Nhìn thấu 8 điều thiếu sót của đời người: Vận xấu xua đi, vận tốt sẽ đến
Những thiếu sót của con người chưa hẳn là điều đáng tiếc; hiểu rõ sinh mệnh không hoàn thiện, mới có thể thấy được cơ hội phát triển, “vận xấu đi thì vận tốt sẽ đến”.
Con người, biết thừa nhận những thiếu sót trong cuộc sống hiện tại, và biết tìm cách bù đắp những thiếu sót đó bằng chính nỗ lực của mình, đây chính là một thái độ tích cực khi đối diện với những khiếm khuyết trong cuộc sống. Nhờ có những thiếu sót này, mà con người mới có thể nhìn thấy sinh mệnh có sự khuyết thiếu, có như vậy mới có được cơ hội phát triển cho chính mình.
Trong Lễ Ký – Học Ký viết: “Học, sau đó mới biết là vẫn còn không đủ”, ý nói là chỉ có không ngừng học hỏi thì mới biết là mình học bao nhiêu cũng không đủ, mới biết được điều thiếu sót của mình. Như vậy sự “thiếu sót” là một loại động lực thúc đẩy con người ta nỗ lực để tiến tới. Đồng thời Học Ký cũng viết: “Biết được chỗ thiếu sót thì sau đó mới có thể tự xét lại bản thân”, vậy thì “thiếu sót” còn được xem như là một loại công cụ dùng để tự suy xét và tự phê bình bản thân.
Trong Chu Dịch cũng đề cập đến một sự biến hóa: “Bĩ cực thái lai” (hết khổ đến sướng). “Bĩ” có hàm nghĩa là điều không tốt, điều khốn cùng, vận xấu. “Thái” tượng trưng cho điều tốt đẹp, là sự thông suốt, vận may. Câu này có ý là vận xấu tới cùng cực thì vận may đến, khổ hết lại gặp sung sướng, cũng là nói tận cùng của thiếu sót chính là đạt được. Nhà thơ Vi Trang thời Đường có thơ rằng: “Vận xấu đi thì vận tốt sẽ đến, hãy cứ chờ đợi”. Như vậy cái thiếu sót, cái không đủ lại làm cho người ta thêm chờ đợi.
Bào Đình, một nhà sưu tập sách thời Thanh, từng lấy “hiểu không đủ” làm tên của mình. Ông lấy điều này để nhắc nhở bản thân nên biết khiêm tốn, nhắc nhở mình phải luôn không ngừng học hỏi. Trong cuốn “Thượng thư: Đại cáo” có nói: “Khiêm nhường sẽ được lợi ích, tự mãn sẽ dẫn đến tổn hại”. “Khiêm nhường” ở đây chính là luôn hiểu mình còn nhiều “thiếu sót” cần phải học hỏi thêm, “tự mãn” là cho rằng mình đúng, mình đã xuất sắc, không cần phải học hỏi, lắng nghe người khác. Một cái thì được lợi ích, một cái sẽ bị tổn hại, nói như thế “thiếu sót” cũng chính là điều “rất tốt”.
Đặc biệt cũng ở thời nhà Thanh, vị danh thần Trần Hồng Mưu đã từng viết “8 điều không đủ” trong “Dưỡng chính quy” như sau:
“Tài không đủ thì tính toán nhiều, hiểu không đủ thì suy nghĩ nhiều
Uy không đủ thì tức giận nhiều, tín không đủ thì nói nhiều
Dũng không đủ thì làm nhiều, nhìn không thấu thì suy xét nhiều
Lý không đủ thì tranh luận nhiều, tình không đủ thì nghi thức nhiều”.
Người đáng để khâm phục chính là khi nhận thức được những thiếu sót của chính mình thì họ sẽ cố gắng để thay đổi, cố gắng tìm cách bổ sung vào cho đầy đủ, nhờ đó mà có thể trở thành ưu thế của bản thân. Mưa tạnh thì trời trong, chính là mong muốn đạt được những thành tựu càng cao hơn trong cuộc sống.
