Đêm giao thừa ở Tử Cấm Thành: Hoàng đế vui chơi đến sáng, thức ăn thừa sẽ được ban cho các quan
Vào dịp Tết Nguyên đán, nếu như các gia đình dân thường ăn mừng theo kiểu truyền thống giản dị thì trong Tử Cấm Thành của nhà Thanh, hoàng đế lại có những phong tục riêng biệt để thể hiện địa vị cao sang của mình.
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Xuân Tiết là lễ hội truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc. Trong hơn 4.000 năm lịch sử, không chỉ dân thường mà cả Hoàng tộc đều rất coi trọng và chuẩn bị kĩ càng để đón những ngày đầu năm mới theo âm lịch này.
Ở thời nhà Thanh, mặc dù có nguồn gốc từ dân tộc thiểu số, nhưng khi lên ngôi, nắm quyền cai quản quốc gia, những vị Hoàng đế cũng đã tổ chức những sự kiện mừng Tết Nguyên Đán hoành tráng và đặc sắc. Nhiều phong tục quen thuộc ở thời kỳ này cũng được gìn giữ và truyền lại cho đến tận ngày nay.
1. Trang phục
Vào đêm giao thừa (đêm 30 tháng 12 Âm lịch), Hoàng đế sẽ trang trọng mặc một chiếc áo long bào màu vàng tươi được khâu bằng chỉ vàng, có thêu hình rồng và 12 đồ trang trí. Hoàng đế cũng sẽ mặc một chiếc áo khoác lông thú, đội vương miện trên đầu và chuỗi hạt trên ngực. Toàn bộ trang phục có màu sắc tươi sáng tượng trưng cho điềm lành và một quốc gia thịnh vượng.
2. Hoàng đế khai bút đầu xuân
Vào thời khắc Giao thừa, cũng là lúc bước sang ngày đầu tiên của năm mới, các Hoàng đế nhà Thanh sẽ đi dọc sảnh đường trong Dưỡng Tâm điện, thắp nến ngọc và đổ rượu vào chén vàng, sau đó sẽ nắn nót viết những lời chúc tốt lành cho năm mới. Đây là một phong tục lâu đời được nhiều người thực hiện và Hoàng đế nhà Thanh cũng không phải là ngoại lệ. Kể từ thời Khang Hy, các vị vua Thanh triều đã bắt đầu có thói quen viết 2 chữ “Phúc” và “Thọ” để cầu may mắn lúc Tết đến xuân về.
Sau đó, Hoàng đế sẽ uống cạn rượu Tusu, một thức uống đặc biệt chỉ có trong ngày Tết Âm lịch ở Trung Quốc thời xưa, với mong muốn sẽ xóa tan đi hết bệnh tật, an khang thịnh vượng trong năm mới.
Ngày mùng 2 Tết sẽ là khởi đầu cho lễ hội Tết Âm lịch kéo dài 10 ngày trên khắp kinh thành. Những lễ hội vịnh thơ, thưởng hoa, vọng nguyệt… cũng sẽ được tổ chức trong nửa đầu tháng Giêng. Cũng trong dịp lễ Tết, các đoàn hí kịch nổi tiếng kinh thành sẽ được mời đến hoàng cung để biểu diễn cho hoàng thất và triều thần thưởng thức.
3. Tiệc tất niên
Bữa tiệc tất niên vào thời nhà Thanh (1644-1911) sẽ phải có món bánh bao, giống như các gia đình thông thường. Trong những năm đầu triều đại nhà Thanh, hoàng đế sẽ ăn bánh bao nhân chay tại Cảnh Nhân cung sau buổi lễ cúng tổ tiên.
Đến cuối nhà Thanh, hoàng đế Quang Tự đã thay đổi địa điểm dùng ngự thiện sang Dưỡng Tâm điện và món bánh bao cũng dần trở nên đa dạng với nhiều loại nhân thịt khác nhau. Từ Hi Thái hậu sẽ mời vợ của các hoàng tử và công chúa đến hoàng cung để cùng nhau làm bánh bao vào đêm giao thừa và cùng ngồi thưởng thức bánh bao vào sáng sớm ngày đầu năm mới.
