Cách nói chuyện tiết lộ đẳng cấp: Người có hàm dưỡng, câu chữ xoay quanh 3 điểm này
Cuộc sống xô bồ hiện đại với đủ loại thông tin, đủ loại vấn đề cần phải giải quyết. Con người cũng bị cuốn theo dòng xoáy đó. Để có thể cân bằng thì kỹ năng giao tiếp hẳn là đóng vai trò rất quan trọng.
Thật dễ dàng để nói một câu, nhưng để nói hay một câu nói lại cần có trí huệ. So với một người cả ngày chỉ biết nói thẳng, thì một người biết trò chuyện tất nhiên được người ta quý mến hơn.
Như vậy, một câu hỏi nhỏ đặt ra cho mọi người ở nơi làm việc là:
Hai kiểu đồng nghiệp dưới đây, bạn nghĩ ai là người có tài ăn nói, bạn thích người nào hơn?
Đồng nghiệp A: Có thể nói lưu loát, thao thao bất tuyệt về một chủ đề nào đó.
Đồng nghiệp B: Thường trầm lặng ít nói, nhưng vào thời điểm quan trọng, lời nói ra lại rất sắc bén, giải quyết đúng vấn đề.
Rõ ràng, để làm một người bạn thì với sự vui vẻ và nhiệt tình, đồng nghiệp A sẽ thích hợp hơn. Mặc dù có thể đôi khi sẽ làm người ta cảm thấy ồn ào quá, nhưng mà cũng thú vị phải không?
Người đồng nghiệp B có thể nói chuyện sắc bén, chứng minh rằng anh ấy có năng lực tư duy rất mạnh mẽ. Trong công việc, tính cách này trong giao tiếp và báo cáo sẽ dễ dàng có hiệu quả, có thể nhận được sự công nhận từ lãnh đạo và đồng nghiệp.
Nói chung, mỗi người đều có từng thế mạnh riêng của mình mà chúng ta cần phải học tập.
Tựu chung, khi giao tiếp, nói chuyện cần có được 3 đặc điểm dưới đây:
1. Súc tích
Hãy để cho đối phương trong vòng 3 giây đầu tiên có thể biết bạn đang muốn nói gì.
Có người thích nói kiểu lòng vòng quanh co, hoặc là thích đem tất cả các chi tiết kể tỉ mỉ từ đầu đến cuối không sót một chữ nào. Nhưng điều này không phù hợp khi phát biểu tại hội nghị hoặc là trong giao tiếp với đồng nghiệp. Bởi một là, lãnh đạo và đồng nghiệp không đủ kiên nhẫn để nghe hết; hai là, nghe hết rồi cũng không hiểu là rốt cuộc bạn muốn nói những gì.
Vì vậy chúng ta khi biểu đạt cần lựa chọn trọng điểm để nói.
2. Cụ thể
Quan điểm của bạn cần phải được thể hiện bằng thông tin rõ ràng và lý do cụ thể, tốt nhất là còn có thể cung cấp đề xuất và sáng kiến.
Chúng ta thường sẽ đụng phải “phe chống đối” ở nơi làm việc. Bất kể là chuyện gì, phản ứng đầu tiên của họ sẽ là nói hai từ: “không được!”, sau đó sẽ không nói lý do tại sao, rất là khó chịu đúng không?
Chúng ta hãy tiếp tục so sánh một chút:
Cách biểu đạt thứ nhất: “Phương án này không được, dự toán quá cao!”
Cách biểu đạt thứ hai: “Tiêu chuẩn dự toán của công ty chúng ta là 50.000, mà phương án này cần đến 100.000, chúng ta cần tiến hành điều chỉnh và cắt giảm một số phần không cần thiết để đưa dự toán về gần sát với tiêu chuẩn”.
Nếu là bạn, bạn sẽ muốn tiếp thu cách nói nào hơn?
3. Rộng lượng
Người ta nói “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có bao nhiêu lời hay ý đẹp có thể nói, cớ sao cứ phải đổ lỗi, chì chiết đối phương, ăn hơn nhau một chút khẩu khí có chăng sẽ giúp mình vui vẻ hơn? Như vậy chẳng phải sẽ dẫn đến sự kháng cự từ đối phương và hàng loạt vấn đề rắc rối sẽ kéo theo sau đó?
Trong giao tiếp, chúng ta khó tránh khỏi những lúc xuất hiện bất đồng quan điểm với nhau, những lúc như vậy đừng bực bội và vội vàng nói lời cáu gắt.
“Bạn có ngốc thật không vậy? Nói thế này rồi mà nghe cũng không hiểu sao?”
Dùng lời nói sắc như dao cứa vào lòng người ta, đó là hành động không khôn ngoan chút nào, vừa làm đau lòng người, vừa tổn hại đến mình.
Mục đích giao tiếp không phải là để cãi lộn, vì vậy khi có bất đồng ý kiến, hãy cố gắng lựa chọn cách biểu đạt có tính xây dựng nhất.
“Có phải là tôi vừa mới nói nhanh quá nên bạn không nghe rõ, vậy tôi sẽ nói lại lần nữa nhé, nếu có gì không hiểu, xin vui lòng hỏi lại tôi”.
“Phương án của bạn rất sáng tạo, bạn có nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực hiện một chút thay đổi ở đây không?”
Khoan dung, độ lượng vẫn luôn là nét đẹp trong tâm hồn mà những người có hàm dưỡng sở hữu. Dùng đức để thu phục lòng người, chứ không phải dùng sức để át chế người. Riêng điểm này đã là thắng ở trên rất nhiều phương diện.
Nguồn: DKN