Dương Chí có một ước mơ “Một đao một thương giữ biên cương, phong tước phúc ấm tới vợ con”. Ước mơ này xuất phát từ trách nhiệm giữ gìn danh tiếng hiển hách của tổ tiên, và lý tưởng người lính trung quân báo quốc, chinh chiến sa trường.
Trong 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn, về xuất thân, giống như Sài Tiến, Quan Thắng, Dương Chí là con cháu của Dương Lệnh Công Dương Nghiệp, có thể nói là huyết mạch của Thần tướng, hậu duệ của danh môn. Thời Bắc Tông, họ Dương 3 đời làm tướng, cả nhà trung liệt, thế hệ trước gục xuống, thế hệ sau nối tiếp, giữ gìn biên cương, trở thành Thần bảo hộ của triều Bắc Tống.
Những câu chuyện truyền kỳ Dương Gia tướng được truyền tụng đời đời. Dương Chí từ nhỏ đã được nghe những sự tích quên mình xả thân của tổ tiên, tận mắt chứng kiến những tình cảnh thê thảm chốn biên cương, nên từ rất sớm đã coi việc thu phục cựu sơn hà là trách nhiệm của mình, dốc sức luyện một thân võ nghệ để báo đáp quốc gia.
Để thực hiện ước mơ, Dương Chí còn rất trẻ đã dự thi võ cử, bước vào chốn quan trường, làm đến chức Điện tư Chế sứ. Dương Chí ứng với sao Thiên Ám, sao nào người mệnh ấy, Dương Chí vận mệnh gian nan, tối tăm ảm đạm.
Khi chào đời, Dương Chí đã có một vết bớt lớn màu xanh trên mặt, khiến tướng mạo bị mất quá nửa thần thái, do đó được gọi là “Thanh Diện Thú”. Hơn nữa, Dương Chí không có được vận khí giết giặc lập công như tổ tiên, mà bị phái đi hộ tống “Hoa thạch cương” của Tống Huy Tông.
Đầu danh trạng: Duyên Lương Sơn Bạc
“Hoa thạch cương” là một nhiệm vụ nặng nề, vận chuyển kỳ hoa dị thạch cho Hoàng gia, là việc tổn hao tài sản và sức lực nhân dân nhiều nhất. “Tống sử” viết, việc này “để lại độc hại cho các châu, huyện trong 20 năm”. Có lẽ tài sản bất nghĩa này đáng bị gặp kiếp nạn, nên khi Dương Chí vận chuyển trên sông Hoàng Hà, thì gặp sóng to gió lớn làm lật thuyền, khiến của cải báu vật bị mất hết.
Dương Chí bất đắc dĩ trở thành tội phạm trốn chạy. Đến khi được ân xá, Dương Chí lại thắp lên ngọn lửa hùng tâm tráng chí trở lại quan trường. Dương Chí đem hết tài sản ra để đặt cược vào việc này, đến kinh thành bái kiến Cao Cầu, mong được khôi phục chức vụ cũ, chờ thời cơ làm vẻ vang tông tộc tổ tiên.
Dương Chí vận mệnh trắc trở, trên đường về kinh đô gặp Vương Luân, đầu lĩnh ban đầu của Lương Sơn Bạc. Vương Luân dù tâm địa hẹp hòi cũng khởi lòng kính trọng Dương Chí, bởi Dương Chí thân mang tuyệt kỹ, hào khí át mây trời, nên Vương Luân có tâm khuyên Dương Chí nhập bọn.
Kỳ ngộ ban đầu của Dương Chí với Lương Sơn Bạc lại do thời vận trắc trở đen đủi của Dương Chí. Khi ông đi qua Lương Sơn, lúc đó Lâm Xung đang buồn bã, khốn khổ vì mãi vẫn chưa nộp được “Đầu danh trạng”. Vào ngày cuối cùng như đã hẹn định, Lâm Xung gặp một người một mình gánh hàng đi qua.
Lâm Xung chuẩn bị lấy thủ cấp người này để giao nộp cho Vương Luân, nào ngờ người này tinh nhanh, thấy Lâm Xung cầm dao đến thì vứt gánh hàng xuống bỏ chạy biến mất tăm. Gánh hàng tài sản lụa là này là toàn bộ tài sản của Dương Chí.
