Danh tướng Phạm Lãi biết mệnh biết người, tại sao cười trước cái chết con trai?
Theo “Sử ký cố sự”, Phạm Lãi (Đào Chu Công) có khả năng biết người, biết thiên mệnh, nhưng có một sự kiện ông không thể xoay chuyển, đó là mệnh của đứa con trai thứ hai. “Sử ký – Việt Vương Câu Tiễn thế gia” có một đoạn ghi chép cô đọng, làm người ta phải suy ngẫm.
Phạm Lãi phụng sự Việt Vương Câu Tiễn, tận lực phò tá hơn 20 năm, mưu lược phục quốc, lao khổ thân tâm, cuối cùng diệt được nước Ngô, Câu Tiễn hiệu lệnh Trung Quốc, xưng bá thiên hạ, phong Phạm Lãi làm Thượng tướng quân.
Phạm Lãi có khả năng biết người, ông biết không thể ở lâu dưới trướng của Câu Tiễn, nên dâng biểu từ quan, sau đó lặng lẽ lên thuyền rời khỏi Việt quốc. Ông nói với Thừa tướng Văn Chủng rằng: Câu Tiễn “Khả dữ cộng hoạn nạn, nhi bất khả cộng xứ lạc” (Có thể cùng chung hoạn nạn, nhưng không thể cùng hưởng thái bình), khuyên Văn Chủng mau tránh đi, nếu không sẽ mang lại họa sát thân. Văn Chủng không nghe theo, sau này thực bị Câu tiễn ban cho cái chết.
Phạm Lãi tới nước Tề, thay danh đổi họ thành Si Di Tử Bì, canh tác ở vùng bên bờ biển, cha con cần cù lao khổ sản xuất buôn bán, mấy năm sau đã có gia tài vạn lượng.
Ông đến đâu cùng thành đạt, nổi danh. Tề vương biết ông hiền năng, chiêu mời làm tướng quốc. Phạm Lãi bèn thở dài nói: “Cư gia tắc chí thiên kim, cư quan tắc chí khanh tướng, thử bố y chi cực dã. Cửu thụ tôn danh, bất tường.” Nghĩa là: ông ở nhà canh trồng sản xuất thì kiếm nghìn vàng, làm quan thì tới địa vị tối cao của khanh tướng, đây là chỗ cao nhất của kẻ bình dân áo vải rồi.
Ông nhận định việc hưởng danh cao phú quý lâu dài là việc không lành, cho nên ông trả lại ấn tướng, cho đi gia tài, phát cấp cho bạn bè, gia nhân trong vùng, chỉ mang theo bảo vật, cùng gia đình lặng lẽ men đường nhỏ mà rời đi.
Họ đi đến Đào Sơn (Tế Châu, phía đông huyện Bình Dương), rồi định cư ở phía Nam núi. Ông nhìn ra được đây là chỗ thiên hạ tụ hội, thông đạt bốn phương, là đất tốt để giao thương kinh doanh. Ở Đào Sơn, ông tự xưng là Đào Chu Công, vừa canh trồng chăn thả, vừa buôn bán kiếm lời. Không lâu sau, ông lại có được gia tài ức vạn.
Ở đất Đào, Chu Công sinh hạ được một con trai. Khi đứa út trưởng thành thì người con thứ hai của Chu Công phạm tội sát nhân, bị cầm tù ở nước Sở.
Ông nói: “Sát nhân là tội phải chết, nhưng ta nghe nói ‘Thiên kim chi tử bất tử ư thị’(Con nhà giàu không chết ở chợ).”
Thế là Chu Công cho cậu em đi dò tìm xem anh trai ở đâu. Ông cho nghìn dật vàng (1 dật bằng 24 lượng) vào một cái hũ rách cũ (khoảng 24.000 lượng), đặt lên xe trâu kéo. Vào đúng lúc sắp khởi hành, thì anh cả đến bên, nhất quyết xin phụ thân cho đi cứu em trai.
Chu Công không đồng ý. Trưởng nam bèn nói: “Trong nhà trưởng nam được gọi là ‘gia đốc’, là quản gia, nay em con bị tội, phụ thân đại nhân không cử con đi, mà lại phái tiểu đệ, con thấy xấu hổ quá” – nói xong muốn tự sát.
Khi ấy, mẫu thân đứng bên vội vội nói: “Bây giờ phái con nhỏ đi, chắc gì đã cứu được đứa kia sống trở về, mà lại còn làm cậu cả tự sát, sao có thể làm vậy được?”
Chu Công bất đắc dĩ phải cho trưởng nam đi Sở quốc để cứu em. Đào Chu Công còn viết một phong thư bảo trưởng nam mang theo tìm một người quen thân tên là Trang Sinh, đồng thời dặn dò cẩn thận: “Tới đó nhớ để toàn bộ tiền vàng ở nhà Trang Sinh, hoàn toàn nghe theo lời Trang Sinh, hết sức thận trọng, chớ có bất kỳ tranh chấp gì với ông ấy”
Trưởng nam xuất phát, xe trâu chở cả nghìn dật vàng cha chuẩn bị, ngoài ra cậu còn mang theo riêng thêm mấy trăm dật vàng.
Đến nước Sở, tìm được nhà Trang Sinh bên ngoài thành. Đó là một hộ nghèo, trong sân có gai mọc um tùm. Trưởng nam y theo lời cha dặn, đưa hết nghìn dật vàng cùng thư tín cho Trang Sinh. Trang Sinh nói: “Cậu mau đi đi, vạn nhất không được lưu lại đây! Khi em cậu được thả, tuyệt không được hỏi nguyên do”.
