SKĐS – Xu thế đa phương tiện ngày nay không còn là khái niệm mới mẻ với báo chí hiện đại. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã làm lu mờ ranh giới giữa các loại hình báo chí và tạo ra sự hội tụ ngoạn mục, làm cho báo chí truyền thống phải thay đổi sở trường của mình.
Ðộc giả thông thái không chỉ dừng lại ở việc đọc hiểu một tác phẩm có đầy đủ thông tin, mà họ còn đòi hỏi bài báo phải trực quan, sinh động và có sự tương tác.
“Multimedia” không còn là khái niệm mới mẻ
Báo chí – truyền thông hiện đại không còn lạ lẫm gì với thuật ngữ multimedia – đa phương tiện, đa nền tảng. Phóng viên, nhà báo trong thời đại này cũng có thể gọi là multimedia journalist – nhà báo đa phương tiện.
Bởi chúng ta đều biết rằng, cơ quan báo chí được ví như một guồng máy sản xuất và phân phối thông tin dưới nhiều chất liệu khác nhau (văn tự, phi văn tự, ảnh tĩnh, ảnh động, audio, video…) để đáp ứng tối đa nhu cầu, sở thích đa dạng của công chúng. Thông tin từ guồng máy sản xuất được chủ động phân phối trên mọi nền tảng bởi một mô hình tổng hợp bao gồm hầu hết các sản phẩm: Từ ấn phẩm in giấy, sản phẩm báo điện tử, cho đến phát thanh – podcast, video truyền hình.
Mặc dù bản chất khái niệm báo chí đa phương tiện đã trở nên cũ kỹ và xu thế đa phương tiện trong báo chí cũng đã bắt đầu được một thời gian dài, tuy nhiên từ thực tiễn cần thẳng thắn nhìn nhận, đến thời điểm này, không có quá nhiều cơ quan báo chí ứng dụng đồng bộ đa phương tiện trong sản xuất, xuất bản.
Bàn về vấn đề này, không ít ý kiến nhận định việc ứng dụng đa phương tiện đang không có sự đồng đều giữa các cơ quan báo chí và trong chính giữa các bộ phận của cùng một tòa soạn. Xét về nguyên nhân, có lẽ do điều kiện kinh tế của nhiều cơ quan báo chí chưa sẵn sàng để trang bị công cụ làm việc đáp ứng yêu cầu sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện. Thêm vào đó, không ít lãnh đạo cơ quan báo chí chưa mạnh dạn tận dụng đa nền tảng và phương tiện mới vào hoạt động sản xuất tác phẩm, khiến bài báo đơn điệu trong cách thể hiện.
Vì sự tác động của bối cảnh số đến từng cơ quan báo chí có những tần suất khác nhau, nên kéo sự chuyển dịch nội dung với tốc độ tương đương, có báo chịu ảnh hưởng lớn thì cần nhanh chóng thay đổi, có báo chịu tác động nhỏ nên chưa vội chuyển đổi quyết liệt. Nếu đơn vị nào đánh giá đúng đắn về vai trò của đa phương tiện và ứng dụng tốt trong sản xuất thì đơn vị đó thành công, còn nếu đơn vị nào ngần ngại, không dám đổi mới thì bài báo của đơn vị đó vẫn sẽ là những bài báo chỉ có ảnh và text.
Vấn đề then chốt để đi cùng xu thế
Trong sự chuyển mình mạnh mẽ của nền báo chí cách mạng, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều cơ quan báo chí vẫn đang đứng trước thách thức không nhỏ trong đồng bộ chất lượng sản phẩm báo chí đa phương tiện. Từ đây, những người làm báo cần thay đổi tư duy, tiếp cận xu hướng, nắm bắt công cụ sản xuất mới trong quy trình tạo ra tác phẩm.
Truyền thông đa phương tiện đem đến cho người làm báo sự tiện lợi và cơ hội phát huy sở trường, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong quá trình tác nghiệp. Công nghệ sẽ giúp khả năng tiếp cận với chủ đề nhanh hơn, nhưng có nguy cơ làm thui chột khả năng tư duy của phóng viên. Ðơn cử như lối làm việc không trực tiếp đi đến hiện trường để thu thập thông tin mà khai thác nguồn trên các nền tảng, rồi xào xáo trở thành tin bài của mình.
Ðể tờ báo có được tác phẩm chất lượng, vấn đề cốt lõi chính là năng lực của người làm báo. Làm báo thời kỳ mới đòi hỏi thành thạo nhiều kỹ năng, không chỉ viết tin bài mà còn có thể tự quay phim, tự dựng hình. Vì thế, người làm báo luôn cần trau dồi và phát triển mình, đây là vấn đề có tính quyết định tới việc sản phẩm báo chí có thỏa mãn nhu cầu từ mọi đối tượng công chúng hay không.
