Tây Phương Cực Lạc thế giới du ký (P2): Các tầng chúng sinh và Phật ở Thế giới Cực Lạc
Chúng sinh trong Cửu phẩm Liên Hoa có cuộc sống khác nhau như thế nào? Điều gì xảy ra nếu họ nhớ gia đình nơi nhân gian? Ở thế giới Cực Lạc không có sự phân biệt giữa nam và nữ, tại sao chỉ có các cô gái và tất cả đều có ngoại hình giống nhau?
Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về câu chuyện của pháp sư Khoan Tịnh – một trong ba bậc cao tăng lỗi lạc của Phật giáo cận đại, là đệ tử của lão hòa thượng Hư Vân, và những cảnh tượng mà ông được nhìn thấy khi nguyên thần ly thể, ngao du nơi Thiên giới. Cuối cùng, pháp sư Khoan Tịnh đã đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà chủ trì. Vậy ông đã có những trải nghiệm kỳ diệu gì ở nơi đây?
Cửu phẩm liên hoa
Pháp sư Khoan Tịnh đi theo Bồ Tát Quán Âm tham quan thế giới Cực Lạc. Ông nhận thấy rằng tất cả các cổng lớn, hành lang, ao hồ và lan can đều được cấu thành từ thất bảo, kể cả núi cao và mặt đất, đều sáng lấp lánh. Thất bảo này là gì? Trong Phật gia, Thất bảo là dùng để chỉ đến bảy báu vật quý giá nhất nơi nhân gian, trong các kinh điển Phật giáo khác nhau có những ghi chép khác nhau, chúng bao gồm vàng, bạc, mã não, xà cừ, lưu ly v.v. Điều khiến pháp sư Khoan Tịnh ngạc nhiên nhất là, tất cả những thứ nhìn dường như “hữu hình” này thực sự có thể xuyên qua mà không bị cản trở.
Đại điện nguy nga lộng lẫy phía sau Đức Phật A Di Đà trông cực kỳ hùng vĩ, bên trong có hàng vạn người, còn có rất nhiều Bồ Tát, toàn thân đều màu vàng kim trong suốt. Ông cũng thấy Bồ Tát Đại Thế Chí.
Lúc này, Quán Thế Âm Bồ Tát nói rằng, sẽ đưa pháp sư Khoan Tịnh đến xem Cửu phẩm liên hoa, cảnh giới nơi tất cả các chúng sinh sinh sống. Cửu phẩm này được tính như thế nào? Phạm vi lớn, nó được chia thành liên hoa thượng phẩm, liên hoa trung phẩm và liên hoa hạ phẩm. Mỗi phẩm này lại được chia thành ba hạng là thượng, trung và hạ. Do đó, tổng cộng có chín phẩm. Bồ Tát Quán Thế Âm đưa pháp sư Khoan Tịnh đi thăm từ hạ phẩm đến thượng phẩm.
Pháp sư Khoan Tịnh phát hiện ra rằng, trên đường đến ao sen hạ phẩm, cơ thể của ông dần dần thu nhỏ lại khi ông càng đi xuống. Tại sao lại như thế? Bồ Tát giải thích rằng, tất cả chúng sinh ở các cấp bậc khác nhau, do cảnh giới khác nhau nên hình dáng thân thể cao thấp khác nhau, cảnh giới càng cao thì thân thể càng lớn, cảnh giới càng thấp thì thân thể càng nhỏ. Đây được gọi là phù hợp với cảnh giới.
Liên hoa hạ phẩm – mang nghiệp vãng sinh
Có lẽ chúng ta có người đã từng nghe Đức Phật A Di Đà giảng về việc mang theo nghiệp vãng sinh, chính là tu hành không được hoàn mỹ thuần tịnh, trong một số trường hợp đặc biệt, cũng được Đức Phật A Di Đà tiếp nhận vào thế giới Cực Lạc. Đầm sen giữa liên hoa hạ phẩm là nơi cư ngụ của những người mang theo nghiệp vãng sinh.
