Dù mối quan hệ có tốt đến mấy cũng cần nhớ 8 NGUYÊN TẮC VÀNG, 1 điều cũng không nên phạm
Khổng Tử nói: “Lễ thượng vãng lai” hay người Việt chúng ta vẫn thường nói: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Con người qua lại với nhau, mối quan hệ càng tốt đẹp thì càng phải tuân thủ quy tắc và quản lý cảm xúc của mình. Dưới đây là 8 phép tắc tổ tiên để lại mà chúng ta cần biết.
1. Biết lễ nghi không bằng biết phong tục
Tục ngữ có câu: “Mười dặm gió khác nhau, trăm dặm phong tục khác nhau”. Mỗi nơi đều có những quy tắc, phong tục riêng, vì vậy bạn nên tìm hiểu trước phong tục tập quán của từng nơi trước khi đến. Nếu không, dù nhiều hay ít, cũng sẽ mang đến những rắc rối không đáng có cho nhau.
Nếu bạn ở trong một buổi lễ nào đó với người thân hoặc bạn bè, tốt nhất bạn nên đi theo đám đông, cũng đừng ưu ái người này hơn người kia sẽ làm hỏng cảm xúc.
2. Quân tử coi trọng nghĩa, tiểu nhân coi trọng lợi ích
Không phải tất cả các phép tắc đều cần phải được tuân theo. Đối với những người trong lòng chỉ có nghĩ đến lợi ích bản thân thì dù bạn có đối xử lễ nghĩa với họ bao nhiêu thì họ cũng chỉ muốn lợi dụng bạn; thay vì lãng phí thời gian, tiền bạc tốt hơn hết bạn nên cắt đứt liên lạc với những người như vậy càng sớm càng tốt.
3. Ân tình giống như món nợ, được truyền từ đời này sang đời khác
Mối quan hệ giữa người với người giống như một món nợ, cần được đáp lại và duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người với người là có sự tương hỗ lẫn nhau. Khi có chuyện lớn xảy ra, nếu gia đình anh có việc gì thì tôi sẽ giúp anh, nếu gia đình tôi có việc gì thì anh sẽ giúp tôi. Khi được đối phương giúp đỡ, người được nhận sẽ mắc nợ ân tình. Vì vậy, thế hệ sau cần biết ơn và ghi nhớ, khi nhà đối phương có chuyện gì xảy ra thì hãy tôn trọng, giúp đỡ và báo đáp kịp thời, để mối quan hệ giữa hai gia đình ngày càng bền chặt.
4. Kết bạn với người ngoài chợ chẳng bằng với ông già sống ẩn dật trên núi, gần gũi với dân thường còn hơn nịnh bợ người quyền thế
Vì muốn giàu có và quyền lực mà thực hành lễ nghi để nịnh bợ, người khác sẽ coi thường. Người thân, bạn bè dù không giàu, không có quyền thế cũng phải lễ phép, nhã nhặn. Khi bạn dành nhiều thời gian hơn cho người thân, chắc chắn đối phương sẽ nhìn thấy tình cảm của bạn, sẽ ghi nhớ trong tim và đáp lại một cách kịp thời.
5. Một phân tình, một phân lễ, một phân kính ngưỡng sẽ không bị thiệt
Cùng với lễ nghi cũng cần thể hiện tình cảm và tuân thủ nghi thức, tôn trọng người khác thì sẽ không bị thiệt thòi.
Với lễ nghi, tưởng chừng như chuyện nhỏ nhưng cũng là chuyện lớn. Dù là số lượng hay nghi thức thì mọi thứ đều phải được cân nhắc. Một khi bạn thất lễ sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và làm tổn thương tình cảm của nhau. Nếu bạn ân cần và chu đáo, đối phương sau khi nhận được ân tình sẽ không ngần ngại đáp lại khi có chuyện gì xảy ra với bạn.
