Phạm Lãi – Đào Chu Công danh tướng kiếm tiền giỏi nhất trong lịch sử, 3 lần tay không vẫn nổi cơ đồ
Người 3 lần đạt đỉnh cao danh vọng, quyền thế, và tiền bạc, giàu sánh với quốc gia, nhưng cả 3 lần đều lặng lẽ từ bỏ quyền thế, cho đi hết gia tài, nhưng vẫn 3 lần tay không mà nổi cơ đồ.
Mọi người sống trên thế gian này ai cũng đều từng mong muốn một cuộc sống vinh hoa phú quý. Tiền tài càng nhiều càng không chê nhiều. Quan chức càng lớn càng không chê lớn.
Nhưng có một người, khi ông kiếm tiền, đã trở thành người giàu nhất thiên hạ. Khi ông làm quan, làm đến chức thừa tướng và tướng quân dưới một người trên vạn người. Nhưng khi công thành danh toại, giàu sánh quốc gia, thì lại lần lượt vứt bỏ từng thành tựu không dễ gì đạt được này.
Với người như thế này, mọi người cảm thấy phải phong Thần cho ông ấy, do đó ông đã trở thành Thần Tài mà mọi người từ thời đó đến ngày nay vẫn đang thờ cúng.
Muốn làm giàu thì hãy tìm người này
Thời kỳ Xuân Thu, có một lần Tề Uy Vương cải trang đi vi hành, đến một địa phương của nước Tống tên là Đào Khâu để gặp một vị đại phú ông siêu cấp thần bí là Đào Chu Công, để xin thỉnh giáo bí kíp làm giàu.
Lúc đó, Đào Chu Công đang chỉ bảo cho một người trẻ tuổi tên là Đốn. Chàng Đốn khi đó là người nghèo khó chán nản, không tìm được con đường thoát nghèo, do đó, anh từ nước Lỗ trèo đèo lội suối tìm đến, thỉnh cầu Đào Chu Công chỉ bảo giúp anh, tìm ra con đường kiếm tiền.
Khi Tề Uy Vương đến, nhìn thấy một ông lão khí độ phi phàm, áo mũ chỉnh tề, nói với một người trẻ tuổi ăn mặc xấu xí rằng: “Muốn nhanh chóng kiếm tiền thì nên làm chăn nuôi, như nuôi bò cái, ngựa cái, lợn nái, dê cái, lừa cái…”
Người trẻ tuổi nghe chăm chú, ánh mắt phát sáng, nhưng cuối cùng anh ta bày tỏ, bản thân anh ngay cả mua con chó cái cũng không có tiền. Đào Chu Công liền tặng cho anh ta mấy con gia súc cái.
Đào Chu Công nhiệt tình và vui vẻ hành thiện bố thí, khiến Tề Uy Vương đứng ngây ra nhìn. Tề Uy Vương đến trước mặt Đào Chu Công và hỏi: “Nghe nói tiên sinh ở Thái Hồ thì làm ngư phủ, ở nước Tề thì tự hiệu là Si Di Tử Bì, ở Tây Nhung lại tự xưng là Xích Tử Tinh, đến nước Việt mới xưng là Phạm Lãi, có phải như vậy không?”
Đào Chu Công trả lời rằng: “Đúng vậy”.
Thì ra vị Đào Chu Công này chính là đại tướng quân Phạm Lãi, người trợ giúp Việt Vương nếm mật nằm gai, thành tự bá nghiệp.
Tề Uy Vương vô cùng hài lòng với khả năng tình báo của mình, cười tít mắt và hỏi: “Tài sản của tiên sinh hơn tổng tài sản của ngàn vạn nhà, nhiều đến ức vạn lạng bạc, không biết tiên sinh dùng biện pháp nào làm được như vậy?”
Đào Chu Công trả lời rằng: “Đạo sinh sôi tài sản, có 5 loại, trong đó nuôi thủy sản xếp thứ nhất. Có ao đầm rộng hai, ba mẫu (khoảng trên dưới 1000 m vuông) là có thể làm đầm nuôi cá được rồi”.