Pháp sư Khoan Tịnh thấy rằng, mặt đất ở đây bằng phẳng như lòng bàn tay, được lát bằng vàng, tỏa sáng mờ nhạt và trong suốt. Một lúc sau, họ đến một quảng trường rất rộng rãi với nhiều cô gái khoảng 13-14 tuổi. Tất cả bọn họ trông giống hệt nhau, trang phục cũng giống nhau. Tất cả đều mặc váy màu xanh nhạt và hồng đào, thắt lưng màu vàng quanh eo, trên đầu búi hai búi tóc, cài hoa màu tím, hết mực xinh đẹp.
Pháp sư Khoan Tịnh rất nghi hoặc. Chẳng phải trong Kinh Phật nói rằng ở thế giới Cực Lạc không có phân biệt nam nữ, ở đây làm sao chỉ có nữ nhi như vậy? Bồ Tát Quán Thế Âm bảo pháp sư Khoan Tịnh nhìn lại bề ngoài của chính mình hiện tại. Pháp sư Khoan Tịnh cũng sửng sốt khi nhìn lại mình, thấy bản thân ông cũng giống như những cô gái kia.
“Tại sao điều này lại xảy ra?” – Pháp sư Khoan Tịnh ngạc nhiên hỏi Bồ Tát. Bồ tát giải thích rằng, nơi đây do một vị Bồ Tát cai quản, nếu Bồ Tát biến mọi người thành nam thì tất cả đều thành nam, muốn hóa nữ thì toàn bộ đều thành nữ. Trên thực tế, bất kể biến thành nam hay nữ, hoá sinh trong Liên hoa đều không có thân thể máu thịt, toàn thân đều là pha lê màu trắng, trong suốt như thủy tinh, nhưng lại có hình người, cho nên nam nữ kỳ thật cũng không có gì khác biệt.
Vậy cuộc sống ở đây như thế nào? Vào lúc sáu giờ hàng ngày, có một buổi giảng kinh do một vị đại Bồ Tát chủ trì. Ngoài ra, ban ngày hoa sen nở, mọi người có thể ra ngoài chơi, ban đêm quay trở về đài sen nghỉ ngơi. Khi nghỉ ngơi, một số họ niệm Phật trong hoa sen, trong khi những người khác có đủ loại giấc mơ, là những ảo ảnh do nghiệp phản ánh ra.
Pháp sư Khoan Tịnh gặp một người đồng hương Phúc Kiến ở đây, bước vào tòa sen của ông ấy, thấy đó là một tòa nhà cao tầng tráng lệ có hoa viên đẹp đẽ, cổ vật trong nhà quý báu, mọi đồ trang trí đều rất trang nhã, hoàng cung hay phủ tể tướng cũng không hơn được. Trong nhà có mấy chục người, đàn ông, đàn bà, già trẻ, ăn mặc trang phục lộng lẫy, người ra vào, rất náo nhiệt, giống như đang có chuyện vui gì đó.
Lẽ nào ở thế giới Cực Lạc này còn có cuộc sống như nhân gian thế này? Bồ Tát Quán Thế Âm giải thích rằng, người này lúc lâm chung rất thanh tịnh và mang theo nghiệp vãng sinh, nhưng nhiều kiếp tập khí vọng tưởng rất nhiều, hồng trần vẫn chưa hết.
Vài chục người ở đây đều là cha mẹ, vợ con, người thân và bạn bè của ông ấy đời trước. Mỗi khi ông ấy quay trở về đài sen để nghỉ ngơi, liền sẽ nhớ những người và vật này, khi ông ta nghĩ về họ thì họ sẽ xuất hiện. Nhưng, tất cả những điều này giống như con người nơi thế gian đang nằm mơ, khi tỉnh dậy thì không còn gì hết.
Pháp sư Khoan Tịnh cảm khái nói: “Kỳ thực, cuộc sống nơi nhân gian chẳng qua cũng là một giấc mộng lớn. Khi linh hồn rời khỏi thể xác, mọi thứ trên thế gian đều không thể mang đi được, và nó không còn thuộc về mình nữa. Nó giống như một giấc mơ vậy, cuối cùng tất cả đều trống rỗng”.
