Liệu Tôn Kiên người đặt nền móng cho Đông Ngô có phải là hậu duệ Tôn Vũ? Trên mộ xuất hiện nhiều dị tượng
Tôn Kiên, tự Văn Đài, người đặt nền móng xây dựng Đông Ngô trong lịch sử Tam Quốc, là người được coi là “mãnh hổ Giang Đông”, ông là người khiến Đổng Trác khiếp sợ khi nhắc đến, được coi là đại địch của Đổng Trác.
Tôn Kiên còn được gọi là Phá Lỗ Tướng Quân, trong “Tam quốc chí – Phá Lỗ tướng quân truyền” có nhắc đến khi Tôn Kiên sinh ra trời liền xuất hiện dị tượng. Nhiều người nhận định Tôn Kiên là dòng dõi của Tôn Vũ thời Xuân Thu.
Tôn Kiên tính tình khoáng đạt, thích kết giao với các hào kiệt.
Năm 17 tuổi (Năm 171), ông cùng cha đi thuyền đến sông Tiền Đường, trên đường đi gặp một toán cướp Hồ Ngọc đang cướp tiền của các nhà buôn và chia chác với nhau trên bờ. Mọi người trên thuyền đều sợ không dám tiến lên, Tôn Kiên tỏ ý định đánh cướp.
Dù cha đã can không nên mạo hiểm nhưng Tôn Kiên vẫn xách dao nhảy lên bờ, vừa chạy vừa cầm dao chỉ đông chỉ tây như đang chỉ huy mọi người nghe hiệu lệnh. Bọn cướp biển thấy vậy tưởng rằng có quân triều đình đến bắt, liền vứt hết tiền của bỏ chạy. Tôn Kiên thừa thế đuổi theo, chém chết một tên cướp.
Từ vụ việc này, ông trở nên nổi tiếng, được quan phủ trong quận phong làm Hiệu úy.
Năm 184, anh em Trương Giác cầm đầu khởi nghĩa Khăn Vàng chống nhà Hán, thanh thế rất lớn. Trong các tướng được triều đình cử ra mặt trận, Chu Tuấn tiến cử Tôn Kiên làm Tả quân tư mã. Tôn Kiên chiêu mộ quân sĩ ở vùng Hoài, Tứ, dồn thêm binh mã có từ trước được hơn 1000 người, theo Chu Tuấn đi đánh quân Khăn Vàng.
Tôn Kiên khỏe mạnh, dũng mãnh xông trận, thường một mình đánh sâu vào trận địa. Có lần ông bị thương nằm ngã xuống cỏ, mọi người tìm không thấy, nhờ có con ngựa chiến hí vang nên quân sĩ tìm thấy ông mang về dưỡng thương. Vừa đỡ vết thương ông lại xin ra trận.
Quân Khăn Vàng bị dẹp. Lực lượng tàn dư cố thủ ở Uyển Thành. Tôn Kiên làm tiên phong cho Chu Tuấn, một mình đảm nhận đánh một mặt thành, xông pha đi đầu, cuối cùng hạ được Uyển Thành.
Chu Tuấn tâu báo về triều đình về công trạng của Tôn Kiên, ông được phong làm Biệt bộ tư mã.
Năm 189, Hán Linh Đế qua đời, Hán Thiếu Đế lên thay. Hoạn quan và ngoại thích Hà Tiến mâu thuẫn gay gắt, kết quả Hà Tiến bị hoạn quan giết chết. Trước khi chết Hà Tiến triệu Đổng Trác vào dẹp hoạn quan. Đổng Trác có cớ vào triều, bạo ngược làm nhiều điều tàn ác, thao túng triều đình, phế và giết Thiếu Đế, lập Hán Hiến Đế.
Tôn Kiên nghe tin Đổng Trác ngang ngược ở kinh đô Lạc Dương, than trách Trương Ôn không nghe lời ông trước đây.
Sau này, 18 lộ chư hầu hội binh thảo phạt Đổng Trác, Tôn Kiên luôn đi tiên phong, khí thế đội quân uy dũng nhiều lần khiến đội quân của Đổng Trác thua chạy và phải bỏ Lạc Dương chạy về Trường An.
Về sau, do mâu thuẫn với Viên Thiệu và Lưu Biểu nên Tôn Kiên bị Hoàng Tổ (tướng của Lưu Biểu) tấn công vây bắt và bị loạn tiễn bắn chết.
Theo Tam quốc chí, ông là hậu duệ của danh tướng Tôn Vũ thời Xuân Thu, gia tộc nhiều đời làm quan. Nói Tôn Kiên là hậu duệ của Tôn Vũ, tất nhiên, nhiều người không tin, nhưng Tôn Quyền đã từng đưa gia phả của mình để đối chiếu và rõ ràng rất có hệ thống, dường như không có sai sót.
Trong Ngô thư có viết: Thế hệ nhà Kiên làm quan ở Ngô, nhà ở Phú Xuân, an táng tại Thành Đông. Dân ở đó phát hiện trên mộ nhà họ Tôn có ánh sáng phát ra bí ẩn, có mây ngũ sắc, thông thẳng lên trời, kéo dài tới mấy dặm. Nhiều người đến xem. Các bô lão bảo nhau: “Thật là bất phàm, nhà họ Tôn sắp thịnh!”
Khi mang thai Tôn Kiên vô cùng vất vả, bà mẹ mơ thấy rau thai quấn quanh cả khu vực Ngô Xương Môn, tỉnh dậy bà vô cùng sợ hãi bèn kể lại cho bà hàng xóm, người hàng xóm nói: “An tri phi cát chinh dã”, ngụ ý rằng xuất hiện dị tượng ắt xuất hiện người phi phàm.
Quả nhiên, sau này Tôn Kiên trở thành người hiệp nghĩa, trung liệt, ông đã đặt nên nền móng vững chắc cho Tôn Quyền giữ vững khu vực Giang Đông và xưng đế, tạo nên thế chân vạc thời Tam Quốc.
Nguyệt Hòa biên tập
Theo Aboluowang/wikipedia