Vì sao vua An Dương Vương cứ xây thành Cổ Loa, xây xong thì thành đổ: Có huyền cơ gì ở đây?
Lại nói chuyện An Dương Vương sau khi nối ngôi Hùng Vương thứ 18, dời đô về Phong Khê (ngày nay là huyện Đông Anh – Hà Nội) và xây dựng một tòa thành mà nước Nam xưa nay chưa từng có. Thành rất lớn, có cấu trúc đặc biệt gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, dễ thủ, khó công. Nhưng thành xây xong ban ngày thì ngay đêm đó lại đổ, ba lần đều như thế.
Thành Cổ Loa cứ xây xong ban ngày thì ban đêm lại đổ
An Dương Vương đến chân thành thị sát, cho gọi dân chúng địa phương đến hỏi. Họ trả lời rằng: Ban đêm nghe tiếng chân bước từ khắp nơi rầm rập đổ về, rồi tiếng nói lao xao không dứt như ma gào quỷ khóc, lại có âm nhạc ghê rợn tục tĩu. Người dân đều sợ hãi, ai nấy đóng chặt cửa không dám ra ngoài, sau đó nghe tiếng đổ rầm rầm như sấm nổ. Sáng ra thì cả tòa thành lớn đã gần như sụp thành bình địa.
Nhà vua đêm ngày lo nghĩ, tự trách mình từ xa đến phong tục chưa tỏ tường, lẽ đâu còn khiếm lễ với quỷ thần nước Nam. Có người tâu rằng: “Nước Nam xưa nay vẫn là đất của cha Lạc Long Quân đời đời bảo hộ, xưa kia mỗi lần dân khổ đều ra Biển Đông mà gọi: “Cha ơi! Sao không về cứu chúng con?”, tức thì Lạc Long Quân đều hiển linh cứu giúp. Gần đây nhất là thời Hùng Huy Vương chống giặc Ân, Long Quân đã hóa cụ già để báo về việc Thánh Gióng đánh giặc cứu nước”. An Dương Vương nghĩ tổ tiên mình cũng là con cháu họ Hùng, song năm tháng xa cách đã trở thành ngoại tộc, chẳng hiểu có thể “hữu cầu tất ứng” như xưa hay không. Tuy vậy, cũng không còn cách nào khác, bèn trai giới tắm gội, lập đàn cầu đảo ở cạnh chân thành. Cầu đảo xong, bỗng thấy một cụ già dáng tùng vóc hạc, tiên phong đạo cốt, chống gậy gỗ lê đi từ phương Đông đến dưới cửa thành ngẩng mặt than rằng: “Xây thành thế này biết bao giờ mới xong được” (1).
Vua lấy làm lạ, rước cụ già vào trong cung, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?” (2). Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công” (3), nói xong liền từ biệt, ra đến cửa cung bỗng thoắt biến đi đâu mất.
Nhà vua nghĩ, cụ già từ hướng đông mà tới, chắc Thanh Giang sứ cũng vậy, sáng hôm sau bèn kéo cả quần thần ra cửa đông, ở bên bờ sông ngồi đợi. Bỗng thấy mặt sông đùn lên sóng lớn, rồi một con rùa vàng cực lớn nổi lên, mai to như thuyền bằng vàng sáng lấp lánh. Rùa vàng bơi vào bờ, trong chớp mắt hóa thành một võ tướng mình cao chín thước, oai phong lẫm liệt, tự xưng là Thanh Giang sứ giả của Lạc Long Quân dưới thủy phủ, còn gọi là Thần Kim Quy.
Tiêu diệt kê tinh, xây dựng Loa Thành
Nhà vua chào hỏi, Thanh Giang sứ ứng đối trôi chảy, không gì không rõ, nhất là việc quỷ thần nước Nam lại càng thông tỏ. Vua mừng lắm, bèn hỏi vì sao xây thành mãi không xong, Thanh Giang sứ mới trả lời rằng:
“Ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đã nghìn năm thành tinh, giỏi biến hóa. Nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ trong một quán trọ ở vùng này. Trong núi lại có u hồn của các vua thời trước cùng các nhạc công có thù với nhà vua, lẩn quất trong hang sâu khe đá. Chính tinh gà đã dẫn các u hồn đó đến tường thành, dùng tà phép để phá đổ, sáng ra lại kéo nhau về núi. Con tinh gà ấy lại thường nhập vào con gái người chủ quán và con gà trắng của ông ta để hãm hại khách trọ. Nay trước tiên hãy giết đứa con gái chủ quán cùng con gà trắng là nơi nó mượn xác, nó sẽ mất chỗ đi về. Rồi thần cùng nhà vua trèo lên núi Thất Diệu sẽ thấy tinh gà hóa ra lá thư yêu tinh, cho con chim cú ngậm bay lên trên cây chiên đàn, tâu cùng thượng đế để xin phá thành. Thần sẽ cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thì thành sẽ xây được”.
