Tại sao khi kết hôn người ta thường dán chữ Song Hỷ
Người ta thường đặt một chữ “囍” lớn màu đỏ trên cửa ra vào và cửa sổ, trong phòng và trên của hồi môn khi có đám cưới linh đình, và nó dần dần trở thành biểu tượng của đám cưới. Tuy nhiên, tại sao khi kết hôn phải dán chữ “囍”?
Chữ Song Hỷ “囍”, có nghĩa là hạnh phúc nhân đôi. Hầu hết chúng được sử dụng cho đám cưới và các dịp lễ khác, thường được cắt từ giấy đỏ hoặc giấy vàng, dán lên cửa ra vào, cửa sổ và đại sảnh. Phong tục dán chữ Song Hỷ này được cho là bắt nguồn từ Vương An Thạch, tể tướng của triều đại nhà Tống và cũng là một đại văn hào.
Tương truyền, Vương An Thạch khi còn trẻ lên kinh dự thi và tá túc nhà người chú của mình. Một ngày nọ, khi đang tản bộ trong thị trấn sau, ông bắt gặp một câu đối trên cửa nhà của Mã viên ngoại: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân). Hóa ra Mã viên ngoại đang kén chồng cho cô con gái duy nhất. Câu đối được treo đã nửa năm nhưng chưa có ai đưa ra được về đối phù hợp. Vương An Thạch không có thời gian để nghĩ về câu đối tiếp theo vì còn để tâm vào kỳ thi.
Đến ngày thi, Vương An Thạch làm bài nhanh chóng và được quan chủ khảo đánh giá rất cao. Phần thi vấn đáp cũng được hoàn thành mau lẹ và chắc chắc. Đến cuối cùng, quan chủ khảo chỉ vào lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, nghĩ ra vế đối:
“Phi kỳ hổ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” (Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình).
Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trước nhà Mã Viên ngoại, không cần suy nghĩ liền ứng khẩu đọc ngay:
“Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân)
Quan chủ khảo nghe xong vô cùng tâm đắc.
Sau kỳ thi, Vương An Thạch trở về và đến nhà Mã viên ngoại, sử dụng vế đối của quan chủ khảo làm vế đối cho câu đối kén rể của Mã tiểu thư. Mã viên ngoại nghe xong rất vừa ý và vui mừng gả con gái cho ông.
Vào ngày đại hỷ, vừa hay có tin báo Vương An Thạch có tên trên bảng vàng. Vương An Thạch quả thật là may mắn thuận lợi, không chỉ đỗ tiến sĩ mà còn cưới được một người con gái tài sắc vẹn toàn làm vợ, có thể nói là một hạnh phúc nhân đôi. Vì vậy, ông đã viết hai chữ hỷ lớn dán lên cổng, đồng thời cao hứng đọc lên hai câu thơ: “Vận may đối đáp thành song hỷ; cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng”.
Kể từ đó, phong tục dán chữ Song Hỷ trong đám cưới được lưu truyền cho đến ngày nay. Chữ Song Hỷ dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng đều mang những ý nghĩa tốt lành, trọn vẹn, là một biểu trưng không thể thiếu trong đám cưới, mang lại nhiều may mắn và tốt lành cho cô dâu chú rể trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời.
Tố Tâm biên dịch
Nguồn: aboluowang