Bí ẩn Thái cực: Vì sao có hình Bát quái và đen trắng? Khám phá văn hóa tu luyện
“Thái cực” là đạo lý huyền diệu thâm sâu, lúc ẩn lúc hiện, xuyên suốt vũ trụ rộng lớn, là bí mật thần thánh vận hành lịch sử của cả Thiên thượng và nhân gian.
Trong bài thơ “Đoản ca hành”, thi tiên Lý Bạch viết:
Nhà thơ kinh ngạc tán thán rằng “Thái cực” đã trải qua vạn kiếp. Truy ngược về mà không thấy điểm đầu, giống như cội nguồn của trời đất rộng lớn vô cùng này, như dòng chảy hàng ức vạn năm chứa đựng đạo lý thâm sâu không thể nắm bắt.
Trong ký ức ban sơ của những sinh mệnh trên thế gian này, “Thái cực” là đạo lý huyền diệu thâm sâu, lúc ẩn lúc hiện, xuyên suốt vũ trụ rộng lớn, là bí mật thần thánh vận hành lịch sử của cả Thiên thượng và nhân gian. Con người không cách nào có thể miêu tả chân thực những huyền cơ và triết lý hoàn chỉnh, cũng như trạng thái tồn tại của “Thái cực”, nhưng mỗi ngày lại đều ở trong đó mà không hay biết.
Có lẽ, người ta sẽ miêu tả văn hóa tín ngưỡng vào Thái cực như là trí tưởng tượng của nhân loại, là những điều huyền ảo không thực. Nhưng sự huy hoàng của văn minh nhân loại lần này, đặc biệt là văn minh Trung Hoa, là những điều được kế thừa từ bao đời, và không thể tách rời Thái cực dù chỉ trong chốc lát. Cuối cùng đã đặt nền móng cho nền văn hóa Thần truyền, để nhân loại đi đến ngày nay và chờ đợi thời kỳ vũ trụ canh tân sắp tới.
Trong năm nghìn năm văn minh phương Đông, ký tự chữ 卍 (Vạn) và đồ hình Thái cực đã trở thành cốt lõi then chốt của văn hóa Thần truyền.
Cùng với sự truyền bá của Phật giáo từ Ấn Độ cổ đại vào các nước Á Đông, phù hiệu chữ 卍 (Vạn), có nghĩa là “may mắn, đức hạnh cao cả, từ bi và trí huệ“, đã trở thành một phần trong hệ thống hoa văn của nhà Phật. Một số người cho rằng biểu tượng này đã tồn tại từ thời tiền sử.
Còn đồ hình Thái cực tượng trưng cho đạo lý uyên thâm của “Thái cực”. Nó được lưu truyền từ những niên đại xa xưa tới nay và đã tích lũy được gene văn hóa phong phú, để con người có thể hiểu được “Đạo” là gì, “Đạo gia” là gì, “Thái cực” là gì, “âm dương” là gì.
Gần như không thể truy ra nguồn gốc của “Thái cực”. Trang Tử đã tán thán như sau trong bài “Đại tông sư”: “Đại Đạo, so với Thái cực thì không cao, so với Lục cực thì không sâu, so với Thiên Địa thì không lâu dài, so với thượng cổ thì không xa xưa”.
Đại Đạo là bao la, tinh thâm và vi diệu, vượt ra khỏi vạn vật trong hết thảy thời gian và không gian. Nhưng chúng ta cũng không thể suy đoán từ những tư tưởng cá nhân của Trang Tử. Rốt cuộc, sự huyền diệu của “Thái cực” là cảnh giới của chiều thời gian và không gian siêu cao, hay là nguồn gốc của quy luật vận hành âm dương?
“Chu Dịch – Hệ Từ” nói: “Dịch có Thái cực, sinh ra Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh ra Bát quái“. Câu nói này có muôn ngàn nghi vấn khó giải. Chúng ta có thể liệt kê những nghi ngờ này:
Thứ nhất, trước “Thái cực” có một thứ gọi là “Dịch”, sau “Thái cực” có một thứ gọi là “Âm – Dương”. Vậy thì “Thái cực” là ở giữa “Dịch” và “Âm – Dương”, chúng ta có thể ngộ ra điều gì?
Thứ hai, con người bắt đầu biết đến “Thái cực” từ khi nào, trước đó từng biết đến “Âm – Dương” và “Bát quái” không? Hay là biết đến “Thái cực” trước? Hoặc giả như biết về “Dịch” trước?
Chúng ta biết rằng, các quy tắc trong “Kinh Dịch” đã trải qua một quá trình dài đằng đẵng kéo dài hàng trăm năm, từ những năm đầu nhà Chu đến thời đại Khổng Tử. Vậy trong quá trình đó, người ta bắt đầu biết đến “Thái cực” từ khi nào?