Tề Uy Vương trong lòng thầm nghĩ, trong cung của ta có ao hồ, phải hỏi đến tận cùng. Đào Chu Công biết gì đều nói hết không giấu giếm, khiến Tề Uy Vương hai mắt sáng bừng. Đây chính là nguồn gốc cuốn sách giáo khoa nuôi cá sớm nhất trên thế giới “Đào Chu Công dưỡng ngư kinh”.
Sau này ở hậu hoa viên trong cung, Tề Uy Vương chiểu theo phương pháp mà Đào Chu Công đã dạy, sửa một cái ao nuôi cá, một năm kiếm được hơn 30 vạn tiền.
Còn anh Đốn chuyển đến Y Thị, là nơi có đồng cỏ xanh tốt chăn nuôi gia súc. Sau 10 năm, anh giàu có sánh với vương hầu, nổi danh thiên hạ, được gọi là Y Đốn.
Phạm Lãi làm chính trị thì giúp quân chủ thành tựu bá nghiệp, kinh doanh thì giàu nhất thiên hạ, quả là người đầy ắp thắng lợi trong cuộc đời. Tuy nhiên, những điều này vẫn chưa đáng kể gì.
Thời Xuân Thu, người sống đến 70, 80 tuổi không những hiếm như lông phượng sừng kỳ lân, mà thường là người già cả sắp quy tiên. Nhưng Đào Chu Công trong những năm cuối đời còn thành tựu truyền kỳ 3 lần “ngàn vàng cho hết lại có ngay”.
Tuy nhiên, không có ai có thể nghĩ rằng, vị Thần Tài này từ nhỏ đã phải trải qua cuộc đời đầu thai nhầm.
Cuộc đời đầu thai nhầm
Phạm Lãi (536 TCN – 448 TCN) sống vào thời kỳ Xuân Thu, là thời kỳ chư hầu xưng bá, nhân tài kiệt xuất nhiều như sao trên trời, nhưng đời sống người dân thì rất gian nan. Phạm Lãi là kỳ tài có một không hai, nhưng lại đầu thai nhầm.
Ông sinh ra trong một gia đình thanh bần ở đất Oản nước Sở, không chỉ nghèo, mà cha mẹ còn mất sớm, dựa vào vợ chồng người anh nuôi dưỡng lớn lên.
Cậu bé Phạm Lãi không thích làm nông, chỉ thích đọc sách, do đó cậu bị những người dân làng chỉ biết chăm lo cày cấy, lấy cậu ra làm tấm gương phản diện dạy dỗ con cái. Họ thường dạy bảo con cháu trong nhà rằng: “Không được chơi với Phạm Lãi, cái thằng không biết làm nghề chân chính, cẩn thận kẻo học cái xấu”.
Trong hoàn cảnh không được mọi người hiểu mình, Phạm Lãi vẫn kiên trì đọc sách, trên biết thiên văn, dưới hiểu địa lý. Hàng ngày cậu nói với anh trai rằng: “Anh hãy chờ đấy xem, em sẽ thành tựu sự nghiệp cho anh xem”.
Anh trai tuyệt vọng, cảm thấy đầu óc em trai có vấn đề. Nhưng anh trai không biết rằng, thực ra Phạm Lãi còn tuyệt vọng hơn. Phạm Lãi đầy bồ kinh luân, văn thao võ lược, nhưng khi đó chính trị nước Sở đen tối, không phải quý tộc thì không được làm quan. Phạm Lãi là con nhà nghèo như thế này, muốn làm nên sự nghiệp, thì không có cửa.
Phạm Lãi không gặp thời, nên trở nên ngông cuồng phóng túng. Trong con mắt mọi người, anh chính là một thằng điên, hơn nữa tiếng tăm đồn xa, làm kinh động đến huyện lệnh địa phương. Huyện lệnh tên là Văn Chủng, ông cho rằng, Phạm Lãi có thể là một tuấn kiệt giả điên khùng, bèn sai tiểu lại đi xem xét.
Tiểu lại trở về nói: “Phạm Lãi là người cuồng nước ta, sinh ra đã có bệnh này. Hắn ta còn được coi là kẻ điên khùng cấp quốc gia”.
Văn Chủng cười và nói: “Các ngươi không hiểu”.
