Gia Cát Lượng xem sao đoán mệnh các anh hùng, Tướng tinh rơi biết Quan Vũ và Trương Phi gặp nạn
Vận mệnh của đời người hoặc đại sự quốc gia, ví như Lưu Bị xưng Đế, Ngô – Thục liên minh, hỏa thiêu Xích Bích, cùng với cái chết của các vị Tào Tháo, Chu Du, Quan Vũ… thì trên bầu trời đều sẽ xuất hiện tướng tinh. Thuật chiêm tinh (xem sao) vô cùng kỳ diệu đã làm tăng thêm sắc thái thần bí cho vận mệnh của quần hùng trong Tam Quốc.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng dựa vào sự đối ứng của tinh tú (gồm hai mươi tám chòm tinh tú, được gọi là Nhị thập bát tú), đã dự đoán trước được vận mệnh của những nhân vật nào?
Biết trước cái chết của Chu Du, Lỗ Túc lên thay thế
Khi Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, ban đêm xem thiên tượng thấy tướng tinh rơi xuống. Ông nói: “Chu Du đã chết”. Đến sáng, ông đem việc con người đối ứng với thiên tượng quan sát được nói cho Lưu Bị. Lưu Bị phái người đi tìm hiểu, quả nhiên nhận được tin tức Chu Du thực sự đã qua đời.
Lưu Bị hỏi Gia Cát Lượng: “Nếu Chu Du đã chết, vậy hiện giờ cần phải làm gì?” Gia Cát Lượng nói: “Người thống lãnh binh thay Chu Du, nhất định là Lỗ Túc.” Thì ra Gia Cát Lượng đã thấy tướng tinh trên trời tụ tập ở phía Đông, ông muốn mượn lý do phúng điếu, chuẩn bị sang Giang Đông một chuyến để chiêu hiền nạp sĩ phụ tá Lưu Bị.
Thời ấy không có điện thoại điện báo, không có công cụ truyền tin tức, Gia Cát Lượng thông qua sự biến hóa của thiên tượng, đã dự đoán chính xác cái chết của Chu Du, còn biết được Lỗ Túc là người thống lĩnh binh thay cho Chu Du.
Trước khi chết, Chu Du đã viết một lá thư để lại cho Tôn Quyền, tiến cử Lỗ Túc vốn là người cẩn thận trong mọi chuyện, đảm nhiệm thay mình. Gia Cát Lượng đã đọc được chính xác điềm báo từ thiên tượng.
Biết trước hung hiểm của tướng soái, Gia Cát Lượng khóc cho Bàng Thống
Hào kiệt Bành Dạng ở đất Thục vì ăn nói thẳng thắn đã mạo phạm Lưu Chương, bị Lưu Chương biến thành tội tù, phải chịu hình phạt “Khôn kiềm” (bị cạo tóc và râu, đồng thời mang hình cụ), vì thế ông có mái tóc ngắn.
Về sau ông đến Phù Thành (ngày nay là Miên Dương), nhờ có Bàng Thống và Pháp Chính giới thiệu, nên đã may mắn gặp được Lưu Bị. Lúc ấy Lưu Bị đang có ý định chiếm lấy Lạc Thành, Bành Dạng nhắc nhở Lưu Bị:
“Làm tướng sao có thể không biết địa lý được? Hiện nay phía trước quân doanh dựa sông Phù, nếu quân địch khơi tháo nước sông, cho binh bao vây trước sau, thì không ai có thể chạy thoát!”
Ông lại nói: “Quan sát thiên tượng, thấy sao Thiên Cương ở phía Tây, sao Thái Bạch chiếu đến nơi này, nên sẽ có chuyện không may mắn. Mong ngài hành sự thận trọng.”
Vì thế Lưu Bị phái người mật báo với tướng quân phụ trách tấn công là Ngụy Diên và Hoàng Trung, bảo hai người này để ý tuần tra, nhằm đề phòng quân địch khơi tháo nước sông. Tối hôm đó quân địch tới tấn công, quả nhiên quân của Lưu Bị đã bắt sống được tướng địch là Lãnh Bao chuẩn bị tháo nước sông
Khi Lưu Bị thiết yến khoản đãi Bành Dạng, đột nhiên nhận được thư của Gia Cát Lượng phái Mã Lương đưa đến. Lưu Bị mở thư ra xem, ý trong thư đại khái là: Gia Cát Lượng ban đêm tính Thái Ất, biết năm nay sao Thiên Cương tụ tập ở phía Tây, ông lại quan sát thiên tượng, thấy sao Thái Bạch chiếu xuống vùng đất Lạc Thành, chủ quân tướng soái sẽ lành ít dữ nhiều, Gia Cát Lượng dặn Lưu Bị xuất quân cần phải cẩn thận.
