10% cuộc sống là những gì đã xảy ra với bạn, 90% còn lại được quyết định bởi cách bạn phản ứng
Khi cảm xúc kéo đến, chúng ta cần phải biết kiểm soát nó, kiểm soát hỉ nộ ái ố của mình, cần phải biết: Phương thức giúp sống lâu trăm tuổi tốt nhất không phải là dưỡng sinh, mà là kiểm soát cảm xúc.
Một tu sĩ Phật giáo từng nói: “Có đức là phúc, không tức giận sẽ không có họa, tâm rộng tuổi thọ tự tăng, bao dung trí tuệ ắt đầy”.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, ai cũng có cảm xúc, đây là điều rất bình thường. Nhưng cảm xúc cũng giống như nước vậy, nên được chảy, được khơi thông, chứ không phải bị chặn, bị giữ lại.
Napoleon từng nói: “Người có thể kiểm soát tốt được cảm xúc của mình, còn vĩ đại hơn cả việc đánh bại một thành trì.”
1. Người có thể kiểm soát được cảm xúc, mới có thể kiểm soát được cuộc đời
Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ, Festinger từng kể một câu chuyện như này:
Có một người đàn ông tên Kastin, buổi sáng dậy đi đánh răng rửa mặt đã đặt chiếc đồng hồ đắt tiền của mình ở cạnh chậu rửa mặt, người vợ trông thấy sợ chiếc đồng hồ bị ướt nên đã để nó ra bàn ăn, kết quả bị con trai trong lúc ăn sáng không cẩn thận làm rơi vỡ.
Kastin tiếc chiếc đồng hồ nên đã đánh con trai một trận, người vợ trông thấy tức giận, kết quả là hai vợ chồng cãi nhau to một trận.
Vì tức giận, Kastin không thèm ăn sáng, đi làm luôn, đi được nửa đường mới nhớ là quên mất văn kiện quan trọng ở nhà, lại phải quay về nhà lấy.
Người vợ đi làm, con trai đi học, Kastin lại để chìa khóa trong túi văn kiện mình quên nên không vào được nhà, chỉ đành gọi điện thoại cho vợ. Người vợ vội vội vàng vàng về mở cửa cho chồng, không may va vào xe bán hoa quả rong bên đường làm đổ cả xe lẫn người, phải đền một khoản tiền lớn.
Kastin lấy xong văn kiện thì cũng trễ mất 15 phút, bị lãnh đạo nghiêm khắc phê bình, tâm trạng tồi tệ của Kastin đạt tới đỉnh điểm. Buổi chiều trước khi tan làm lại vì một chút chuyện nhỏ mà cãi nhau với đồng nghiệp.
Người vợ cũng vì về đưa chìa khóa cho chồng, quay lại công ty quá trễ nên bị trừ tiền thưởng tháng, con trai hôm đó có trận đấu bóng chày nhưng vì ban sáng bị ba mắng nên tâm trạng không vui, không phát huy được như mọi ngày, bị loại ngay ở hiệp một.
Trong tất cả một loạt những sự kiện này, đồng hồ bị hỏng chỉ chiếm 10%, một loạt những chuyện xảy ra phía sau chính là 90% còn lại.
Ví dụ này cũng được xem là điển hình cho “Định luật Festinger”: “10% trong cuộc sống được cấu thành bởi những việc xảy ra với chính bạn, 90% còn lại lại được quyết định bởi cách bạn phản ứng với những việc đã xảy ra.”
Ví dụ này nói với chúng ta rằng: người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình, mới có thể kiểm soát được cuộc đời.
2. Cảm xúc tiềm ẩn khí chất và nhân phẩm
Ai cũng có lúc nọ lúc kia, lúc vui lúc buồn, lúc nóng giận, lúc bực mình, khó chịu, cao thủ cuộc sống, không phải là người không có cảm xúc, mà là người biết điều hòa, kiểm soát cảm xúc của mình.
Một sự việc đã xảy ra khi nhà Ấn Độ học Ji Xianlin và nhà thơ Zang Kejia cùng ăn cơm với nhau ở một nhà hàng:
Ji Xianlin vì giúp một đứa bé bị ngã đứng dậy mà bị mẹ của bé hiểu lầm là đang bắt nạt con mình, còn bị mắng thành: “Bao nhiêu tuổi đầu rồi mà còn bắt nạt một đứa con nít, nếu con tôi mà bị thương thì anh không xong với tôi đâu.”
Những vị khách xung quanh nghe thấy liền đứng ra giải thích cho Ji Xianlin: “Là đứa bé tự ngã, chính anh này là người đỡ cháu bé dậy, chị không hỏi rõ đầu đuôi mà sao đã mắng người ta như thế?”
Người phụ nữ biết mình không đúng, cúi đầu rời khỏi nhà hàng.
Sau đó, Zang Kejia hỏi Ji Xianlin: “Rõ ràng là anh bị hiểu lầm, chị ta mắng anh, sao anh không đáp lại?”
Ji Xianlin cười nói: “Mọi người ai cũng đều trông thấy mà, tôi cần gì phải giải thích.”
Cảm xúc cho thấy được nhân phẩm, cũng giống như cổ nhân nói: “Đại nhân thì đại lượng”, cảm xúc của bạn, tiềm ẩn khí chất và nhân phẩm của bạn.
