Người này đã tàn sát binh sĩ Nam Tống rồi dâng thành cho nhà Nguyên. Chu Nguyên Chương trừng phạt : “Con cháu đời đời làm nô bộc”
Sau khi lật đổ Nguyên và lập ra nhà Minh, Chu Nguyên Chương thiết lập chế độ thưởng phạt rõ ràng, không để bọn quan lại tham nhũng tác oai tác quái. Ngoài ra, đối với những người đã phản bội nhà Tống trước đây, Chu Nguyên Chương cũng trừng phạt họ, trong đó có một người tên là Bồ Thọ Canh. Bởi vì hành vi đê tiện trước đó, họ Bồ trở thành một trong những gia tộc mà Chu Nguyên Chương căm ghét nhất. Ông trừng phạt con cháu mang họ này: “nam đời đời làm nô bộc, nữ bán thân trong kỹ viện.”
Khi nhắc đến Bồ Thọ Canh, chắc hẳn nhiều người ở Tuyền Châu đều quen thuộc, ông có thể được coi là một nhân vật lớn trong lịch sử chính trị và kinh tế thời kỳ Tống – Nguyên. Cụ tổ của Bồ Thọ Canh vào khoảng thế kỷ thứ 10 từ Ả-rập đã di cư đến Champa, nay là Việt Nam. Sau đó, họ chuyển đến Quảng Châu, kinh doanh hàng hải và trở thành phú hào.
Năm Gia Định thứ 10 đời Tống Ninh Tông (năm 1217), sự nghiệp kinh doanh của gia tộc họ Bồ trở nên khó khăn, họ đã đưa cả gia đình chuyển từ Quảng Châu đến định cư ở Tuyền Châu. Khi đến Tuyền Châu, nhà họ Bồ kinh doanh hương liệu số lượng lớn, dần dần sức ảnh hưởng của họ tại địa khu này càng ngày càng lớn, được triều Nam Tống bổ nhiệm làm quản lý bộ phận tàu thuyền Tuyền Châu và thông thương nước ngoài.
Mọi người đều biết thương nhân trọng lợi, khi quân đội Nhà Nguyên công chiếm thành trì nhà Tống, quân Tống muốn tránh quân Nguyên nên đã mượn thuyền gia tộc họ Bồ, nhưng cuối cùng lại bị gia tộc họ Bồ từ chối.
Tướng lĩnh Trương Thế Kiệt của Nam Tống không còn cách nào khác là cướp hơn 400 tàu thuyền của gia tộc họ Bồ và toàn bộ hàng hóa trên đó. Vì vậy Bồ Thọ Canh đã đóng cửa thành và ra lệnh đồ sát hàng nghìn con cháu nhà Tống cùng những tướng sĩ không chịu khuất phục nhà Nguyên.
Trương Thế Kiệt gần như không thể đối phó với Bồ Thọ Canh, vì vậy ông chỉ có thể bảo vệ Hoàng đế rời khỏi Tuyền Châu và đi về phía Nam đến Quảng Đông. Sau khi Bồ Thọ Canh đầu hàng Nguyên, để bảo vệ lợi ích và danh tiếng của gia tộc, Bồ Thọ Canh đã đăng một thông báo ở Tuyền Châu, nói rằng ông đầu hàng Nguyên để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Tuyền Châu.
Năm 1278, Bồ Thọ Canh được chính quyền triều Nguyên phong là Tả thừa của Phúc Kiến, chịu trách nhiệm về các chư quận ven biển, cho phép ông tiếp tục kiểm soát sức mạnh thương mại hàng hải. Ngay sau đó, công việc kinh doanh hàng hải của gia đình Bồ phát đạt trở lại.
Bỏ qua đánh giá lịch sử về việc Bồ Thọ Canh phản bội nhà Tống để khuất phục trước nhà Nguyên, ông không chỉ cứu Tuyền Châu khỏi cuộc chiến tranh, mà còn thúc đẩy phát triển thương mại hàng hải, đặt nền móng cho cảng Tuyền Châu trở thành một trong những cảng thương mại lớn nhất thế giới trong thời kỳ nhà Nguyên.
Chưa đầy 100 năm sau, nhà Minh được thành lập, Chu Nguyên Chương vô cùng phẫn nộ trước hành vi phản bội cầu vinh, giúp đỡ ngoại bang tiêu diệt Hán tộc của Bồ Thọ Canh. Chu Nguyên Chương đã hạ lệnh: “cấm con cháu của Bồ Thọ Canh ở Tuyền Châu không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, vì tội ác theo Nguyên diệt Tống mà đuổi cùng diệt tận”.
Họ Bồ từ đó bị xếp vào hạng thấp kém, nghiêm cấm việc người họ Bồ đi học làm quan, làm nô lệ muôn đời, nữ giới nếu không muốn làm nô bộc thì chỉ có thể làm trong kỹ viện, suốt đời mang tiếng xấu.
Sau đó, nhiều người họ Bồ phải di cư khắp mọi miền đất nước và đổi thành họ Bốc, Dương, Ngô… hòng thay thân đổi phận, được sống như người bình thường.
Chỉ có thể nói rằng Bồ Thọ Canh đã tự gây nên tai ương này. Việc ông đầu hàng nhà Nguyên để giữ mạng sống có thể hiểu, nhưng ông không nên giết những tướng sĩ đang chiến đấu cho triều đình. Hơn nữa, Bồ Thọ Canh càng không nên giúp nhà Nguyên tấn công triều đình nhà Tống, người đã từng đối đãi rất tốt với ông. Vì vậy, Bồ Thọ Canh thực sự xứng đáng bị trừng phạt, chỉ là hậu duệ của ông lại phải gánh chịu những tội lỗi mà họ không làm.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Quách Hiểu)