Cách phòng chống cháy nổ thiết bị điện trong gia đình
SKĐS – Để an toàn khi sử dụng điện, phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, điểm bất thường (dây dẫn điện bị nứt, đổi màu, đứt gãy…) phải sửa chữa kịp thời.
Hạn chế dùng nhiều thiết bị công suất cao cùng một thời điểm
Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ cháy, số người chết, bị thương và tài sản thiệt hại.
Đặc biệt, nhiều vụ cháy nổ, hỏa hoạn liên tiếp xảy ra tại những căn nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy có thể gây ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo điều tra của lực lượng chức năng, tình trạng quá tải, chập điện, thiết bị điện không an toàn… là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố cháy, nổ với hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân. Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện, các thiết bị điện gây ra, người dân cần phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn cơ bản.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, để an toàn thì hệ thống điện, dây dẫn điện phải có tiết diện và cách điện phù hợp, đáp ứng công suất của các thiết bị sử dụng điện. Có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện. Đường dây dẫn điện phải được đi trong ống gel bảo vệ.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, điểm bất thường (dây dẫn điện bị nứt, đổi màu, đứt gẫy; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hoạt động kém, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa gây ra hiện tượng phóng điện, dò điện…) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất cao trong cùng một thời điểm; đặc biệt, không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm.
Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán, lựa chọn dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp, tránh gây tình trạng quá tải.
Khi sử dụng thiết bị đốt nóng như bếp điện, bàn là, lò sưởi, ấm điện… phải đặt trên vật liệu không cháy, đảm bảo khoảng cách với các vật liệu dễ cháy và phải có người trông coi, giám sát.
Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần các đồ vật dễ cháy, nổ. Không sạc pin các thiết bị qua đêm; không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, ipad, …
“Mỗi hộ gia đình phải trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy phù hợp, trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn,… để kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra”, KS Nguyễn Huy Bạo khuyên.
Những lưu ý với các thiết bị điện trong nhà
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, Đại học Bách khoa Hà Nội, để tránh được những nguy cơ rủi ro, trong quá trình lắp hệ thống điện tại nhà cần lưu ý các thiết bị điện trong nhà.
Dây dẫn điện phải có tiết diện đủ để dòng điện cho phép đi qua dây lớn hơn dòng điện nguồn và phụ tải, ít nhất là gấp đôi để tránh quá tải, không được chọn dây dẫn có dòng điện nhỏ hơn dòng điện phụ tải bởi dễ làm cháy nổ, chập mạch. Tốt nhất nên chọn mua dây dẫn điện của những nhà sản xuất có uy tín.
Không để dây dẫn điện chạm vào bàn ủi, chạm vào bloc máy lạnh, không để dây dẫn điện gần lò nấu, bếp gas. Các thiết bị dụng cụ điện phát nhiệt như bàn ủi, bếp điện, bếp gas không để gần vật, chất dễ cháy để tránh phát hỏa khi tiếp xúc.
“Mỗi gia đình phải lắp cầu dao, attomat, hoặc rơle cắt điện nhanh ở phía sau điện kế, đầu đường dây chính trong nhà hoặc ở đầu mỗi nhánh dây phụ. Tất cả cầu dao, cầu chì phải có nắp đậy. Khi phát hiện các chỗ dây điện bong tróc lớp cách điện phải thay sửa ngay, các mối nối quấn lại băng keo chắc chắn.
Thường xuyên kiểm tra các automat, trường hợp thấy automat nóng và phát tiếng kêu phải thay thế ngay. Khi sửa chữa điện trong nhà phải cắt cầu dao điện, thông báo cho mọi người cùng biết để không đóng điện bất ngờ. Tốt nhất là nhờ người có chuyên môn kỹ thuật về điện để sửa chữa nhằm tránh nguy cơ tai nạn hoặc chập điện gây cháy sau khi đóng lại cầu dao”, TS Nguyễn Phan Kiên khuyên.
Cần đặc biệt lưu ý không cắm nhiều thiết bị vào cùng 1 ổ điện để tránh quá tải dễ dẫn đến chập điện. Khi sử dụng các thiết bị điện cầm tay như máy sấy tóc, máy masage, máy mài, máy khoan… phải mang găng tay cách điện để tránh giật nếu rò điện. Tắt nguồn khi di chuyển các dụng cụ đang cắm điện. Cần phải đọc kỹ hướng dẫn an toàn về điện của các thiết bị trong nhà tủ lạnh, ti vi, máy giặt, lò vi sóng, máy bơm… Các thiết bị có vỏ bằng kim loại cần phải có dây nối đất.
Mỗi khi ra khỏi nhà phải tắt hết các thiết bị dùng điện đang dùng, tốt nhất là cắt cầu dao tổng bởi thiết bị điện hoạt động trong thời gian dài rất dễ phát nhiệt gây cháy
Khi có trường hợp chập điện gây cháy, cần cắt ngay cầu dao điện, báo động cho mọi người thoát ra khỏi nhà. Nếu chắc chắn không còn ai mắc kẹt trong nhà mới sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Đồng thời cài đặt sẵn số điện thoại 114 vào điện thoại để trong trường hợp cần thiết phải gọi cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy hỗ trợ.
Lắp chuông báo khói ở nhiều vị trí trong nhà để khi xảy ra sự cố hoàn toàn có thể loại trừ nguy cơ chết cháy trong nhà. Nên kiểm tra pin báo cháy thường xuyên để đảm báo thiết bị báo cháy của bạn luôn luôn hoạt động tốt. Thường 6 tháng nên thay pin 1 lần.
Không bao giờ dùng nước để dập tắt những đám cháy do chập điện. Trong khi chờ lực lượng cứu hỏa đến, ngồi thấp xuống để tránh hít khói. Nếu quần áo bị bắt lửa lăn vòng ra đất để dập tắt lửa. Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy CO2 để dập tắt lửa khi có những sự cố cháy nổ bất ngờ xảy ra.