Lâm Xung bèn lấy nó thay thế cho Đầu danh trạng. Dương Chí thấy tài sản – niềm hy vọng duy nhất để ông có thể được phục hồi chức vụ, bị cướp mất, thì nổi giận đùng đùng.
Lâm Xung thấy ở dốc núi xuất hiện một đại hán, đội mũ tua đỏ, mặc áo lụa trắng, thân cao trên bảy thước, trên mặt có dấu bớt xanh trông ghê người. Đại hán này chính là Dương Chí đang nổi giận đùng đùng đi tìm hành lý. Dương Chí tay giơ phác đao, cho rằng Lâm Xung là kẻ cướp thông thường, nên cao giọng quát lớn.
Lâm Xung lúc đó cũng đang tâm trạng u uất, không chỗ nào giải tỏa, liền giơ phác đao lên đấu với Dương Chí. Lúc này, tuyết tan trời hửng nắng, mây nhẹ tan, hai hảo hán thân thủ thoăn thoắt, lưỡi đao sắc lạnh xuất quỷ nhập thần, càng khiến đất trời thêm giá lạnh, khí lạnh bốc đến trời mây.
Đấu mấy chục hiệp, hai người vẫn không phân thắng bại. Vừa lúc đó, Vương Luân cùng mấy đầu lĩnh chạy đến, ngăn cuộc tỉ thí lại, thông báo tên tuổi với Dương Chí. Hành lý bị cướp đã bị tiểu lâu la mang lên Lương Sơn, cường địch ở bên, Dương chí một mình đối đầu với Lương Sơn Bạc, nhưng tâm chính trực, đội trời đạp đất, nên đã nói hết tất cả về cuộc đời mình.
Dương Chí và Lâm Xung cùng sử dụng binh khí như nhau, cùng một bầu máu nóng, cùng có công phu cao thâm như nhau, nhưng nhân duyên với Lương Sơn Bạc lại khác nhau quá lớn. Một người thì nhẫn nhục lặng im, chỉ cầu có được chốn dung thân lánh nạn. Một người thì được trọng vọng biệt đãi, nhưng lại có ý rời xa Lương Sơn.
Khác với Lâm Xung, người ở tuyệt cảnh tìm chốn nương thân, đối với cuộc sống lục lâm “dùng cân lớn chia vàng bạc, dùng bát lớn uống rượu ăn thịt, cùng nhau làm hảo hán”, Dương Chí hoàn toàn không hề có chút động tâm, trước sau một mực nói: “Ta dòng dõi thanh bạch, không muốn làm vấy bẩn tấm thân mà mẹ cha trao cho này”, vẫn muốn tìm cho mình con đường tiến thủ.
Trong thời loạn thế, Dương Chí vẫn còn giấc mộng báo quốc, do đó vừa mới lên núi liền vội vàng rời đi, vào chốn hồng trần, để lại lần nữa trải qua một phen trui rèn.
Bán bảo đao, bị chịu tội
Vào kinh thành, Dương Chí sử dụng hết của cải vàng bạc đến Khu mật viện lo lót trên dưới, chạy vạy mãi mới xin được một tờ văn thư, để đến gặp trưởng quan Cao Thái úy. Cao Cầu, kẻ đã khiến Lâm Xung đủ mọi tai họa, càng coi thường Dương Chí, kẻ đã mang tội trốn chạy.
Cao Cầu không hỏi nguyên nhân bị mất Hoa thạch cương, cũng không sát hạch võ công tài học của Dương Chí, chỉ một mực ra oai, mắng chửi Dương Chí một chặp. Cuối cùng, Cầu Cầu bác bỏ văn thư xin phục chức của Dương Chí, một nét bút sổ toẹt đã định ra vận mệnh tương lai của Dương Chí.