Trưởng nam rời đi, nhưng lại giấu Trang Sinh lén ở lại, dùng tiền vàng mấy trăm lạng tự mang theo mà hiến tặng cho quý nhân chấp chính sở tại nhờ giúp đỡ.
Trang Sinh tuy ở nơi ngõ cùng nghèo túng, nhưng khắp nước Sở từ Sở vương cho đến người dân đều kính ngưỡng sự liêm khiết của ông, đều tôn ông làm thầy. Khi lão đại Chu Công mang nghìn vàng đến, ông cũng nhận qua loa, lưu vật làm tin để an lòng Chu Công, đợi xong việc thì hoàn trả lại. Ông chỉ vào hũ vàng nói với vợ: “Đây là vàng của Chu Công, không được động đến, nếu ốm đau có thể dùng tạm, nhưng sau phải hoàn trả.”
Tuy nhiên, trưởng nam của Chu Công đâu hiểu được nỗi lòng của Trang Sinh, cho ông cũng tầm thường như người khác, không có gì đặc biệt cả.
Trang Sinh đợi vài ngày, vào cung yết kiến Sở vương, nói rằng: “Thần bẩm cáo đại vương, thiên tượng tinh tú xuất hiện dị tượng chiến tranh, có hại cho Sở quốc.”
Sở vương luôn nhất mực tín nhiệm Trang Sinh, liền hỏi ông: “Vậy bây giờ cần làm gì?”
Trang Sinh đáp: “Chỉ cần tu đức là giải trừ được.”
Sở vương nói: “Được, quả nhân biết phải làm thế nào, sẽ cho thực hiện ngay.”
Sau đó, Sở vương cho sứ giả niêm phong tất cả các kho vàng bạc.
Ngày tiếp theo, quý nhân nước Sở nói với trưởng nam của Chu Công rằng: “Đại vương sắp đại xá thiên hạ”
Trưởng nam hỏi: “Sao ông biết?” Quý nhân nói: “Mỗi khi đại vương đại xá, đều sẽ cho đóng niêm phong tất cả kho vàng đề phòng trộm đạo (tránh kẻ lợi dụng đại xá mà trộm cắp), tối hôm qua đại vương đã cho sứ giả niêm phong kho vàng rồi”.
Trưởng nam vừa nghe xong, liền nghĩ: Gặp đại xá thì em mình chắc được tha rồi, vậy nghìn vàng kia chẳng phải là cho không Trang Sinh ư! Thế là anh ta quay lại nhà Trang Sinh.
Trang Sinh vừa trông thấy anh ta liền cả kinh nói: “Sao cậu vẫn chưa đi?” Trưởng nam đáp: “Vậy đấy! ban đầu do cứu em mà đến gặp ông, nay do gặp đại xá mà em sẽ được tha, nên tôi đến chào từ biệt ông”.
Trang Sinh hiểu rõ lời này, bèn nói: “Cậu tự vào nhà lấy vàng đi”. Trưởng nam Chu Công lấy vàng rồi đi, trong tâm vui mừng quá đỗi.
Bị trưởng nam Chu Công không tín nhiệm, Trang Sinh thấy mất mặt, xấu hổ không chịu được, liền vào cung gặp Sở vương để xoay chuyển tình hình.
Trang Sinh tâu với Sở vương: “Trước đây hạ thần nói có tinh tú xuất hiện họa tượng, đại vương cần tu đức tránh họa. Nay thần ra ngoài, thấy người ta khắp nơi bàn tán, rằng đại phú ông Chu Công người đất Đào có con trai sát nhân bị cầm tù trong ngục của đại vương, ông ta cho người mang vàng đến hối lộ đại vương, cho nên đại vương đại xá thiên hạ là vì ông ta chứ đâu vì thương xót bách tính.”
Sở vương nổi giận nói: “Quả nhân tuy ít đức, nhưng đâu vì con của Chu Công mà thi ân!”
Thế là Sở vương lập tức hạ lệnh chiểu theo pháp luật chém đầu con trai của Chu Công, xong rồi mới ban chiếu đại xá thiên hạ.
Trưởng nam Chu Công cuối cùng đành mang thi thể em trai về quê. Tới nhà, mẫu thân cùng người nhà đều bi thương ai oán, duy có Chu Công đứng cười. Ông nói: “Ta biết rõ cậu cả sẽ làm cậu hai bị giết! không phải là do không thương em, mà là do không buông được chấp trước vào tiền tài. Đó là do khi còn nhỏ ở cùng với ta trên đất Việt, thấy ta khổ, lại cùng trải qua cuộc sống khó khăn, nên không xả được đó thôi. Còn cậu út, sinh ra ở đất Đào, vừa ra đời đã là đại phú rồi, nửa đời ngồi xe đẹp, rong chơi đuổi thỏ hoang, vô lo vô nghĩ, chẳng để ý đến tiền tài, cho nên chi tiêu thoải mái, không biết tiếc của là gì. Trước ta cho cậu nhỏ đi cứu anh, là bởi nó biết xả bỏ tiền tài, còn cậu cả thì không làm được việc đó nên cuối cùng đã giết em, đây là kết quả hợp lý mà, đừng bi thương nữa! Ta ngày đêm đã sớm đợi tang sự này rồi!”
Thần vận mệnh tự nhiên đã có an bài cặn kẽ, sự lý hiển hiện cũng có trật tự phát triển rõ ràng, kết quả là tự làm tự chịu! Thành thực mà nói, như lời Trang Sinh trong câu chuyện trên: Chỉ có tu đức mới có thể thay đổi vận mệnh mà thôi!
Theo NTDVN