Vị quan thời Đường ‘thủ tang’ cha 3 năm: Làm cảm động cả hổ dữ, 72 cây nấm linh chi bất ngờ mọc xung quanh mộ cha
Ở vùng Tứ Xuyên vào thời nhà Đường, có một người con trai nổi tiếng hiếu thảo với cha mẹ, tên là Vi Trọng Khuê, ông từ nhỏ đã tỏ ra hiếu thảo với cha mẹ, cung kính và khiêm nhường với anh chị em trong nhà. Lòng hiếu thuận và đức tính tốt đẹp của ông nhận được sự kính trọng của bách tính muôn dân trong làng.
Vào thời Trung Quốc cổ đại, ngoài kiến thức học vấn ra, tu dưỡng đạo đức chính là nền tảng chủ yếu để tạo nên danh tiếng, địa vị của một người. Phẩm chất đạo đức của một người là một trong những nhân tố quan trọng nhất để quyết định sự nghiệp, thăng quan tiến chức của họ.
Ví như, triều Hán đã thi hành tiến cử nhân tài dựa trên các tiêu chí về những phẩm chất tốt đẹp, như: Hiếu thảo, trung thực, khiêm tốn, nhẫn nại,…
Vào thời nhà Ngụy và nhà Tấn, triều đình đã thi hành chính sách “Cửu phẩm trung chính chế” để lựa chọn người tài cho đất nước, trong đó, phẩm chất đạo đức vẫn là yếu tố quan trọng để lựa chọn quan lại trong triều đình. Trong triều đại nhà Tùy, nhà Đường, trình độ đạo đức cũng giống như điều kiện tiên quyết để giúp một người có thể ‘thăng quan tiến chức’ hay không?
Bởi vậy, vào thời cổ đại, không ít người đã được chiêu mộ làm quan bởi những phẩm đức tốt đẹp của họ. Vi Trọng Khuê cũng là một ví dụ điển hình trong số đó. Khi ông 17 tuổi, để khen thưởng cho lòng hiếu thuận của Vi Trọng Khuê, quận phủ đã phong cho ông chức vụ trưởng quan Mông Dương.
Trung Quốc ngày nay, để lên chức quan nào đó thì ít nhất cũng phải tiêu tốn một số tiền nhất định, thậm chí có người còn dùng tiền để ‘mua’ chức quan. Vi Trọng Khuê nhờ tấm lòng hiếu thảo của mình mà nhận được chức quan cao quý, qua đây, chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa chốn quan trường vào thời nay và thời xưa.
Cha của Vi Trọng Khuê từng là quan tòa của Dương Quận, và ông là một vị quan thanh liêm và ngay thẳng. Cha của ông về quê khi tuổi đã cao. Dưới triều đại của Đường Cao Tổ Vũ Đức Đế (618-626), cha của ông lâm trọng bệnh, ông không quản ngày đêm khó ngọc, thức khuya kề cạnh chăm sóc cha, ngay đến quần áo và chiếc mũ quan cũng không thay. Ít lâu sau đó, cha của ông qua đời vì bạo bệnh.
Cổ nhân có cách nói: “Thủ tang tam niên”, có nghĩa là sau khi cha mẹ qua đời, người con trong 3 năm đầu cần phải giữ hiếu đạo, tránh xa tửu sắc và cuộc sống xa hoa, v.v… để tỏ lòng thương tiếc tổ tiên và người đã khuất.
Người xưa cho rằng, 3 năm đầu đời của một đứa trẻ, cha mẹ đã phải vất vả, chăm bẵm và yêu thương hết mực, 3 năm sau chúng mới có thể tự do rời khỏi vòng tay của cha mẹ để tự mình bước đi. Bởi vậy, con cái “thủ hiếu 3 năm” sau khi cha mẹ mất chính là để báo hiểu công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Về báo hiếu 3 năm, Tễ Ngã, một đệ tử của Khổng Tử đã từng đưa ra nghi vấn rằng thời gian thủ tang cha mẹ như vậy là quá dài. Tễ Ngã cho rằng, thời gian thủ tang cha mẹ nên là một năm, giống với thời gian sinh trưởng của hạt thóc là được rồi. Khổng Tử nghe xong cảm thấy rất không hài lòng, cho rằng: “Tễ Ngã như vậy thật là không có lòng nhân ái”.
Đối với việc 3 năm thủ tang cha mẹ, dù là các quan đại thần trong triều, hoặc là các thân sĩ nổi tiếng trong vùng, họ đều rất coi trọng nguyên tắc này. Vi Trọng Khuê từ biệt vợ và thê thiếp, một mình đứng gác bên mộ của cha. Ông sùng tín Phật Pháp, mỗi ngày đều niệm kinh bên mộ của người cha quá cố. Ban ngày, ông gánh đất tu sửa lăng mộ, ban đêm chuyên tâm niệm kinh, mỗi ngày đều tinh tấn và thành tâm không ngừng nghỉ, suốt 3 năm không trở về nhà.
Khi đó, một con hổ đến chỗ Trọng Khuê đang canh giữ lăng mộ vào ban đêm, nó lập tức quỳ xuống nghe Trọng Khuê niệm kinh, một lúc sau mới rời đi. Trong tâm của Trọng Khuê nghĩ rằng: “Hy vọng con mãnh hổ này sẽ không thể đến gần phần mộ của cha ta”. Con hổ dường như có linh cảm trong tâm, sau đó, nó rời khỏi lăng mộ của cha ông.
Sáng hôm sau, Vi Trọng Khuê nhìn thấy 72 cây nấm linh chi mọc xung quanh ngôi mộ của cha mình, được sắp xếp ngay ngắn trước ngôi mộ, như thể được trồng nhân tạo.
Những cây nấm linh chi có thân cây màu đỏ, tán lá màu tím, đường kính của tán lá xấp xỉ 5 thốn, trông sáng sủa tươi tắn, rất khác với những loại linh chi mà chúng ta gặp thông thường.
Vào thời cổ đại, nấm linh chi là một trong 9 loại thảo mộc bất tử. Việc nhiều nấm linh chi mọc lên chỉ sau một đêm khiến dân làng vô cùng ngạc nhiên, thế là người truyền người, cuối cùng chuyện này đã đến tai của các trưởng quan trong huyện.
Sau này, mọi người đã thu thập nấm linh chi, sau đó dâng lên Hoàng thượng, hoàng thượng ban một sắc lệnh sau đó cử người dán tờ thông báo lên khắp nơi, để mọi người cùng ghi nhận tấm lòng hiếu thảo của Vi Trọng Khuê.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Sound Of Hope (Văn Tư Mẫn)