá nhân có thể vừa là công chúng, vừa là chủ thể truyền thông…
Truyền thông xã hội là gì?
Nói đến “truyền thông xã hội”, chúng ta liên tưởng ngay đến các phương tiện dùng để truyền thông, chẳng hạn như: Báo chí, radio, TV, Internet… hơn là chính sự “truyền thông” (Truyền thông cái gì? Truyền thông để làm gì?). Thế kỷ XXI đã chứng kiến sự lan tỏa nhanh chóng của các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, như Facebook, Twitter, Zalo, Instagram, Linkedln… Ðây được coi là nhóm các ứng dụng xây dựng dựa trên nền tảng internet, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dùng tạo mới hoặc chia sẻ thông tin, ý tưởng và các nội dung khác thông qua các thiết bị công nghệ và mạng máy tính.
Hiểu một cách đơn giản, truyền thông xã hội như một mạng lưới thông tin, cho phép mọi người có thể chia sẻ tin tức, ý kiến, hình ảnh, video, biểu đạt ý kiến, quan điểm cá nhân…
Song song với đó, người dùng truyền thông xã hội có thể tiếp cận và tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Với tính chất mở, truyền thông xã hội đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong xã hội hiện đại.
Vai trò của truyền thông xã hội trên lĩnh vực thông tin
Truyền thông xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trên mặt trận thông tin, với sự ảnh hưởng sâu rộng và đa chiều đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Từ việc cập nhật tin tức, kết nối bạn bè, đến thúc đẩy kinh doanh… truyền thông xã hội đang dần định hình cách chúng ta tiếp cận và xử lý thông tin.
Theo TS. Phạm Chiến Thắng – Trưởng khoa Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Ðại học Khoa học, Ðại học Thái Nguyên: “Truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối, tạo thông tin và lan truyền thông điệp trong xã hội. Do đó, môi trường truyền thông xã hội đóng nhiều vai trò quan trọng trên mặt trận thông tin hiện nay. Ðầu tiên, nhờ đặc tính lan tỏa nhanh của truyền thông xã hội, chúng ta có thể thúc đẩy mọi người tham gia các cuộc thảo luận và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng.
Tiếp theo, tính tức thời của truyền thông xã hội giúp chúng ta dễ dàng cập nhật thông tin mới nhất về các sự kiện, vấn đề thông qua nhiều kênh khác nhau, như các hội nhóm, diễn đàn thảo luận… Cuối cùng, truyền thông xã hội thúc đẩy tương tác xã hội, từ việc thảo luận đến việc tham gia các hoạt động xã hội, từ đó, khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động cộng đồng như các chiến dịch gây quỹ, hoạt động từ thiện và các sự kiện quan trọng khác”.
Có thể nói, lan truyền thông tin nhanh chóng là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của truyền thông xã hội. Chỉ sau một cú click chuột trên các nền tảng mạng xã hội, thông tin được lan truyền tức thời và có thể tiếp cận hàng triệu người trên thế giới chỉ trong vài giây sau khi được đăng tải. Ðủ thấy vai trò của truyền thông xã hội trên mặt trận thông tin có sức ảnh hưởng lớn đến nhường nào. Ðiều này không chỉ giúp cập nhật thông tin mới nhất mà còn tạo điều kiện cho mọi người tham gia các cuộc thảo luận về các sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu.
Ngoài ra, truyền thông xã hội tăng cường sự tương tác và kết nối giữa mọi người. Ðây không chỉ là nơi để chia sẻ thông tin mà còn là kênh giao tiếp hai chiều, nơi người dùng có thể bình luận, phản hồi và tham gia các cuộc trò chuyện. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người phát tán thông tin và chia sẻ câu chuyện của chính mình, tạo ra sự đa dạng trong các nguồn thông tin và phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau một cách thực tế nhất, chân thật nhất.
Truyền thông xã hội như thế nào mới đúng?
Ðể tận dụng tối đa sức mạnh của mạng xã hội và đảm bảo môi trường trực tuyến lành mạnh, việc ứng xử đúng đắn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi đằng sau mỗi bức tweet, mỗi bài đăng trên Facebook hay Instagram là những con người thật sự, họ phải được tôn trọng như trong giao tiếp trực tiếp. Do đó, tôn trọng và lịch sự là yếu tố then chốt trong việc ứng xử trên mạng xã hội, tránh sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, tổn thương, miệt thị, hay những hành vi quấy rối quyền riêng tư của những người tham gia khác. Ðồng thời, mỗi người tham gia cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân và gia đình.