Từ mục tiêu xây dựng đội ngũ phóng viên, nhà báo có chuyên môn nhạy bén, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho báo chí tại các trường đại học, cao đẳng cũng có sự thay đổi đáng kể. Dẫu vậy, quá trình chuyển dịch này không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều.
TS. Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Ðại học Khoa học – Ðại học Huế bày tỏ quan điểm: “Rõ ràng khi đời sống báo chí, trong đó hoạt động tác nghiệp có nhiều thay đổi, đặc biệt là những biến đổi do sự tác động của công nghệ, đã làm cho công tác đào tạo gặp nhiều thách thức. Ở góc độ phương tiện đào tạo, nhiều cơ sở đào tạo báo chí còn rất thiếu các thiết bị hiện đại. Ví dụ: Hiện tại ngoài việc sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện theo hình thức một lớp (1D) thì công nghệ 2D, 3D cũng đang bắt đầu đưa vào để sản xuất và tiếp nhận thông tin. Các sản phẩm báo chí thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã được các cơ quan báo chí đưa vào sản xuất, trong khi đó cơ sở đào tạo gần như không có thiết bị này. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo hiện nay vẫn hết sức khan hiếm giảng viên có chuyên môn ở những lĩnh vực đó”.
Ngoài việc nâng cao khả năng tác nghiệp của phóng viên, nhà báo, thì định hướng của lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng là vấn đề then chốt tạo nên sự thay đổi. Nếu như mỗi lãnh đạo cơ quan báo chí đều yêu cầu cao và ngày càng cao hơn nữa về một tác phẩm báo chí, thì phóng viên sẽ có sự chuyển đổi và nâng cao chất lượng sản phẩm dưới sự hỗ trợ của nhiều công cụ làm việc. Ngoài việc đầu tư chất xám vào nội dung của bài báo thì còn là việc ứng dụng công nghệ, phương tiện mới vào sản xuất tác phẩm.
Tiếp tục chuyển đổi số báo chí
Nhận thấy tầm quan trọng của xu thế báo chí đa phương tiện, nhiều cơ quan báo chí đã thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Thực chất của quá trình này là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các tòa soạn, giúp hệ sinh thái báo chí được bồi đắp thêm những tính năng ưu việt, nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), Big data… trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng giúp tạo ra các sản phẩm thông minh, phù hợp hơn với người dùng.
Ðặc biệt là AI, công nghệ AI giúp tiết kiệm thời gian tiến hành các nhiệm vụ như ghi chép, gỡ băng phỏng vấn, chuyển từ file ảnh, âm thanh, video sang dạng văn bản; chuyển các nội dung họp online thành văn bản; bóc tách lời bình hoặc phỏng vấn trong video chuyển thành phụ đề tiếng Việt… Do vậy, dùng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm thời gian thao tác, đồng thời giúp phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng AI nếu không có sự can thiệp của con người, rất có thể nội dung sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về biên tập của các tòa soạn.
“Trong bối cảnh số hóa, báo chí nhất thiết phải sử dụng AI. Bởi nếu sử dụng đúng, xem nó là một công cụ phục vụ cho mục đích chính đáng và phù hợp thì AI sẽ hỗ trợ rất tốt cho hoạt động tác nghiệp của người làm báo. Một trong những khâu có thể sử dụng AI là nhờ công cụ này tập hợp các thông tin tư liệu, có thể đưa ra các chỉ dẫn cơ bản tham khảo về hình thức, cách triển khai nội dung… nghĩa là ở mức tư vấn cho người làm báo thì sẽ rất tốt. Trong một số trường hợp có thể sử dụng công cụ này để sản xuất các tin ngắn, nếu không có nguy cơ vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Trí tuệ nhân tạo thậm chí sẽ là một xu hướng mới trong tương lai, sẽ có những bước tiến còn nhanh hơn, phát triển mạnh hơn là xu thế báo chí đa phương tiện” – TS. Phan Quốc Hải đánh giá.
Hòa cùng dòng chảy chung của xu thế báo chí
Thực tế hiện nay, nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh và các kênh truyền hình đã đẩy mạnh phát triển đa phương tiện và chuyển sang sử dụng nền tảng số, trong đó có Báo Sức khỏe và Ðời sống.
Ðối với Báo Sức khỏe và Ðời sống, mô hình Tòa soạn hội tụ, đa phương tiện đã được chú trọng đầu tư và đi vào hoạt động từ rất sớm. Ngoài ra, để bắt kịp theo xu hướng báo chí với công nghệ, tòa soạn cũng đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các quy trình nghiệp vụ và sản xuất nội dung. Nhờ tiếp cận sớm các xu thế báo chí hiện đại, các nền tảng mạng xã hội của Báo Sức khỏe và Ðời sống hiện nay như Fanpage Facebook, Tiktok, YouTube đạt hiệu quả và tương tác rất cao.
Tựu chung, để tác phẩm báo chí thu hút được sự quan tâm của độc giả, cơ quan báo chí cần có sự nhạy bén, chuyển đổi để bắt kịp và đi cùng xu thế.