Bàng Thống thầm nghĩ: “Gia Cát Lượng sợ mình lấy được Tây Xuyên, một mình lập công lớn, cho nên cố ý viết lá thư này để ngăn cản.” Bàng Thống tự đề cử mình, nói: “Bàng Thống tôi cũng biết thuật số Thái Ất, đã biết sao Cương ở phía tây, đây chính là Thượng Thiên chiếu xuống muốn nói, Chúa công nên chiếm lấy Tây Xuyên, cũng không phải là việc hung hiểm.
Bàng Thống tôi cũng biết bói toán, thiên văn, nhìn thấy sao Thái Bạch chiếu xuống Lạc Thành, lúc trước chém tướng Lãnh Bao, đã ứng nghiệm điềm dữ.” Bàng Thống khuyên Lưu Bị: “Không nên nghi ngờ, hãy mau chóng tiến binh.”
Dưới sự thúc giục nhiều lần của Bàng Thống, Lưu Bị đã dẫn binh tiến đánh. Kết quả Bàng Thống bị loạn tên bắn chết ở sườn núi Lạc Phượng, quân Hán tổn thất nặng nề.
Lúc đó, Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, đúng vào ngày lễ Thất tịch, đang thiết yến chiêu đãi các quan viên. Đang trong bữa tiệc, Gia Cát Lượng bỗng nhiên nhìn thấy phía chính Tây có một vì sao, từ trên bầu trời trực tiếp rơi xuống, một dải ánh sáng tản đi khắp nơi.
Gia Cát Lượng nhìn thấy thế lập tức thất kinh, ông ném chén rượu xuống đất rồi che mặt khóc lớn. Mọi người đều không hiểu, vội vàng hỏi ông đã xảy ra chuyện gì? Gia Cát Lượng nói, lúc trước ông nhìn thấy sao Thiên Cương ở phía Tây, sẽ có bất lợi cho quân sư, nên đã viết thư gửi cho Lưu Bị, căn dặn Chúa công bảo quân sư cẩn thận đề phòng.
Ai ngờ, tối hôm nay phía Tây rơi xuống một ngôi sao, Bàng Thống chắc chắn gặp nguy rồi. Gia Cát Lượng che mặt khóc nói: “Bây giờ Chúa công của tôi lại mất đi một cánh tay đắc lực rồi.”
Mọi người nghe xong đều cảm thấy hết sức kinh sợ, nhưng cũng không hoàn toàn tin lời nói của Gia Cát Lượng. Mấy ngày sau, Lưu Bị phái người mang thư tới, báo tin Bàng Thống đã bị loạn tên bắn chết.
Tướng tinh rơi xuống, Quan Vũ và Trương Phi gặp nạn
Hai cha con Quan Vũ thua chạy đến Mạch Thành, và bị quân của Tôn Quyền bắt được. Quan Vũ kết nghĩa huynh đệ với Lưu Bị ở vườn đào, thề phò trợ nhà Hán, vậy nên kiên quyết cự tuyệt việc quy hàng Tôn Quyền.
Quan Vũ là một bậc hào kiệt, Tôn Quyền vô cùng coi trọng ông, có ý dùng lễ đối đãi, khuyên ông quy hàng. Chủ bộ Tả Hàm cho rằng điều này không thể được, khuyên Tôn Quyền lập tức diệt trừ để tránh mối họa về sau. Tôn Quyền trầm mặc một lúc, rồi sai người giết chết hai cha con Quan Vũ.
Gia Cát Lượng ban đêm xem thiên tượng, nhìn thấy tướng tinh rơi xuống vùng đất Kinh Sở, ông biết Quan Vũ nhất định đã gặp nạn và bị giết hại rồi. Lưu Bị trong đêm soi đèn đọc sách, đột nhiên cảm thấy chóng mặt, ghé vào bàn đọc sách ngủ thiếp đi.
Lưu Bị nằm mộng thấy, trong phòng đột nhiên có một cơn gió lạnh thổi tới, đèn đuốc bị tắt sau đó lại sáng lên; Lưu Bị vừa ngẩng đầu thì nhìn thấy Quan Vũ đứng ở dưới ánh đèn, tới lui lảng tránh Lưu Bị.
Lưu Bị không hiểu bèn hỏi: “Ta cùng hiền đệ tình như cốt nhục, tại sao lại lảng tránh?” Quan Vũ khóc nói cho Lưu Bị biết: “Mong huynh trưởng khởi binh, báo thù rửa hận cho đệ!” Nói dứt lời liền biến mất.
Lưu Bị từ trong mộng bừng tỉnh dậy, vội vàng đi đến tiền điện, phái người đi mời Gia Cát Lượng, rồi kể lại tỉ mỉ cảnh nhìn thấy trong mộng. Gia Cát Lượng đã biết chuyện gì xảy ra, lo lắng Lưu Bị quá đau buồn, cho nên trì hoãn chưa dám nói rõ.
