Điều gì đã khiến gia tộc Trần Thị ở Chiết Giang phát triển hưng thịnh suốt hơn 300 năm nay
Được mệnh danh là gia tộc: ‘Nhất môn tam các lão, lục bộ ngũ thượng thư’. Gia tộc Trần Thị luôn hưng thịnh trong suốt hơn 300 năm qua, vậy điều gì làm nên một kỳ tích như thế?
Gia tộc Trần Thị ở Chiết Giang là một danh gia vọng tộc nổi tiếng trong lịch sử. Từ triều đại nhà Minh đến triều đại nhà Thanh, trong vòng hơn 300 năm, gia tộc này đã có tới hơn 31 người đỗ tiến sĩ, 107 người đỗ hương thi, cha con cùng nhất bảng là điều thường thấy trong gia tộc Trần Thị. Đặc biệt trong gia tộc hiển quý này có 3 người làm tới chức tể tướng, các chức quan khác như: thượng thư, thị lang, tuần phủ, bố chính sử… có tới 11 người. Dòng tộc Trần Thị được danh xưng: “nhất môn tam các lão, lục bộ ngũ thượng thư” (Trong một gia tộc có 3 người đứng đầu thư viện quốc gia, và 5 người đứng đầu trong số 6 bộ). Thậm chí sau này đến thời Dân Quốc, Trần Kỳ Nghiệp của hội Đồng Minh và Trần Kỳ Mỹ, thầy Tưởng Giới Thạch cũng là hậu nhân của gia tộc Trần Thị. Ngay cả Trần Lập Phu, Trần Quả Phu cũng đều là hậu nhân của gia tộc Trần Thị.
Liên quan đến sự phát triển hưng thịnh của gia tộc Trần Thị thì có tới mấy truyền thuyết. Ở đây xin được trích dẫn một trong số đó:
Tương truyền khi gia tộc Trần Thị vẫn còn chưa hưng thịnh, trong dòng họ có một người biệt danh là Trần Tứ Cước, chân người này có sức mạnh đặc biệt, lại nhanh nhẹn, anh ta chuyên làm nghề gánh vác hàng hóa thuê. Một hôm có vị đạo nhân từ xa đến, mang theo hành lý muốn thuê người gánh. Tuy nhiên vị đạo nhân này lại không trả được mức giá tiền mà những người phu khuân vác khác đưa ra. Họ nói: “Nếu nhất định phải thuê, giá tiền này chỉ có Trần Tứ Cước chấp nhận được”. Hoá ra Trần Tứ Cước thường ngày không có công việc ổn định, anh ta thường hay kiếm việc làm thêm kiếm kế sinh nhai nên không so kè giá cả.
Lời nói vừa xong lại trùng hợp Trần Tứ Cước đi đến, vị đạo nhân tìm anh ta thương lượng, Trần Tứ Cước liền đồng ý, cơ bản là không bận tâm đến giá cả. Lúc đó trời cũng đã tối nên hai người quyết định sáng hôm sau mới đi. Vị đạo nhân lại không tìm được quán trọ, Trần Tứ Cước biết được bèn mời về nhà mình ở. Về đến nhà Trần Tứ Cước, vị đạo nhân thấy đó chỉ là căn nhà dột nát, trong nhà lại chỉ có độc một chiếc giường duy nhất. Trần Tứ Cước nhường giường cho vị đạo nhân ngủ còn mình thì ngủ dưới đất.
Nằm trên giường, vị đạo nhân thấy lưng mình bị cộm cộm như có vật gì bên dưới mới hỏi Trần Tứ Cước. Trần Tứ Cước đáp: “Đó là hài cốt của phụ mẫu tại hạ, vì chưa tìm được đất tốt nên chưa an táng được, trong nhà lại chỉ có duy nhất cái giường nên đành để bên cạnh ngủ cùng”. Vị đạo nhân thấy Trần Tứ Cước có tấm lòng hiếu đạo, gia cảnh lại khó khăn nên muốn ra tay giúp đỡ.
Sang ngày hôm sau, trên đường đi vị đạo nhân giúp Trần Tứ Cước tìm một mảnh đất tốt để chôn cất hài cốt cha mẹ. Sau đó Trần Tứ Cước đưa hài cốt của cha mẹ mình đến đó an táng.
Sau này khu vực ấy bị xảy ra hạn hán trong nhiều năm, người dân phải đào 18 cái hồ, và mở sông dẫn nước. Trùng hợp thay lại đi ngang qua ngôi mộ của cha mẹ Trần Tứ Cước. Có một vị thầy phong thuỷ đi qua, thấy địa thế như vậy mới nói với mọi người: “Đây là bảo địa phong thuỷ, sau này sẽ sản sinh ra 18 vị công khanh” và cũng kể từ đó gia tộc Trần Thị ngày một phú quý hiển vinh.
Quả nhiên bắt đầu từ thời nhà Minh đến thời nhà Thanh, gia tộc Trần Thị có 3 người được giữ chức tể tướng, các chức quan như: thượng thư, thị lang, tuần phủ, bố chính sử có 11 người, cộng với mấy nhân vật lớn thời Dân Quốc như Trần Kỳ Nghiệp, Trần Kỳ Mỹ, Trần Lập Phu, Trần Quả Phu, tổng vừa đúng 18 vị. Thật là thần kỳ.
“Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình”, câu nói này tuyệt đối không chỉ đơn giản là nhân quả báo ứng, mà còn là nền tảng làm người. Sống có lương thiện, đời người mới có thể hạnh phúc lâu dài.
Một người có tấm lòng lương thiện ắt sẽ được Trời cao ban phước lành. Lòng tốt còn khó có được hơn cả trí thông minh, vì trí thông minh là một món quà, còn lòng tốt là sự lựa chọn.
Chúng ta làm việc tốt, có thể không được đền đáp ngay lập tức, nhưng đời người là một ván cờ lớn, cứ tích lũy dần thì lòng tốt ấy sẽ biến thành sức mạnh và chúng ta sẽ là người chiến thắng chung cuộc.
Tất nhiên chúng ta làm việc tốt không phải vì mong nhận lại đền đáp, mà bởi vì đó là xuất phát từ thiện tâm. Ở hiền thì sẽ gặp lành, lòng tốt sẽ có phúc báo. Giữ gìn sự lương thiện của bản thân thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Nguồn: ntdvn