3. Dưỡng sinh đích thực là quản lý tốt cảm xúc của mình
Rob White từng nói: “Bất kể là khi nào, chúng ta cũng không nên làm nô bộc của cảm xúc, đừng để tất cả mọi hành động đều chịu sự khống chế của cảm xúc, ngược lại, hãy kiểm soát nó.”
Trung y cũng thường nói: “Quá vui thì tổn thương tim, quá tức giận thì tổn thương gan, quá đau buồn sẽ tổn thương phổi, quá ưu tư sẽ tổn thương lá lách, quá sợ hãi tổn thương thận.”
Điều này nói lên một điều rằng: cảm xúc của con người, có liên quan mật thiết tới sức khỏe của cơ thể.
Chẳng hạn như người bị áp lực công việc quá lớn thường mắc các bệnh liên quan tới tiêu hóa; háo thắng nhưng mọi việc lại thường không được như ý thì sẽ dễ bị đau đầu; người thường xuyên rơi vào trạng thái ưu phiền sẽ dễ bị rụng tóc; phụ nữ thường xuyên tức giận sẽ rất dễ có nguy cơ mắc ung thư vú…
Cơ thể của con người là căn nguyên của tất cả, người có tính khí không tốt, cơ thể cũng thường không được khỏe mạnh.
Dưỡng sinh đích thực, không phải là sống trong một ngôi nhà cao sang, uống nhiều thực phẩm chức năng, mà là quản lý tốt cảm xúc của mình.
4. Khi các loại cảm xúc ập đến, chúng ta nên làm thế nào để kiểm soát chúng?
Có người khi tức giận sẽ viết chữ, có người khi áp lực, chán nản sẽ vẽ tranh, có người lại lựa chọn đi dạo bộ…
Dưới đây là một vài cách giúp bạn ứng phó với những cảm xúc tiêu cực:
1. Tìm nguyên nhân
Khi bạn cảm thấy không vui, chán nản, không có tinh thần, hay lo âu về việc gì đó, việc đầu tiên là hãy tìm ra nguyên nhân gốc rễ.
2. Ngủ đủ giấc
Một nghiên cứu của Giáo sư Lollard Dahl thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh cho thấy thiếu ngủ có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của chúng ta. Ông cho biết: “Đối với những người không ngủ đủ giấc, những chuyện không đâu, phiền phức có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của họ nhiều hơn”.
3. Gần gũi hơn với tự nhiên
Gần gũi với thiên nhiên luôn được coi là một cách rất tốt để thư giãn và xoa dịu cảm xúc. Ca sĩ nổi tiếng từng nói: “Bất cứ khi nào tôi cảm thấy chán nản hay phiền muộn, tôi đều đi làm vườn, tiếp xúc với những bông hoa, cỏ cây ở đó, những muộn phiền của tôi liền biến mất.”
4. Đổi góc độ suy nghĩ
Sự khác biệt trong tâm trạng của chúng ta thường không phải do bản thân sự việc gây ra, mà là do cách nhìn nhận của chúng ta với nó khác nhau. Khi chúng ta suy nghĩ về vấn đề từ một góc độ khác, cảm xúc của chúng ta có thể nhanh chóng ổn định, giúp chúng ta đối mặt với mọi thứ với sự bình tĩnh và ôn hòa hơn.
5. Hoãn cơn giận
Khi muốn bốc hỏa, trước tiên hãy đếm tới 15, rồi đếm tới 30, trước khi mở miệng, hãy xoay lưỡi một lần, cho bản thân chút thời gian để suy nghĩ.
6. Xả những cảm xúc tiêu cực một cách hợp lý
Khi cảm thấy cảm xúc tiêu cực nào đó sắp đến, hãy giải quyết nó một cách kịp thời, thông qua các hình thức như vận động, đọc tiểu thuyết, viết nhật ký, nghe nhạc, xem phim, xem TV, nói chuyện với bạn bè, hoặc cũng có thể tìm một không gian lớn, vắng người để lớn tiếng hoặc la hét, hoặc khóc một lúc để giải tỏa nỗi uất ức trong lòng.
7. Chuyển sự tập trung chú ý một cách hợp lý
Sử dụng một phương pháp thỏa mãn nhu cầu khác để làm giảm sự thất vọng hay nỗi lo âu hiện tại của bản thân, đồng thời giúp phát huy hết lợi thế của bản thân và kích thích sự tự tin. Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có được cảm giác hài lòng bằng cách mua và mua, hãy mua nó!
8. Tăng khiếu hài hước của bản thân
Khiếu hài hước giúp con người ta có được món quà quý giá nhất trong cuộc sống – nụ cười. Nụ cười là một thang thuốc bổ, có thể làm tan biến tâm lý chán chường, ủ rũ, có tác dụng điều hòa những cảm xúc tiêu cực, kiểm soát hiệu quả những cảm xúc không tốt. Hãy luôn nhớ rằng: nụ cười là ánh nắng mặt trời trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta.
Hãy xây một chiếc đập vững chắc cho những cảm xúc tiêu cực, hãy học cách kiểm soát cảm xúc của mình, trở thành một người luôn lạc quan và tích cực!
Theo kenh14