1. Tài không đủ thì tính toán nhiều
Mỗi khi có sự việc xảy ra mà chúng ta phải phí nhiều tâm suy nghĩ cân nhắc, khó có thể quyết đoán, ở một mức độ nào đó thì điều này nói nên rằng kiến thức của chúng ta chưa đủ, năng lực của chúng ta còn hạn hẹp. Chỉ có học hỏi, tích lũy kiến thức, thì chúng ta mới có thể vận dụng những kiến thức đó, những kinh nghiệm của người đi trước để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề, tự tin đối mặt sự việc, khi cần quyết đoán thì lập tức quyết đoán, không hề rối loạn.
Xã hội ngày nay tuy rằng phát triển theo chiều hướng ngày càng hiện đại, nhưng con người lại không cảm thấy thanh thản, thoải mái. Rất nhiều người cảm thấy vốn kiến thức của mình không đủ dùng để ứng phó, giải quyết vấn đề. Bởi vì mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, họ hoặc là lười biếng, hoặc là tận hưởng cuộc sống, chỉ lo ăn lo ngủ, mà không hề nghĩ đến việc đọc sách trau dồi, học hỏi bổ sung thêm kiến thức cho mình, cho nên khi gặp vấn đề thì lập tức lo lắng rối loạn không có cách giải quyết.
Trong sách “Thái căn đàm” có viết: “Rảnh rỗi không nên bỏ mặc, đến lúc bận rộn mới có thể sử dụng”. Khi có thời gian rảnh rỗi thì nên đọc nhiều sách, bổ sung kiến thức, tăng thêm trí tuệ, có vậy thì mới có thể bình tĩnh, tự tin mà đối mặt với mọi chuyện.
2. Hiểu không đủ thì suy nghĩ, lo lắng nhiều
Hoằng Nhất Pháp sư từng nói rằng: “Kiến thức không đủ, không thể quyết đoán được, cho nên mới suy nghĩ rất nhiều, cứ lo nghĩ hoài nghi, cảm thấy không an tâm được”.
Kiến thức là kết quả của quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà hình thành, cũng là thể hiện tầm nhìn rộng lớn, và những phán đoán cho tương lai. Lo lắng nhiều, thể hiện đối với tương lai có nhiều bất an suy nghĩ, không biết con đường phía trước như thế nào, gặp những gì. Nếu như đầy đủ kiến thức, trí tuệ mở mang thì sẽ hiểu tương lai chẳng qua là hiện tại kéo dài, chỉ cần chuyên tâm sống cho tốt hiện tại thì sẽ tiêu trừ hết thảy những lo ngại, nghi hoặc kia.
Điều ấy nói cho chúng ta biết, cuộc sống có nhiều lo lắng suy nghĩ, bất an thấp thỏm cũng không phải là do hoàn cảnh bên ngoài tác động khiến cho chúng ta như vậy, mà là bởi vì kiến thức của chúng ta nông cạn, cách nhìn hạn hẹp tạo thành. Muốn cải biến tình trạng này, bản thân phải nâng cao trí tuệ, phải có tầm nhìn rộng lớn, mà cách tốt nhất chính là chăm chỉ học hỏi, ham mê đọc sách.
Người xưa có câu: “Học kinh tăng học vấn, học sử tăng kiến thức”. Đọc nhiều sách của cổ nhân nhằm tham khảo kinh nghiệm, trí tuệ của họ làm phong phú thêm kiến thức của mình, khi gặp vấn đề thì tự nhiên tâm ý thông suốt rõ ràng, biết làm thế nào để giải quyết sự việc, không cần phải lo lắng bất an.
3. Uy không đủ thì tức giận nhiều
Nhiều khi tức giận là bởi vì cảm thấy người khác không tôn trọng mình, cho nên cần sử dụng những thủ đoạn cực đoan để lôi kéo sự chú ý của người khác. Càng tức giận như thế càng cho thấy chính mình thiếu hụt đức hạnh. Đây là biểu hiện của không đủ uy tín.
Đức dày mới giàu có, uy vọng đều là theo đức hạnh mà đến, sức mạnh đạo đức có thể chấn nhiếp và chế phục hết thảy quần chúng. Mà người có học thức, có đạo đức chân chính biểu hiện ra nhất định là khiêm tốn cung kính cùng bình dị gần gũi, làm sao có thể dễ dàng dùng thái độ tức giận khiến cho mọi người oán hận đây?
