Văn hoá Thần truyền: “Thiên Nhân Hợp Nhất” là đạo trị quốc trong trí tuệ cổ nhân
Văn hóa truyền thống 5000 năm Trung Hoa là văn hoá do Thần truyền cấp. Con dân Hoa Hạ xa xưa lấy triết lý của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo làm nền tảng đạo đức của mình trong cuộc sống nhân sinh. Cùng với sự am hiểu về đạo lý “thiên nhân hợp nhất” (天人合一) đã giúp nền văn minh Trung Quốc trường tồn qua hàng nghìn năm.
Người Trung Quốc cổ đại quan niệm rằng thế gian được cai quản bởi các vị Thần, nên con người ở cõi mê này làm bất kì điều gì thì quỷ thần đều biết. Văn hóa truyền thống còn có đạo lý “Thiên nhân cảm ứng” (天人 感應), tức là Trời và con người là có sự tương thông qua lại. Thiên tượng và những biến động nơi xã hội loài người là trực tiếp đối ứng với nhau.
Trên thực tế, trước khi một tai họa xảy đến thì nhất định sẽ có dấu hiệu báo trước. Hơn nữa, Thượng Thiên sẽ không vô duyên vô cớ giáng tai kiếp xuống nhân gian.
Những câu chuyện lịch sử về các bậc quân thần dựa vào văn hoá thần truyền để cai trị đất nước
Người xưa thường nhìn vào các thiên tai để biết được Thiên ý cũng như vận mệnh của giang san xã tắc. Mỗi triều đại đều cất nhắc ra một viên quan giữ chức “Khâm Thiên Giám”, vị này có trách nhiệm quan sát sự biến hoá của thiên tượng rồi tấu trình với Hoàng đế, dựa theo đó nhà vua sẽ đưa ra các chính sách cai trị phù hợp trước những biến động lịch sử.
1. Phẩm hạnh cao thượng của vua Thương Thang
Sử sách triều đại nhà Thương (商 史) chép rằng; trong những năm trị vì của vua Thành Thang, có một trận hạn hán kéo dài 7 năm không dứt, bách tính khắp nơi rơi vào khốn đốn, khổ cực trăm bề.
Nhà vua thương dân đứt hết ruột gan. Không còn cách nào khác, ông đành lặn lội đi đến một rừng dâu rồi quỳ xuống khấn với trời cao:
“Bách tính của Đại Thương nay đang rơi vào khốn khổ vì hạn hán kéo dài. Ông Trời ơi, xin hãy cho Trẫm biết Trẫm đã làm sai điều gì mà khiến con dân của Trẫm phải chịu tội như vậy. Có phải Trẫm cai quản đất nước không nghiêm? Có phải các thần tử của Trẫm nhũng nhiễu nhân dân và lộng hành tham nhũng? Có phải chốn hậu cung của Trẫm đấu đá quyền lực dẫn đến oan hại mạng người vô tội? Có phải Trẫm thân là vua một nước mà buông lỏng chính sự và để kẻ gian lộng quyền? Nếu Trẫm có sai phạm điều gì, hãy để Trẫm một mình gánh chịu, xin Trời cao đừng làm hại đến con dân của Trẫm”.
Thành Thang vừa dứt lời thì trời nổi gió, sấm chớp đùng đùng và mưa như trút nước kéo dài đến hàng ngàn dặm.
Tích vua Thang cầu mưa là một câu chuyện có thật trong lịch sử về đời sống chính trị của một Trung Quốc thời cổ đại. Quan trọng hơn cả, nó phản ánh tinh thần của các vị hoàng đế thời phong kiến luôn chú trọng tu thân, hướng nội tìm sai phạm, trí tuệ phi phàm cùng với sự can đảm và tinh thần trách nhiệm cực kì cao.
Do đó, Đạo nho liệt câu chuyện trên vào “thánh đức phương quy”, đồng thời trở thành một tấm gương trị vì mực thước trong thời phong kiến. Khi đất nước gặp thiên tai hoặc xảy ra dị tượng bất thường nào đó, vua hoặc các quan phải tự kiểm điểm lỗi của mình và dùng tài đức để cải hóa dân chúng, sửa sai thì mới mong được các vị Thần tha thứ và che chở.
