Blog
Con trẻ luôn luôn hạnh phúc khi bố mẹ làm được 5 việc này
Có người nói: Thành công = 1% chỉ số thông minh + 99% tâm lý tình cảm. Tuy vậy phần lớn các bậc cha mẹ thường chỉ tập trung quan tâm chăm sóc sinh hoạt hàng ngày của con trẻ, tiếp đến là để ý chuyện học hành của con, còn đối với việc bồi dưỡng tình cảm, cảm xúc lại thường xem nhẹ.
Có những đứa trẻ được khen là nhanh nhẹn, nói chuyện đáng yêu, nhưng cũng có những đứa trẻ tính tình ngang ngược, cố chấp. Thường ở trẻ nhỏ, chỉ số thông minh đa phần là do di truyền, còn tình cảm và cảm nhận là nhờ cha mẹ hàng ngày dụng tâm bồi dưỡng mà nên.
Các nhà tâm lý học cho rằng: Việc giáo dục và bồi dưỡng tình cảm, cảm xúc cho trẻ thực hiện càng sớm càng tốt.
Vậy cha mẹ nên làm thế nào để bồi đắp tình cảm, cảm xúc cho con cái? Mỗi ngày, cha mẹ thường hay nói 10 chữ này với con, thì con trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc.
1. Tin tưởng
Trẻ nhỏ đặc biệt hy vọng bản thân mình trở thành một người được cha mẹ và mọi người trong nhà yêu quý và tin tưởng.
Vậy nên, khi con trẻ nói chuyện, thì cha mẹ cần lắng nghe và biểu hiện cho trẻ biết ‘cha mẹ tin tưởng vào con’. Ví như con nói: “Ba ơi, con muốn học đánh cầu lông”, thì ba mẹ nên nói một cách tin tưởng rằng: “Con yêu, chỉ cần con thực sự thích và cố gắng, thì ba tin nhất định con sẽ đánh được cầu lông”.
Nói như vậy, cha mẹ chính là đã tăng thêm phần tự tin cho con trẻ, đồng thời chỉ cho con hiểu rằng, chỉ có thể kiên trì thì mới có thể thu được thành công.
Nếu cha mẹ dùng những lời lẽ chế giễu như: “Làm cái gì cũng hậu đậu như vậy mà còn muốn chơi cầu lông sao?”, thì sẽ tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ, khiến cho trẻ mất niềm tin vào năng lực bản thân.
2. Tôn trọng
Trẻ từ 2-3 tuổi trở lên, là bắt đầu phát triển ý thức về bản thân, thuận theo thời gian, trẻ càng lớn, ý thức về bản thân càng mạnh. Khi trẻ có những chủ kiến riêng, cũng chứng tỏ trẻ ý thức được về năng lực và khả năng của bản thân mình. Một khi trẻ có thể đưa ra những ý kiến cũng như các ‘đòi hỏi’ khác, thì cha mẹ chớ có nhìn nhận trẻ không nghe lời mà quát mắng.
Khi cha mẹ yêu cầu con đi học bài, nhưng trẻ lại còn muốn tiếp tục chơi, thì cha mẹ không nên giận dữ mắng: “Con càng lớn càng không nghe lời, không lo học hành, sau này biết làm gì mà ăn”. Mắng nhiếc con càng khiến cho trẻ sinh tâm lý chán ghét việc học hành. Cha mẹ hãy nói: “Vậy con chơi một lúc nữa thôi nhé, chơi xong rồi, nhất định phải đi học bài nhé”. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng vui vẻ mà tiếp nhận, vâng lời.
3. Thương lượng
Mỗi một đứa trẻ, dù còn đang nhỏ, cũng sẽ có lòng tự trọng. Mỗi khi cần trẻ làm việc gì đó, thì cha mẹ cần phải dùng ngữ khí thương lượng với con, để cho trẻ hiểu được rằng cha mẹ đang tôn trọng con trẻ.
Khi muốn con gom đồ chơi trên sàn nhà lại cho gọn, thì có thể nói: “Con yêu, vứt đồ chơi bừa bãi là thói quen xấu, hay con với mẹ cùng nhặt đồ chơi cất gọn nhé?”.