Thế là Văn Chủng tự đánh xe đi tìm Phạm Lãi. Phạm Lãi tránh mặt không gặp, giữ tác phong kẻ khùng của mình.
Sau đó không lâu, Văn Chủng lại tìm đến. Phạm Lãi thấy ông ta thật tâm thành ý, thì không giả khùng nữa, mượn bộ áo mũ của anh trai để nghênh đón Văn Chủng. Quả là “Đường hoa chưa từng vì khách quét, cửa bồng hôm nay mở đón ông”.
Hai người gặp mặt, đàm luận rất vui vẻ, đàm đạo một ngày, đạt được nhận thức chung, đó là: “Đông Nam (đất Ngô, Việt” có dấu hiệu bá chủ, nên đến đó làm quan”.
Hai người nhận định, bá chủ tương lai không phải nước Ngô thì là nước Việt. Nhưng nước Ngô văn có Ngũ Tử Tư, võ có Tôn Vũ. Thế là họ bèn rời nước Sở, nơi đầm lầy trói buộc giao long, đến nơi có thể thi triển tài năng: nước Việt.
Năm đó, Phạm Lãi 25 tuổi, quả nhiên được Việt Vương Doãn Thường, chính là phụ thân của Việt Vương Câu Tiễn, đánh giá cao. Phạm Lãi trở thành mưu thần quan trọng ở bên Việt Vương.
Muốn quốc gia cường thịnh thì theo Đạo của Trời
Năm 49 TCN, Doãn Thường chết, Câu Tiễn kế vị, Ngô Vương Hạp Lư thừa cơ đem quân tấn công nước Việt, nhưng bị một mũi tên bắn chết. Phù Sai kế vị làm Ngô Vương, ngày đêm luyện binh, chuẩn bị báo thù.
Câu Tiễn nghe tin quyết định ra tay trước, đem quân đánh nước Ngô. Phạm Lãi khuyên can rằng:
Muốn quốc gia cường thịnh thì theo Đạo của Trời. Muốn quốc gia chuyển nguy thành an thì theo Đạo của người. Muốn giải quyết ổn thỏa chính sự thì theo Đạo của Đất.
“Muốn quốc gia cường thịnh thì theo Đạo của Trời”, có nghĩa là, muốn quốc gia cường thịnh thì học theo Thượng Thiên, Thượng Thiên không gì là không làm được, nhưng xưa nay không bao giờ kiêu ngạo tự phụ, dó đó mới trường tồn mãi mãi. Quân vương muốn giữ quốc gia cường thịnh lâu dài, thì phải hành sự theo Đạo của Trời.
Thượng Thiên không giáng tai họa cho địch quốc, thì không nên tấn công. Bách tính không có nội loạn, thì không nên khơi mào tranh chấp, kiêu binh tất bại.
Nhưng Câu Tiễn không nghe theo. Năm 494, Câu Tiễn dấy binh chinh phạt Ngô, bị quân Ngô đánh tan, chỉ còn lại 5000 binh sĩ. Câu Tiễn bị vây trên núi Cối Kê, bất giác ngửa mặt lên trời than rằng: “Nếu nghe lời Phạm Lãi thì đã không bị như ngày hôm nay rồi”.
Trong lúc tuyệt vọng, Câu Tiễn muốn dùng cái chết để tuẫn tiết với quốc gia. Phạm Lãi vội vàng ngăn lại, vẫn nói câu trước đây, nhưng hiện nay là lúc dùng câu “Muốn quốc gia chuyển nguy thành an thì theo Đạo của người”.
Ý nghĩa là, muốn chống chọi con sóng cuồng để không bị sụp đổ, thì phải tuân theo Đạo của con người, phải khiêm tốn ở nơi thấp kém. Lúc này cần nói nhiều lời hay khen ngợi Ngô Vương Phù Sai, tặng nhiều lễ vật, như thế vẫn chưa đủ, cần phải tự mình làm nô lệ cho Phù Sai. Nói tóm lại, chỉ cần núi rừng còn, lo gì không có củi đốt, quân tử báo thù, 10 năm chưa muộn.