2. Nước Tống giàu mạnh vì sự quy chính của quân vương
Tác phẩm Hàn Thi Ngoại Truyện (韩诗外传) có đề cập rằng, vào thời Xuân Thu (春秋 时期, từ 771 đến 476 TCN), nước Tống từng bị một trận lũ lớn quét qua. Vua nước Lỗ thấy vậy nên đã cử một sứ thần sang để thăm hỏi và chia buồn. Lúc diện kiến nhau, vua nước Tống đã nói với sứ thần rằng: “Ta tuy ăn chay nhưng tâm chưa lương thiện, đã để chuyện tô thuế làm xáo trộn cuộc sống của dân chúng. Có lẽ vì thế, ông trời mới giáng xuống tai họa này. Vì ta không tốt mà nước Tống thiên tai và làm quân thần của nước ngài phải lo lắng. Thật đáng hổ thẹn”.
Về sau, trong một lần đàm đạo cùng các học trò, đức Khổng Tử đã đề cập đến câu chuyện trên rồi phán rằng: “Nước Tống rồi sẽ phát triển thịnh vượng”. Các đệ tử nghe xong lấy làm thắc mắc, ông từ tốn trả lời: “Trước đây Hạ Kiệt và Trụ Vương làm những điều bất nhân vô đạo, không biết hối cãi nên triều đại nhà Hạ và nhà Thương đều phải chịu hoạ diệt vong. Các vị quân vương như Thương Thang và Chu Văn Vương đều biết tu thân, sửa mình, lấy đạo đức làm trọng nên mới sớm được đại sự, thành gia lập quốc. Người có khả năng tự nhìn nhận lại điểm khuyết thiếu và sửa chữa lỗi lầm thì chính là một bậc chí nhân quân tử, thật sự không có đức tính nào cao cả hơn thế ”.
Và thật sự, nước Tống sau này đã trở thành một quốc gia giàu mạnh trong thời Xuân Thu.
3. Lòng nhân ái của Hoàng Đình Tuyên đã mau chóng khiến hạn hán chấm dứt
Theo ghi chép lịch sử triều đại nhà Minh, khi Hoàng Đình Tuyên(黄廷宣) nhậm chức quan tổng đốc Thái Thương thì tỉnh này đã gánh chịu một trận hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Người dân than khóc vì nạn đói hoành hành, ruộng đồng cằn cỗi trải dài hàng nghìn dặm vì không còn nước tưới.
Hoàng Đình Tuyên ngay lập tức mở một kho lương thực để cứu trợ dân chúng gặp thiên tai và dâng sớ tấu trình mong Hoàng đế giảm tô thuế, đồng thời kiến nghị phế truất tất cả các quan lại lộng quyền, tham nhũng trong triều đình để hợp lòng dân, thuận ý Trời. Bên cạnh đó, ông còn khuyên răn nhà vua tuyển chọn những người tài đức vẹn toàn để lo lắng cho quốc gia đại sự và đời sống của nhân dân.
Đau xót con dân chịu nhiều thống khổng, ông bèn lập dàn cầu mưa ở ngoài trời, thành tâm khẩn cầu Thiên Thượng ban mưa xuống để cứu giúp sinh linh. Sự chân thành của ông đã khiến trời xanh cảm động, mưa bắt đầu rơi trên mảnh đất Thái Thương, trong khi đó các tỉnh lận cận khác vẫn đang trong tình trạng khô hạn.
Người dân truyền tai nhau rằng, hạn hán chấm dứt chính là sự ban ơn của Thiên Thượng dành cho tỉnh Thái Thương nhờ sự điều hành tài giỏi và đạo đức cao thượng của tổng đốc Hoàng Đình Tuyên.
4. Vua Gia Khánh – bình yên hay sóng gió chỉ cách nhau một niệm
Theo sử ký triều Thanh, Gia Khánh Đế (1760-1820) sau khi lên ngôi nắm quyền cai trị đất nước, ông đã ban hành chỉ dụ cho phép các quan lại được tấu trình, dâng sớ kiến nghị cũng như đưa ra lời khuyên cho triều đình về các chính sách trị quốc.
Các ý kiến của quần thần lần lượt được chuẩn tấu. Đột nhiên, vua Gia Khánh thay đổi sắc mặt, nổi giận lôi đình khi đọc một bản tấu sớ dài hàng nghìn chữ được viết bằng văn phong sắc bén nhằm vạch ra những thiếu sót của triều Thanh của Hồng Lượng Cát – một vị quan của Hàn Lâm viện. Gia Khánh ra lệnh bắt giam ông vào ngục và chờ ngày xử tử.
Một lúc sau khi hạ giận, Gia Khánh tự thấy phán quyết mình đưa ra có phần nặng tay và bất hợp lý. Hoàng đế đã ân xá cho Hồng Lượng Cát thoát tội chết và đưa ông đi lưu đày đến Tân Cương.