Ngoài ra, các yến tiệc trong hoàng thất cũng là một phần không thể thiếu trong ngày Tết ở hoàng cung. Hoàng đế và hoàng hậu là người chủ trì bữa tiệc, các phi tần và hoàng tử, công chúa ngồi hai bên tham dự. Các bữa tiệc đều phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về số lượng món ăn, màu sắc và hương vị; cũng như thứ tự ghế ngồi trong yến tiệc. Mặc dù được gọi là bữa tiệc gia đình nhưng hình thức và nghi thức quan trọng hơn sự ngon miệng.
Hoàng gia cũng tuân theo phong tục truyền thống là thức cả đêm vào đêm giao thừa, vì vậy bữa ăn nhẹ lúc nửa đêm sẽ được chuẩn bị cho hoàng đế, bao gồm trái cây tươi và khô cũng được phục vụ.
Đáng nói, do nhiều Hoàng đế nhà Thanh ngày xưa rất chú trọng vào việc tiết kiệm ngân sách nhà nước, đưa ra nhiều chính sách cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, trong những ngày đón Tết không thể tránh khỏi việc hoàng cung được ăn uống quá nhiều món ngon và sang trọng hơn bình thường. Để hạn chế sự lãng phí tài nguyên và tiền bạc trong quốc khố, hoàng đế sẽ thưởng những thực phẩm này cho các cận thần dưới hình thức ban thưởng mừng năm mới. Việc này rất phổ biến ở thời nhà Thanh, không chỉ trong năm mới mà cả những ngày thường Hoàng đế cũng thường xuyên áp dụng.
4. Hoàng đế phát lì xì cho mọi người
Hầu hết trẻ em đều thích Tết, vì trong những ngày này sẽ được người lớn lì xì cho. Ở thời nhà Thanh, các vị vua cũng có tục lệ lì xì cho các hoàng thân, con cháu Bát Kỳ và cận thần trong dịp tết. Nhưng vào thời điểm đó, bao lì xì hay còn được người Trung Quốc ngày nay gọi là “hồng bao” được biết đến với cái tên khác là “hà bao” – những túi gấm người ta thường trao nhau như trong phim truyền hình cổ trang để đựng tiền vàng.
5. Vua cũng được nghỉ Tết
Hoàng đế nhà Thanh nổi tiếng trong là những vị vua “siêng năng”, chỉ nghỉ ngơi vào một ít dịp hiếm hoi trong 365 ngày trong năm, nhưng Tết Nguyên Đán vẫn là một dịp để các bậc quân vương nghỉ lễ. Tết Nguyên Đán thời nhà Thanh thường bắt đầu từ 23 tháng chạp và kết thúc vào ngày 20 tháng giêng. Vào những này, Hoàng đế bắt đầu tạm “khoá” bút mực và con dấu của mình lại. Tuy nhiên, trên thực tế, thiên hạ không phải lúc nào cũng thái bình, những ngày ăn Tết nếu có sự việc gì gấp, vua vẫn phải thiết triều và xử lý trăm công nghìn việc không khác gì ngày thường.
6. Tục treo câu đối
Treo câu đối đỏ và cặp tranh Tết trước cửa vốn là truyền thống dân gian lâu đời trong ngày Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm này trong Tử Cấm Thành đòi hỏi số lượng lớn nhân lực bởi quy mô đồ sộ của các cung điện.
Những câu đối trong cung đình chủ yếu được viết bởi các thành viên của Học viện Hoàng gia, những người là học giả về thư pháp. Tuy nhiên, vì có nhiều điều cấm kỵ khi viết câu đối xuân nên họ không thể thể hiện hết tài năng của mình.
Khác với các gia đình dân thường, câu đối xuân trong cung đình được viết trên lụa trắng dùng mực, sau đó đóng khung và treo trên cột đỉnh màu đỏ tươi của cung điện. Do đó, độ tương phản màu sắc đã được tăng cường để làm cho các câu đối mùa xuân rõ ràng hơn.
Các câu đối trong các cung điện hoàng gia khá nhiều và chủ yếu là các câu đối về thời đại thái bình và hưng thịnh, công lao và đức độ của hoàng đế, hoặc lời chúc phúc cho một đất nước thịnh vượng và nhân dân mãn nguyện.
Theo Cafebiz