Vạn lần không nên dùng ngữ khí ra lệnh: “Sao con lại vứt đồ chơi bừa bãi như vậy? Mau tới nhặt lên đi!”. Nếu cha mẹ cứ ra lệnh hoặc hay chỉ trích, trong lòng trẻ sẽ sinh ra sự phản cảm, không vui, cho dù sau đó trẻ có thể vâng lời đi làm theo mệnh lệnh của cha mẹ, nhưng nhất định trong lòng sẽ khó chịu, không thoải mái.
4. Khen ngợi
Mỗi đứa trẻ đều có những ưu điểm riêng, và đều có mong muốn thể hiện nó. Khi cha mẹ phát hiện thấy những ưu điểm của con thì phải kịp thời tán thưởng, như vậy sẽ càng làm cho con trẻ thêm vui thích mà thể hiện khả năng của mình.
Trẻ vẽ ra một bức tranh, cho dù vẽ không thật đẹp, nhưng phần nhiệt tình và ý tưởng để vẽ bức tranh mới chính là ưu điểm lớn nhất, đáng giá nhất. Khi con trẻ mang bức tranh mới vẽ xong của mình hớn hở khoe với cha mẹ, thay vì chỉ nói cho có lệ: “Vẽ cũng tạm, cần phải luyện tập thêm”, thì hãy tán thưởng khẳng định tác phẩm của con: “Thật không ngờ con vẽ được bức tranh đẹp như vậy, nếu con cố gắng hơn nữa, thì nhất định con sẽ vẽ rất đẹp đấy!”.
Những lời nói vô tâm sẽ khiến cho trẻ mất hứng, mất đi nhiệt tình và tin tưởng vào khả năng của mình. Còn những lời tán thưởng, khẳng định sẽ làm cho trẻ cảm nhận được thành quả của mình, từ đó càng thêm tự tin và cố gắng.
5. Cổ vũ
Trẻ nhỏ không thể nào không có khuyết điểm và không mắc sai lầm. Khi trẻ làm sai, cha mẹ không nên chỉ biết chỉ trích cái sai của con trẻ, mà thay vào đó hãy chỉ ra cho con biết nên làm như thế nào mới tốt, từ đó giúp trẻ tích lũy kinh nghiệm cho bản thân mình. Cha mẹ nên khích lệ con không nên vì sai mà từ bỏ, có như vậy mới có thể thành công ở lần sau.
Khi trẻ bưng bát cơm giúp mẹ ra bàn, nhưng không cẩn thận đánh rơi bát xuống đất, thì không nên nói lời trách mắng: “Có mỗi cái bát cũng bưng không xong, thật vô dụng”. Như vậy chỉ khiến cho trẻ nhụt chí, mất niềm tin vào bản thân, không dám đi thử làm những việc khác, dần dần trẻ sẽ trở nhút nhát.
Ngược lại, cha mẹ dùng ngữ khí khích lệ: “Không sao, nếu lần sau thì con hãy dùng ngón tay sờ bên ngoài bát xem có nóng không rồi hãy bê nhé”, hoặc “Không sao, lần sau cẩn thận hơn con nhé”. Những lời này vừa mang ngữ khí nhắc nhở nhẹ nhàng, vừa chỉ cho con phương pháp thực hiện tốt hơn, lại củng cố niềm tin trong con trẻ, cho con dũng khí để thực hiện ở những lần tiếp theo.
Làm cha mẹ, ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, thì cũng cần tạo cho con trẻ môi trường khoan dung, đầy tình yêu thương để con trưởng thành một cách hạnh phúc nhất.
Cho dù bạn có nhiều hay ít tiền, thì đối với những bài học trong cuộc sống, vấn đề tiền không có ý nghĩa, mà sự ủng hộ và yêu thương của cha mẹ mới là quan trọng hơn cả. Chỉ cần con trẻ có cái nhìn tích cực về bản thân và thái độ lạc quan tin tưởng vào tương lai, thì cha mẹ hãy yên tâm, bởi vì đứa trẻ này nhất định sẽ có cuộc sống thực sự hạnh phúc.
An Nhiên biên tập