Gia đình không có gia giáo và nề nếp còn đáng sợ hơn “sự nghèo khổ”
Mạnh Tử có câu: “Nếu không có quy tắc thì mọi thứ sẽ trở nên lộn xộn”. Mọi thứ trên đời đều có quy luật. Như cái gọi là “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, vô luận là quốc gia nào hay cá nhân nào thì đều không thể tách rời những quy tắc trong cuộc sống.
Người sống không có quy tắc, chuẩn mực thì sẽ dễ gặp phải rắc rối. Nhà không có gia giáo, nội quy thì dễ đổ vỡ, quốc gia không có phép tắc của quốc gia, thì dễ dẫn đến bại vong.
Một gia đình muốn hưng thịnh, nhất định phải có gia giáo
Cổ nhân có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời“, tuy nhiên, đối với một gia đình có gia phong tốt thì vẫn có thể ‘phá bỏ’ quy luật đó.
Dù gia đình nghèo khó hay giàu sang thì đều cần phải có gia phong, nề nếp. Mỗi gia đình có gia phong tốt đều hưng thịnh và phát triển.
Gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 500 năm, chính là do tuân thủ chặt chẽ theo gia phong của dòng họ.
Một thế hệ Khổng Tử hiền triết, mà dòng họ Khổng Tử đã được lưu truyền trong 2.500 năm, chính vì gia phong “di sản văn thơ và lễ nghi” mà gia tộc truyền thừa lại cho con cháu đời sau noi theo.
Lễ nghĩa, chính là quy tắc, quy phạm đạo đức làm người. Nếu thiếu đi thứ này, thì khó có thể thành nhân cho được.
Một nhà tâm lý học đã từng nói: “Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”. Những nội quy, giáo huấn trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như số phận của chúng ta.
Gia đình có nề nếp, gia giáo thì dù nghèo đến đâu cũng dần dần sẽ trở nên hưng thịnh, gia đình không có phép tắc thì dù giàu có đến đâu cũng sẽ thất bại, vì gia phong không chính.
Bởi vậy mới nói, gia đình có nề nếp, mới chính là của cải quý nhất của gia đình.
Con cháu sống không có nề nếp sẽ không thể thành tựu
Quy tắc sống, là bài học bắt buộc trong cuộc sống của mỗi người. Một người muốn thành công, cần phải tuân theo quy luật, sống có quy tắc, cho nên gia đình sẽ ngày càng hưng thịnh phát tài, xã hội có nhiều người sống có quy tắc đạo đức cũng ngày càng trở nên văn minh. Do vậy, ắt phải có quy luật trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, có nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng, những quy tắc ‘cứng nhắc’ dường như là đang ràng buộc tính cách của con cái, làm mất đi thiên tính của con trẻ. Trên thực tế không hoàn toàn là như vậy, sống có ‘quy tắc’ không đồng nghĩa với việc kiềm chế, kiểm soát quyền tự do phát triển của con, mà là phải sống theo chuẩn mực đạo đức, sống theo luân thường đạo lý trong gia đình, xã hội. Nhiều bậc phụ huynh không nhận thức được rằng, tự do phóng túng, sống không có chuẩn tắc cũng chính là nguyên nhân hủy hoại tương lai cũng như nhân cách của con trẻ.
Cần phải biết rằng, các quy tắc là nền tảng của việc nuôi dạy con cái, cũng như là ‘chìa khóa’ phát triển của một gia đình, quy tắc cũng giống như một loại ức chế, kì thực đây là một kiểu bảo vệ bản thân. Coi thường các quy tắc trong cuộc sống, cũng tương đương với việc coi nhẹ sinh mệnh của chính mình. Chỉ bằng cách hướng con trẻ tuân thủ các quy tắc và hiểu các quy tắc, chúng mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Chỉ những đứa trẻ có quy tắc mới có thể bước đi trên con đường tốt đẹp, và những đứa trẻ mất đi quy tắc cũng sẽ mất đi nền tảng chỗ đứng trong cuộc sống. Làm bậc cha mẹ, trong khi hướng con trẻ sống theo cách chuẩn tắc làm người, thì cũng cần phải làm gương để con trẻ noi theo.