Thứ ba, sách “Chu Lễ” viết: “Thái bốc (chức quan xem điềm cát hung) nắm giữ ba phương pháp Dịch: một là Liên Sơn, hai là Quy Tàng, ba là Chu Dịch“.
Trong hệ thống 64 quẻ của Dịch học, “Chu Dịch” là cuốn sách được thiết lập sau cùng, trước đó còn có “Liên Sơn” của nhà Hạ và “Quy Tàng” của nhà Thương. Trong hai cuốn này có khái niệm “Thái cực” không? Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những dấu tích của lịch sử.
Tuy nhiên, văn hóa “Thái cực“, với tư cách là một trong những ngọn nguồn quan trọng nhất của Dịch học và Dịch lý, không thể nào xuất hiện một cách vô căn cứ, chứ chưa nói đến việc đến từ hư không. Theo suy đoán, nó phải tồn tại từ thời thượng cổ. Từ những phát hiện, khai quật và nghiên cứu khảo cổ về Giáp cốt văn (văn tự ghi trên xương và mai động vật), có thể thấy rằng hệ thống đạo thuật 64 quẻ Dịch học đã hoàn chỉnh từ lâu, nhưng lại không rõ nguồn gốc của nó.
Mặc dù các tư liệu hiện vật khảo cổ về “Thái cực” đã dần xuất hiện nhưng chúng vẫn đang đợi được chứng thực. Còn điều mà chúng ta có thể mong đợi là, truyền thuyết không nhất định là phỏng đoán, dù sao thì lịch sử vẫn lưu lại cho chúng ta một số Thần tích, để bổ khuyết cho sự mơ màng của con người thời nay.
Thần tích có thể hiểu là dấu tích mà Thần để lại cho con người, đó là gì? Có thể là một giấc mơ tiên đoán được tương lai mà Trời ban cho, có thể là Đại Đạo mà người tu luyện chứng ngộ được, có thể là trí huệ Trời ban cho người có đạo đức để khai sáng ra một kỹ năng ở nhân gian. Tất nhiên còn rất nhiều khả năng khác.
Vào cuối thời Tây Chu, năm Chu U vương thứ hai (năm 780 TCN), núi Kỳ Sơn ở gần đô thành Cảo Kinh xảy ra động đất, ba con sông chính là Kinh Thủy, Lạc Thủy và Vị Thủy cạn nước. Dựa theo nguyên lý âm dương, Thái sử Bá Dương Phủ đã tiên đoán rằng 10 năm sau nhà Chu sẽ mất nước. Kết quả là, vào năm Chu U Vương thứ mười một (năm 770 TCN), nhà Tây Chu diệt vong, sau đó Bình Vương đăng cơ lập nên nhà Đông Chu.
Vào thời Xuân Thu, Đổng Nhân, đại phu (một chức quan to) nước Tấn, đã dùng quẻ Thái trong 64 quẻ “Chu Dịch” để tiên đoán rằng Trùng Nhĩ, con trưởng của vua nước Tấn, sẽ về nước và có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chắc chắn sẽ dựng nên bá nghiệp. Quả nhiên, Trùng Nhĩ đã trở thành Tấn Văn Công, một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu.
Vào thời nhà Hán, Kinh Phòng tự lập ra Dịch lý, sắp xếp lại 64 quẻ, kết hợp với khí hậu và âm luật, đưa ra dự đoán và ứng nghiệm rất nhiều. Ngay cả khi ông có thể đoán được rằng bản thân sẽ bị mưu hại chết, ông cũng chưa từng nao núng.
Trong thời Tam Quốc, Quản Lộ có khả năng dùng cách bói cỏ thi để phá án, trị bệnh lạ, biết họa phúc, biết sinh tử, minh tỏ quốc vận. “Tam Quốc Chí” có ghi lại vụ án ông phá giải, về sau trở thành tác phẩm kinh điển về Dịch học cho hậu thế.
Trong thời Nam Bắc triều và Bắc Ngụy, Quan Lãng chỉ dùng một quẻ để luận đàm về thế sự trăm năm, rõ Thiên ý, thấu sự đời, khai mở vũ trụ, phá giải Thánh mưu, Dịch học thâm sâu vi diệu, không thể phỏng đoán.
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng nam chinh bắc chiến bận rộn trên yên ngựa, lúc rảnh rỗi đã viết dự ngôn “Mã Tiền Khóa”. Vào đầu thời Đường, Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang cùng dự đoán ra “Thôi Bối Đồ“. Hai cuốn sách này dựa trên những nguyên lý “số, lý, tượng, đồ” của Dịch học để suy luận và dự đoán tiến trình lịch sử của Trung Quốc trong một nghìn năm sau đó, cực kỳ chính xác.
