Phạm Lãi khuyên Văn Chủng: “Câu Tiễn là người cổ dài miệng chim, nhẫn nhục tốt nhưng không thể cùng hưởng phúc”
Việt vương Câu Tiễn đến nước Ngô làm nô lệ, ở nhà đá nuôi ngựa trong ba năm, nếm mật nằm gai trong 15 năm. Ông trải qua thêm ba năm chiến tranh nữa, cuối cùng cũng diệt được nước Ngô.
Ngô vương Phù Sai rút kiếm tự vẫn, trước khi chết nói không còn mặt mũi nào gặp Ngũ Tử Tư. Đồng thời Phù Sai cũng cảnh báo Phạm Lãi và Văn Chủng rằng “quân địch bại mưu thần vong”. Sau khi Ngô quốc diệt vong, tình cảnh của Phạm Lãi và Văn Chủng lâm vào nguy hiểm. Vậy thì Câu Tiễn đã đối đãi với hai vị công thần giúp mình phục thù như thế nào?
Sau khi Phù Sai chết, Việt vương Câu Tiễn vào ở cung điện nước Ngô. Khi đó Bá Bĩ cậy mình đã nói những lời tốt đẹp về Câu Tiễn trước mặt Ngô vương trong suốt 20 năm nên cảm thấy Câu Tiễn phải chịu ơn mình. Bá Bĩ đến bái kiến Việt vương với vẻ mặt rất đắc ý.
Khi gặp Bá Bĩ, Câu Tiễn nói: “Quốc vương của ngươi đã tự sát ở Dương Sơn, vì sao ngươi không đến Dương Sơn tìm ông ấy?”. Lúc đó mặt Bá Bĩ liền biến sắc. Ông không ngờ Câu Tiễn lại có thể nói những lời như vậy. Bá Bĩ không nói câu nào rồi rời khỏi cung điện. Câu Tiễn phái người truy sát ông ta. Ở đây Bá Bĩ có thể đáng chết, nhưng ta cảm thấy Việt vương thực sự là người quá vô tình.
Câu Tiễn bày tiệc rượu thết đãi quần thần, ai nấy đều vui vẻ nhưng bản thân lại không nở một nụ cười. Phạm Lãi thấy điều đó nên ngày hôm sau mới đến diện kiến nói: “Đại vương à, thần nghe nói “vua lo thì quần thần thấy nhục vì không giúp vua hết lo, mà vua chịu nhục thì bầy tôi đáng chết vì không giúp vua hết nhục”.
Năm đó sau khi đại vương thất bại ở Cối Kê, đến nước Ngô làm nô lệ và nuôi ngựa trong ba năm, chính là ngài đã chịu nhục thì hạ thần đây đáng tội chết. Nhưng sở dĩ thần không chết là muốn thay đại vương báo thù. Nay thù đã trả, mong đại vương miễn thần tội chết, gọi là cho thần ‘xin giữ thân xác này’, để thần từ quan về quê nhà”.
Câu Tiễn lập tức thể hiện bộ dạng dữ tợn nói: “Nếu ngươi đi ta sẽ đem toàn bộ vợ con ngươi giết sạch”. Phạm Lãi nói: “Giết hay không giết họ thì phụ thuộc đại vương, dù sao thần cũng đi”. Thế là Phạm Lãi nhẹ nhàng ra đi, không mang theo vợ con.
Câu Tiễn chuyển qua hỏi Văn Chủng: “Lần này Phạm Lãi đi có trở lại không?”. Văn Chủng đáp: “Không trở lại, ý ông ấy đã quyết rồi”. Khi Văn Chủng về đến nhà, thấy một phong thư của Phạm Lãi để lại.
Trong thư viết: “Ông còn nhớ những lời của Ngô vương ‘thỏ khôn chết, chó săn bị nấu; quân địch bại, mưu thần vong’ khi đó chăng? Việt vương là người cổ dài còn miệng thì như chim, tướng mạo người này có một đặc điểm là nhẫn nhục tốt nhưng lại đố kỵ với thành công, người khác có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng phúc. Hiện tại tôi đã đi rồi, tôi hy vọng ông đi với tôi. Nếu không sợ rằng đại họa lập tức giáng xuống đầu”.
Văn Chủng cảm thấy Phạm Lãi lo quá ra rồi nên ông quyết định không đi.
Câu Tiễn sau khi chiến thắng nước Ngô càng ngày càng xa lánh các đại thần. Văn Chủng cũng cảm thấy dù sao Câu Tiễn cũng nên trọng thưởng ông vì lập đại công. Nhưng Việt vương lại không làm như vậy, do đó Văn Chủng trở nên chán nản, tiêu trầm không muốn lên triều.
Có một hôm Câu Tiễn đến. Văn Chủng nghe nói đại vương đến phủ bèn giả bệnh, vì ông thường nói mình bị bệnh. Cho dù vậy, Văn Chủng cũng phải tiếp kiến Việt vương.
Sau khi Câu Tiễn ngồi xuống nói: “Năm đó ông từng hiến ta ‘7 kế diệt Ngô’ nhưng ta chỉ dùng 3 kế là diệt được, còn 4 kế nữa thì làm thế nào?”. Lúc đó Văn Chủng trố mắt không biết đối đáp thế nào. Câu Tiễn lại nói tiếp: “Vì sao không dùng 4 kế đó ‘cho người nước Ngô đã chết ở âm gian’?!”.
Khi đó Văn Chủng không biết rốt cuộc Việt vương có ý gì nhưng cảm thấy nguy hiểm đang đến rất gần. Câu Tiễn đứng dậy rời đi. Sau khi Văn Chủng tiễn Việt vương và quay vào nhà thì phát hiện một thanh kiếm, chính là thanh ‘Chúc Lũ’ mà Phù Sai năm xưa ‘tặng’ cho Ngũ Tử Tư. Văn Chủng rút kiếm ra, biết rằng Việt vương không muốn lưu ông lại, bèn tự sát.