Ở nước ngoài, có một cậu bé đang đi siêu thị mua đồ cùng mẹ, trong lúc xếp hàng thanh toán hóa đơn, cậu bé liên tục dùng xe hàng của mình để đẩy vào người đàn ông phía trước. Người mẹ nhìn thấy vậy, không những không lên tiếng khuyên bảo con mình về hành động thiếu lễ phép, mà còn làm ngơ như chưa thấy chuyện gì.
Cuối cùng, người đàn ông đó không thể nhẫn chịu thêm nữa, sau đó đã đổ thẳng một hộp sữa lên đầu cậu bé.
Một nhà văn từng nói:
“Những khiếm khuyết và thiếu sót của con cái không đáng sợ. Đáng sợ nhất là, cha mẹ chúng không có phương pháp giáo dục và dạy dỗ con cái một cách đúng đắn”.
Không có quy tắc thì vĩnh viễn sẽ không thể thành tựu, cha mẹ muốn con có tương lai tương sáng, điều quan trọng nhất không thể nào coi nhẹ, đó chính là phương pháp giáo dục con trẻ.
Một đứa trẻ tốt, một đứa con ngoan, chính là ‘thành quả’ giáo dục và dạy dỗ cẩn thận từ cha mẹ. Một đứa trẻ hư, chỉ bất quá là do cha mẹ chúng quá chiều chuộng, luôn bằng lòng thỏa hiệp với những yêu cầu của chúng mà thôi.
Làm cha mẹ, bạn có thể yêu thương, bảo vệ con cái vô điều kiện, nhưng xã hội lại không như vậy. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần cẩn thận dạy dỗ con trẻ, thiết lập cho trẻ những quy tắc và chuẩn mực đạo đức làm người, bước ra xã hội chúng mới có thể tự phát triển vững chắc bằng chính đôi chân của mình.
Sự nuông chiều, phóng túng thái quá của cha mẹ trong quá trình giáo dục con trẻ cũng giống như “quả bom” hẹn giờ ẩn tàng trong cơ thể của chúng, đến một ngày sẽ bùng phát.
Hãy tự tạo lập cho con quy tắc sống ở đời
Người xưa có câu: “Tam tuế khán tiểu, ngũ tuế khán lão” (ý tứ rằng: Trẻ lên 3 tuổi có thể đoán được khi chúng lớn lên sẽ như thế nào, trẻ lên 5 tuổi có thể đoán được sau này già đi, chúng sẽ có cuộc sống như thế nào).
Bởi vậy, giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng. Muốn giáo dục con thành tài, trước tiên cần phải bắt đầu ngay từ khi con trẻ còn nhỏ. Cái cây không được chăm bón từ nhỏ sẽ không thể ngay thẳng, người không được giáo dục tử tế sẽ không thể thành tài.
Nếu cha mẹ chọn phương pháp: Làm thỏa mãn mọi yêu cầu của con cái, không dạy con hiểu các phép tắc và chân lý, cuối cùng sẽ hủy hoại cuộc đời đứa trẻ.
Cổ nhân có câu: “Thương con mà không dạy thì không phải là thương, dạy con mà không dạy con điều tốt đẹp thì không phải là dạy con”.
Là cha mẹ, nếu bạn không cho con mình một nền giáo dục đúng đắn và không đặt ra những chuẩn mực đạo đức cho con, thì đương nhiên sau này, ra xã hội ngoài kia sẽ có người dạy cho con bạn một bài học.
Những quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống cũng giống như “chiếc ô bảo hộ”, nếu con trẻ sống có gia giáo, nề nếp và quy tắc, chúng sẽ có một tương lai tươi sáng.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Alobuowang