Có phải Lưu Bị đã dùng sai người này khiến Thục Hán suy vong? Người mà ai ai cũng biết
Nói đến sự suy tàn và sụp đổ của nhà Thục Hán thời Tam Quốc, không thể không nhắc đến sự thất bại của hai trận chiến có tác động quyết định. Một là trận Quan Vũ làm mất Kinh Châu, mất đi căn cứ quân sự cực kỳ quan trọng, hai là trận Lưu Bị ở Di Lăng, chưa kể trăm vạn binh lính bị thương vong, bản thân Lưu Bị cũng mất mạng. Và tất cả những điều này phải bắt đầu từ việc “bất cẩn để mất Kinh Châu” của Quan Vũ.
Người ta nói rằng Lưu Bị dẫn Bàng Thống, Hoàng Trung và những trợ thủ đánh chiếm Tây Xuyên, để lại Gia Cát Lượng, Quan Vũ và những người khác bảo vệ Kinh Châu.
Bàng Thống là người nóng vội, háo hức lập công nên đã phục kích Trương Nhiệm ở Trung Thục, cuối cùng bị hàng ngàn mũi tên xuyên qua tim và chết.
Như chúng ta đều đã biết, có một câu nói như sau: “Ngọa Long – Phượng Sồ, được một trong hai người, có thể an thiên hạ”. Có người cho rằng dù sao Bàng Thống cũng được gọi là “Phượng Sồ”, không thể dễ dàng rơi vào mưu đồ của vị tướng trẻ vô danh, chẳng qua là bởi Lưu Bị nhân từ, ông không chịu gặp Lưu Chương nên đã bày mưu tự sát để báo đáp ân tình của Lưu Bị, đồng thời tạo cớ cho Lưu Bị tấn công Tây Xuyên báo thù cho quân sư.
Nhưng không cần biết vì sao mà Bàng Thống chết, nếu mất đi Bàng Thống, Lưu Bị sẽ mất đi một cánh tay. Lưu Bị cũng biết rõ năng lực của mình, vốn tưởng rằng Tây Xuyên sẽ dễ dàng có được, nhưng Trương Nhiệm quá mạnh, Bàng Thống đã chết dưới tay ông.
Đêm đó Lưu Bị trằn trọc không ngủ được, nghĩ trước nghĩ sau để sai người đến Kinh Châu triệu Gia Cát Lượng đến đối phó Trương Nhiệm, báo thù cho quân sư.
Ngày hôm sau, Lưu Bị đi đi lại lại trong vườn nghĩ: Nên phái ai đến Kinh Châu đưa thư? Trước hết, người này nhất định phải đáng tin cậy, không phải là người không quen biết, nếu không nửa đường bị người ta bắt cóc thì đúng là tai họa.
Đang suy nghĩ miên man thì thấy phía sau có người vọt tới, Lưu Bị quay đầu nhìn lại thì thấy đó là Quan Bình, trên tay ôm hai con chim mới bắt được. Lưu Bị trong lòng chợt lóe lên, đây chẳng phải là người thích hợp nhất sao? Vì vậy, ông gọi Quan Bình đến và nói: “Bình Nhi à! Bây giờ chiến tranh đã bế tắc và bên ngoài rất nguy hiểm, tại sao con vẫn đi săn? Nếu con thực sự thích săn bắn, Kinh Châu tương đối an toàn hơn, tại sao con không quay lại Kinh Châu chơi đi, giúp ta gọi chú Lượng của con đến đây, lâu rồi ta không gặp, ta rất nhớ chú ấy, được chứ?”. Quan Bình nghe vậy rất vui, không chút suy nghĩ liền đồng ý, vì vậy Quan Bình đã đến Kinh Châu như vậy.
Người ta kể rằng Gia Cát Lượng ngắm sao ban đêm ở Kinh Châu, ông đã đoán trước rằng Bàng Thống sẽ chết bất chấp lời khuyên của mình nên phải tự mình đến Tây Xuyên. Vào ngày này, Quan Vũ, Triệu Vân và những người khác được triệu tập để thảo luận xem ai nên canh giữ Kinh Châu, Trương Phi, Triệu Vân và những người khác đang tranh luận, nghĩ rằng họ có thể đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này.
Đúng lúc này, ngựa của Quan Bình đã đến, nghe nói Lưu Bị triệu Gia Cát Lượng vào Tây Xuyên, Gia Cát Lượng nhìn thấy Quan Bình thì thầm nghĩ: “Tại sao Lưu Bị lại cử Quan Bình đưa thư, Quan Bình là con nuôi của Quan Vũ, phải chăng là ám chỉ mình sẽ để Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu?”
Bằng cách này, Gia Cát Lượng đã dẫn Trương Phi và Triệu Vân vào Tây Xuyên để hỗ trợ Lưu Bị sau khi đưa ra hàng ngàn lời khuyên cho Quan Vũ và để lại câu nói: “Đông liên tôn ngô, bắc cư Tào Tháo”.
Chính vì vậy mà đã xảy ra bi kịch “bất cẩn để mất Kinh Châu” của Quan Vũ. Thực ra nói Kinh Châu bị mất do bất cẩn là không chính xác. Một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến việc mất Kinh Châu là do tính cách tự phụ của Quan Vũ, trong thời Tam Quốc, Quan Vũ không chấp nhận bất cứ ai ngoài anh trai mình là Lưu Bị.
Tôn Quyền từng muốn thu phục Quan Vũ, nhưng Quan Vũ thẳng thừng từ chối, thậm chí ông không hề coi trọng Tôn Quyền, Tôn Quyền cũng khiến Quan Vũ phải trả giá bằng máu cho việc này.
Sau cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị và Trương Phi kiên quyết báo thù cho ông và cả hai đều chết. Thục Hán từ đó mất khả năng làm bá chủ thiên hạ.
Việc mất Kinh Châu có tác động cực kỳ quan trọng đối với nhà Thục Hán. Gia Cát Lượng bảy lần ra khỏi Kỳ Sơn, Khương Duy chín lần tiến công Trung Nguyên, nhiều lần bị nước Ngụy đánh bại vì lương thảo không đủ, đường hành quân quá dài. Nếu Kinh Châu luôn nằm trong tay, thì lương thảo liên tục đầy đủ, quân tiến và lui sẽ rất dễ dàng, và có thể thống nhất Tam Quốc.
Nhưng suy cho cùng, bản thân Gia Cát Lượng tuy rất tháo vát nhưng lại không khéo trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài, giọt lệ ăn năn khi chém đầu Mã Tốc là một ví dụ. Trên thực tế, Lưu Bị phái Quan Bình đưa thư, cũng không nhất định ám chỉ rằng, Quan Bình cùng Quan Vũ ở lại trấn giữ Kinh Châu, nếu suy tính kỹ lưỡng, ông sẽ điều Hoàng Trung trở về trấn giữ cùng Triệu Vân, hoặc phái người thích hợp khác đi. Làm theo phương châm tám chữ “Đông liên tôn ngô, bắc cư Tào Tháo”, có thể Kinh Châu không mất, và có thể Lưu Bị, Trương Phi sẽ không chết, có thể thiên hạ sẽ là một cảnh tượng khác.
Tuy nhiên, trong dòng sông dài của lịch sử, sự thăng trầm của vận mệnh quốc gia, sự thăng trầm của các triều đại, phải chăng đều là an bài của “ý Trời”? Vì vậy, ngay cả khi thời gian quay ngược lại và lịch sử lặp lại, cũng không thể nói câu “nếu có thể”.
Đăng Dũng biên dịch
Nguồn: secretchina (Thần Quân)