Hoa sen ở đây khác với hoa sen ở thế giới của chúng ta. Nó to khoảng một dặm đến ba dặm vuông, cao ba bốn tầng, và tất cả hoa sen đều phát sáng. Với người vãng sinh ở đây, nếu họ ở bên trong hoa sen, khởi lên đủ thứ vọng tưởng thì màu sen sẽ ảm đạm không có ánh sáng, ngược lại nếu họ không có vọng tưởng và có tâm thanh tịnh thì đóa sen sẽ tỏa ra ánh sáng rực rỡ chói lọi.
Còn đầm sen này, cũng sẽ xảy ra tình trạng khô cạn, hưng thịnh. Bồ tát Quán Âm nói: “Các hoa sen bị khô héo, mất sức sống là vì có người lúc đầu khi mới tin Phật, rất thành kính, dũng mãnh tinh tấn niệm Phật, gieo hạt giống Phật, hạt giống mạnh mẽ và nở hoa đẹp đẽ bên đầm sen. Nhưng chỉ chuyên cần tu tập được một thời gian, tâm lại lười biếng, tín tâm lung lay, chẳng những không niệm Phật mà còn làm điều thập ác, nên hoa sen của người đó dần tàn đi và khô héo”.
Trong nhân gian, người ta hay nghe câu nói rằng, một câu niệm Phật có thể tiêu trừ vô lượng tội nghiệp, kỳ thực đây cũng là điều kiện. Quán Thế Âm Bồ Tát nói rằng, có người không hiểu Phật Pháp, theo thế gian làm điều ác, nhưng sau khi nghe chân tướng, họ chuyển tâm hướng thiện, sửa đổi lỗi lầm trong quá khứ, niệm Phật thì có thể tiêu trừ tội nghiệp. Tuy nhiên, có người trong khi niệm Phật mà lòng như rắn độc, ngấm ngầm làm điều ác hại người, những người như vậy thuộc vào thập ác, nên không thể vọng tưởng rằng niệm Phật mà tiêu nghiệp, giảm tội được.
Khi nói đến chủ đề tu hành, pháp sư Khoan Tịnh không khỏi xúc động, phải mất 12 kiếp để tu hành từ hạ phẩm đến thượng phẩm ở cõi Cực Lạc. “Kiếp” này là cách diễn đạt về thời gian của Phật gia, còn có phân ra “đại kiếp”, “trung kiếp” và “tiểu kiếp”. Bất kể là loại nào, đều là thời gian rất, rất dài.
Mặc dù thế giới Ta Bà nơi con người tồn tại là khổ, nhưng nếu hạ quyết tâm và siêng năng tu hành khổ luyện, có thể một đời sẽ được vãng sinh Liên hoa thượng phẩm, như pháp sư Ấn Quang và pháp sư Hoằng Nhất là những ví dụ sống động. Do đó người tu luyện thực sự cần trân quý “nhân thân nan đắc” (thân người khó được).
Tiếp đến là cảnh tượng trong Liên hoa hạ phẩm. Ngoài ra, trong đó còn có một tòa tháp cao gọi là “Tháp Tịnh Quan”, nó có thể phản chiếu thế giới mười phương. Ví như nếu muốn nhìn trái đất, phóng tầm mắt nhìn chỉ lớn bằng hạt cát, nhìn mặt trời cũng như thế. Nhưng nếu muốn nhìn rõ cảnh tượng trên trái đất, nó sẽ tuỳ theo tư tưởng mà phóng to lên theo, thậm chí đồ đạc bên trong một căn phòng trên trái đất, đều có thể thấy rất rõ ràng. Pháp sư Khoan Tịnh gọi “Tháp Tịnh Quan” là “Đài quan sát vũ trụ”.
Liên hoa hạ phẩm vốn đã đẹp thần kỳ như thế, vậy Liên Hoa trung phẩm thì như thế nào?
Liên hoa trung phẩm: Phàm, Thánh sống cùng nhau
Dưới sự dẫn dắt của Bồ tát Quán Âm, pháp sư Khoan Tịnh tiếp tục đi lên phía trên, và đột nhiên cảm thấy cơ thể ngày càng cao lớn hơn, dường như ông đã sắp đến nơi. Hoa sen trong đầm Liên hoa trung phẩm, loại lớn tới 700-800 dặm. Vẻ ngoài của hoa sen cũng uy nghiêm và tráng lệ hơn, hoa văn vô cùng ưu mỹ, phóng ra rất nhiều màu sắc rực rỡ toả sáng nhau, thực sự rất lộng lẫy và diễm lệ.
Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là những cánh hoa sen trong đầm rất đặc biệt, chúng được chia thành nhiều lớp, trong mỗi lớp lại có đình đài, đình các, bảo tháp, v.v., phát ra hơn chục loại ánh sáng, phong cảnh vô cùng đẹp làm rung động lòng người. Những người sống trên hoa sen, cơ thể của họ có màu vàng đỏ và trong suốt, họ cũng sẽ phát ra ánh sáng. Họ mặc trang phục giống nhau và trông họ khoảng 20 tuổi. Lúc này thân thể pháp sư Khoa Tịnh cũng biến thành giống như họ, nhưng Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn là Bồ Tát, không thay đổi chút nào.
Chợt có tiếng chuông trên không trung vang lên, hóa ra đã đến giờ Bồ tát giảng kinh, Quán Thế Âm Bồ Tát hỏi: “Hôm nay Bồ Tát Đại Thế Chí và Bồ Tát Thường Tinh Tấn giảng kinh Pháp Hoa, con có muốn nghe không?”.
Pháp sư Khoan Tinh vui vẻ tiến về phía trước. Sau khi hai vị Bồ Tát hiện ra, hương khói không biết từ đâu bay lên, rất thơm, thiên không vang lên tiếng nhạc Trời du dương, vô số loài chim xinh đẹp bay múa theo tiếng nhạc. Mọi người đều hành lễ với Bồ Tát, rồi nghe Bồ Tát giảng kinh.
Khi lắng nghe, pháp sư Khoan Tịnh có một câu hỏi trong lòng, Diệu Pháp Liên Hoa kinh được nghe ở nơi đây khác với Diệu Pháp Liên Hoa kinh của thế gian như thế nào? Bồ Tát giải thích: “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở nhân gian có kinh văn khá nông, nhưng kinh văn ở đây lại thâm sâu hơn, tuy nông sâu khác nhau, nhưng ý nghĩa thì giống nhau, có thể nói là La Hán cũng không hiểu cảnh giới của Bồ Tát, Bồ Tát không hiểu cảnh giới của Phật. Khi nghe Bồ Tát thuyết pháp, thấy chỉ phát ra một loại âm thanh hay ngàn loại thứ tiếng đều tùy theo ngôn ngữ của chính người nghe tiếp nhận”.
Trong trung phẩm có một nơi gọi là “Phòng triển lãm thế giới Hoa Tạng”. Tại phòng triển lãm này, có thể thấy các loại phương pháp tu luyện của chư Phật và Bồ Tát, có thể nói là bao quát ngàn vạn. Trong “Phòng triển lãm thế giới Hoa Tạng”, có từng lớp từng lớp, mỗi lớp thể hiện toàn bộ quá trình một vị Phật trở thành Phật, chẳng hạn như Phật A Di Đà kiếp trước là ai, sư phụ của Ngài là ai, Ngài từng tu pháp môn gì, đã phát nguyện gì, kiếp trước nữa Ngài là người như thế nào, thậm chí toàn bộ tình cảnh trăm nghìn kiếp trước khi thành Phật của Ngài, chỉ cần liếc mắt là có thể thấy được.
Nếu muốn xem cảnh giới nào đó, có thể đi đến một tầng khác, chẳng hạn như xem quá trình thành đạo của Quán Thế Âm Bồ tát, cuộc sống và quá trình tìm Đạo của Ngài trong mỗi kiếp. Nếu muốn xem quá trình tu hành đời đời kiếp kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Dược Sư, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, v.v., đều có thể xem trong “Phòng triển lãm Thế giới Hoa Tạng” này. Tình hình của tất cả chư Phật và tất cả Bồ Tát trong mười phương đều như vậy.
Sau khi xem hết Liên hoa trung phẩm, pháp sư Khoan Tịnh tiến lên Liên hoa thượng phẩm.
Liên hoa thượng phẩm: Hoa nở thấy Phật
Pháp sư Khoan Tịnh bước lên hoa sen và bay lên không trung, chẳng mấy chốc đã đến Liên hoa thượng phẩm, cơ thể của ông cũng khôi phục trở lại kích thước khi lần đầu tiên nhìn thấy Phật A Di Đà.