Những minh chứng trên đều được ghi chép trong lịch sử, từ thời tiền Tần đến nhà Tùy – Đường, đã trải qua hơn một nghìn năm. Đây cũng chỉ là một phần trong vô vàn thành tựu và Thần tích của Dịch học. Thần tích và những điều kỳ lạ đều đã xuất hiện, nhưng “Thái cực”, phần cốt lõi quan trọng của Dịch học, lại thoát ẩn thoát hiện trong những năm tháng dài đằng đẵng, giống như một con rồng Thần thấy đầu mà chẳng thấy đuôi.
Dương Tử Vân đã lấy tam tài, tức Thiên – Địa – nhân, để chuyển đổi Lưỡng nghi và Âm – Dương, ông đã tự tạo ra 81 bài trong “Thái Huyền Kinh“; Tiêu Diên Thọ lại thêm vào bội số của 64 quẻ và tự biên soạn bốn nghìn bài thơ trong “Dịch Lâm”; Ngụy Bá Dương tu hành Đạo thuật thông Chân, tự viết 35 chương trong “Chu Dịch tham đồng khế”. Tuy có rất nhiều sách, chúng ta cũng chỉ thấy được “Thái huyền” là từ gần giống với “Thái cực” nhất.
Có lẽ, cần thời gian rất dài để diễn giải văn hóa và đặt từng viên gạch trải đường, khi thời điểm chín muồi, nhân vật chính mới lộ diện.
Thời gian trôi qua, con người bắt đầu đề cao đạo đức, mở ra thời kỳ trọng Đạo học thời Đại Tống.
Triết gia Chu Đôn Di (1017–1073) thời Tống là một người chỉ yêu mỗi hoa sen. Trong khi thưởng hoa, ông đã ngộ ra đạo lý về tu luyện tâm tính, nó đã trở thành một câu danh ngôn: “Xuất ứ nê nhi bất nhiễm, trạc thanh liên nhi bất yêu” (Từ bùn mọc lên mà không nhơ, gột rửa qua làn nước trong mà không diêm dúa).
Phong thái quân tử của hoa sen đã đạt tới cảnh giới “đức sáng tẩy tịnh tâm hồn”. Ông đã sáng tác bài “Thái cực đồ thuyết” chỉ có 249 chữ với mở đầu như sau: “Từ Vô cực đến Thái cực, Thái cực sinh Dương, động cực là tĩnh”. Quan trọng hơn, ông đã thêm vào một “Thái cực đồ” (đồ hình Thái cực).
Xét cho cùng, khái niệm văn hóa “Thái cực” trong phạm vi của Đại Đạo đều rộng lớn và tinh vi như nhau, bao phủ cả đất trời, và lời của Chu Đôn Di cũng chỉ là một quan điểm. Kể từ đó, nguyên lý “Thái cực”, vốn gần như bị thế tục lãng quên trong một thời gian dài, cuối cùng đã xuất hiện dưới hình thức chân thực và cụ thể, không chỉ hướng về quá khứ bị che giấu mà còn hướng tới tương lai có thể xảy ra.
Sở dĩ trong quá khứ bị giấu kín, có thể là vì tu luyện của Đạo gia luôn có nguyên tắc “Thái cực”, thậm chí còn có “Thái cực đồ hình”, tuy nhiên do nguyên tắc đơn truyền, truyền bí mật nên đã không được công khai trong hàng nghìn năm. Lý do có thể là vì, đạo đức nhân loại cần phải được hun đúc, con người cũng cần có một bề dày lịch sử văn hóa đủ tầm để khi cơ duyên đến, văn hóa “Thái cực” được công bố rộng rãi, thế giới mới có thể lĩnh ngộ.
Từ những nghiên cứu của các học giả sau này, chúng ta không thể không thừa nhận rằng “Thái cực đồ” của Chu Đôn Di xác thực là có nguồn gốc gần với “Thái cực Tiên thiên đồ” của Đạo gia. Bất luận thế nào, bắt đầu từ đó, văn hóa “Thái cực”, vốn được bí mật lưu truyền trong các môn tu luyện của Đạo gia, cuối cùng đã lộ diện và lan truyền khắp nhân gian.
Tất nhiên, trùng trùng nghi vấn sau đó dần dần trở thành những tìm tòi, khám phá về trí huệ huyền bí. Con người thế tục bắt đầu bước vào hành trình văn hóa “lý giải Thái cực, khám phá Thái cực, tự nghiệm Thái cực, và chứng thực Thái cực”. Đây chính là con đường mà “văn hóa Thái cực” dẫn tới tương lai trong dòng sông dài của văn hóa và lịch sử. Công lao khai mở của Chu Đôn Di là không thể xóa nhòa.
