3 điều mà người ta sợ nhất khi về già
Thời gian trôi qua và chúng ta cũng dần già đi. Người ta sợ nhất điều gì khi về già? Có lẽ, không phải sợ không có tiền, cũng không phải sợ không có vợ/chồng hay con cái ở bên cạnh, mà là sợ ba điều nhỏ nhặt sau đây.
Ông Trương đã sống một mình ở quê trong nhiều năm, trong khi con cháu của ông đều phải làm việc bên ngoài để kiếm sống. Dù hàng tháng các con đều gửi tiền sinh hoạt cho ông Trương nhưng trong lòng ông Trương vẫn cảm thấy trống vắng.
Bởi vì, ông Trương đã làm công việc đồng áng rất nhiều khi còn trẻ, thân thể của ông được rèn luyện trong khi lao động chăm chỉ và cực nhọc. Đồng thời, từ khi vào tuổi trung niên, ông luôn duy trì việc đi bộ mỗi ngày và làm các công việc nhà như giặt giũ, nấu nướng, quét dọn hàng ngày. Do đó, sức khỏe của ông Trương được bảo dưỡng khá tốt. Hiện tại ông đã hơn tám mươi tuổi, nhưng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân mình và gần như không gặp vấn đề gì.
Tuy nhiên, ông Trương đã phải nhập viện nhiều lần vì bệnh tim trong vài năm qua, nhưng so với những người cao tuổi khác, tuổi già của ông khá tươm tất và hạnh phúc, bởi vì con cháu của ông chăm lo cho ông rất tốt về mặt kinh tế, và khi ông nằm viện họ cũng chăm sóc cho ông rất chu đáo.
Nhưng ông Trương không phải là không lo lắng về tuổi già của mình, ông nói rằng hàng ngày ngoài đi dạo, dù trời mưa ông cũng phải đi chầm chậm ra ngoài mua đồ. Vì nếu không đi bộ một ngày, chân của ông sẽ bị cứng.
Dù là về chế độ ăn uống hay thói quen sinh hoạt, ông Trương luôn rất nghiêm khắc với bản thân.
Tuy nhiên, như trong “Hoàng Đế Nội Kinh” có viết rằng: “Giận dữ hại gan, vui sướng hại tim, suy nghĩ hại lá lách, buồn phiền hại phổi, sợ hãi hại thận”.
Và “Giận dữ khiến khí tăng, vui khiến khí chậm lại, buồn khiến khí biến mất, sốc khiến khí hỗn loạn, mệt mỏi khiến khí cạn kiệt, suy nghĩ khiến khí trì trệ”.
Ông Trương từng được con trai đón về sống cùng, nhưng chưa sống được bao lâu thì ông xảy ra mâu thuẫn với con dâu.
Vì thói quen sinh hoạt khác nhau, vì không thể chịu đựng được nhau và con dâu mạnh mẽ hơn nên ông Trương rất tức giận, tâm trạng vô cùng suy sụp. Sau đó là đau ngực, chóng mặt, yếu chân và bàn chân…
Như thể chỉ sau một đêm, ông Trương như trở thành một con người khác. Nhiều người từng nói rằng ông Trương trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật, nhưng khi đó ông dường như bỗng trở nên già nua và thiếu sức sống.
Sau này, chính con trai ông đề nghị ông Trương về nhà của ông và tiếp tục cuộc sống riêng của mình. Con trai thường xuyên đến thăm ông, các cháu của ông cũng thường xuyên gọi điện về chào hỏi ông. Kể từ đó, ông Trương đã lấy lại tinh thần trước đây.
Từ câu chuyện của ông Trương, người ta không khỏi nghĩ, về già người ta sợ nhất điều gì? Có thể ai cũng nghĩ là tuổi già người ta sẽ sợ không có tiền, sợ không có vợ/chồng hay con cái ở bên cạnh. Nhưng sau khi đúc kết lại, người ta tìm thấy 3 điều nhỏ nhặt sau đây.
Thứ nhất, sợ sẽ gặp rắc rối với con cái
Như ông Trương kể trên, nhiều người cho rằng ông Trương đông con, vậy tại sao những năm cuối đời ông vẫn phải sống một mình? Câu trả lời của ông Trương luôn giống nhau: “Tôi thích sống một mình hơn, ở một mình tôi cảm thấy thoải mái”.
Đúng là nhiều người già đã quen sống một mình sẽ không quen với việc bất chợt về chung một mái nhà với con cái khi về già.
Vì đã quen làm chủ của chính mình cả đời, nên sẽ rất khó để họ hành động theo sắc mặt của con trai, con dâu, nhất là đối với những người lớn tuổi có lòng tự trọng cao.
Thứ hai, sợ không thể tự chăm sóc bản thân
Con người không thể ngăn chặn được sự lão hóa của cuộc sống, mà trái lại, chúng ta phải bình tĩnh để đối mặt với lão hóa.
Nhiều người cao tuổi cho biết, họ không sợ chết mà sợ “nửa chết”, tức là sợ sau này không thể tự chăm sóc bản thân.
Thứ ba, sợ con cái không quan tâm đến mình
Ông Trương cho biết, ở tuổi này, thật lòng mà nói, ông không sợ bất cứ điều gì, nhưng điều duy nhất ông sợ là con cái không quan tâm đến mình, sợ không có ai gọi điện hỏi thăm, ông sợ một ngày nào đó ông đột ngột ra đi mà không ai biết.
Đây cũng là một “cuộc khủng hoảng” đeo bám trong tâm trí của nhiều người già sống một mình, mọi chuyện không thể lường trước được, và vì họ đã sống đến tuổi này nên việc ra đi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thời gian trôi thoắt cái đã trăm năm. Ở đời này, người ta còn nhỏ thì học hành; trưởng thành thì lập gia đình, sinh con, phấn đấu vì sự nghiệp; khi về già thì coi như đã hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời này. Nếu không được con cái quan tâm, thì có vẻ như tất cả họ lại cô đơn một lần nữa.
Không có cha mẹ nào không thương con, không có cha mẹ nào không muốn con mình sống tốt. Nhưng hãy nghĩ ngược lại, bao năm tháng qua chúng ta đã cho cha mẹ được những gì chưa?
Bảo Châu biên dịch
Nguồn: Secretchina (Nhất Phàm)