Cầu quan vô lộ, thân không còn một xu, không chỉ không có tiền trả tiền thuê nhà khách trong mấy ngày qua, mà cuộc sống trước mắt càng không có gì bảo đảm. Dương Chí chỉ có một thân bản lĩnh, tiến không vào được miếu đường tận trung, lùi cũng không “độc thiện kỳ thân” được, trong tâm bất bình, chỉ hận Cao Cầu “quá độc ác, tàn nhẫn”.
Đúng lúc vào đường cùng, Dương Chi không còn cách nào khác, đành đem bảo đao – báu vật tổ tiên truyền lại, không lúc nào rời thân, đem rao bán với giá 3.000 quan tiền, để sinh sống và dùng vào việc tìm con đường đi cho tương lai.
Ở Lương Sơn Bạc, Dương Chí được coi như báu vật, chốn quan phủ, Dương Chí lại bị coi là kẻ tội phạm trốn chạy. Những lời mời nhập bọn trong tiệc rượu vẫn còn văng vẳng bên tai. Sinh thời loạn thế, nếu Dương Chí lên Lương Sơn làm cướp thì cũng không có gì đáng trách. Mặc dù thiên hạ lao xao tìm đến nơi kiếm lợi, nhưng Dương Chí vẫn quý trọng thanh danh, không muốn làm kẻ mang tội.
Dương Chí kính trọng tổ tiên, trọng nghĩa khinh lợi, bảo đao tuy là vật chí bảo, nhưng vẫn là vật ngoại thân. Từ bỏ đao rồi, vẫn còn có khả năng chuộc lại. Nếu thanh danh bị mất rồi, thì không còn ngày quay trở lại được nữa. Do đó, trước sự lựa chọn giữa báu vật tổ tiên và thanh danh, Dương Chí đã cương nghị lựa chọn thanh danh.
Với tâm trạng bi thương của anh hùng mạt lộ, Dương Chí đem bảo đao đến khu phố náo nhiệt nhất, cắm biển rao bán, đợi chờ người mua. Nào hay, trên đời này có mấy người yêu đao như Lâm Xung, Dương Chí đứng chờ mấy canh giờ mà vẫn không có người hỏi mua, nhưng lại khiến một kẻ vô lại, kẻ mà người người đều tránh xa – Hổ Không Lông Ngưu Nhị, tìm đến.
Chỉ thấy người này tướng mạo thô lậu, nửa người nửa quỷ, đen sì, rượu ngà ngà say, xông đến trước mặt Dương Chí, giật lấy cây đao và hỏi giá tiền.
Dương Chí đòi 3.000 quan tiền, tức 3.000 lạng bạc, nếu đổi ra đô la thời nay thì cũng trên 150.000 USD. Ngưu Nhị vốn kiếm cớ gây sự, nghe mức giá “trên trời” này, lập tức giờ thói lưu manh. Hắn nói, con dao thái rau thái thịt thường dùng, cũng không quá 30 xu, con dao này sao lại dám bán 3.000 quan tiền?
Dương Chí vốn là người chính trực thẳng thắn, nên đã nói ra 3 điều kỳ diệu của cây đao này: “Một là có thể chặt đồng chặt sắt mà lưỡi không quằn, hai là thổi lông đi qua được, ba là chém người mà đao không có máu, thế cho nên gọi là bảo đao”.
Ngưu Nhị không tin, hắn lấy chồng tiền xu bằng đồng và sợi tóc ra yêu cầu Dương Chí thử, đều ứng nghiệm. Người dân vốn ban đầu tránh mặt Ngưu Nhị như tránh dịch bệnh, lúc này cũng bị bảo đao cuốn hút, dần dần vân quanh xem. Ngưu Nhị lại hỏi:
– Thế nào là chém người mà đao không có máu?.
– Nghĩa là cầm thanh đao mà chém giết một người mà máu không kịp vây vào được.
– Ta không chắc được như thế, anh thử cầm đao chém một người cho ta xem?
Dương Chí nói:
– Trong chỗ Cấm thành này, bỗng dưng giết người sao được? Nếu không tin thì mang con chó đến đây, tôi chém cho mà xem.
Ngưu Nhị nói:
– Anh bảo giết người không có máu, chứ anh có nói giết chó đâu?
– Thôi anh không mua thì thôi, đừng nhiễu người ta làm gì thế?
