Dù là người thiện lương đến đâu cũng phải cứng rắn với ba điều này, nếu không sẽ dễ dẫn đến tai họa
“Nhưng tại sao ông bận rộn như vậy lại dành thời gian đưa cả gia đình đến đây để sống cuộc sống giống như tôi hiện nay? Nếu đây là những năm tháng êm đềm và tốt đẹp mà những người thành đạt theo đuổi thì bây giờ tôi đã có được nó rồi”.
Trong cuộc đời có rất nhiều người bị ức hiếp vì thật thà và lương thiện. Từ xa xưa đã có câu “Người tốt thì bị người ta bắt nạt, ngựa tốt thì bị người ta cưỡi”, thế nên trong suy nghĩ của nhiều người, dường như cho rằng thiện lương là một sai lầm.
Thực ra, thiện lương chẳng có gì là sai, cái sai là bản thân không đủ mạnh mẽ mà ngậm bồ hòn làm ngọt, cái sai là khi chưa phân biệt rõ chân tướng sự thật mà tiếp tay cho kẻ ác.
Biểu hiện của thiện lương không phải là yếu đuối, người thiện ắt không thể yếu đuối.
“Tăng quảng hiền văn” có câu: “Quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ được mấy người”. Suy cho cùng, lòng người khó đoán, mặc dù trong các mối quan hệ, cần tôn trọng và thiện lương, nhưng cần luôn ghi nhớ là “cái tâm hại người không được có, cái tâm phòng người không được không có”.
Thiện lương không phải là không có ranh giới, những người có thể thực làm được thiện lương ắt phải có trí tuệ uyên thâm, am hiểu nhân tình thế thái, và có thể phân biệt rõ lòng người.
Làm người, dù thiện lương đến đâu cũng phải cứng rắn ở ba điều sau, nếu không sẽ dễ dẫn đến tai họa.
Một lần bất trung, cả đời không dùng: Có những việc có thể tha thứ, nhưng không được lơ là bỏ qua
Một người từng phản bội bạn có còn đáng để bạn tin tưởng không? Câu trả lời không do dự: Không đáng.
Nhiều khi chúng ta sau khi bị người khác làm tổn thương có thể chọn cách buông bỏ quá khứ, không truy cứu nữa, hoặc rộng lượng tha thứ. Nhưng những người có trái tim biết rằng sự phản bội và tổn thương này đã tồn tại, gương đã vỡ khó lành lại được, những thứ đã sứt mẻ đổ vỡ, trừ phi mất trí nhớ, nếu không thì không ai quên hết được.
Một số người có thể nói rằng chỉ cần hiểu lầm được giải quyết, chúng ta có thể bỏ qua, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều khi những lời giải thích đó chỉ là bao biện, và tổn thương là tổn thương, chỉ cần nó đã xuất hiện thì sự tín nhiệm lẫn nhau không thể nào giống như trước đây được nữa.
Trong khi xử lý đối với sự phản bội, nhiều người tin vào quan điểm “một lần bất trung, cả đời không dùng”. Tất nhiên cũng có người cho rằng cách đối nhân xử thế này là quá khắc nghiệt và không đủ thiện.
Cần biết rằng thiện lương không bao giờ là đơn phương, nếu cứ một mực theo đuổi lòng tốt của người khác thì sẽ tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm, đó chính là là bất thiện với chính mình.
Trước yêu cầu không hợp lý, hãy từ chối dứt khoát: Xác định rõ ranh giới tối thiểu, chớ để được đằng chân lân đằng đầu
Muốn thể hiện được tấm lòng từ bi của Bồ Tát, bạn phải có sức mạnh của sư tử, chỉ có như vậy mới khiến người ta không dám coi thường và bắt nạt.
Con người sống trên đời này làm việc gì cũng phải có nguyên tắc, dứt khoát từ chối những đòi hỏi vô lý. Cần hiểu rằng thiện lương mà không có giới hạn tối thiểu thì đó là vô dụng.