Bồ Tát Quán Thế Âm nói rằng, những chúng sinh được vãng sinh vào cấp thượng phẩm đều là những người tu tập tinh tấn và thực tu nơi thế gian, họ căn cứ theo chỉ dẫn của Pháp môn mà họ tu, thực hành nghiêm túc và dốc sức dũng mãnh tinh tấn ngày nào cũng như ngày nào.
Họ hầu như không có vọng tưởng, một số người đã đạt đến cảnh giới của Bồ Tát, có thể tự do biến hoá. Muốn biến thành hoa có thể biến thành hoa, muốn biến thành bảo tháp liền biến thành bảo tháp. Trong đầm Liên hoa thượng phẩm này, bông sen nhỏ nhất cũng to lớn bằng ba diện tích nước Malaysia.
Vậy đầm Liên hoa thượng phẩm này có cảnh tượng thế nào? Pháp sư Khoan Tịnh mô tả rằng, xung quanh đầm Liên Hoa thượng phẩm được bao bởi những lan can phát ra nhiều màu sắc ánh sáng rực rỡ, và những bông hoa sen tỏa ra nhiều hương thơm. Trong đầm có một bảo tháp lớn như ngọn núi, với hình đa giác, phát ra muôn ngàn tia sáng.
Trong đầm có một cây cầu rất đẹp, diện tích đầm rộng đến mức không thể nhìn thấy điểm cuối, trong đầm không chỉ có hoa sen nở rộ mà còn có muôn vàn phong cảnh trang trí, trên bầu trời ngọc hoa toả sáng, đài sen có vô số, tầng tầng lớp lớp, trong mỗi tầng đều có bảo tháp, đình đài, lầu các, đẹp đẽ rung động lòng người. Những người sống trên hoa sen thì toàn thân vàng óng và trong suốt, y phục của họ rất lộng lẫy, phát ra nhiều màu sắc ánh sáng.
Ở đây pháp sư Khoan Tịnh cũng đã gặp một người quen, đó là pháp sư Ấn Quang. Hai người nói chuyện rất vui vẻ, pháp sư Ấn Quang còn dặn dò: “Tôi hy vọng rằng sau khi ông trở lại nhân gian, sẽ truyền đạt lại cho các bạn đồng tu biết rằng, cần lấy giới luật làm thầy và giữ gìn giới luật cẩn thận”. “Khuyên nhủ những người tu hành đó, nhất định không được tự cho mình là thông minh, tự tiện thay đổi giới luật do Phật Tổ đặt ra, khởi xướng đổi mới hành đạo, vi phạm uy nghi giới luật, thật là khiến người ta đau lòng…”.
Khi pháp sư Khoan Tịnh du hành đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đúng là vào thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc, việc “phá tứ cựu” đang thịnh hành, và xuất hiện rất nhiều người mặc áo cà sa phá hoại Phật Pháp. Có lẽ pháp sư Ấn Quang vì thế mà đưa ra cảnh báo.
Pháp sư Ấn Quang còn đưa pháp sư Khoan Tịnh đến một lầu các cao lớn, nó tỏa ra ánh sáng vàng, phía dưới sàn thì phát ra nhiều màu sắc ánh sáng, mọi thứ trước mắt ông đều tự tỏa sáng với màu sắc của riêng nó. Tầng trên có nhiều loại gương pha lê, trong đó có tấm gương lớn nhất, Quán Thế Âm Bồ Tát nói: “Gương này có thể phản chiếu hình dáng nguyên thủy của mỗi người, bản tính có thanh tịnh hay không, có vọng tưởng hay không, chỉ cần soi là sẽ thấy rõ”.
Trên Liên hoa thượng phẩm có một tòa tháp lớn của Đức Phật A Di Đà – “Tháp Liên Hoa”. “Liên Hoa Tháp” rất cao lớn nguy nga, nhiều tầng không đếm xuể, “Liên Hoa Tháp” có bao nhiêu góc cũng không rõ ràng, toàn bộ tòa tháp đều trong suốt, phát ra ngàn vạn ánh sáng vàng. “Liên Hoa Tháp” này dành riêng cho hàng ngàn người vãng sinh sống ở trong thượng phẩm tới du ngoạn.