– Anh đưa đây ta xem nào.
Dương Chí nói:
– Không có tiền, tôi không cần chuyện cho xem nữa!
Ngưu Nhị nói:
– Anh có dám giết ta không?
– Tôi với anh trước không thù, sau không oán, việc gì mà tôi giết anh?
Bấy giờ Ngưu Nhị nắm chặt lấy Dương Chí mà bảo rằng:
– Thế nào ta cũng mua thanh đao của anh.
Dương Chí nói:
– Anh muốn mua thì mang tiền lại đây.
– Ta không có tiền.
– Không có tiền thì giữ ta làm chi?
Ngưu Nhị nói:
– Ta chỉ cần lấy thanh đao của anh thôi.
– Ta không cho.
Ngưu Nhị lại nói:
– Anh giỏi thử cứ chém ta đi.
Dương Chí cả giận đẩy Ngưu Nhị ngã bắn xuống đất. Ngưu Nhị vội vàng bò dậy đâm húc vào bụng Dương Chí. Dương Chí kêu lên rằng:
– Xin hàng phố làm chứng cho tôi, Dương Chí này hết tiền phải mang đao đi bán, lại bị thằng khốn nạn nó chực ăn cướp đao mà đánh tôi đây.
Bây giờ hai bên hàng phố sợ Ngưu Nhị bằng một phép, không ai còn dám đến gần mà can ngăn nữa. Ngưu Nhị thét lên rằng:
– Mày bảo ta đánh mày, ừ thì ta đánh chết nữa coi sao.
Miệng nói rồi giơ tay lên đánh Dương Chí, Dương Chí vội né mình để tránh rồi nổi máu nóng lên cầm đao nhằm giữa trán Ngưu Nhị chém cho một nhát, ngã lăn quay xuống đất. Đoạn rồi nhảy sấn vào đâm luôn mấy nhát vào bụng Ngưu Nhị, máu chảy lênh láng ra đường.
Phạm án mạng, Dương Chí vẫn không mất cốt cách anh hùng hảo hán, dám làm dám chịu, quan minh lỗi lạc. Dương Chí chủ động đến quan phủ báo án, và thỉnh cầu những người dân có mặt làm chứng. Bởi vì anh giết kẻ ác, trừ hại cho dân, nên mọi người ai nấy đều trong lòng vui mừng, người dân đều tình nguyện đứng ra nói giúp cho Dương Chí.
Phủ doãn xử án cũng có ý xử nhẹ, ngục tốt cũng ngầm chăm sóc Dương Chí. Qua 60 ngày, Dương Chí bị phán xử thích chữ lên mặt rồi đi lưu đày ở Bắc Kinh, còn thanh bảo đao đó bị sung vào kho quan phủ.
Sinh thần cương bị mất: Lạc thảo
Tuy không phải bị đền mạng, nhưng đối với Dương Chí mà nói, đó là tuyệt cảnh vạn kiếp không khôi phục lại được. Giết người mang tội, làm nhục uy danh tổ tiên. Mặt bị thích chữ, vĩnh viễn không cách nào gột rửa được vết nhơ cuộc đời. Bảo đao bị phạt tịch thu, Dương Chí không còn bất kỳ niềm tự hào nào nữa.
Với phẩm chất cao thượng và võ công cao cường, nhưng Dương Chí cả đời bất đắc chí. Tất cả những điều này đều là những tai họa trầm trọng do kẻ gian thần nắm quyền, ác bá hoành hành gây ra. Thời loạn thế như thế, nếu không có những anh hùng Thủy Hử xuất hiện thì làm sao còn có chính khí của trời đất nữa?
Con đường quan lộ của Dương Chí bị Cao Cầu chặt đứt, nhưng ở Bắc Kinh, Dương Chí gặp được “quý nhân” – Lương Trung Thư, quan Lưu thú Đại danh phủ Bắc Kinh. Khi mới vào nha phủ, Dương Chí được đánh giá cao, được tháo bỏ gông cùm, được làm kẻ sai việc trước sảnh đường.