Trên thực tế, người càng không đủ tư cách, không có thực lực, dễ dàng nổi giận thì tính khí lại càng lớn lối đến kinh ngạc. Một khi họ đối mặt với thất bại, đối mặt với bất lợi liền dễ dàng sinh ra tức giận phẫn nộ, mà phẫn nộ tức giận lại càng dễ khiến cho người khác chỉ trích, ghét bỏ.
Người không có thực lực, dĩ nhiên càng dễ bị khuất nhục.
Hết thảy những kẻ phàm phu tục tử, không có thực lực, trí tuệ lại thấp kém, mỗi khi đối diện với những khó khăn hay thất bại trong cuộc sống, họ chỉ có thể ngồi nhìn bản thân mình tức giận bừng bừng. Họ ngoài tức giận ra thì chẳng có bản lĩnh gì để khiến người khác kính trọng cả, cho nên sự tức giận kia lại càng giống như là thống hận chính mình bất tài.
Khi họ tức giận mà không mấy ai để ý, lại khiến họ nhận lấy nhục nhã cùng chế nhạo. Cho nên lửa giận đó quay lại thiêu đốt nội tâm, đó chính là oán trách bản thân mình, lại bi thương, lại tiếc hận. Nếu như họ thực sự có thực lực, khi đối mặt khó khăn, thất bại, hẳn nhiên không cần thiết phải tức giận như vậy.
Một người có bao dung, có hàm dưỡng sẽ nhận được thật tâm kính trọng từ người khác, điều này có gì lạ đâu?
4. Tin tưởng không đủ thì nói nhiều
Kinh Dịch có viết: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”, ý rằng người có uy đức thì ít lời, người gian giảo mới dùng nhiều lời để nói. Người có tu dưỡng, lời nói đơn giản ngắn gọn, cũng không bàn luận tùy tiện; mà người nông cạn nóng vội thì lời nói thao thao không ngừng, cũng thích nói chuyện vô căn cứ. Người quân tử, có tu dưỡng, có uy danh, ăn nói thận trọng, từ tốn hẳn là hiền nhân.
Tăng Quốc Phiên đời Thanh đã từng giáo huấn đệ đệ mình rằng: người thường có hai tật xấu cũng như nhược điểm lớn đó là ngạo mạn và nói nhiều. Ở một mức độ nào đó, thời trẻ Tăng Quốc Phiên đã từng phạm vào hai tật xấu nêu trên, nhưng ông kịp thời nhận ra và thành tâm sửa chữa, cuối cùng cũng tu dưỡng nên nhân cách của mình. Cho nên ông nói: “Đức hạnh xấu khiến người ta thất bại”, đây chính là kinh nghiệm tổng kết từ chính mình mà ra.
Nguyên nhân Tăng Quốc Phiên khuyên dạy thực hiện “cấm nhiều lời” bắt đầu từ một việc nhỏ: Hồi ông mới gia nhập Hàn lâm viện, đang lúc tiền đồ thuận lợi thăng tiến nên ông có chút đắc ý. Một lần trong sinh nhật của cha, bạn thân của Tăng Quốc Phiên là Trịnh Tiểu San cũng đến dự, Tăng Quốc Phiên đã khoe khoang khoác lác cùng thái độ có chút đắc ý vênh váo với Trịnh Tiểu San, kết quả khiến cho Trịnh Tiểu San phản cảm phất áo bỏ đi.
Về sau Tăng Quốc Phiên hối hận vạn phần, ông đã tự suy xét lại bản thân và nhận thấy mình có 3 cái sai lớn. Một là thường tự cho là đúng; hai là nói chuyện không chừng mực, không cân nhắc nghĩ gì nói đó; ba là nói chuyện đắc tội với người nhưng lại cố chấp không chịu nhận sai, thậm chí dẫn đến tình cảnh tình cảm rạn nứt đánh mất thân thiết. Tổng kết ra 3 lỗi này, Tăng Quốc Phiên tự đánh giá mình là “một người tri thức Nho gia, mà đạo lý “Lời xấu không nói ra miệng, thì lời nói phẫn hận sẽ không đến trên thân mình được” trong “Lễ ký” cũng không thông thấu, ngay cả quan lời nói cũng không vượt qua được, thì sao có thể làm thành đại sự đây?”
