Ba triều đại tồn tại ngắn ngủi nhưng ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Hoa
Trung Hoa cổ xưa trường tồn qua rất nhiều triều đại, lặp đi lặp lại quá trình hưng thịnh – suy vong – bị lật đổ, cuối cùng một triều đại mới sẽ lên nắm quyền và thay thế. Tuy nhiên, có 3 triều đại tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng lại có ảnh hưởng hết sức đáng kể đến lịch sử Trung Quốc.
1. Triều đại nhà Tần
Nhà Tần là thế lực mạnh nhất nhờ các cải cách của Thương Ưởng vào thế kỷ thứ 5 TCN. Mặc dù chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 15 năm, nhà Tần đã để lại ảnh hưởng rất lớn tới các triều đại sau của Trung Hoa.
Trong thời Xuân Thu, dưới sự trợ giúp của thừa tướng Lý Tư, Tần Thủy Hoàng đã tạo ra một triều đình được coi là kiểu mẫu trong lịch sử.
Về chính trị, để tránh họa về sau, Tần Thuỷ Hoàng đã dẹp bỏ việc phong đất cho các nước chư hầu. Đồng thời; triệt để thi hành chế độ quận huyện, chia cả nước thành 36 quận do triều đình trực tiếp quản lý.
Bắt đầu từ thời điểm này, Trung Quốc đã được định hình thành một chỉnh thể không thể tách rời, đánh dấu sự khởi đầu của một Trung Hoa đế quốc – một giai đoạn kéo dài hàng nghìn năm và chỉ chấm dứt cùng với sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm 1912.
Trong 15 năm trị vì ngắn ngủi, Tần Thuỷ Hoàng cho khởi công xây dựng Vạn Lý Trường Thành để bảo vệ Trung Hoa khỏi sự tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, Đột Quyết.
Năm 214 TCN, vua Tần tiếp tục cho xây dựng kênh Linh Cừ, nối liền sông Tương và sông Ly nhằm đánh Bách Việt trong cuộc chiến tranh Tần-Việt.
Sau khi nhà Tần bị lật đổ, những nền tảng lịch sử ấy được nhà Hán tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, xét về hệ thống phân chia châu – quận, Hán Cao Tổ Lưu Bang muốn chia thiên hạ nên đã thay đổi chính sách cai trị.
Đó cũng là nguyên nhân chính gây ra cuộc nổi loạn của 7 vương quốc thời Tây Hán nhằm cướp ngôi của Hán Cảnh Đế nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
2. Triều đại nhà Tuỳ
Cũng như nhà Tần, triều đại nhà Tuỳ có thời gian cai trị Trung Quốc là 38 năm, trải qua 2 đời vua là Tuỳ Văn Đế và Tuỳ Dương Đế. Trong thời gian trị vì vô cùng ngắn ngủi, nhà Tuỳ đã để lại cho Trung Quốc những thành tựu vô cùng ấn tượng.
Từ khi Tùy Văn Đế lên ngôi, triều đình căn cứ theo kinh nghiệm thời Nam-Bắc triều mà tiến hành cải cách chế độ chính trị, cho xây dựng Đại Vận Hà kéo theo sự xuất hiện của rất nhiều thành thị dọc theo kênh, thay thế phế lập rất nhiều thứ cũ mới.
Để củng cố chính quyền, Tùy Văn Đế phế trừ lục quan chế của Bắc Chu, chính thức xác lập tam tỉnh lục bộ chế. Triều đình bãi bỏ cấp quận, hình thành chế độ hai cấp châu huyện.
Sau khi cải cách chế độ địa phương, nhà Tùy tịch thu vũ khí trong nước nhằm khiến cho thế lực các địa phương suy yếu, củng cố thể chế chính trị trung ương tập quyền quân chủ chuyên chế, chấm dứt tình trạng hỗn loạn.
Đồng thời, nhà Tuỳ tập trung vào việc duy trì quan hệ với nông dân, điều hòa quan hệ trong tập đoàn thống trị, khiến mâu thuẫn xã hội có xu hướng hòa hoãn, kinh tế và văn hóa phát triển nhanh chóng, xuất hiện cảnh tượng phồn hoa, khai sáng ra Khai Hoàng chi trị.
Ngoài ra, Tuỳ Văn Đế còn có công chế định ra chế độ khoa cử hoàn chỉnh, dùng để tuyển chọn đề bạt nhân tài ưu tú cho triều đình. Bên cạnh đó, làm suy yếu quyền hạn của sĩ quan thế tộc lũng đoạn.
Trên nhiều lĩnh vực, triều Tùy có ảnh hưởng sâu rộng đến triều Đường, triều Tống, và các triều đại sau này của Trung Quốc.
3. Triều đại nhà Hậu Chu
Sau khi nhà Đường diệt vong, có một thời kĩ hỗn loạn kéo dài tới 70-80 năm trước khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc bản thổ, gọi là Ngũ Đại Thập Quốc. Và nhà Hậu Chu là triều đại cuối cùng trong thời kì này.
Thời vua Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh nắm quyền, nhận thấy được tầm quan trọng của việc chỉnh đốn quân sự, Thế Tống lo việc chấn chỉnh quân đội và cấm quân.
Sau đó vua lại sai bộ binh soạn binh pháp (chế chỉ binh pháp) là cuốn “Bình biên sách”, thành lập thủy quân. Tình hình quân sự Hậu Chu được tăng cường mạnh mẽ, quyền lực hoàng gia được củng cố.
Tháng 6 năm 959, Chu Thế Tông lâm bệnh băng hà, thọ 38 tuổi. Triệu Khuông Dận soán ngôi của Hậu Chu Cung Đế khi ấy mới 7 tuổi, lập ra triều Đại Tống.
Triều Tống trọng dụng văn quan làm cho tầng lớp võ nhân rơi xuống vị trí thấp kém trong xã hội. Thêm nữa, đãi ngộ thấp kém cũng làm quân tướng không hết sức chống giặc và việc để quan văn cầm quân đã gây nhiều thảm họa vào đời sau.
Chính vì vậy, nhà Tống đã buộc phải cải tổ, học hỏi cách cầm quân của Hậu Chu Thế Tông để cải tiến quân đội và bảo vệ đất nước trường tồn.
Viên Minh biên dịch
Nguồn: Secretchina