Không thể thống nhất thiên hạ, Lưu Bị đã từng bỏ lỡ 4 kỳ tài nào trong đời?
Chúng ta đều biết lý do Lưu Bị khởi binh không bằng Tào Tháo, nguyên nhân là do số lượng mưu thần, lương tướng không đủ. Trên thực tế, bên cạnh Lưu Bị từng tụ tập không ít kỳ tài dị sĩ, nhưng cũng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng rất nhiều người đã rời bỏ ông…
Trong đó, có bốn người có năng lực phi thường xuất chúng, không khoa trương mà nói, chỉ cần có thể có được một người trong số họ, liền có thể an định Thục Hán, mà nếu có thể “tập hợp đủ” thì tất có thể hoàn thành mục tiêu thống nhất thiên hạ, độc giả hứng thú có thể cùng chúng tôi thảo luận.
Kỳ tài Điền Dự
Điền Dự, người thuộc huyện Ung Nô quận Ngư Dương, ngay từ thời Lưu Bị còn phò tá Công Tôn Toản, vì ngưỡng mộ danh tiếng của ông mà đến. Điền Dự tuy còn rất trẻ, nhưng trưởng thành và chững chạc, kiến thức hơn người, khiến Lưu Bị thường xuyên tán thưởng không thôi.
Hưng Bình nguyên năm (194), Lưu Bị được Đào Khiêm đề cử đảm nhiệm chức Dự Châu mục. Lúc này Điền Dự đành từ biệt Lưu Bị quay trở về quê hương với mẫu thân già yếu bệnh tật, không có người chăm sóc. Sau khi Điền Dự rời khỏi Lưu Bị, ông chuyển sang phò tá Công Tôn Toản, sau khi Công Tôn Toản bị bại trận thì lại đầu quân cho Tào Tháo.
Trước và sau khi Tào Ngụy lập quốc, Điền Dự trải quan bốn đời Tào Tháo, Tào Phi, Tào Ngụy, Tào Phương, chủ yếu hoạt động trên chiến trường biên cương, trường kỳ chiến đấu với các ngoại tộc như Ô Hoàn, Tiên Ti, Hung Nô, lập được nhiều chiến công hiển hách, ngăn cản chúng tiến phạm vào đại lục, có thể nói là một đời danh tướng.
Điền Dự tuy rằng thành tựu huy hoàng, nhưng bởi vì tính tình cao ngạo, không chịu nịnh bợ cấp trên, cho nên thăng chức chậm chạp, cả đời đều bất quá là thứ sử, tướng quân mà thôi. Năm Gia Bình thứ tư (252), Điền Dự qua đời vì bệnh cũ tái phát, hưởng thọ 82 tuổi.
Kỳ tài Trần Quần
Trần Quần, người huyện Hứa Xương quận Dĩnh Xuyên, tổ phụ Trần Thực, phụ thân Trần Kỷ, thúc phụ Trần Kham đều là những đại danh sĩ nổi danh trong thiên hạ.
Trần Quần từ nhỏ thông minh hơn người, bác học đa tài, có quan hệ thân thiết với đại danh sĩ Khổng Dung. Thi thoảng ông cũng tham gia đánh giá những ưu khuyết điểm của danh sĩ trong thiên hạ, từ rất sớm cũng đã rất nổi danh.
Sau khi Lưu Bị đảm nhiệm chức thứ sử Dự Châu, Ông đã thu phục Trần Quần làm tâm phúc, rất coi trọng ông. Đào Khiêm cai quản Từ Châu trước khi lâm chung đã nhường chức vị cho Lưu Bị, Trần Quần thấy Viên Thuật, Lữ Bố cũng ham muốn Từ Châu, nên khuyên chủ công không nên tiếp nhận.
Trước đề nghị của Trần Quần, Lưu Bị không nghe theo, mà hào hứng tiếp nhận cai quản Từ Châu. Nhưng không lâu sau, Lữ Bố liên hợp với Viên Thuật tấn công Lưu Bị, buộc ông phải rời khỏi Từ Châu.
Trải qua chuyện này, Trần Quần phát hiện Lưu Bị có kiến thức thiển cận, cũng không phải minh chủ mà mình cần dốc sức suốt đời, liền chủ động từ quan quy ẩn, mấy năm sau lại chuyển sang phò tá Tào Tháo.
Trần Quần đã cống hiến hết mình cho Tào Tháo, có những đóng góp to lớn trong việc giới thiệu nhân tài, nói chuyện quốc sự, xây dựng nghi thức, cải cách hệ thống tuyển quan.
Sau khi Tào Ngụy thành lập, Trần Quần lại trải qua các đời Ngụy Văn Đế Tào Phi, Tào Duệ bởi vì công tích hiển hách, thăng tiến đến chức tể tướng, lục thượng thư, phong hàm âm hầu, được coi là cánh tay đắc lực của triều đình.