Các chúng sinh sống ở đây có thể ra vào tự do xuyên qua “bức tường” mà không gặp trở ngại, muốn đi lên hay đi xuống, chỉ cần nghĩ đến là có thể đến nơi mình muốn trong nháy mắt. Trong tháp có thể nói là cái gì cần có đều có hết.
Pháp sư Khoan Tịnh và những người khác cũng bước vào “Tháp Liên Hoa”, cơ thể giống như đi thang máy, từng tầng một, tầng càng cao thì tất cả đều trong suốt, có thể nhìn thấy mỗi tầng có rất nhiều người đang niệm Phật, tất cẩ đều là nam giới khoảng 30tuổi, mỗi tầng có trang phục khác nhau, và có hơn 20 màu sắc. Nếu họ niệm Phật tốt thì đỉnh đầu sẽ phóng ánh sáng, trong ánh sáng hiện ra hình tượng Phật.
Tại Liên Hoa thượng phẩm, khi đến giờ thuyết Pháp, có hàng ngàn vị Bồ Tát ngồi trên đài sen, lầu các, bảo tháp, v.v… trực tiếp lắng nghe thanh âm của Đức Phật A-Di-Đà thuyết Pháp.
Sau khi thăm quan hết cửu phẩm Liên Hoa, Đức Phật A Di Đà đã yêu cầu pháp sư Khoan Tịnh quay trở về, hoàn thành tâm nguyện cứu độ cha mẹ, người thân và bạn bè của mình ở kiếp sau. Sau khi pháp sư Khoan Tịnh bái tạ Đức Phật A Di Đà, bước lên đài sen, một mạch bay xuống, chẳng mấy chốc đã trở lại “Trung Thiên La Hán Các” lầu. Một đồng tử mang nước ra cho ông uống nước, ông chỉ cảm thấy vô tri vô giác ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, cảnh tượng nhìn thấy khiến ông rất sửng sốt.
Trở lại nhân gian
Khi pháp sư Khoan Tịnh tỉnh dậy, không thấy chùa chiền, đình quán, Bồ Tát, Thiên nhân, xung quanh đều tối đen như mực, giơ tay ra cũng không thấy ngón tay, hóa ra là ông đang ngồi một mình trên tảng đá trong động Di Lặc.
Pháp sư Khoan Tịnh đã bái ở trong động hai ba ngày, hy vọng sẽ lại được nhìn thấy thắng cảnh tuyệt vời của Phật quốc Thiên giới, nhưng dù khóc hay nhảy, ông vẫn không thấy có triển hiện khác thường nào. Vì vậy, pháp sư Khoan Tịnh không còn cách nào khác là phải xuống núi.
Cảnh du hành lên Thiên quốc vẫn còn sống động trong tâm trí pháp sư Khoan Tịnh, ông cảm giác như chỉ trải qua một ngày đêm, nhưng sau khi xuống núi, gặp một người qua đường và hỏi thăm, ông mới biết rằng đã là ngày 8 tháng 4 năm 1974. Sau khi tính toán kỹ, hoá ra ông đã rời khỏi nhân gian sáu năm và hơn năm tháng. Thảo nào Bồ Tát Quán Âm luôn nói không còn nhiều thời gian và thúc giục ông mau chóng rời đi.
Có thể có người nói, tại sao trải nghiệm của pháp sư Khoan Tịnh khác với những pháp sư khác, không giống với những ghi chép trong kinh điển? Bạn có còn nhớ pháp sư Khoan Tịnh đã nói rằng, chúng sinh trong cửu phẩm Liên Hoa nhìn thấy và nghe thấy những điều khác nhau là do các cảnh giới khác nhau của họ không?
Trên thực tế, bản thân pháp sư Khoan Tịnh chẳng phải cũng như vậy sao? Những gì ông nhìn và nghe được chỉ là những gì mà chư Thần, chư Phật, Bồ Tát cho ông hiểu được trong cảnh giới của ông. Và nếu là một người khác, có thể những gì họ thấy và nghe được cũng sẽ khác.
Theo NTDVN