Xuất thân bần hàn, vì sao Lưu Bị có thể khiến quần hùng quy phục?
Lưu Bị vốn xuất thân bần hàn, so với quần hùng trong thời Tam Quốc đều kém hơn một bậc. Về quyền thế thì không bằng Viên Thiệu, về sự dũng mãnh thì không thể sánh ngang Lữ Bố, nhưng vì sao có thể khiến anh hùng trong thiên hạ quy phục?
Lưu Bị lấy nhân là gốc, trở thành bá chủ Tam Quốc
Chúng ta vẫn thường nghe thấy câu “Lấy nhân làm gốc”, đây chính là câu nói của Lưu Bị. Năm đó Lưu Bị mang theo hơn 10 vạn dân, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ và trẻ em, rút lui khỏi Giang Lăng. Quân Tào thì ráo riết đuổi theo ở phía sau, rất nhiều tướng lính đã khuyên Lưu Bị bỏ lại những người dân chậm chạp này để hành quân nhanh hơn nữa.
Lưu Bị nói: “Người thành đại sự, từ trước tới nay luôn lấy con người làm gốc. Những người này tìm đến ta để nương nhờ, sao ta có thể bỏ họ lại được!”
Mặc dù lần đó Lưu Bị đã bị quân Tào đánh cho một trận thảm bại, nhưng sau khi quân Tào thất thủ tại cuộc chiến Xích Bích, toàn bộ nhân sĩ bách tính tại Kinh Châu đều quy thuận Lưu Bị.
Khởi điểm của Lưu Bị trong quần hùng Tam Quốc thực sự rất thấp, có thể nói là thua ngay ở vạch xuất phát. Cha của Tào Tháo mặc dù là con nuôi của một thái giám, xuất thân không có tiếng tăm gia thế, nhưng lúc Lưu Bị được sinh ra, ông ta cũng đã là Phí Đình Hầu. Khi Tôn Quyền tiếp nhận Giang Đông, phụ thân huynh trưởng của Tôn Quyền cũng đã tạo dựng được giang sơn của mình, có các trung thần, văn võ anh kiệt tận tâm hỗ trợ ở xung quanh.
Còn những người khác như Lưu Biểu, Lưu Chương, Lữ Bố, Trương Tú, v.v, dù sao cũng là hoàng thân quốc thích, hoặc ít thì cũng xuất thân từ gia đình có địa vị nhất định. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Lưu Bị vẫn cố gắng vượt qua những người bạn học có điều kiện tốt hơn mình rất nhiều, trở một trong 3 người có thành tích học tập tốt nhất.
Đưa tiễn Từ Thứ
Trước đó, Lưu Bị thường bôn ba khắp nơi, có một nguyên nhân rất quan trọng đó là tìm kiếm một quân sư cao minh để trợ giúp mình.
Trong lúc sống nương nhờ Lưu Biểu, Lưu Bị đã gặp được Từ Thứ, và nhận ra tài hoa của ông ta. Cũng chính nhờ Từ Thứ giới thiệu, Lưu Bị mới biết đến Gia Cát Lượng, để rồi đích thân ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng về làm quân sư cho mình.
Từ Thứ là một trong những cánh tay đắc lực của Lưu Bị, nhưng trong trận chiến Đương Dương, mẫu thân của Từ Thứ lại bị Tào Tháo bắt đi. Từ Thứ nói với Lưu Bị: “Ta vốn muốn cùng tướng quân lập nghiệp lớn, nhưng tiếc rằng mẫu thân ta đang nằm trong tay người khác. Ta lúc này ruột gan tâm trí rối bời, có ở lại thì cũng không thể dùng, từ nay xin được cáo biệt”.
Rồi từ đó Từ Thứ đến đầu quân cho quân doanh của Tào Tháo. Bản lĩnh của Từ Thứ mặc dù không bằng Gia Cát Lượng, nhưng Từ Thứ quả là một phó quân sư vô cùng đắc lực.
Lưu Bị dùng người, cầu hiền tài, như cầu nước giữa sa mạc, một nhân tài như vậy, lại chuyển qua đầu quân cho địch nhân của mình, một người bình thường rất có thể sẽ tính toán nhỏ nhặt. Nhưng Lưu Bị lại không chút suy nghĩ, vô tư tiễn biệt Từ Thứ ra đi, cỗ vũ cho một tấm lòng hiếu thuận, cũng là thành tựu một giai thoại về kết giao.
Người đời sau đánh giá Lưu Bị tiễn biệt Từ Thứ, là giai thoại thấu hiểu tâm trạng của một người con muốn đi cứu mẹ. Ngược lại, nếu như Tào Tháo ở trong tình huống này, thì rất có thể sẽ suy bụng ta ra bụng người, và sẽ không lựa chọn cách làm cao đẹp như Lưu Bị.
Lưu Bị thấu hiểu Hoàng Quyền
Năm Chương Vũ thứ 2, tức Lưu Bị xưng đế năm thứ hai, vì báo thù cho Quan Vũ, Lưu Bị xuất binh tấn công Đông Ngô, không ngờ lại bị thất bại trước Lục Tốn của Đông Ngô. Quân doanh trải rộng bảy trăm dặm bị đốt cháy toàn bộ, Lưu Bị đại bại rút lui về Bạch Đế thành.
Trước khi khai chiến tại bờ Bắc Trường Giang, tướng quân Hoàng Quyền của Thục Hán ở bờ Bắc Trường Giang đã bị đánh bại không đường lui, không muốn đầu hàng Đông Ngô, nên đã dẫn quân về hướng Bắc quy hàng Tào Ngụy.