So với danh thần lương tướng cùng thời kỳ, sở dĩ Trần Quần được hậu thế nhắc đến nhiều là bởi vì ông đã tạo ra một hệ thống tuyển quan có ảnh hưởng sâu rộng lưu lại trong “Cửu phẩm trung chính chế”. Trong thời kỳ Ngụy Tấn nam bắc triều, chế độ tuyển quan này vẫn được sử dụng, cho đến năm Tùy Văn Đế khai hoàng thứ bảy (587) mới bị bãi bỏ, kéo dài hơn 300 năm.
Kỳ tài Trần Đăng
Trần Đăng, người huyện Hoài Phố thuộc Hạ Bi quốc, xuất thân từ gia đình quan lại. Tổ phụ Trần Vỉ làm quan đến chức Thái thú Quảng Lăng, bá tổ phụ Trần Cầu làm quan đến thái úy, phụ thân Trần Khuê làm quan đến phái quốc tướng.
Trần Đăng từ nhỏ đã mưu trí hơn người, chí hướng lớn, sau khi trưởng thành thông qua khoa cử Hiếu Liêm, trực tiếp ra làm quan, phò tá Đào Khiêm quản lý Từ Châu nhiều năm, từng đảm nhiệm chức huyện trưởng Đông Dương, giáo úy điển nông, trong thời gian nhậm chức có rất nhiều chiến tích.
Khi Đào Khiêm bị bệnh nặng, Trần Đăng khuyên ông nên nhường chức cho Lưu Bị, và trong thời gian Lưu Bị làm chủ quản tại Từ Châu, cũng đã ra sức ủng hộ ông. Tuy nhiên, trong thời gian phụng dưỡng Lưu Bị, Trần Đăng phát hiện ra kiến thức thiển cận của ông ta nên đã có ý định thay chủ.
Đợi đến khi Tào Tháo tiêu diệt Lữ Bố, chiếm cứ Từ Châu (198), Trần Đăng quy về Tào Tháo. Trong 3 năm tiếp theo, Trần Đăng với tư cách là thái thú Quảng Lăng làm việc cho Tào Tháo, không chỉ liên tiếp đánh bại các anh em Tôn Sách, Tôn Quyền mà còn hiến kế công lược Giang Đông, từ đó được phong làm Phục Ba tướng quân.
Năm Kiến An thứ 6 (201), Trần Đăng chuyển sang làm Thái thú quận Đông, nhưng không lâu sau đó qua đời vì bệnh tật, lúc ấy mới 39 tuổi.
Sau khi Trần Đăng qua đời, thế lực của Tôn Quyền ở Giang Đông lớn mạnh, Tào Tháo vô cùng hối hận vì đã không thể sớm thực hiện kế hoạch do Trần Đăng xây dựng. Còn Lưu Bị cũng hối hận không kém, cựu chủ của Trần Đăng.
Lưu Bị từng ca ngợi Trần Đăng nhưng cuối cùng ông không dụng tốt Trần Đăng, đến nỗi bỏ lỡ một vị lương tướng tài thần. Cho đến nhiều năm sau, Lưu Bị vẫn vô cùng hối hận về điều đó.
Kỳ tài Từ Thứ
Từ Thứ tên thật là Từ Phúc, người huyện Trường Xã, quận Dĩnh Xuyên, khi còn trẻ bởi vì thay bằng hữu báo thù nên phạm phải tử tội, cho nên mới đổi tên, trốn tới Kinh Châu, ở đây làm quen với Gia Cát Lượng. Năm Kiến An thứ 6 (201), Từ Thứ đầu quân cho Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, sau trở thành mưu sĩ chính của ông.
Sáu năm sau lại chủ động đề cử Gia Cát Lượng, từ đó càng được chủ công đánh giá cao. Năm sau (208), sau khi Tào Tháo tập kích Lưu Bị, vì bắt được mẹ già của Từ Thứ, dùng điều này uy hiếp ông, nên ông mới bất đắc dĩ rời khỏi Lưu Bị.
Từ Thứ tuy rằng bị ép đầu hàng, nhưng ở bản doanh Tào Ngụy lại không có có ý chống đối, xa lánh, cuối cùng làm quan đến hữu trung lang tướng, ngự sử trung thừa, chức quan cũng không tính là nhỏ.
Tuy nhiên, theo Gia Cát Lượng, Từ Thứ có tài phò tá quân vương, dựa vào bản lĩnh thật sự của mình, hoàn toàn có thể làm được vị trí Tể tướng, chỉ là hữu trung lang tướng, ngự sử trung thừa, căn bản không đủ để thể hiện tài năng của ông ta. Từ Thứ đảm nhiệm ngự sử trung thừa mấy năm, cuối cùng bệnh qua đời tại nhà ở Bành Thành.
Nguyệt Hòa biên dịch
Theo Aboluowang