Phạm Lãi đã thuyết phục thành công, Câu Tiễn chịu nộp mình làm nô lệ cho Phù Sai
Muốn quốc gia chuyển nguy thành an thì theo Đạo của người
Phạm Lãi là trung thần, ông buông bỏ sự tôn nghiêm và sinh tử bản thân, chủ động đi theo Việt Vương Câu Tiễn cùng đến nước Ngô làm nô lệ. Ban ngày chăn ngựa, quét dọn, ban đêm chen chúc trong căn nhà đá, nhìn qua những khe nứt có thể thấy sao trên trời. Ăn cơm thô, ngủ đống cỏ. Tuy như vậy nhưng Phạm Lãi vẫn không quên lễ nghi quân thần với Câu Tiễn, việc này khiến Ngô Vương vừa tán thán vừa hâm mộ.
Phù Sai triệu kiến Câu Tiễn, Phạm Lãi liền đi theo hầu phía sau. Phù Sai dùng cao quan hậu lộc mời Phạm Lãi phò tá cho mình. Câu Tiễn lo lắng Phạm Lãi sẽ thay đổi, phủ phục xuống đất âm thầm nhỏ lệ, nhưng nghe thấy Phạm Lãi khéo léo từ chối rằng: “Bề tôi của quốc gia bị diệt vong không dám nói chuyện chính trị. Tướng quân của quân đội bại trận không dám nói đến dũng cảm. Thần ở nước Việt đã không phì tá tốt Việt Vương, nên đã đắc tội đại vương. Ngày nay may mắn không chết, thần đã thỏa nguyện rồi, đâu dám tham cầu phú quý”.
Khổng Tử nói: Bất nghĩa mà giàu và sang, thì với ta như phù vân. Đối với vinh hoa phú quý, Phạm Lãi chỉ coi như phù vân. Phạm Lãi trung với Việt Vương, càng trung với Đạo Trời hơn.
Trong những năm tháng gian nan nhất của Câu Tiễn, luôn có Phạm Lãi ở bên đưa ra mưu kế, kế sách, bên ngoài có Văn Chủng lo liệu việc chính sự quốc gia. Việt Vương lại hối lộ Thái tể của Ngô Vương là Bá Bĩ để nói tốt cho mình. Bản thân Câu Tiễn cũng nhẫn nhục, dùng thái độ cung kính phục tùng để mê hoặc Ngô Vương. Phù Sai cho rằng, họ thành tâm thuần phục, nên sau 3 năm, đã thả họ về nước Việt.
Muốn giải quyết ổn thỏa chính sự thì theo Đạo của Đất
Sau khi về nước, Câu Tiễn vội vàng thỉnh giáo Phạm Lãi, làm thế nào mới có thể làm được “Muốn giải quyết ổn thỏa chính sự thì theo Đạo của Đất”.
Phạm Lãi nói rằng, cần phải làm theo Đạo của Đất. Đất bao dung vạn vật, sinh sôi nảy nở không ngừng, dưỡng dục vạn vật không lỡ mất thời cơ. Do đó, muốn phát triển sản xuất, tích lũy lực lượng, chờ đợi thời cơ đến.
Câu Tiễn từ đó nếm mật nằm gai, phát triển sản xuất, cùng bách tính đồng cam cộng khổ, cuối cùng cũng đã chờ đợi được thiên thời đến.
Ngô Vương bị Tử Cống du thuyết đi đánh nước Tề, rồi lại đánh nước Tấn, trong nước trống rỗng. Nước Việt thừa cơ đánh nước Ngô, chỉ mới vài trận, nước Ngô đã đại bại, Phù Sai tự sát. Phạm Lãi và các trung thần lương tướng đã giúp Câu Tiễn thành tựu kỳ tích “người khổ tâm, Trời chẳng phụ”, nếm mật nằm gai, 3 ngàn quân Việt thôn tính cả nước Ngô.
Không lâu sau, Việt Vương xưng bá, trở thành vị bá chủ cuối cùng thời Xuân Thu.