Vua nghe nói than rằng:
“Tinh gà phá việc xây thành, lại giết hại dân ta, không trừ bỏ không được. Nhưng các u hồn kia gieo rắc âm nhạc tồi bại cũng nguy hiểm không kém. Xưa Sư Khoáng nước Tấn nghe khúc Thanh Thương của thời Trụ Vương bèn than rằng đây là khúc nhạc vong quốc, nên không cho tấu nữa. Sau Tấn Bình Công vì cố tình nghe khúc Thanh Giác mà đến nỗi ốm liệt giường, nước Tấn cũng hạn hán ba năm, đói khổ liên miên. Xem thế đủ thấy, những thứ âm nhạc dâm tà quỷ mị nếu không dẹp bỏ sẽ gây tai họa khôn lường cho quốc gia. Đây không chỉ còn là việc xây thành nữa rồi”.
Vua quyết ý, bèn cùng với Thần Kim Quy cải trang làm khách bộ hành đến quán xin ngủ trọ. Chủ quán từ chối, lấy cớ trời sắp tối, có yêu ma trong rừng thường đến hại khách trọ. An Dương Vương cười, nói: “Sống chết có số mệnh, ma quỷ thì làm gì được ta”. Chủ quán buộc phải cho trọ lại.
Đêm ấy, hai người không ngủ, An Dương Vương gươm báu cầm tay, còn Thần Kim Quy ngồi đả tọa tay bắt quyết. Đến canh ba, bỗng nghe ngoài sân có tiếng lục cục, một mùi hôi nồng nặc bốc lên, chợt thấy một luồng ánh sáng trắng xanh vụt chớp đến khe cửa, rồi cửa phòng bị lay động dữ dội như có kẻ muốn đạp cửa xông vào. Có tiếng the thé quang quác: “Kẻ nào đang ở đây, mau ra mở cửa?”. Thần Kim Quy lớn tiếng nạt nộ: “Cứ đóng cửa thì mày làm gì?”. Con tinh thấy thế càng làm dữ, phóng hỏa đốt phòng, biến hóa trăm đường nhưng đều bị Thần Kim Quy phá hết phép. Đến gần sáng, nó bất lực bỏ đi.
Sáng ra, chủ trọ cho người vào phòng để lượm xác hai người đem chôn, thấy khách vẫn cười nói như thường thì vô cùng kinh ngạc, liền chạy đến lạy mà nói rằng: “Ngài vẫn được bình an thế này hẳn là Thần nhân, vậy xin hãy cứu dân”. Vua nói: “Nhà ngươi hãy giết con gà trắng để tế Thần, sẽ được toại nguyện”. Chủ quán mang con gà trắng ra giết, giết gà xong thì đứa con gái cũng ngã lăn quay ra.
Ngay sáng ấy, vua An Dương Vương cho quân lính đào dưới chân núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, lại có những nhạc phổ chép những nhạc khúc đầy tà khí, làm hại đến phong hóa, bèn đem đốt thành tro rồi rải xuống sông. Đến chiều tối, vua và Thần Kim Quy leo lên núi Thất Diệu, thấy tinh gà đã hóa thành con chim cú sáu chân, mỏ ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Thần Kim Quy hóa phép thành con chuột leo lên cây vồ cắn vào chân cú. Lá thư rơi xuống đất, vua vội nhặt lấy.
Từ đó tinh gà bị diệt, không thể tác quái được nữa, các u hồn cũng bị dẹp tan. Thành xây nửa tháng thì xong, rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỉ Long thành, người đời Đường gọi là Sát Quỉ Côn Lôn thành, vì cho rằng thành ấy cao lắm.
Nguyên Phong – ntdvn