Dưới chân núi Chung Nam, nơi tu hành của Đạo gia, nhà triết học Trương Tải (1020–1077) đã xuất khẩu thành thơ bài “Hoành Cừ tứ cú“:
Ông không phải là Đạo sĩ ẩn tu, mà là một người sống trong xã hội, dày công nghiên cứu về Nho gia, là một người dũng cảm với chí khí ngút trời. Nhưng khi nói về “Thái cực”, ông chỉ biết thở dài: “Nhất vật mà lưỡng thể, đó là cách gọi Thái cực sao”. Từ xưa tới nay có biết bao nhiêu người đã vùi đầu vào nghiên cứu kinh thư sách cổ nhưng có mấy ai thấu triệt?
Ẩn sĩ Thiệu Ung (1011–1077) thời Tống sống tiêu diêu tự tại, trí huệ của ông vượt qua không gian và thời gian. Ông đã phát hiện ra “Tiên thiên học” trong Dịch học và sáng ngộ được “Phục Hy tiên thiên 64 quẻ phương viên đồ”.
Ông nói: “Thái cực bất động, tính dã. Phát tắc Thần, Thần tắc số, số tắc tượng, tượng tắc khí, khí chi biến phục quy vu Thần dã”. Thiệu Ung ngộ được một cách sâu sắc rằng khi “Thái cực” di chuyển, nó có sự biến hóa của Thần tính, xuyên suốt bên trong và bên ngoài của Dịch lý.
Về cơ bản, “Tiên thiên học” của Thiệu Ung đã hình thành khung tham chiếu và dẫn đến sự ra đời của cuốn sách “Hoàng Cực Kinh Thế” – công trình vĩ đại mô tả bản đồ sinh hóa của vạn vật trong vũ trụ, cũng như quy luật vận hành của trời đất và con người theo lý âm dương. Và sự ra đời này cũng truyền ra một pháp lý cao hơn của Đại Đạo, đặt nền móng cho nhận thức văn hóa của con người về Đạo thuật, và mở ra một con đường hoàn chỉnh để văn hóa Thần truyền có thể được kiểm chứng và tu hành trong tương lai.
Có một vị Đạo sĩ “lôi thôi lếch thếch” với thân hình cao lớn rắn rỏi, thân rùa lưng hạc, tai to mắt tròn, mặt râu quai nón. Người ta truyền nhau rằng, có khi ông không ăn uống trong vài tháng, có khi đi cả nghìn dặm trong một ngày, ông ngâm hát thi ca với các vị Tiên trên đảo Bồng Lai, ông dẫn các môn đồ vượt qua chông gai rồi dựng nhà tranh trên núi Võ Đang, ông sáng lập ra tâm pháp mật truyền Thái cực, làm hưng thịnh văn hóa tu hành trong thời nhà Minh.
Ông chính là Chân nhân Trương Tam Phong, người đã ban văn hóa Thần truyền “Thái cực” cho con người thế gian. Từ ấy, văn hóa Thái cực không còn trong cái bóng huyền ảo của toán dịch bốc quái, không còn là sự biện giải huyền học cho các quy luật của Dịch lý; mà là sự tròn đầy vô trở ngại của biến hóa âm dương, là sự phản bổn quy chân của tâm tính đạo đức, là Thần tạo ra vạn vật vũ trụ, là sự vận chuyển trong nhân thể và linh hồn, là huyền cơ luân chuyển không ngừng, là ánh sáng chiếu rọi thiên địa vũ trụ.
Hàng nghìn năm văn minh đã diễn dịch ra vô số câu chuyện Thần tích, lĩnh hội văn hóa Đạo thuật vô tận, tích góp từng chút một và cuối cùng đặt định ra “Trung Hoa đệ nhất đồ” – Thái cực đồ.
Con người ngày nay đang bị bao phủ bởi lớp sương mù của nền văn hóa hiện đại, tự hỏi thiên địa vạn vật từ đâu mà có, tự hỏi tại sao “Thái cực” lại xuất hiện trong nền văn minh của chúng ta? Song hành cùng văn hóa “Thái cực” là văn hóa chữ 卍 (Vạn), cả hai đều được truyền rộng khắp thế giới. Phải chăng Thần Phật muốn khải ngộ cho chúng ta điều gì? Câu trả lời có lẽ sẽ bao hàm nhân quả và số mệnh của mỗi chúng ta.
Theo NTDVN (Nam Phong)