5 thư viện cổ điển hàng đầu thế giới, những tác phẩm nghệ thuật tinh túy
Một số thư viện trên thế giới không chỉ là nơi để lưu trữ sách mà chính bản thân chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Dưới đây là 5 thư viện đẹp nhất thế giới, những người yêu sách và yêu nghệ thuật nhất định sẽ mê mẩn những điểm đến yên bình này.
1. Brazil: thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha
Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha ở Rio de Janeiro, Brazil từng được tạp chí Time xếp vào một trong những thư viện đẹp nhất thế giới. Dưới vẻ ngoài của một lâu đài đơn giản, các trang trí nội thất xa hoa và lịch sử làm say đắm lòng người.
Thư viện xa hoa này có các kệ sách tinh xảo, chi tiết trần nhà phức tạp và cửa sổ trần bằng kính màu. Như tên gọi của nó, khi bạn bước vào thư viện này, bạn thực sự sẽ cảm thấy mình như là một thành viên của hoàng gia.
Ý tưởng xây dựng thư viện xuất phát từ 43 người di cư Bồ Đào Nha, họ mong muốn truyền bá văn hóa và văn học trong cộng đồng Bồ Đào Nha tại Brazil. Thư viện này được xây dựng theo phong cách của Neo-Manueline, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản sách cổ.
Thư viện có một bộ sưu tập phong phú, khoảng 350.000 cuốn sách trong nước và ngoài nước, hàng năm nhận khoảng 6.000 cuốn sách mới từ Bồ Đào Nha. Thư viện sở hữu một số bản sách hiếm và có thể được truy vết về gần 500 năm trước, có giá trị văn hóa lớn đối với các thuộc địa Bồ Đào Nha.
2. Cộng hòa Séc: Thư viện Strahov ở Prague
Thư viện Tu viện Strahov là một trong những thư viện tu viện lớn nhất thế giới và cũng là một trong những thư viện lịch sử được bảo tồn tốt nhất cho đến ngày nay, với khoảng 200.000 tài liệu. Hai hội trường kiểu Baroque nổi tiếng ở châu Âu: Hội trường Thần học và Hội trường Triết học được trang trí lộng lẫy, có niên đại từ thế kỷ 17 và 18.
Mái vòm của hội trường có những bức bích họa chi tiết tuyệt đẹp, giống như Nhà thờ Sistine. Trần cong của Hội trường Thần học được trang trí đầy đủ với các họa tiết sơn màu, miêu tả chủ đề “trí huệ đích thực”. Một trong những câu châm ngôn nổi tiếng trên trần là “Sự bắt đầu của trí huệ chính là kính sợ Thượng Đế” (initio sapientiae timor domini).
3. Đức: Thư viện Tu viện Wiblingen
Vào đầu thế kỷ 18, khi quyền lực và sự giàu có của tu viện ngày càng tăng, tu viện bắt đầu trải qua quá trình cải tạo và mở rộng theo phong cách Baroque mới, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật Baroque tại miền tây nam nước Đức. Thư viện lộng lẫy được xây dựng trong giai đoạn này, với phong cách Rococo.
Thư viện nằm ở phía bắc của công trình tu viện, được xây dựng từ năm 1740 đến 1750, hình chữ nhật, dài 23 mét, rộng 11,5 mét, có hai tầng. Nó một phần là mô phỏng theo Thư viện Cung điện Vienna, thể hiện sự gắn bó của tu viện với hoàng gia.
Các tượng điêu khắc tinh xảo, cột trụ màu vàng, bức tranh trần nhà xa hoa, tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc. Trong thời kỳ đỉnh điểm, thư viện này chứa khoảng 15.000 tài liệu và các hiện vật lịch sử khác, được coi là một nơi quan trọng để tìm kiếm kho báu của trí huệ và khoa học.
4. Thụy Sĩ: Thư viện Tu viện Saint Gallen
Cho đến ngày nay, khi bước vào thư viện tu viện nổi tiếng thế giới này, bạn vẫn có thể cảm nhận được không khí của các tu sĩ Nhật Bản ngày xưa từng học tập tại đây, thư viện còn được mệnh danh là “tiệm thuốc của tâm hồn”.
Khu vực tu viện cùng với nhà thờ Baroque hùng vĩ tạo nên một bầu không khí lịch sử đặc biệt. Thư viện Tu viện sở hữu phòng lớn nhất với kiến trúc Baroque phi Thiên Chúa giáo đẹp nhất của Thụy Sĩ, đặc trưng là những đồ gỗ sang trọng và trần nhà sơn màu. Trong số 160.000 cuốn sách trong bộ sưu tập, có 50.000 cuốn được bảo quản trong phòng lớn này và kèm theo cả một xác ướp Ai Cập cổ đại 2.700 tuổi.
Tinh hoa của thư viện Tu viện là 2.100 bản thảo, một phần trong số đó được trưng bày cho du khách mỗi khi có triển lãm. Năm 1983, toàn bộ Tu viện đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
5. Canada: Thư viện Quốc hội Ottawa
Thư viện trang trọng và tinh tế này nằm trên phố Wellington, thủ đô Ottawa của Canada, nhìn ra sông Ottawa. Mở cửa vào năm 1867, thư viện được lấy cảm hứng từ phòng đọc của British Museum và được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic. Tổng diện tích của thư viện khoảng 157.000 mét vuông, với tòa nhà chính có 4 tầng, hiện tại bộ sưu tập đã vượt quá 7 triệu mục.
Công trình được trang trí bằng các loại đá lớn quý giá từ các nơi khác nhau. Hành lang chính được trang trí bằng những bức chân dung bằng kính được khắc bởi nghệ sĩ nổi tiếng người New Zealand John Horton, bao gồm các nhà văn nổi tiếng như Shakespeare, Dante, Molière và 9 nữ thần nghệ thuật cùng với thần Apollo.
Những mái vòm hùng vĩ, trần nhà hình cung ấn tượng, cùng với hàng loạt tường gỗ thông trắng được chạm khắc tinh xảo, sàn gỗ ghép từ gỗ anh đào, sồi và gỗ óc chó tạo nên một biểu tượng của văn hóa và kiến trúc Canada.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Aboluowang (Vương Hoà)