Tào Ngụy luôn là đại địch lớn nhất của Thục Hán, Hoàng Quyền quy hàng Tào Ngụy, là hoàn toàn làm trái ngược với chiến lược, tư tưởng của Thục Hán.
Có người xin chỉ thị của Lưu Bị, muốn giết sạch gia đình Hoàng Quyền đang sống tại Thục. Lưu Bị nói một câu: “Là ta phải xin lỗi Hoàng Quyền, không phải Hoàng Quyền xin lỗi ta”. Sau đó vẫn đối đãi với gia đình Hoàng Quyền giống như trước đây. Cũng chính vì thế mà Hoàng Quyền hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng của Lưu Bị.
Lúc đó có tin tức báo rằng người nhà của Hoàng Quyền tại Thục Hán đã bị giết, Ngụy Văn đế Tào Phi muốn để cho Hoàng Quyền đi xử lý xong tang sự.
Hoàng Quyền nói: “Ta và Lưu Bị, Gia Cát Lượng, là thực sự tin tưởng nhau. Hiện tại tin tức không nhất định chính xác, xin đợi thêm một thời gian nữa để xem thế nào đã”. Và quả thực phán đoán của Hoàng Quyền là hoàn toàn chính xác.
Chính quyền Thục Hán của Lưu Bị ở trong tình cảnh liên tiếp phải nếm trải hết thất bại này đến thất bại khác, mà vẫn có thể bình tĩnh đưa ra những quyết định đầy nhân nghĩa như vậy. Lòng dạ rộng lớn, thật sự có thể khoan dung những sự tình khó chứa nhất trong thiên hạ. Cách làm người và hành sự của Lưu Bị, thực sự có lực ngưng tụ rất lớn.
Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam Quốc Chí, đã đem việc Lưu Bị khoan dung với người nhà của Hoàng Quyền so sánh với việc Hán Vũ đế Lưu Triệt tiêu diệt cả nhà Lý Lăng. Cho rằng hai vị hoàng đế trong cách xử lý những sự việc giống nhau, Lưu Bị so Lưu Triệt quả là cao tay hơn rất nhiều.
Ủy thác cho Gia Cát Lượng
Năm Chương Vũ thứ 3, Lưu Bị sau khi đại bại trước Lục Tốn của Đông Ngô, đã bị bệnh nặng, biết rõ những ngày tháng còn lại không nhiều, liền triệu Gia Cát Lượng từ Thành Đô đến thành Bạch Đế, trước khi qua đời, đem con của mình là Lưu Thiền phó thác cho Gia Cát Lượng.
Lưu bị nói với Gia Cát Lượng rằng: “Tài năng của ông gấp mười, gấp trăm lần Tào Phi, nhất định có thể mang lại hoà bình và sự ổn định cho đất nước, thành tựu nên nghiệp lớn. Con của ta nếu đáng phụ tá thì phụ tá hắn. Nếu quả thật không nên thân, thì ông chính là chủ nhân của Thành Đô”.
Di chúc này đã được lưu truyền hàng trăm ngàn năm qua. Trong đó nổi bật nên chữ nghĩa thay vì tranh giành quyền lực. Cũng chính vì chuyện này không giống bình thường, nên trong lịch sử cũng được thêm vào rất nhiều lý giải.
Có người lý giải rằng Lưu Bị chỉ dùng trung nghĩa để ước chế Gia Cát Lượng, có người nói đây là đang thăm dò Gia Cát Lượng, rất nhiều cách nói khác nhau.
Tác giả Trần Thọ của Tam Quốc Chí cho rằng: “Cả nước uỷ thác cho Gia Cát Lượng, nhưng ông không 2 lòng, làm quân thần cho đến hết đời”. Đối với việc Lưu Bị uỷ thác cho Gia Cát Lượng nhận được sự tán thưởng rất lớn, cho thấy rằng, Lưu Bị thật tâm đối đãi Gia Cát Lượng, cách hành sự này, từ cổ chí kim, đã trở thành một giai thoại của sự kết giao giữa quân và thần.
Lưu Bị đối nhân xử thế, chân thành thản đãng
Lưu Bị cùng với Quan Vũ, Trương Phi khi khởi binh đánh quân Khăn vàng, được cho là “Ngủ cùng giường, ân tình như huynh đệ”. Đối với những binh sĩ tìm đến mình nương tựa, Lưu Bị đều “Ngồi cùng bàn, ăn cùng chén, không có sự phân biệt đối xử”.
Quan Vũ lúc ở trong quân doanh của Tào Tháo, rất được ưu ái, mến mộ, được thăng quan tiến chức, ban thưởng trăm vạn. Khi Tào Tháo ngỏ ý mời đầu quân cho mình, Quan Vũ đã nói: “Ta biết rõ Tào đại nhân đối với ta rất tốt, nhưng ta trước kia nhận ân huệ của Lưu tướng quân, cũng cùng Lưu tướng quân phát lời thề đồng sanh cộng tử, không thể phản bội”. Tào Tháo cảm thán Quan Vũ nghĩa khí, liền để cho Quan Vũ trở về quân doanh của Lưu Bị.
Từ những câu chuyện kể trên cùng cách thức mà Lưu Bị thu nạp nhân tâm, có thể minh bạch rằng tại sao trong loạn thế mà Lưu Bị có thể gây dựng được thiên hạ của riêng mình.
Nguồn: Tinhhoa (Lê Hiếu)