Nhưng một điều lạ đã xảy ra, sau khi Hồng Lượng Cát bị lưu đày thì vào tháng 4 cùng năm đó, miền bắc Trung Hoa xảy ra hạn hán cực kì gay gắt.
Lo sợ thiên tai ảnh hưởng đến đời sống người dân; các quan lại địa phương lập dàn cầu mưa, nhưng trời vẫn hạn; Gia Khánh Đế trực tiếp đứng ra cầu mưa, trời vẫn không cho mưa xuống.
Nhận thấy tình hình không mấy khả quan; Hoàng đế cho mở kho thóc để cứu giúp những người đói khổ, trời vẫn không hề suy xuyển, nắng cháy da thịt. Ông ra lệnh ân xá cho các tù nhân có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng tuyệt nhiên vẫn không có một giọt mưa nào cả.
Gia Khánh Đế lo lắng và nhận thấy rằng ông chắc chắn đã phạm một sai lầm nào đó thì Trời cao mới trách phạt như vậy.
Ngay lúc này, Gia Khánh lập tức nghĩ ngay đến việc có phải ông đã hàm oan cho Hồng Lượng Cát chăng? Thế là Hoàng đế quyết định minh oan cho vị quan này. Ông dâng sớ tự trách tội chính mình vì đã trừng phạt Hồng Lượng Cát, ông viết: “Những lý lẽ của trung thần Hồng Lượng Cát là vì muốn tốt cho Đại Thanh và muôn dân bách tính. Sự trung thành của khanh đã soi sáng lương tri của Trẫm. Lời khuyên răn ấy đã được Trẫm khắc ở bên phải ngai vàng để tự nhắc nhở mình phải luôn là một bậc quân vương anh minh và chân chính”.
Trong sớ tự trách tội ấy, Hoàng đế cũng thừa nhận rằng những cáo buộc mang tính áp đặt cho Hoàng Lượng Cát là “sự gian trá và ích kỷ”, tất cả đều sai sự thật.
Để tỏ lòng thành, ông quyết định tự tay mình sao chép các bản sắc phong minh oan cho Hồng Lượng Cát thành nhiều bản. Sau khi Hoàng đế hoàn thành nét chữ cuối cùng, một tia chớp xuyên qua bầu trời Bắc Kinh và mưa lớn trút xuống. Gia Khánh thở dài: “Đúng là trên đầu ba thước có Thần Linh. Trẫm thật sự kinh ngạc trước sự linh thiêng của Trời Đất”.
Sức mạnh định hình lịch sử nằm ở niềm tin vào Thần
Thiên tai nhân hoạ đã hiện hữu trong suốt nghìn năm lịch sử. Và cũng đã có rất nhiều ghi chép về các tấm gương người tốt việc tốt sẽ không bị đe dọa trước các kiếp nạn. Điều đó chứng tỏ rằng, những ai có tấm lòng nhân đức và thiện lương sẽ được Trời Thần ban ơn và bảo hộ. Ngay cả trong lúc rơi vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, mọi thứ vẫn sẽ được xoay chuyển tốt đẹp bởi vì: “phước lành từ Thiên Thượng ban xuống đảm bảo sẽ không có bất kì tổn hại nào”.
Từ xa xưa, người Trung Quốc tin tưởng và tuân theo quan niệm “Thiên Nhân hợp nhất”. Con người ở dương gian dành sự tôn trọng tuyệt đối với Trời đất, tạo hoá, vũ trụ và các đấng sinh mệnh tối cao.
Họ luôn tin tưởng vào quy luật Nhân quả; nghiệp báo, phúc thọ và thiện ác đều sẽ được nhận lại xứng đáng. Do vậy, xã hội ngày xưa rất chú trọng việc tu thân tích đức và lấy các tiêu chuẩn đạo đức tối thượng của Nho Gia làm nền tảng hình thành nhân cách của con người.
Sự giao thoa hài hòa giữa Thiên – Địa – Nhân cũng là kết quả của văn hóa mà Thần truyền cấp. Điều đó đã mang lại cho dân tộc Trung Hoa sự hàm dưỡng sâu sắc về mặt đạo đức cũng như tạo sự gắn kết mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc. Bằng cách này, xứ sở Thần Châu đã phát triển phồn vinh trong suốt chiều dài lịch sử 5000 năm của mình.
Hy vọng rằng, đến hôm nay và cả mai sau nữa, các thế hệ tương lai của Trung Quốc sẽ được biết đến, yêu mến và tự hào về văn hoá truyền thống của tổ tiên, cũng như nối tiếp cha ông xây dựng lại một Trung Hoa phồn vinh, thịnh vượng.
Viên Minh biên dịch.
Nguồn: Visiontimes