Đại hoạ sắp xảy ra! Quốc vương nói ba câu gì mà Trời cao thay đổi thiên tượng
Tống Cảnh công (?-469 TCN), trị vì vào những năm 516 TCN – 453 TCN, tên thật là Tử Đầu Mạn. Ông là vị vua thứ 28 của nước Tống – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
Vào cuối thời Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công đang nắm quyền cai trị nước Tống thì xuất hiện một loại thiên tượng hung hiểm là “Huỳnh hoặc thủ tâm”.
“Huỳnh hoặc” là cách người Trung Quốc cổ đại gọi Sao Hỏa, màu sắc ửng đỏ, quỹ đạo biến hóa khó xác định, bởi vậy mới được gọi là “Huỳnh hoặc”.
“Tâm” tức chỉ chòm sao Tâm Túc, gồm có 3 ngôi sao. Sao Tâm Đại ở chính giữa là sáng nhất, tượng trưng cho Đế vương; sao Tâm Tiền ở phía trước tượng trưng cho Thái tử; sao Tâm Hậu ở phía bên dưới tượng trưng cho con thứ (con vợ lẽ).
“Huỳnh hoặc thủ tâm” là hiện tượng sao Hỏa di chuyển đến gần 3 ngôi sao Tâm Túc, là loại thiên tượng đại biểu cho chiến tranh, binh đao loạn lạc, chết chóc tai ương, hoặc là cái chết của Thiên tử.
Cổ nhân xưa kia tin vào mối quan hệ “Thiên nhân hợp nhất”. Vì vậy, họ cho rằng sự biến đổi của thiên tượng chính là Trời cao đang cảnh tỉnh thế nhân.
Tống Cảnh Công kính sợ Thiên Thượng nên đã vô cùng lo lắng trước thiên tượng. Ông liền triệu Tử Vi thái y vào cung để tìm cách hoá giải.
Tử Vi nói: “Bẩm bệ hạ, “Huỳnh hoặc” là Phạt tinh – ám chỉ sự trách phạt của Thiên Thượng. Tai họa lần này sẽ ứng vào thân của quân chủ nước Tống. Mặc dù vậy, có thể chuyển nó vào thân của thừa tướng”.
Tống Cảnh Công đáp: “Không được, thừa tướng rất giỏi việc trị quốc. Vì ham sống mà khiến lão khanh phải mất mạng. Cảnh Công ta sao có thể làm vậy được chứ?”.
Tử Vi tiếp lời: “Vậy thì bệ hạ có thể chuyển hoạ sang lê dân bách tính”.
Tống Cảnh Công nói rằng: “Trẫm làm vua là để lo cho bách tính. Bách tính chết thì trẫm còn làm vua gì nữa đây? Nếu vậy Cảnh Công nguyện chết một mình”.
Tử Vi nói một cách hoá giải khác:“Vậy có thể chuyển sang kết quả thu hoạch mùa màng của năm nay”.
Tống Cảnh Công đáp: “Kết quả thu hoạch mùa màng không tốt thì dân chúng sẽ chết đói. Nếu Trẫm vì ham sống mà làm hại bách tính thì còn ai coi Trẫm là quân vương, là Thiên Tử nữa? Nếu thật sự mệnh của Trẫm đã tận thì hiền khanh không cần nói thêm”.
Nhà vua vừa dứt lời, Tử Vi thái y lập tức hướng về phương bắc, dập đầu 2 cái và hào sảng nói rằng: “Vi thần mạn phép chúc mừng bệ hạ. 3 câu nói vừa rồi của bệ hạ tất cả đều vì muôn dân, vì trung thần, không một niệm vị tư. Trên đầu ba thước có thần linh, tấm lòng của bệ hạ Thượng Thiên ắt đều thấu rõ. Đêm nay chắc chắn tinh tượng sẽ có 3 lần biến đổi, thọ mệnh của bệ hạ sẽ kéo dài thêm 21 năm. Mời bệ hạ hãy quan sát bầu trời. Nếu sao Hoả không lùi lại, thì vi thần nguyện chết mà không có gì hối tiếc””.
Đêm hôm đó, tinh tượng quả nhiên dịch chuyển ba lần đúng như Tử Vi thái y nói.
Có thể thấy, việc thay đổi thiên tượng có thể vượt ngoài sức tưởng tượng của thế nhân. Nhưng chỉ cần con người đề cao đạo đức, nhân tâm quy chính thì không gì là không thể.
Lẽ ra tai hoạ sẽ ập đến nước Tống, nhưng quân vương Tống Cảnh Công tâm sinh thiện niệm, đức hạnh cảm động Trời xanh. Ông thà nhận cái chết theo an bài của Thiên thượng còn hơn là nhìn người khác vì mình mà chết.
Nhờ vậy mà nước Tống mới tránh được đại nạn. Đó chẳng phải là một trong những minh chứng lịch sử rõ ràng nhất hay sao?.
Viên Minh biên dịch
Nguồn: Soundofhope