Lặng lẽ bỏ đi
Phạm Lãi và Văn Chung gian khổ công cao, Phạm Lãi được phong là Thượng tướng quân, Văn Chủng làm tướng quốc. Khi mọi người cho rằng, Phạm Lãi đã công thành danh toại, khổ tận cam lai, thì Phạm Lãi biết rõ “trăng tròn thì sẽ khuyết”, cảm thấy mình cây cao chịu gió lớn, danh lớn thì khó mà lâu dài được.
Thế nên, khi thắng lợi đến cũng là lúc Phạm Lãi lặng lẽ bỏ đi, không mang theo một sợi tơ lụa nào, chỉ đem theo một chút châu ngọc chi dùng, đồng thời để lại cho Văn Chủng một bức thư:
“Chim đã hết cung tên vứt bỏ, Thỏ chết rồi chó bị phanh thây. Việt Vương là người cổ dài miệng nhọn, có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng lạc. Sao ông không ra đi?”.
Phạm Lãi công thành thân thoái, triển hiện phong phạm của Đạo gia, ra đi đầy trí tuệ và siêu thoát. Sử Ký có ghi chép, Phạm Lãi cùng người nhà và thuộc hạ ngồi thuyền, ra biển rời khỏi nước Việt. Sau đó, không bao giờ trở lại nước Việt nữa.
Sách “Việt tuyệt thư” có ghi chép, sau khi nước Ngô diệt vong, Phạm Lãi đem Tây Thi ngao du Ngũ Hồ.
Đáng tiếc, Văn Chủng bán tín bán nghi trước lời khuyên của Phạm Lãi, cuối cùng, không từ bỏ được công danh, vinh hoa. Nhưng vì công cao chấn chủ, Văn Chủng được Việt Vương ban cho cái chết với một thanh bảo kiếm.
Si Di Tử Bì
Phạm Lãi lặng lẽ đến nước Tề, lúc này ông đã ngoài 60 tuổi rồi. Ông mai danh ẩn tính, đổi tên là Si Di Tử Bì, ý nghĩa là túi da đựng rượu. Loại túi da này khi dùng có thể đựng rượu, khi không dùng có thể gấp gọn mang theo người, ngụ ý thâm sâu là biết co biết duỗi. Ông bắt đầu một giai đoạn cuộc đời huy hoàng.
Ở bên bờ biển, ông dựng lều ở, khai hoang trồng trọt, còn dẫn nước biển làm muối, và kinh doanh thương mại. Cha con hợp lực, chịu khó chịu khổ. Chỉ mấy năm đã tích lũy được gia sản mấy chục vạn lạng bạc.
Có người băn khoăn, Phạm Lãi không phải thương gia, sao bỗng nhiên lại biết kinh doanh?
Chương “Hóa thực liệt truyện” của Sử Ký có ghi chép rằng, Phạm Lãi nói rằng, thầy Kế Nhiên có 7 kế sách, nước Việt dùng 5 kế sách liền xưng bá thiên hạ. DÙng việc quốc gia đã có hiệu quả như vậy, ta muốn dùng nó vào kinh doanh gia nghiệp.
Thì ra phương pháp kinh doanh này đã được Phạm Lãi dùng ở nước Việt rồi.
Phạm Lãi bái Kế Nhiên làm thầy. Tương truyền, Kế Nhiên là đệ tử của Lão Tử và Quỷ Cốc Tử, bác học đa tài, không gì không thông tỏ, đặc biệt giỏi tính toán.
Phạm Lãi mùa hè chuẩn bị bông, mùa đông chuẩn bị lụa mỏng, hành động theo thời vụ, lợi nhỏ bán nhiều, đồng thời kiên trì kinh doanh thành tín.
Có một lần, Phạm Lãi lo tiền quay vòng không được, bèn vay 10 vạn tiền của một phú hộ. Một năm sau, phụ hộ đem giấy nợ đến thu nợ, nhưng bất cẩn gói hành lý bị rơi xuống sông, giấy nợ và lộ phí đã bị trôi đi mất rồi. Ông rất thất vọng tìm đến Phạm Lãi.
Trong tình hình không có giấy vay nợ, Phạm Lãi đã trả cho phú hộ cả gốc lẫn lãi, còn tặng cho ông thêm lộ phí nữa. Từ đó danh tiếng nhân nghĩa thành tín của Phạm Lãi lan ra khắp thiên hạ. Khi ông mở rộng kinh doanh bị thiếu vốn, luôn có người đem tiền đến tận nhà cho ông.