6. Lễ nghĩa không được thiếu, lời nói không được tùy tiện
Không ai muốn kết giao với những người không hiểu phép xã giao và nói chuyện không có chừng mực. Khoảnh khắc thực hiện lễ nghi là dịp mà đối phương rất coi trọng, bạn nên cẩn thận trong hành động và lời nói của mình.
Trong những dịp khác nhau, nên nói những lời khác nhau; nói những lời tốt lành trong những sự kiện vui vẻ, nói những lời an ủi trong những sự kiện đau thương. Luôn chú ý đến lời nói và việc làm của mình, đừng bao giờ mạo phạm hay đánh mất sự giáo dưỡng của mình.
7. Hỉ sự không mời không đến, hiếu sự không mời cũng tự đến
Khi người thân và bạn bè tổ chức đám cưới, người ta chỉ đến tham dự khi có lời mời của chủ nhà; còn đối với đám tang, người ta sẽ tự đến thăm viếng sau khi nghe tin có đám tang. Đây là những quy tắc trong quan hệ giữa con người với nhau do thế hệ trước đặt ra.
Bởi vì các sự kiện vui, chẳng hạn như kết hôn, sinh nhật, tân gia,… hầu hết người ta sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị và mọi người sẽ được thông báo trước mười ngày hoặc nửa tháng. Nếu bạn không nhận được lời mời thì có nghĩa là đối phương cảm thấy tình cảm với bạn chưa đủ, hoặc không muốn làm linh đình, nếu không mời mà đến sẽ chỉ để lại sự xấu hổ.
Về phần đám tang chủ nhà không có sự chuẩn bị, tâm trạng đau buồn, cũng như không có thời gian để chăm sóc bất cứ điều gì khác, đó cũng là thời điểm cần bạn giúp đỡ nhất. Khi ai đó gặp khó khăn, người thân, bạn bè chủ động đến bên, điều đó thể hiện sự chân thành, gần gũi và hành động chính đáng của họ khi giúp đỡ ai đó lúc cần thiết.
8. Đám cưới không tặng ô, chúc thọ không tặng thuốc lá, đám tang không đưa tiền phúng sau
Tặng quà cũng là một kỹ năng cần phải học hỏi, nếu mắc sai lầm sẽ vô hình trung xúc phạm người khác. Chỉ bằng cách kịp thời và chu đáo, bạn mới có thể bày tỏ cảm xúc và củng cố các mối quan hệ.
Ví dụ, đám cưới không nên tặng ô. Bởi vì, trong tiếng Hán, “ô” và “tán” là hai từ đồng âm, “tán” mang nghĩa là chia ly, không may mắn. Nếu bạn tặng một chiếc ô như một món quà, mọi người có thể nghĩ rằng bạn đang muốn cuộc hôn nhân của họ tan rã càng sớm càng tốt.
Không nên tặng thuốc lá khi người già tổ chức chúc thọ. Bởi vì, trong tiếng Hán, “yếu hầu” và “thuốc lá” là từ đồng âm, từ “yết hầu” chỉ “khói” và từ “yết hầu” là từ đồng âm. Nếu tặng thuốc lá nó mang hàm nghĩa là chúc người lớn tuổi nuốt hơi thở của họ càng sớm càng tốt, ý muốn ám chỉ họ nhanh chóng ra đi; cho nên vào ngày mừng thọ, việc gửi thuốc lá cho người lớn tuổi là rất không nên.
Đám tang không đưa tiền phúng viếng sau, bởi vì người xưa cho rằng làm như vậy là trái quy củ, mất lễ tiết, làm người nhà không vui. Hơn nữa, tang sự đối với chủ nhà là một chuyện vô cùng đau buồn, nếu chúng ta sau đó mới bổ sung tiền phúng thì sẽ làm gợi lại vết thương trong lòng họ lần nữa.
Bảo Châu biên dịch
Nguồn: Secretchina (Tiểu Phàm)