Bí quyết của ‘bà mẹ siêu phàm’ Hàn Quốc nuôi dạy 6 con trở thành tiến sĩ
Bà sinh được 6 người con, tất cả đều là tiến sĩ tại Đại học Harvard và Đại học Yale, trở thành giảng viên, trưởng khoa tại các trường đại học danh tiếng. Bà chính là Hesung Chun Koh, “người mẹ siêu phàm Hàn Quốc” khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Bà Hesung Chun Koh là giáo sư Đại học Yale và hiện là Viện trưởng Viện Văn hóa Dongyan Hàn Quốc. Bà sinh ra tại Seoul, khi đang học năm thứ hai khoa tiếng Anh của Đại học nữ sinh Ewha tại Hàn Quốc, bà Hesung Chun Koh nhận được học bổng toàn phần sang Mỹ học tiến sĩ chuyên ngành Nhân học xã hội tại Đại học Boston. Trong thời gian giảng dạy tại Đại học Yale, bà đã gặp và kết hôn với chồng mình là tiến sĩ Kwang Lim Koh. Cặp vợ chồng này được xác nhận là những giáo sư châu Á đầu tiên giảng dạy tại Đại học Yale. Sau này, chồng bà đã có cơ hội trở thành đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ trong những năm 1960.
Bà Hesung Chun Koh được mệnh danh là “Bà mẹ siêu phàm Hàn Quốc”, đã đào tạo cả 6 người con của bà thành Tiến sĩ của Đại học Harvard và Đại học Yale, và họ đều giữ những chức vụ quan trọng sau khi tốt nghiệp. Truyền thông nước ngoài nhận xét “gia đình thành công này có thể sánh ngang với gia đình Kennedy nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Columbia, Hoa Kỳ, bà Hesung Chun Koh đã tiết lộ triết lý giáo dục độc đáo của mình. Bà nói rằng bà được truyền cảm hứng từ việc nghiên cứu văn hóa Trung Quốc cổ đại. Ở Trung Quốc có một câu nói rằng “công phu tại thi ngoại”. Đây là câu nói của thi nhân Lục Du, ý chỉ làm thơ không thể chỉ biết công phu vận dụng từ ngữ trau chuốt, hình thức, mà còn cần phải chú ý nội dung và ý cảnh thơ ca. Bà đã vận dụng câu nói này cho phương pháp giáo dục của mình, chính là “Công phu tại học ngoại”.
Hoàn cảnh của 6 người con của bà Hesung Chun Koh
Con gái lớn, Carolyn Ko Kyeongsin, tốt nghiệp Đại học Harvard và có bằng Tiến sĩ tại MIT, bà hiện là giáo sư Khoa Hóa học tại Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc.
Người con trai cả, Howard Ko Kyeongju, tốt nghiệp trường Y Đại học Yale, ông từng là Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh ở Massachusetts và hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Harvard.
Con trai thứ hai, Howard Kyeongju, đã giành được Giải thưởng Tổng thống Hoa Kỳ từ khi còn học cấp hai; ông nhận bằng tiến sĩ y khoa của Đại học Harvard và bằng tiến sĩ triết học tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Con trai thứ ba, Harold Hongju, học tại Đại học Oxford ở Vương quốc Anh sau khi học tại Đại học Harvard, và sau đó trở lại Đại học Harvard để lấy bằng tiến sĩ luật. Sau đó, ông được Trường Luật Yale mời trở thành giáo sư thỉnh giảng người Hàn Quốc đầu tiên tại trường, là hiệu trưởng hiện tại của Trường Luật Yale. Ông từng là Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách tài chính.
Cô con gái thứ hai, Jean Kyongun Koh Peters, nhận bằng Tiến sĩ luật tại Đại học Harvard, cô là phó giáo sư tại Trường Luật Đại học Columbia và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật Đại học Yale.
Con trai út Edward Ko Tongju, sau khi tốt nghiệp Khoa Xã hội học tại Đại học Harvard, đã nhận được bằng cao nhất về mỹ thuật-MFA (Thạc sĩ Mỹ thuật) từ Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Trường Nghệ thuật Thị giác ở New York.
Bà Hesung Chun Koh cho rằng muốn nuôi dạy những đứa con ưu tú thì trước hết phải nâng cao khả năng của người mẹ, bởi người mẹ có vai trò quyết định trong một gia đình.
Dưới đây là những kinh nghiệm nuôi dạy con cái được bà chia sẻ lại:
Mẹ phải biết cách phát triển bản thân
Người mẹ nên tìm sự cân bằng giữa công việc và gia đình, có khả năng giải quyết những khó khăn do xung đột giữa gia đình và sự nghiệp gây ra.
Bà Hesung Chun Koh tin rằng dù làm nghề gì thì người mẹ cũng phải nỗ lực hết mình để phát triển bản thân. Bạn làm công việc gì không quan trọng, điều quan trọng là bạn phải đối đãi bằng tất cả trách nhiệm của mình. Bà chia sẻ:
“Khi con vào trung học, tôi phải đối mặt với lựa chọn hoặc tiếp tục đi làm hoặc ở nhà làm nội trợ. Cuối cùng, tôi vẫn chọn công việc. Nhưng, ở thời điểm đó, lựa chọn công việc đồng nghĩa với việc tôi phải cố gắng 200%. Tôi luôn phải sắp xếp thời gian khéo léo để không vì công việc mà bỏ quên con cái. Ở độ tuổi ấy, con trẻ cần tới những lời khuyên của bố mẹ hơn cả. Vì thế, khi con gặp các vấn đề ở trường và cần trò chuyện, tôi chọn ở bên cạnh con”.