Lương Trung Thư có lòng đề bạt, còn lệnh cho Dương Chí thể hiện võ uy ở võ trường, và được đề bạt làm Quản quân Đề hạt sứ. Bầu trời tối tăm dường như đã xuất hiện ánh sáng, Dương Chí lại có được chức quan, nên càng coi trưởng quan như bậc ân công tái tạo, dốc lòng cảm tạ, ngày đêm ân cần làm theo lời sai bảo của trưởng quan.
Anh hùng tái xuất, nhưng vẫn không có đất dụng võ. Lương Trung Thứ là con rể của gian thần Thái Kinh, không phải là hiền thần hộ quốc, hắn trọng dụng Dương Chí chẳng qua xuất phát từ lợi ích cá nhân. Tết Đoan Ngọ sắp đến, Lương Trung Thứ đã chuẩn bị Sinh thần cương (quà sinh nhật) trị giá 10 vạn quan tiền, đem tặng Thái Kinh chúc thọ, và sai Dương Chí áp tải.
Một võ tướng đường đường, vốn là để xông pha giết giặc chốn sa trường, nhưng lại trở thành bảo tiêu cho tham quan. Dương Chí tên Chí nhưng hai lần làm quan đều bất đắc chí, vẫn không thoát khỏi vận mệnh viên minh châu dùng bắn chim sẻ, vạc luộc trâu dùng để luộc gà. Bi kịch của Dương Chí cũng là bi kịch của quốc gia.
Để báo đáp “ân công”, Dương Chí nhận lệnh, và đề xuất cải trang xuất hành, những người đi theo đều phải nghe theo sự sai khiến của Dương Chí, thì mới dám khởi hành áp tải. Trên đường, Dương Chí không xem xét đến tình đồng liêu, đốc thúc quan quân đi trong thời tiết nắng nóng, nếu có người trễ nải liền bị Dương Chí đánh mắng, khiến mọi người oán thán.
Vì trên đường có nhiều cướp, nên họ phải đi ban ngày. Điều này cũng có thể thấy sự cảnh giác cẩn thận của Dương Chí. Nhưng đáng tiếc, tài năng quân sự lại dùng để bảo vệ của cải bất nghĩa.
Kế hoạch của Dương Chí vốn không có sơ suất, nhưng những binh lính lại không chịu sự quản thúc, lại gặp phải 7 người nhóm Ngô Dụng dùng mưu kế cướp “Sinh thần cương”, khiến giấc mộng quan trường của Dương Chí lại tan vỡ. Dương Chí không có cách nào nói rõ với Lương Trung Thứ được, lại đắc tội với những quan quân vận chuyển, đành bỏ trốn, tìm nơi nương thân.
Lần này, Dương Chí không còn suy nghĩ làm thế nào quay lại quan trường nữa, mà cùng với Lỗ Trí Thâm, cũng là một viên võ quan trầm luân lưu lạc, cùng nhau lạc thảo ở núi Nhị Long, sống cuộc đời giống như những hảo hán Lương Sơn.
Lần này, Dương Chí không còn do dự vì làm nhục sự thanh bạch của tổ tiên nữa, mà buông bỏ tất cả sự e dè, dựa vào một đao một thương để giành lấy chốn dung thân. Có lẽ 2 lần thất bại chốn quan trường khiến Dương Chí tỉnh ngộ, quân thần vô đạo, lương tài dùng vào việc sai trái, nên giấc mộng báo quốc chỉ là hư vọng.
Đao mất, mộng tỉnh, lại nằm ngoài chốn quan trường tranh giành quyền lực, Dương Chí tạo dựng phương trời riêng cho mình. Việc này có lẽ là Dương Chí đã nhìn thấu giấc mộng chân thực nhất thời loạn thế. Và danh hiệu vị hảo hán thứ 1 của Lương Sơn Bạc đang để sẵn chờ đợi Dương Chí.
Câu chuyện “Dương Chí bán đao” được Đoàn Nghệ thuật Shen Yun thể hiện bằng hình thức múa cổ điển, tái hiện lại hình ảnh người anh hùng tài cao chí lớn nhưng vận mệnh đầy truân chuyên này.
Theo NTDVN