Hoàng đế Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử, có tài văn chương nhưng không thể trị quốc, cuối cùng qua đời, đất nước diệt vong
Từ xưa đến nay, “Trạng nguyên” và “Hoàng đế” luôn được coi là 2 khái niệm tương đối độc lập. Bởi vì Trạng nguyên thường do Hoàng đế bổ nhiệm, Hoàng đế cũng không tham gia kỳ thi khoa cử, không thể trở thành Trạng nguyên; ngược lại, Trạng nguyên cũng không thể trở thành Hoàng đế. Tuy nhiên trong lịch sử có một người vừa là Trạng nguyên, vừa là Hoàng đế. Người đó chính là Lý Tuân Húc – Hoàng đế thứ 8 của triều đại Tây Hạ.
Tây Hạ Thần Tông (1163-1226) tên thật là Lý Tuân Húc, là con trai của Tề Trung Vũ Vương Lý Ngạn Tông và là cháu ruột của Tây Hạ Hoàn Tông Lý Thuần Hữu. Tây Hạ do người Đảng Hạng lập nên, tộc người này là một chi của người Khương, có thuyết thống Tiên Ti. Theo truyền thống của họ, mọi người thích cưỡi ngựa bắn cung, không quan tâm đến việc đọc sách, tức là coi trọng võ mà không coi trọng văn. Nhưng Lý Tuân Húc lại là ngoại lệ, ông không thích cưỡi ngựa bắn cung mà rất yêu thích văn chương viết lách.
Vào tháng ba năm 1203, Lý Tuân Húc tham gia khoa cử khảo thí, kết quả là ông xuất sắc đoạt giải nhất trong đợt thi tại triều đình, được Tây Hoàn Tông bổ nhiệm làm Trạng nguyên.
Trong thời kỳ Hoàn Tông trị vì, người Mông Cổ bắt đầu nổi lên ở Mạc Bắc, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Tây Hạ. Trong khi đó, cuộc đấu tranh quyền lực và lợi ích giữa các tầng lớp quý tộc bên trong không ngừng diễn ra, dẫn đến tình trạng suy thoái ngày càng nặng nề. Trong tình huống này, Hoàn Tông rất cần những người hiền tài phụ tá, nhằm vực dậy sức mạnh quốc gia.
Dưới tình hình đó, Lý Tuân Húc được đề bạt trọng dụng, nắm giữ binh quyền với thân phận tông thất, trở thành một trong những Hoàng tộc quan trọng nhất triều đình.
Trong quá trình thăng tiến của Lý Tuân Húc, em họ của Hoàn Tông là Lý An Toàn đã tiến hành đảo chính, sau đó lên ngôi Hoàng đế, xưng là Tây Hạ Tương Tông. Trong thời gian trị vì (1206-1211), Tương Tông hoang dâm vô đạo, phá hủy mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Tây Hạ và Kim, tiến hành chiến tranh hơn 10 năm với Kim, hai bên tổn thất rất lớn. Ở trong nước, bách tính Tây Hạ nghèo túng, sản xuất kinh tế bị phá hoại, quân đội suy nhược, chính trị hủ bại. Bản thân Hạ Tương Tông say đắm trong tửu sắc, cả ngày không lo việc triều chính.
Năm 1211, Tề vương Lý Tuân Húc lợi dụng thời cơ phát động chính biến cung đình, phế truất Tương Tông, tự lập Hoàng đế, tức Hạ Thần Tông, hay còn gọi là Trạng nguyên Hoàng đế. Mặc dù có tài viết văn hơn người nhưng ông không có khả năng trị quốc. Thay vì cứu vớt tình trạng suy thoái của nhà Hạ, ông liên tục mắc phải những sai lầm không thể vãng hồi, đẩy đế quốc đến “bờ vực” tận diệt, khiến người dân thống hận vô cùng.
Trong suốt thời kỳ kiến quốc, Tây Hạ có địch thủ ở tứ phía, liên tiếp phải ứng phó với uy hiếp và chiến tranh từ Hậu Đường, Hồi Cốt, Thổ Phồn, Tống, Liêu, Kim và Mông Cổ, do vậy triều đình Tây Hạ xem trọng vấn đề ngoại giao. Sách lược ngoại giao của Tây Hạ chủ yếu là liên hiệp hoặc dựa vào kẻ mạnh, đồng thời công kích kẻ yếu, dùng chiến tranh cầu hòa bình, nhờ đó quốc gia Tây Hạ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, khi Lý Tuân Húc lên nắm quyền, ông đã thay đổi chiến lược và tiến hành ngược lại. Ban đầu, ông liên minh với Mông Cổ để tấn công nước Kim. Sau khi tiêu tốn một lượng lớn lực lượng, tài chính và nguồn lực, do khó khăn trong việc duy trì, ông bắt đầu chuẩn bị liên minh với nước Kim để chống lại Mông Cổ.