Ðặc biệt, việc chia sẻ thông tin chính xác, nhân văn là một yếu tố quan trọng của ứng xử trên mạng xã hội. Trước khi chia sẻ thông tin, chủ thể cần kiểm tra và đảm bảo rằng nguồn tin là đáng tin cậy, tránh việc lan truyền thông tin sai lệch và độc hại cho xã hội, vi phạm pháp luật và làm mất an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Truyền thông xã hội – tích cực và tiêu cực?
TS. Phạm Chiến Thắng chia sẻ: “Mặc dù mục đích chính của truyền thông xã hội là kết nối con người và mở rộng mạng lưới quan hệ rộng lớn, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng truyền thông xã hội quá mức liên quan đến cảm giác cô đơn và cách ly xã hội. Ðiều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của người dùng. Bên cạnh đó, việc ẩn danh trên môi trường truyền thông xã hội, khiến các hành vi công kích cá nhân, bội nhọ, tung tin giả, tin sai sự thật diễn ra ngày càng nhiều làm ảnh hưởng tới nhiều cá nhân và xã hội”.
Ðồng quan điểm, PGS.TS. Ngô Văn Giá – nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí – Trường Ðại học Văn hóa Hà Nội cũng đưa ra nhận xét để làm sáng rõ: “Dù truyền thông xã hội đưa thông tin cực kỳ kịp thời, nhanh nhạy, rất nhiều thông tin được đưa trước các cơ quan báo, đài và được coi là kho đề tài vô tận cho người làm truyền thông chuyên nghiệp tìm đến. Tuy nhiên, mặt hại của truyền thông xã hội thì rất khôn lường, bởi rất nhiều người không chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình, đó là hội chứng đám đông, a dua, bầy đàn, nói lấy được, nói xong quên luôn. Nhiều tin giả, thông tin xấu độc, bịa đặt, nhằm lợi dụng, bôi nhọ các cá nhân tổ chức. Nguy hiểm hơn, không chỉ có thông tin phần lời mà hiện nay với sự góp mặt của AI, khuôn mặt, giọng nói cũng có thể bị làm giả”.
Trước đây khi chưa có mạng, truyền thông xã hội tồn tại thông qua các tổ chức xã hội, đoàn thể, các cơ quan báo chí, hay trong những hoạt động giáo dục, tuyên truyền, quảng cáo. Do đó, việc kiểm soát thông tin trên truyền thông xã hội là điều dễ dàng. Còn hiện nay, với tính chất “ai cũng có thể nói”, đã khiến cho công tác quản lý và giám sát thông tin truyền thông xã hội gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh thông tin giả, tin mạo danh với nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm câu view, lôi kéo người xem để kiếm tiền đang xuất hiện ngày một nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, người làm truyền thông xã hội hiện nay cần có những tố chất nhất định và nhất là trách nhiệm khi tham gia vào quá trình thông tin.
Ngành truyền thông xã hội có sức hút mạnh mẽ trong giới trẻ
Với những đặc tính về sự linh hoạt, nhanh chóng, mới mẻ và thuận thiện trong việc kết nối và tương tác, truyền thông xã hội đã trở thành một nền tảng tiếp cận, trao đổi thông tin không thể thiếu của giới trẻ trong thời đại hiện nay. Ở đó, họ có cơ hội được “tỏa sáng”, được tự do thể hiện năng lực bản thân, thỏa sức sáng tạo mà không bị bó hẹp bởi các quy định khắt khe.
Chị Vũ Tố Uyên (quê Hà Nam) – Nhân viên Phòng Truyền thông tại Trường Ðại học H.B chia sẻ: “Sở dĩ giới trẻ ưa thích ngành truyền thông xã hội bởi sự linh hoạt, tự do và sáng tạo mà nó mang lại. Trên các nền tảng như Instagram, TikTok và YouTube, họ có thể tự do thể hiện sáng tạo thông qua việc tạo ra và chia sẻ nội dung đa dạng từ hình ảnh, video, đến văn bản và âm nhạc. Ðiều này không chỉ là cơ hội để họ thể hiện tài năng và quan điểm cá nhân, mà còn là một cách để họ tương tác với cộng đồng trực tuyến, tham gia các cuộc thảo luận, chia sẻ ý kiến, thậm chí hợp tác với nhau trong việc tạo ra nội dung. Dù vậy, các bạn trẻ cũng cần sử dụng một cách có ý thức và tỉnh táo. Hãy luôn kiểm soát thời gian sử dụng, chia sẻ thông tin một cách chín chắn và tránh việc trầm mình vào các tình huống tiêu cực”.