Bị kẻ xấu dùng dao giết hại khi đang say giấc. Người đàn ông đã được vị ân nhân cứu sống trong giấc mộng
Vào thời đại nhà Đường, có một nam nhân tên là Lý Đại Lượng (586-644), ông là một trong những khai quốc thần công văn võ toàn tài của triều Đường và được Đường Thái Tông vô cùng tín nhiệm.
Lý Đại Lượng xuất thân trong một gia đình danh môn vọng tộc ở Lũng Tây. Khi Lý Uyên dấy binh ở Tấn Dương tiến thẳng vào Trường An, Lý Đại Lượng được Lý Uyên tôn xưng làm Kim Châu Tổng quản Tư Mã vì đã có công khuyến nghị người Hồ đầu hàng.
Dười thời vua Đường Cao Tổ, ông từng đảm nhiệm chức vụ quan Tổng đốc ở Việt Châu. Ca ca của ông là Lý Đại An đã không ngại đường xa, lặn lội từ kinh đô đến tận nơi thăm tiểu đệ. Khi ca ca hồi hương, Lý Đại Lượng đã phái người đi theo hộ tống.
Lý Đại An và các tuỳ tùng đi một đoạn thì đến Lộc Điều ở Cốc Châu. Tất cả đều thấm mệt, họ quyết định nghỉ chân một đêm tại lữ điếm. Đêm khuya, một trong những kẻ tháp tùng đã nảy ra ý định xấu và muốn giết hại ông.
Đợi Đại An ngủ say, hắn dùng một cây kiếm nhỏ đâm vào cổ ông, lực đâm quá mạnh khiến mũi kiếm xuyên qua cổ cắm sâu xuống thanh giường, không thể rút ra được. Tên sát nhân vội vàng bỏ trốn.
Bị đâm bất thình lình, Đại An đột ngột bừng tỉnh. Thấy máu me chảy xối xả, ông vội ú ớ gọi các tuỳ tùng. Bọn họ thức dậy thấy thế thì hoảng sợ lắm, toang rút kiếm ra nhưng Lý Đại An vội vàng ngăn lại: “Các ngươi đừng rút. Nếu rút kiếm ra thì ta sẽ mất mạng đấy, mau lấy giấy cọ đến và ghi lại chuyện này”.
Trước mức độ nghiêm trọng của sự việc, những người tuỳ tùng đã đánh trống cổng quan báo án. Quan tri huyện lập tức đến nơi và nhận được bản tường trình mà Lý Đại An nhờ người ghi lại.
Nguy hiểm cận kề, tất cả đều cố gắng cứu lấy tính mệnh của ông. Nhưng vì thanh kiếm đâm quá sâu, đại phu đã phải dùng rất nhiều cách mới rút ra được. Máu bắn thành vòi tung toé khắp nơi, Đại An đau quá nên bất tỉnh, vết thương nhanh chóng được thanh tẩy và cầm máu.
Lúc hôn trầm, thân xác của Đại An dù vẫn nằm bất động trên giường, nhưng nguyên thần của ông đã ly thể bay đi. Ông chìm vào một giấc mộng rất kỳ lạ. Đột nhiên; Đại An nhìn thấy một vật gì đó bay vào từ cửa sổ; nó dài tầm 1 thước, rộng và dày tầm 4-5 thốn, hình dạng như một miếng thịt heo, cách mặt đất hơn 2 thước và bay trực diện đến giường.
Điều kinh sợ hơn là miếng thịt heo ấy bỗng cất tiếng than: “Mau trả thịt lại cho tôi!”. Lý Đại An nói với miếng thịt: “Ta vốn không thịt heo, sao lại mắc nợ ngươi cơ chứ?”.
Lúc này, đâu đó phía bên ngoài cửa sổ truyền đến một giọng nói bí ẩn: “Sai rồi! Sai rồi! Không phải là người này”. Miếng thịt heo liền bay vút ra khỏi cửa sổ rồi mất hút.
Sau khi miếng thịt heo biến mất, Đại An nhìn thấy một hồ nước trong vắt ở phía trước mặt sân. Phía trên cao bờ tây của hồ, có một bức tượng Kim Phật cao 5 thốn. Một lúc sau, tượng Phật dần dần hoá đại và trong chớp mắt biến thành một vị tăng nhân.
Nhà sư khoác một chiếc áo cà sa màu xanh thánh khiết và nói với Đại An: “Con bị kẻ ác mưu sát ư? Ta sẽ trị lành vết thương cho con. Sau khi bình phục, con hãy trở về nhà mà siêng năng niệm Phật, lấy thiện đãi người, làm nhiều việc tốt”. Nói xong, nhà sư đưa tay chạm vào vết thương trên cổ ông rồi biến mất.
Dù hôn mê sâu, nhưng Lý Đại An vẫn khắc ghi tướng mạo của vị tăng nhân bí ẩn này, đặc biệt trên tấm áo cà sa của Ngài có một miếng vá được chắp bằng vải đỏ dài chừng một tấc.
Sau đó, Đại An tỉnh lại, ông sờ vào cổ thì thấy vết thương không còn đau nữa, sức khoẻ phục hồi và có thể ngồi dậy dùng bữa.
Sau hơn 10 ngày, các con của ông ở kinh thành nghe tin phụ thân gặp nạn đã chạy đường xa đón ông về nhà, họ hàng biết được ai nấy đều đến thăm. Lý Đại An kể hết cho mọi người nghe mọi sự tình, từ việc bị mưu sát cho đến việc gặp được bức tượng Kim Phật biến thành nhà sư trong giấc mộng, giúp ông giữ mạng quay về.
Một người thiếu phụ cạnh nhà nghe được chuyện kì lạ trong giấc mơ của Đại An nên đã chạy sang nói rằng: “Khi ông vừa ra khỏi nhà, phu nhân ông đã cho nô bộc tìm thợ đúc một bức tượng Phật. Sau khi hoàn thành, người thợ vẽ lại màu áo cho tượng thì bị lem một chút sơn đỏ. Mọi người có yêu cầu xoá đi, nhưng người thợ vẫn để nguyên như vậy, vệt sơn đỏ vẫn còn đó, hình dạng giống như vị sư mà ông miêu tả”.
Nghe vậy, Lý Đại An cùng phu nhân tất tả chạy đến xem tượng Phật. Ông rất bất ngờ khi thấy vệt sơn đỏ trên lưng tượng giống hệt như miếng chắp vá trên áo cà sa của vị tăng sư trong giấc mộng. Tất cả đều trùng khớp với nhau khiến ai nấy đều ngạc nhiên, họ tin rằng chỉ cần tín Thần Phật thì khi hoạn nạn sẽ được Ngài bảo hộ.
Theo “Minh báo kí” của tác giả Đường Lâm có viết rằng, câu chuyện trên đã tạo nên một giai thoại ly kì và được lưu truyền rộng rãi trong triều đại nhà Đường, khiến niềm tin vào Phật Pháp của bách tính càng được củng cố sâu sắc.
Viên Minh biên dịch
Nguồn: soundofhope