Sau khi Quan Vũ bị giết, Lưu Bị không để ý lời khuyên can của bách quan, khăng khăng ngự giá thân chinh, thảo phạt Đông Ngô để rửa sạch mối hận trong lòng. Một đêm, Lưu Bị đột nhiên vô cớ lo sợ, nằm ngủ mà cảm thấy bất an.
Vì thế ông đi ra đại trướng, vừa ngẩng đầu xem thiên tượng, trông thấy ở hướng Tây Bắc có một vì sao giống như cái đấu lớn bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống. Lưu Bị đột nhiên cảm thấy hoảng sợ, trong đêm phái người đi hỏi Gia Cát Lượng xem đây là điềm báo gì.
Gia Cát Lượng hồi đáp rằng: “Sẽ hao tổn một viên đại tướng. Trong vòng ba ngày, chắc chắn tin tức sẽ truyền về.” Lưu Bị án binh bất động. Đột nhiên tùy tùng bẩm báo, nói rằng có người ở chỗ Trương Phi đưa tới một phong tấu biểu. Lưu Bị vừa xem, biết được tin tức Trương Phi bị sát hại. Ông đau đớn khóc lóc, rồi té xỉu trên đất. Các quan lại cuống quít sơ cứu, Lưu Bị mới tỉnh lại.
Gia Cát Lượng quan sát tướng tinh, biết trước tính mệnh của mình đã cận kề
Gia Cát Lượng đóng binh ở Ngũ Trượng Nguyên, Tư Mã Ý chỉ thủ không ra chiến. Gia Cát Lượng vất vả lâu ngày sinh bệnh, ban đêm đi ra ngoài doanh trướng quan sát thiên tượng. Nhìn thấy tướng tinh biến hóa, Gia Cát Lượng kinh hoảng, nói với Khương Duy rằng: “Ta nguy đến nơi mất rồi!”
Gia Cát Lượng tiến hành lễ dâng sao Bắc Đẩu ở trong trướng để giải trừ tai họa. Ông nói: “Nếu như trong vòng bảy ngày ngọn đèn chính không bị tắt, thì thọ mệnh của ta có thể tăng thêm một kỷ (12 năm); nếu như đèn bị tắt, ta ắt phải chết.” Lễ cầu diễn ra sáu đêm liên tiếp, ngọn đèn chính vẫn tỏa sáng không tắt.
Thế nhưng, Tư Mã Ý cũng biết quan sát thiên tượng, bỗng nhiên ông chợt có linh cảm, ngửa mặt nhìn trời, vô cùng cao hứng nói với Hạ Hầu Bá: “Ta nhìn thấy tướng tinh biến đổi, Gia Cát Khổng Minh nhất định lâm bệnh, không bao lâu nữa sẽ chết.” Vì thế lệnh cho Hạ Hầu Bá mang quân đi Ngũ Trượng Nguyên dò la tin tức.
Đêm hôm ấy, Gia Cát Lượng đang ở trong trướng, đạp cương bộ đẩu (nghi lễ cầu của Đạo giáo), đột nhiên Ngụy Diên chạy nhanh vào báo cáo: “Quân Ngụy đến rồi!” Bởi vì Ngụy Diên chạy vào quá nhanh, mang theo luồng gió thổi vào, làm cho ngọn đèn chính bị thổi tắt. Gia Cát Lượng than rằng: “Sống chết có mệnh, không làm sao mà nhương trừ được!”
Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, biết tính mệnh của mình không còn bao lâu vì thế an bài hàng loạt sự việc về sau. Ông giao cho Dương Nghi một túi gấm, bí mật dặn dò: “Sau khi ta chết, Ngụy Diên tất sẽ làm phản. Đợi hắn ta làm phản, khi ngươi cùng hắn lâm trận, mới có thể mở túi gấm này. Khi đó tự có người chém chết Ngụy Diên.”
Trước khi chết, Gia Cát Lượng lệnh cho người đỡ ông ra ngoài đại trướng. Ông ngửa mặt nhìn sao Bắc Đẩu, chỉ vào một ngôi sao nói: “Đây là tướng tinh của ta.” Mọi người nhìn theo hướng ông chỉ, thấy ngôi sao tướng tinh kia ánh sáng mờ tối, lung lay sắp rơi.
Gia Cát Lượng dặn Dương Nghi, sau khi ông chết không được phát tang, mà phải lập một cái khám to, đem thi thể của ông đặt trong khám, rồi lấy bảy hạt gạo thả vào trong miệng ông, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng.
Trong quân vẫn an tĩnh như thường, tuyệt đối không được phát tang, làm như vậy tướng tinh sẽ không rơi xuống; Tư Mã Ý thấy tướng tinh không rớt, tất nhiên trong lòng hoảng sợ mà sinh nghi, không dám tấn công, sau đó các doanh trại có thể dần dần rút lui. Gia Cát Lượng dùng mưu kế này, giúp cho quân Thục rút lui an toàn.
(Bài viết dựa theo tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” hồi 57, 63, 77, 81, 103, 104)
Theo Epochtimesviet