Khi khốn cùng thì một mình tu dưỡng bản thân, khi giàu có thì giúp đỡ thiên hạ. Phạm Lãi sau khi giàu có, ông trọng nghĩa khinh tài, hành thiện giúp dân làng, danh tiếng nhân nghĩa lan ra khắp nước Tề.
Tề Vương nghe hiền danh của ông, đã mời Si Di Tử Bì vào cung, bái làm tướng quốc. Sau 3 năm, dưới sự quản lý của Phạm Lãi, nước Tề dân giàu nước mạnh, tiếng ca tụng lan ra khắp mọi miền.
Trước vinh quang vô hạn này, Phạm Lãi lại cho rằng, làm quan đến khanh tướng, trị gia đạt nghìn vàng, những việc này đối với người dân thường áo vải, tay trắng dựng cơ đồ mà nói, thì đã đến cực điểm rồi. Được danh tiếng tôn quý lâu, e là không lành. Thế là ông lại lặng lẽ bỏ đi, giống như lúc ông lặng lẽ đến.
Phạm Lãi trả lại ấn tín tướng quốc, còn cho đi hết gia tài, tặng bạn bè thân hữu cùng hàng xóm, dân làng, lại một lần nữa công thành thân thoái.
Lão Tử nói: “Vàng ngọc đầy nhà không cách nào giữ được, phú quý mà kiêu ngạo thì tự rước tội lỗi, công thành thân thoái là Đạo của Trời”.
Mọi sự việc đều là “vật cực tất phản, thịnh cực tất suy”, người biết được đạo lý này không ít, nhưng người có thể làm được chủ động thay đổi lúc thích hợp thì thực sự không nhiều.
Đào Chu Công
Lần này Phạm Lãi liên tiếp định cư ở Đào Khâu, nước Tống, đây là nơi vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi, tiếp giáp với các nước. Ông đổi tên là Đào Chu Công, và lại lần nữa sáng nghiệp. Ông coi trọng chất lượng thương phẩm, kinh doanh công bằng.
Tương truyền người phát minh ra cân 16 lạng chính là Phạm Lãi. Trên cán cân có 3 ngôi sao là Phúc, Lộc, Thọ. Thiếu 1 lạng tổn phúc, thiếu 2 lạng tổn lộc, thiếu 3 lạng tổn thọ. Đối với thương nhân mà nói, điều này là một sự nhắc nhở tuyệt diệu. Chỉ vài năm, Phạm Lãi lại trở thành cự phú. Đến khi 88 tuổi, ông không có bệnh mà qua đời.
Phạm Lãi giỏi kiếm tiền tài, lại giỏi cho tặng tiền tài, nên trong con mắt của mọi người, ông chính là vị Thần Tài sống, được tôn xưng là Thương Thánh. Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên đã ca ngợi Phạm Lãi: “Phạm Lãi 3 lần chuyển nơi ở, đều có danh tiếng vinh quang”.
Mọi người thường dùng danh lợi được mất để đánh giá một người có thành công hay không, từ ý nghĩa này mà nói, Phạm Lãi đã nhiều lần thành công, nhưng hiển nhiên, Phạm Lãi nhìn càng xa hơn, công danh tiền tài, chẳng qua chỉ là hoa trong gương, trăng đáy nước.
Sau khi trải hết cuộc bể dâu, rất nhiều người sẽ nhận thức được rằng, hạnh phúc của con người không nằm ở tiền bạc và quyền thế, mà nằm ở chỗ không bệnh, không tai họa. Đời người đầy những yếu tố bất định, trong xả bỏ có đắc được, trong đắc được có xả bỏ, ở đáy vực thẳm thì kiên cường, ở trên đỉnh cao thì khiêm tốn.
Cuộc đời tuân theo Thiên Đạo, thì bất kể ở nơi nào, lúc nào trong cuộc đời, đều có thể có được sức mạnh sinh sôi nảy nở không ngừng. Như thế thì có tiền tài là giàu có, không có tiền tài vẫn là giàu có.
Theo NTDVN(Trung Hòa)