Có quá nhiều người làm điều sai trái chỉ vì họ ngại ngùng, ngại ngùng không dám từ chối những yêu cầu vô lý của người khác, vì vậy họ bị dẫn dắt từng bước, từng bước đến những chỗ không nên đặt chân đến.
Thiện lương không phải là không nỡ từ chối, mà là có thể làm được đường đường chính chính, dứt khoát và nghiêm khắc để từ chối những việc bất hợp lý.
Người xưa nói: “Người quân tử thì có việc nên làm, có việc không nên làm”, đây vừa là nguyên tắc vừa là tu dưỡng.
Thiện lương phải được nuôi dưỡng trên các nguyên tắc, thiện lương mà không có nguyên tắc thì không xứng được gọi là thiện lương.
Phân biệt rõ trong ngoài, người nhà quan trọng nhất: Đừng để người nhà bị oan vì thể diện
Gia đình là của cải của mỗi người, chúng ta cố gắng hết sức để sống hạnh phúc bên gia đình, vì vậy khi còn ở trên đời thì nhất định không được bỏ gốc theo ngọn.
Có một câu chuyện rằng, có một người giàu đi nghỉ mát ở một làng chài nhỏ ven biển. Mỗi sáng thức dậy, ông ta hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn cảnh biển và gió biển, rồi kiếm được chỗ mát mẻ ung dung thả cần buông câu. Khi mặt trời lặn, ông trở về căn nhà thuê tự nấu nướng và thưởng thức thành quả lao động của mình.
Kỳ nghỉ kiểu này kéo dài hơn mười ngày, trong hơn mười ngày này, ông làm quen với một ngư dân địa phương, ngày nào anh ta cũng chỉ câu cá bằng một chiếc cần câu, chỉ khác là người ngư dân câu cá để nuôi gia đình, còn người giàu thì câu cá để tiêu khiển.
Trước khi ra đi, người giàu có muốn “thức tỉnh” anh ngư dân, khuyên anh ta đừng sống u mê nữa, hãy ra ngoài thành phố lớn kiếm việc vặt, dễ dàng kiếm tiền gấp mấy lần hiện tại.
Nhưng anh ngư dân nói: “Nhưng tại sao ông bận rộn như vậy lại dành thời gian đưa cả gia đình đến đây để sống cuộc sống giống như tôi hiện nay? Nếu đây là những năm tháng êm đềm và tốt đẹp mà những người thành đạt theo đuổi thì bây giờ tôi đã có được nó rồi”.
Trên đời này có quá nhiều người không đủ tỉnh táo, mong ước đầu tiên là được sống một cuộc sống bình yên bên gia đình bên nhau, nhưng dòng đời xô đẩy, dần dần bị lệch lạc ngày càng rời xa hạnh phúc.
Những người liều lĩnh kiếm tiền cuối cùng lại chuyển số tiền kiếm được vào bệnh viện, thậm chí phá sản cũng không đủ. Những người muốn có địa vị cao để mang lại hạnh phúc cho gia đình đã nhiều lần khiến gia đình bị oan uổng liên lụy tội lỗi vì chức vụ cao.
Quá nhiều người dành vẻ mặt tươi tắn của mình cho người ngoài và đem cơn giận dữ của họ về cho người nhà của họ. Lời giải thích của họ là: “Tôi vất vả chẳng phải vì cái gia đình này hay sao?”. Thật nực cười là họ vẫn cho là chân lý không ai có thể phản bác được.
Những người đã từng bị mê hoặc bởi ảo ảnh phù hoa, hãy mau tỉnh lại, thiện lương lớn nhất của con người là phải biết phân biệt trong ngoài, đừng làm đi làm lại những điều nực cười bỏ gốc theo ngọn.
Một người càng thiện lương và mạnh mẽ thì càng biết không được yếu đuối trong một số việc. Thiện lương là tốt đẹp, nhưng muốn ngay thẳng và lâu dài thì phải sâu sắc.
Hoàng Mai – ntdvn
Theo Duy Thần – Apollo