SKĐS – Theo các chuyên gia, thiếu bãi đỗ xe đang là vấn đề cấp bách cần được giải quyết, tránh những hệ lụy ảnh hưởng tới người dân và Thủ đô.
Nhiều hệ lụy từ thiếu bãi đỗ xe
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện các loại, trong đó phương tiện cá nhân như ô tô là gần 1,5 triệu chiếc. Mỗi ngày, số phương tiện các loại được đăng ký mới và đưa vào lưu thông ở Hà Nội vẫn có thêm khoảng 1.100 chiếc. Trong khi đó, các bãi đỗ xe ở Thủ đô hiện chỉ đáp ứng 8-10% tổng số phương hiện có. Tình trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng đang mang lại nhiều hệ lụy cho thành phố Hà Nội.
Thực tế, nhiều người vẫn bất chấp đỗ xe ô tô ngang nhiên trên vỉa hè hay lòng đường tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông mà còn gây mất mỹ quan đô thị hay tiềm ẩn nhiều rủi ro tổn thất tài sản với chủ phương tiện.
Thiếu bãi xe trầm trọng còn dẫn đến tình trạng nhiều bãi xe tự phát mọc lên khắp nơi ở các phường, quận của Hà Nội. Hầu hết những bãi xe tự phát này đều không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Thực tế ở Hà Nội, đã có trường hợp cháy bãi xe tự phát, gây tổn thất rất nhiều về tài sản.
Theo luật sư Tạ Quốc Long, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, khi xảy ra cháy nổ ở những bãi xe tự phát, các chủ phương tiện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đòi bồi thường thiệt hại. Bởi vì, các chủ bãi xe thường là cá nhân, những người không rõ lai lịch, nơi cư trú đứng ra tổ chức và thu tiền. Các phiếu gửi xe của họ không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền (thậm chí là không có phiếu).
Đương nhiên, họ không phải nộp bất kỳ một khoản thuế nào. Thông thường, sau khi xảy ra vụ việc, trong tay nạn nhân gần như không có đủ các căn cứ để yêu cầu chủ bãi xe bồi thường thiệt hại. Hoặc nếu có xác định được những cá nhân trông giữ xe cụ thể, thì quá trình đòi bồi thường cũng rất là gian nan.
Cần có những định hướng, đột phá mới
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, từ những năm 2000, Hà Nội đã có quy hoạch bến bãi đỗ xe nhưng không thực hiện được theo kế hoạch đã định. Vì vậy mới có bất cập về bến bãi đỗ xe như hiện nay.
“Nhu cầu phương tiện giao thông, nhất là phương tiện cá nhân phát triển rất mạnh, tới 12%, trong khi quy hoạch giao thông thì chậm. Bãi đỗ xe đáng lẽ ra phải đạt được 3% diện tích tự nhiên, trong đó có thể làm nhiều tầng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ đạt được 10% nhu cầu đỗ xe. Diện tích bãi đỗ xe không tăng, phương tiện giao thông tăng quá mức dự báo cho nên nhu cầu ngày càng trở nên cấp bách.
Chúng ta đã khai thác nhiều phương án linh hoạt, trong đó có khuyến khích các bến bãi đỗ xe ngầm, ví dụ như: Vườn hoa Hàng Đậu; Vườn hoa Nhà Hát Lớn; Vườn hoa Lý Thái Tổ… Song cuối cùng không thực hiện được vì không thể hài hòa về lợi ích và thu hút được các doanh nghiệp”, TS Nghiêm chia sẻ.
TS Nghiêm nhận định, thời gian tới có một số thuận lợi để chúng ta có thể giải quyết được vấn đề thiếu bãi đỗ xe. Thứ nhất, trong Luật đất đai mới, quy định về không gian ngầm cũng là một phương thức khai thác sử dụng đất, được cấp quyền sử dụng đất. Khi được cấp quyền sử dụng đất, đơn vị doanh nghiệp họ có quyền thế chấp, thừa kế, sang tên… Đây là cú hích mới.
Thứ hai là hiện nay, chúng ta đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhưng mà khoa học kỹ thuật ứng dụng cho bến bãi đỗ xe nhiều tầng thì còn ít. Hà Nội cũng cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật này cho doanh nghiệp.
Đề xuất thêm giải pháp, TS Nghiêm nói: “Cần có những định hướng mới, đột phá mới. Sau quy hoạch chung được Quốc hội góp ý, sắp tới được Thủ tướng duyệt, thì cần phải điều chỉnh, lập lại quy hoạch bến bãi đỗ xe. Mặc dù đã có quy hoạch từ trước nhưng chúng ta vẫn phải làm lại quy hoạch này để cho phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có ưu đãi về chính sách nguồn lực để thực hiện. Điều này trong Luật Thủ đô cũng đã có đề cập đến, nhưng HĐND Hà Nội cần phải cụ thể hóa ưu đãi là những gì: thuế, cho vay, không thu tiền sử dụng đất, hay đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để công nhận quyền sử dụng đất của các bến bãi đỗ xe…”.