5. Dũng không đủ thì làm nhiều
Người cần cù, lao tâm lao lực vất vả, mới đầu nhìn tưởng như là người có lòng hăng hái, nhưng rất có thể là bởi vì trong lòng họ không có đủ dũng khí. Người không có dũng khí, làm việc luôn sợ hãi rụt rè, không dứt khoát, chỉ có thể làm được những việc lao động thường ngày, đã định là một đời bình thường. Vậy người dũng khí thực sự là như thế nào? Là dựa vào nội tâm có được một phần khí khái, can đảm, chỉ cần có một chút khích lệ tựa như tiếng trống trợ trận tăng tinh thần mà làm nên thành công, giải quyết sự việc dứt khoát, việc nhỏ mà công tích rất lớn.
Năm tháng qua đi không dấu vết, đời người ngắn ngủi. Cùng với phương thức làm nhiều mà được ít của cuộc sống bình thường lặng lẽ, không bằng hãy tập trung tinh lực, cố lấy dũng khí, làm cho tốt một việc mà đạt được thành tựu to lớn.
Sự khác biệt giữa người vĩ đại và người bình thường chính là, người vĩ đại thường chỉ cần một khích lệ tinh thần nho nhỏ cũng có thể lấy ra dũng khí, biết tập trung tinh lực để đi thực hiện cho tốt một việc, mà người bình thường lại chia tinh lực ra để đi làm rất nhiều việc, kết quả việc gì cũng không nên.
Cổ nhân có nói: “Duy tinh duy nhất”, chính là muốn khuyên chúng ta giữ tâm bình tĩnh, chuyên tâm với một sự việc. Hẳn nhiên đây là một việc khó làm, nhưng mà người càng vĩ đại chính là càng cố tình lấy dũng khí để chinh phục những việc khó khăn.
Chuyên tâm làm tốt một việc, sẽ đạt được thành công, vinh quang cũng sẽ đến, làm cho sinh mệnh cũng nổi bật sáng chói. Chuyên tâm làm tốt sự việc cũng như chuyên tâm đi quy hoạch cho tốt cuộc đời chính mình, cho dù có thất bại, cũng không cảm thấy hối tiếc.
6. Nhìn không thấu thì xem xét nhiều
Trong quá trình làm việc, thường có rất nhiều công việc lặt vặt, khiến chúng ta hoa cả mắt. Mà đây chính là biểu hiện cho việc “nhìn không thấu”, nhìn không rõ mọi việc, cũng biểu hiện trình độ trí tuệ.
Người xưa nói: “Thái sơn không chê đất nhỏ, do vậy mới thật cao; Trường Giang không phân biệt dòng nước lớn nhỏ, thế nên mới có thể thật sâu”.
Một người tôn quý và có giáo dưỡng, tất cả thể hiện ở những chi tiết nhỏ như:
– Hãy sửa tất cả những gì chúng ta nói “không đúng” thành “đúng”. Không nên dễ dàng phủ nhận người khác, trước hết hãy khẳng định quan điểm của đối phương, rồi sau đó mới đưa ra những kiến giải của riêng mình.
– Có thể cùng bạn bè đùa giỡn, nhưng tuyệt đối không được lấy sở thích của họ ra đùa giỡn.
– Lần đầu gặp mặt, nhất định cố gắng nhớ tên đối phương. Rất nhiều người nói rằng không thể nhớ tên của đối phương, kỳ thực không phải là không nhớ được, mà là vì không để ý.
– Cho dù có tức giận cỡ nào, cũng không nên nói những lời thực sự gây tổn thương đối phương. Càng là người thân quen, càng có thể biết được yếu điểm tổn thương của đối phương, nhưng không nên vì thân quen mà thương tổn họ.
– Nhìn thấu, nhưng không cần nói ra, hãy lưu cho người khác một con đường. Phát hiện đối phương nói sai hoặc nói dối, không nên vạch trần trực tiếp.