Văn Chủng đã không tránh khỏi việc ‘chim hết, cung cất đi; thỏ khôn chết, chó săn bị nấu’. Về Phạm Lãi ta thấy ông không chỉ là một người ‘thấy việc nhỏ đoán được việc lớn’, mà còn biết ‘công thành thân thoái’.
Sau khi hoàn thành đại nghiệp ông bèn rời nước Việt đến nước Tề. Ông làm kinh doanh kiếm được rất nhiều tiền, đã nhanh chóng tích lũy được sản nghiệp ngàn vàng. Quân vương nước Tề nghe nói Phạm Lãi là người rất hiền minh bèn bổ nhiệm Phạm Lãi làm Tướng quốc.
Sau khi làm Tướng quốc ở nước Tề một thời gian, Phạm Lãi nói: “Sống ở nhà thì có tài sản ngàn vàng, ra làm quan lại làm đến bậc khanh tướng, vượt trội quá so với thường dân áo vải, nhận được kính trọng quá lâu. Đây là điều không tốt”. Thế là ông từ ấn tướng đồng thời đem toàn bộ gia sản phân phát cho bách tính.
Ông lại đến vùng đất khác gọi là Đào. Phạm Lãi biết phong thủy, cảm thấy nơi này sẽ là nơi giao thông tấp nập trong thiên hạ. Ông sống ở đây và bắt đầu làm kinh doanh. Cũng rất nhanh sau đó ông tích lũy được sản nghiệp ngàn vàng.
Vì ông giỏi kinh doanh nên sau này người có tài ấy được người ta nói là đắc được bí kíp của Đào Chu Công (người đàn ông may mắn/gặp son ở đất Đào), tức Phạm Lãi.
Câu chuyện Ngô – Việt tranh bá đã kết thúc. Trong câu chuyện này, ta thấy rất nhiều người có cá tính đặc biệt. Ngũ Tử Tư biết rõ Phù Sai là người không thể can gián mà vẫn can gián, ta cảm thấy ông không sáng suốt. Nhưng có phải như vậy không? Có lẽ không.
Vì ta biết năm đó Ngũ Tử Tư tiến cử Chuyên Chư thích sát Ngô vương Liêu, tiến cử Yêu Ly thích sát Khánh Kỵ, tiến cử Tôn Vũ để huấn luyện quân đội nước Ngô, cho nên ông nhìn người rất chuẩn.
Ông lẽ nào lại không biết việc không thể can ngăn Phù Sai? Đương nhiên ông biết, nếu không ông đã không để con trai ở lại nước Tề, ông biết sớm muộn gì nước Ngô cũng có ngày bị diệt.
Vậy thì tại sao Ngũ Tử Tư phải can gián đến chết mới thôi (tử gián). Để trả lời câu hỏi này, ta quay lại với nhận định của Khổng Tử. Khổng Tử khi nói về Trụ vương nhà Thương, đã có đánh giá: “Triều đại Ân Thương có 3 người có thể gọi là Nhân”, trong đó gồm có: Tỷ Can, Cơ Tử và Vi Tử.
Tỷ Can – chú Trụ vương – bị Trụ vương moi tim, chết vì can gián. Sau đó có Cơ Tử vì can gián Trụ vương nên bị tống giam vào ngục, sau đó giả điên. Còn có Vi Tử, ông cũng nhiều lần can gián nhưng Trụ vương không nghe, ông bèn rời khỏi đất Ân Khư.
Khổng Tử nói 3 người đó là người Nhân. Họ có điểm chung nào? Họ tuyệt đối không hợp tác với tà ác. Tôi có thể khuyên ngăn ông, hoặc giả điên, hoặc rời khỏi ông nhưng tôi tuyệt đối không ‘trợ Trụ vương làm điều bạo ngược’.
Theo tiêu chuẩn này thì Ngũ Tử Tư là giống với Tỷ Can, chết vì can gián. Ông cũng là một người Nhân vậy. Còn Phù Sai thì sao? Ta thấy Phù Sai là người ‘nửa vời’.
Khi ông muốn báo thù đã lập thệ trong ba năm, mỗi ngày đều trả lời là tôi không quên mối thù Câu Tiễn giết cha, nhưng đợi đến lúc có thể giết Câu Tiễn, ông lại không động thủ.
Làm việc ‘nửa vời’, bá nghiệp của ông cũng nửa vời, bá nghiệp nửa vời tương đương quốc gia… bại vong. Nên Lão Tử nói câu này: “Làm việc cẩn thận từ đầu đến cuối, sẽ không có chuyện thất bại” cũng có đạo lý.
Câu chuyện Ngô – Việt tranh bá đã kết thúc. Phù Sai mất năm 473 TCN. Đông Chu phân thành hai giai đoạn. Từ 770 TCN đến 475 TCN là thời Xuân Thu, từ 475 TCN về sau là thời Chiến Quốc.
Sau Ngô – Việt tranh bá, lịch sử tiến vào thời Chiến Quốc. Vậy sự kiện nào đánh dấu sự phân chia thời Xuân Thu và Chiến Quốc? Đầu thời Chiến Quốc phát sinh một cuộc chiến.
Sự việc này có ảnh hưởng rất lớn, đến nỗi Tư Mã Quang – nhà sử học, học giả, Thừa tướng thời nhà Tống Trung Quốc – đã lấy sự kiện này đưa vào sách “Tư trị thông giám”. Đó là sự kiện “Tam gia phân Tấn”.
Nguyệt Hòa
Theo DKN