Phải chăng một nửa giang sơn Lưu Bị có được là nhờ nước mắt?
Nghìn năm vật đổi sao dời, kẻ còn người mất, bia đá cũng phải vỡ. Thế nhưng “bia miệng” thì muôn đời chẳng mòn. Càng là nhân vật lịch sử lỗi lạc, đôi khi, bạn càng phải đối diện với nhiều xét nét, nghi ngờ, thậm chí là mắng mỏ, chỉ trích. Người ta cứ bảo Tào Tháo quỷ quyệt đáng là người bị mắng nhiều nhất Tam Quốc. Nhưng kìa lạ chưa, Hoàng thúc họ Lưu nhân nghĩa của chúng ta lắm khi còn phải nhận búa rìu dư luận nhiều hơn cả Tào A Man!
“Lưu Hoàng thúc”, đã có một thời ba tiếng ấy vang lên tựa như sấm động bên tai, quần hùng nghe được cũng phải nghiêng người hành lễ. Tất nhiên, người ta không sợ một vị thân vương hết thời của một Hán triều cũng đang… “hết đát”. Họ kính một Hoàng thúc tay không mảnh đất cắm dùi mà vẫn mấy lượt từ chối ấn Từ Châu đích thân Đào Cung Tổ dâng nhường. Họ phục một Hoàng thúc dốc hết quân bản bộ thảo phạt kẻ tiếm xưng đế hiệu Viên Thuật để rồi bị Lã Bố đang đêm cướp mất Từ Châu. Họ cảm một Hoàng thúc thương dân như con, sau lưng bị thiết kỵ quân Tào đuổi gấp mà vẫn bìu díu dẫn mấy chục vạn dân vượt sông… Nói cách khác, Lưu Bị được quần hùng cảm phục vì luôn đóng vai kẻ yếu, kẻ bị bắt nạt, kẻ chịu thiệt. Giữa một thời đại binh lửa ngút trời, quần hùng dùng trăm mưu ngàn kế đoạt lợi, Lưu Bị đột nhiên trở thành một “của hiếm”.
Người ta nói, một nửa giang sơn mà Lưu Bị có được là bằng nước mắt. Người ta bảo rằng ông giả nhân giả nghĩa, không có thực tài, chỉ dựa vào sự khôn khéo nguỵ trá mà thu dụng nhân tâm. Lẽ nào lại như vậy?
Ở đây, ta không có ý định bình phản, chiêu tuyết cho Hoàng thúc, càng không đi theo cái chí “ủng Lưu phản Tào” đã trở thành lối mòn. Ta chỉ trả lại những gì về đúng với vị trí ban đầu của nó. Phải nói, Lưu Bị không nhiều chữ nghĩa, cũng thường tự nhận là không ham đọc sách. Thuở hàn vi còn buôn giày cỏ, Lưu Bị thậm chí rất xứng đáng là kẻ “tiểu nhân”, không thế không lực cũng không tiền, ngoại trừ cái hư danh “Hoàng thúc”.
Nhưng Lưu Bị hoàn toàn khác với những kẻ buôn giày cỏ khác vốn đầy rẫy trong các thành trì thời ấy. Bởi những kẻ buôn giày cỏ thì chỉ biết kết giao với phường buôn bán, chợ búa còn ông bán giày họ Lưu lại thích kết bạn với anh hùng, với những kẻ hào hiệp. Lưu Bị xuất thân chỉ bán giày cỏ ngoài chợ nhưng lại chính là một nhà buôn đại tài. Ông không buôn những thứ dầu, gạo, củi, quế thông thường, mà buôn… anh hùng, hào kiệt! Vốn liếng duy nhất của họ Lưu chính là sự nhân nghĩa của mình.
Trước sau, Hoàng thúc đều chịu phần thiệt về mình, bôn ba cả nửa đời người mà vẫn tay trắng, phải nương nhờ dưới trướng của biết bao kẻ chư hầu từ Viên Thiệu, Đào Khiêm, Lã Bố, Tào Tháo, Lưu Biểu, Lưu Chương… Có thể nói, Lưu Bị đã mất rất nhiều, thậm chí suýt mất cả mạng sống nhưng lại thu phục được tấm lòng của người trong thiên hạ. Nghe đến ba tiếng “Lưu hoàng thúc”, nhân tài trong thiên hạ không mời mà tự đến, ai ai cũng cung kính chắp tay cúi đầu thể hiện sự ngưỡng vọng cao độ.
Vậy thì thử hỏi Lưu Bị đi buôn có lãi không? Phải nói là lãi rất lớn!