Cũng như Hoàng hậu của Vua Louis XVI khi đi lên đoạn đầu đài đã vô tình dẫm phải chân của đao phủ, bà đã theo bản năng nói lời “Thực xin lỗi” với người đao phủ. Như thế tôn quý thật sự khó có được, tuy rằng sinh mệnh thất bại ở trong lịch sử, song lại đem sự tôn quý lưu lại cho muôn đời.
7. Lý không đủ thì tranh luận nhiều
“Trời có nói gì đâu? Bốn mùa vẫn vận hành trôi chảy, muôn vật vẫn sinh sôi. Trời có nói gì đâu!”. Người hiểu đạo lý không cần nhiều lời tranh luận, thời gian rồi sẽ chứng minh lý lẽ đúng đắn của họ. Họ chính là như người nông dân lặng yên làm đồng, chờ đợi ngày thu hoạch thành quả, kết quả thu được sẽ làm kinh ngạc bao người. Trái lại người vô lý, đã không hiểu ngọn nguồn lý lẽ, lại còn dùng nhiều lời nói khéo léo, hoa mỹ, kỳ thực chẳng qua là để che lấp bản chất trống rỗng của mình.
Đã không thông thấu lại còn đi thể hiện bản lĩnh của mình, bày ra toàn bộ bản lĩnh có được, cũng như con lừa khoe ra bản lĩnh nhỏ bé của mình, lại khiến cho kẻ có đủ bản lĩnh chân chính như con hổ một ngoạm làm thịt ngay. Những người này trong tâm thường có quá nhiều tạp niệm, tư tưởng danh lợi lại quá lớn, nếu mà sự nghiệp không thành, thì sẽ thân bại danh liệt chẳng còn gì.
Mà có người lại lựa chọn ẩn mình giấu tài, không thể hiện mình có tài năng xuất sắc, trình độ và năng lực của mình chưa đạt đến, thì càng sẽ không dễ dàng theo đuổi coi trọng danh lợi, mà là yên lặng tích lũy đợi chờ, chờ cơ hội đến sẽ thực hiện, lúc ấy nhất định ra tay sẽ thành công.
8. Tình cảm không đủ thì lễ nghi nhiều
Lễ nghi là chỉ những quy tắc quan hệ giữa người với người, người càng xa lạ càng phải dùng lễ để xử sự đối đãi.
Hai người có tình cảm thân thiết, khi gặp nhau thì có thể là nhiệt tình thẳng thắn. Vương Duy trong một bài thơ có viết: “Lão nhà quê này đã thôi cùng người tranh giành chỗ ngồi, Chim hải âu làm sao mà lại nghi ngại nhau?”. Người dùng thật lòng mà đối đãi với người mới có thể hưởng thụ cái vui vẻ trong việc tranh giành một chỗ ngồi.
Khổng Tử nói: “Người lễ nghi, cũng là người kính trọng”. Lễ tiết không phải là kiểu a dua nịnh nọt lễ nghi phiền phức, mà là duy trì sự tôn trọng cơ bản cùng kính ý đối với người.
Luận Ngữ có câu: “Người không có lễ thì không nên thân”. Nếu không học không biết lễ nghi, thì làm thế nào mà lập thân. Luận Ngữ lại nói: “Người biết kính trọng người khác, sẽ được người khác kính trọng lại”.
Đạo Đức Kinh có nói: “Đạo của trời là chỗ dư mà bù nơi thiếu; đạo của người lại không như vậy, lấy nơi thiếu để đắp thêm cho nơi đã thừa”. Đạo của trời đất là vạn vật phát triển như nhau, chú trọng sự cân đối. Con người hẳn là nên theo đạo của tự nhiên, bởi vì nhân tố hạn chế sự phát triển của con người chính là chỗ thiếu sót của chính mình.
Đối với sự phát triển của một người mà nói, khoe cái sở trường, che giấu cái sở đoản có lẽ không phải là một việc xấu. Nhưng người đáng để khâm phục chính là khi nhận thức được những thiếu sót của chính mình thì họ sẽ cố gắng để thay đổi, cố gắng tìm cách bổ sung vào cho đầy đủ, nhờ đó mà có thể trở thành ưu thế của bản thân mình. Mưa tạnh thì trời trong, chính là mong muốn đạt được những thành tựu càng cao hơn trong cuộc sống.
Nguồn: dkn