Đừng vì con cái mà hy sinh bản thân mình
Bà Hesung Chun Koh đang nói về sự hy sinh vô điều kiện, bởi vì chính cha mẹ của bà không phải là những người như vậy. Hơn nữa, bà Hesung cho rằng với tư cách là cha mẹ, điều cốt yếu là làm thế nào để trở thành người định hướng cho con cái, giúp con nhìn thấy tương lai và dấn thân vào con đường đời của chính mình. Bà kể lại rằng cha mẹ bà luôn học hỏi, cầu tiến và làm giàu cho cuộc sống của họ, thái độ sống và cách nhìn thế giới của họ đã ảnh hưởng đến người khác và trở thành tấm gương cho con trẻ.
Bà Hesung cho rằng, những bậc cha mẹ chỉ có khả năng nuôi dạy mà không có khả năng hướng dẫn con cái thì không phải là những bậc cha mẹ xuất sắc. Cha mẹ phải có ý thức về mục đích, và cho dù là cha mẹ, họ vẫn phải tiếp tục cố gắng. Cuộc sống của cha mẹ nên trọn vẹn và không thể bị ngăn cách bởi con cái. Để làm được điều này, sẽ khó hơn cả sự hy sinh vô điều kiện.
Sáng tạo một hoàn cảnh để có thể học mọi lúc, mọi nơi
Dù bạn ở nhà hay ở đâu cũng có thể học hiệu quả. Không cần ép trẻ học, trẻ chỉ cần nhìn thấy mọi người trong nhà đều đang học, trẻ sẽ cảm thấy việc học là một phần việc “nhàn hạ” của gia đình chúng ta.
Đối với gia đình bà Hesung, ngôi nhà cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Trong một ngôi nhà không quá rộng, đôi khi bàn ăn và bàn cà phê thay thế luôn cho bàn học. Bà cho biết họ thậm chí còn chuẩn bị hai chiếc bàn cho bạn bè của con mình học khi chúng đến nhà. Và ngôi nhà của họ gần như đã trở thành thư viện trẻ em hàng xóm.
Tình cảm tốt giữa vợ chồng dễ dàng trở thành tấm gương
Bà Hesung Chun Koh cho rằng cha mẹ tôn trọng nhau sẽ trở thành sức ảnh hưởng quyết định đến con cái. Cha mẹ thường xuyên cãi vã, đặc biệt là những người hay cãi nhau trước mặt con cái, chắc chắn sẽ khiến sự trưởng thành của con cái gặp vấn đề. Dù cố gắng tránh nhưng vợ chồng khó tránh khỏi những tranh chấp. Nhưng trước mặt các con, bà luôn xác lập quyền uy của người cha cho chồng mình.
Để trẻ cảm nhận được giá trị của “gia đình”
Bà Hesung Chun Koh nói rằng mỗi sáng cả gia đình phải cùng nhau ăn sáng, điều này tạo cơ hội tốt để giao tiếp cùng nhau. Đây là nguyên tắc do chồng bà đặt ra.
Việc ăn sáng không chỉ vì nhu cầu của cơ thể, mà còn giúp bản thân mỗi thành viên vào mỗi buổi sáng đều nhận thức được giá trị của “gia đình”.
Mặt khác, buổi sáng nhìn thấy biểu hiện của các con, cha mẹ cũng có thể đoán được chuyện gì đã xảy ra với chúng.
Mẹo giao tiếp với trẻ
Nhiều bậc cha mẹ than vãn rằng con cái họ không thích nói chuyện với mình. Cá nhân bà cho rằng lý do chính khiến một đứa trẻ không giao tiếp với cha mẹ là vì nó thấy giao tiếp với cha mẹ là vô nghĩa. Nguyên nhân có thể cha mẹ không hiểu con và luôn giáo dục con theo quan điểm riêng của họ; hoặc cha mẹ không thể đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng hoặc sáng suốt.
Trong trường hợp này, cha mẹ chỉ cần ghi nhớ 2 điều: biết lắng nghe và biết cách gợi ý.
Đừng chỉ trau dồi tài năng của trẻ, hãy tập trung vào việc nuôi dưỡng phẩm cách
Một con người tài hoa, đến thời điểm có thể toàn thân bỗng chốc tỏa sáng; nhưng chỉ khi anh ta đồng thời có một phẩm cách cao quý, thì ánh quang huy sáng chói ấy mới có thể lan tỏa, và chiếu rọi đến mọi người.
Bà Hesung cho rằng tài năng giống như bông hoa bồ công anh, còn phẩm cách chính là làn gió, chỉ khi có gió thổi, bồ công anh dẫu bé nhỏ vẫn sẽ nhảy múa trong không trung và bay về mọi phương để gieo hạt. Sức mạnh của phẩm cách thường khiến bà cảm thấy rung động và kinh ngạc. Nó có thể khiến một người làm việc chăm chỉ hơn, cởi mở hơn, mềm mại hơn và cũng mạnh mẽ hơn.
Bà Hesung rất tự hào vì con cái bà khi trưởng thành đều tham gia rất nhiều việc vì cộng đồng: gây quỹ cho các gia đình là nạn nhân sóng thần, hỗ trợ bệnh nhân AIDS, xây nhà cho người nghèo, tư vấn pháp lý cho những nhóm yếu thế…
Khi có ai đó hỏi Hesung Chun Koh về một phương pháp giáo dục đặc biệt, bà sẽ nói: “Đừng chỉ trau dồi tài năng của trẻ, mà còn tập trung vào việc nuôi dưỡng tính cách tốt, định hướng một đứa trẻ trở thành người biết giúp đỡ người khác”.
Hòa An – ntdvn