Sau chừng ít năm đi “buôn”, Hoàng thúc gần như có cho mình một triều đình riêng, võ thì Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… văn thì Từ Thứ, Tôn Càn, đặc biệt là quân sư nghìn năm khó gặp Khổng Minh Gia Cát Lượng. Cũng bởi Lưu Bị khéo thu dụng lòng người nên mới có một Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi”, mới có một Quan Vũ “qua năm ải, chém sáu tướng”, mới có một Triệu Vân xông pha hòn tên mũi đạn cứu ấu chúa, mới có một My phu nhân đâm đầu xuống giếng tự tử để Triệu Tử Long xả thân cứu con trai, mới có chuyện bách tính vượt sông, mới có Trương Phi cầm mâu chặn cầu Trường Bản đẩy lui quân Tào, mới có “thân ở Tào doanh quyết không hiến một kế nào” của Từ Thứ… Ấy là chữ “Nghĩa” cao cả với đầy đủ nội hàm: nghĩa quân thần, nghĩa huynh đệ, nghĩa quân vương – bách tính, nghĩa bạn bè, nghĩa vợ chồng.
Sau khi có được Khổng Minh, người buôn giày cỏ bắt đầu thu lời sau bao năm khổ công bỏ vốn. Ấy là lúc năng lượng của việc thu phục lòng người bắt đầu dần dần chuyển hóa thành những chiến thắng về quân sự, chiến lược.
Từ sau khi gần như chết hụt ở Đương Dương, Trường Bản, chẳng ngờ chỉ khoảng chục năm, Lưu Bị đổi vận, phất lên như diều gặp gió. Tào Tháo mấy lần phải bóp trán, nhăn mặt vì “cặp bài trùng quê mùa” Lưu Bị – Khổng Minh, mấy bận xuất quân đều hao binh tổn tướng. Năm 208, đại chiến Xích Bích, trận đánh lớn và quan trọng nhất thời Tam Quốc nổ ra. Tôn – Lưu hai nhà liên thủ, khoá chặt gọng kìm, không cho Tào Tháo tiến xuống Giang Nam. Cuối cùng, một mồi lửa đỏ của Chu Du thổi trăm vạn giáp binh, thuyền chiến và giấc mộng bá vương của Tháo tan thành tro bụi. Trong khi Ngô – Nguỵ sống mái với nhau trên sông Trường Giang thì Lưu Bị ung dung ngồi hưởng lợi, nuốt chửng gần hết Kinh Châu, lần lượt chiếm thêm Ích Châu, Hán Trung, xưng vương rồi xưng đế, trở thành một trong ba chư hầu lớn mạnh nhất cùng nhau chia sẻ thiên hạ của nhà Hán.
So với một Tào Tháo danh gia vọng tộc, một Tôn Quyền “con nhà nòi”, Lưu Bị chỉ là kẻ quần hùng nổi lên từ dân áo vải. Xuất phát điểm cực kỳ thấp ấy có lẽ đôi lúc đã khiến Lưu Bị phải chịu không ít mặc cảm và khinh ghét của người thiên hạ.
Chẳng phải Đổng Trác từng láo mắt không thèm cảm ơn một lời khi được Lưu Bị cứu chỉ vì họ Lưu là “chân trắng” không danh phận? Chẳng phải Viên Thuật từng hất hàm căn vặn, đòi đuổi thẳng cổ “gã nhà quê” ấy khỏi hội minh 18 chư hầu phạt Đổng Trác? Chẳng phải sĩ phu Giang Đông từng cười ồ nhắc chuyện Hoàng thúc đánh đâu… bại đấy, chạy như Bái Công, không mảnh đất cắm dùi? Và chẳng phải đến nay, hậu thế nghìn năm vẫn còn nghi nghi hoặc hoặc cái thành công ngoài sức tưởng tượng ấy của ông và gọi ông là “nguỵ quân tử” đó sao?
Xét đi xét lại, dường như chỉ một mình Tào Tháo là nhìn thấu, nhìn đúng Lưu Bị. Hẳn bạn còn nhớ chuyện uống rượu luận anh hùng ở Hứa Xương năm nào, Tháo trỏ vào Lưu Bị rồi lại tự trỏ mình mà rằng: “Anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi”. Vừa là kẻ địch, Tháo cũng lại vừa vặn là tri kỷ của Lưu Bị là vậy!
Phàm kẻ làm tướng thì lấy dũng làm hay, kẻ làm nguyên súy lấy trí làm hay, còn kẻ làm vua thì lấy đức làm điều cốt tử. Cho nên, kẻ làm tướng có thể thắng một trận chiến, kẻ làm súy có thể thắng một chiến dịch, còn kẻ làm vua có thể thắng được cả thiên hạ.
Lưu Bị xứng đáng là một người “thắng được thiên hạ” như vậy lắm chứ!
Ảnh minh họa: PhimTam Quốc Diễn Nghĩa 1996
Nguồn Đkn