Thế nhưng lời đề nghị của Lý Tuân Húc lại bị nước Kim bác bỏ, ông tức giận và liên minh với Nam Tống để tấn công nước Kim. Kết quả là ông liên tiếp thua trận, dân quân thương vong nặng nề. Sau khi suy nghĩ kỹ, Lý Tuân Húc quyết định từ bỏ hiệp ước với Nam Tống và một lần nữa khuất phục trước Mông Cổ. Hành động thất thường của Lý Tuân Húc khiến Mông Cổ cảm thấy khinh bỉ.
Sau khi Tây Hạ khuất phục lần nữa, Mông Cổ lại chèn ép Tây Hạ khốc liệt hơn so với trước đó. Trước tình hình này, Lý Tuân Húc chỉ có thể cắn răng chịu đựng, không dám phàn nàn. Do chính sách thuế khắc nghiệt của Mông Cổ mà Tây Hạ đã bị hủy hoại chỉ trong vài năm, dân chúng lầm than, không kế sinh nhai, không thể cày cấy dệt may, dân bị bắt đi lính, đói kém do hạn hán, trở thành một hiện tượng hiếm thấy kể từ khi quốc gia được thành lập.
Những hành động ngu xuẩn của Lý Tuân Húc đã khiến bách tính ai oán, điều duy nhất mà ông có thể làm để cứu vãn đế quốc là dùng danh nghĩa Hoàng đế để ra lệnh cho người viết bản Kinh “Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh” bằng chữ vàng, hy vọng rằng nó sẽ mang lại sự bảo hộ cho quốc gia và phúc lợi cho nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình trở nên ngày càng khó khăn, nhân dân đã mất lòng tin vào ông. Mặc dù Lý Tuân Húc đã quy hàng Mông Cổ một cách vô điều kiện, nhưng Mông Cổ vẫn không hài lòng với ông và lên kế hoạch tiêu diệt Tây Hạ. Trong tình huống này, vì không muốn làm vị vua vong quốc nên Lý Tuân Húc đã truyền ngôi cho con trai thứ hai là Lý Đức Vượng (Tây Hạ Hiến Tông) vào năm 1223, còn mình trở thành Thái thượng hoàng duy nhất của Tây Hạ.
Đến lúc này, triều đình Hạ nhận thấy rõ Mông Cổ muốn tiêu diệt Tây Hạ, do vậy Tây Hạ Hiến Tông quyết định chuyển sang sách lược liên Kim kháng Mông. Nhân lúc Thành Cát Tư Hãn tây chinh, Tây Hạ phái sứ thuyết phục các bộ lạc ở Mạc Bắc liên hiệp kháng Mông, mục đích là để củng cố biên cương phía bắc của Tây Hạ. Đương thời, tướng Mông Cổ tổng quản Hán địa là Bột Lỗ (con của Mộc Hoa Lê) phát hiện ra ý đồ của Tây Hạ, vào năm 1224 xuất quân từ phía đông đánh vào Tây Hạ, đánh chiếm Ngân châu, tướng Hạ Tháp Hải bị bắt. Năm sau, Thành Cát Tư Hãn hồi quốc sau khi tây chinh thắng lợi, đồng thời xuất quân tiến công Sa châu. Hạ Hiến Tông phải đồng ý đầu hàng theo điều kiện của quân Mông Cổ. Trong tình trạng hoảng sợ, Lý Tuân Húc qua đời khi mới 64 tuổi. Năm sau đó, Mông Cổ xâm chiếm Tây Hạ, chỉ trong một năm sau khi Lý Tuân Húc qua đời, Tây Hạ đã bị Mông Cổ tiêu diệt.
Có lẽ điều mà Lý Tuân Húc tự hào nhất trong cuộc đời ông chính là việc đạt được danh hiệu Trạng nguyên, trở thành Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có danh hiệu này.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Quách Hiểu)