Blog
Con cái chúng ta sợ nhất điều gì? 90% phụ huynh rất đau lòng trước câu trả lời
Tất cả những đứa trẻ khó dạy dỗ là những đứa trẻ đã mất lòng tự trọng. Các nhà giáo dục muốn ‘trăm phương ngàn kế’ để có thể bảo vệ điều quý giá nhất của trẻ em – lòng tự trọng.
Đứa trẻ được 6 điểm bị tổn thương lòng tự trọng
Vài ngày trước, khi đi làm về đến tầng dưới, tôi bị chặn lại bởi tiếng la mắng oang oang của mẹ bé Hảo. Ở cửa nhà cô ấy, một đám trẻ con choai choai đang vây quanh. Mẹ của bé Hảo cầm một cây gậy nhỏ và hét thật to như thể để cho mọi người đều nghe thấy: “Đây, con bé được 6 điểm bài kiểm tra toán, lấy bút sửa thành 8 điểm”. Những đứa trẻ xung quanh cười to, một vài đứa thậm chí còn reo hò, còn cô bé Hảo tội nghiệp thì mặt cúi gằm, không dám ngẩng đầu lên.
Hảo bằng tuổi con trai tôi, là học sinh lớp 1. Cô bé thường hay qua nhà tôi chơi, rất lễ phép, hễ nhìn thấy tôi là đã chào hỏi từ xa. Nhưng sau ngày hôm đó, cô bé hễ nhìn thấy tôi là vội vàng né tránh, lặng lẽ bước nhanh rời khỏi đám bạn đang chơi cùng trên bãi cỏ.
Tôi cảm thấy bối rối, tự hỏi không biết đứa trẻ này có hiểu lầm tôi điều gì hay không. Nhưng sau đó, con trai tôi đã nói rõ “sự thật” của thế giới trẻ con: cô bé Hảo không muốn gặp mặt mọi người, mẹ cô bé đã khiến nó cảm thấy xấu hổ, không muốn chơi với mọi người nữa. Trái tim tôi đột nhiên như thắt lại, và có một cảm giác gì đó không nói nên lời.
Con trai tôi là một đứa trẻ mặt mũi sáng sủa, nhưng rất nghịch ngợm và lười làm bài tập về nhà. Tôi thường phải đi tìm khi con trai đi chơi với lũ trẻ trong khu, và thằng bé thường chạy trốn mỗi khi nhìn thấy tôi.
Và một trong những chiến thuật phổ biến nhất của tôi là hét lên: “Bảo Bảo, nếu con không mau ra đây, đừng trách mẹ mắng con trước mặt bạn bè!” Ngay lập tức, thằng bé ngoan ngoãn xuất hiện trước mặt tôi, sau đó lặng lẽ đi theo tôi về nhà. “Chiêu” này đã được tôi thử nghiệm nhiều lần. Và tôi đã thầm đắc ý vì đã có “kỹ năng làm cha mẹ”. Giờ đây nghĩ lại, khuôn mặt tôi chợt nóng bừng vì hối lỗi.
Cha mẹ vì để con nghe lời mà làm tổn hại lòng tự trọng của con cái, không nên tự xưng mình là cao minh. Chúng ta thường nghĩ rằng la mắng một đứa trẻ là vì muốn tốt cho chúng, cũng thường lo lắng, nếu không làm như vậy thì sẽ không giáo dục đứa trẻ kịp thời. Nhưng liệu các bậc cha mẹ chúng ta đã nghĩ đến lòng tự trọng của con trẻ hay chưa?
Chuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ bị mắng?
Trong một khảo sát về “trẻ em sợ nhất điều gì”, kết quả cho thấy chúng sợ “mất mặt” nhất, và càng sợ rằng cha mẹ so sánh điểm mạnh của bạn bè với điểm yếu của chúng. Gần như mỗi cha mẹ đều lấy hình mẫu của ‘con nhà người khác’ để so sánh và ép con mình phải học tập theo. Họ cố ý khuếch đại ưu điểm của những đứa trẻ khác mà hạ thấp con cái mình.
Có một câu hỏi trên mạng Internet rằng: “Khi còn nhỏ, cha mẹ bạn thường mắng bạn như thế nào?” Nhiều cư dân mạng đã tiết lộ tất cả những lời trách mắng “kinh điển” của cha mẹ họ. Trong đó câu nói nhẹ nhất là “Sao mà mày ngốc như thế?”. Những lời mắng chửi như “đồ ngu, đồ bỏ đi, thùng rỗng” là những lời thường được nói đến. Trong số đó, có cư dân mạng nói một điều rất đau lòng: “Khi còn bé, tôi thường bị bố mẹ chửi là đồ ngu, đồ bỏ đi, học ngu… càng mắng, tôi càng lẩn trốn như mèo con”.
Có người lại chia sẻ rằng, những lời mắng chửi của cha mẹ trong quá khứ, đã khiến tính cách của họ thực sự có rất nhiều vấn đề. Họ không cảm thấy tự tin khi nói chuyện với người khác, không thể nhìn thẳng vào người khác. Họ không đủ tự tin, luôn lo sợ phải giao tiếp ngoài xã hội.
Những lời trách mắng, đôi khi là xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc, nhưng một khi làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ em, chúng tựa như những lưỡi sắc nhọn xuyên vào trái tim con trẻ, có thể tạo thành nỗi ám ảnh suốt đời. Một đứa trẻ bị tổn thương lòng tự trọng dễ dẫn đến hai loại tình huống. Chúng sẽ ngày càng trở nên khó kỷ luật hơn, hoặc sẽ suốt đời trốn tránh như một chú mèo con để cố chữa lành vết thương thời thơ ấu của mình.
Nỗi buồn của tình yêu, nỗi đau của sự tổn thương
Chỉ cần gõ dòng chữ “học sinh ra đi vì áp lực” trên thanh tìm kiếm mạng xã hội, gần 800.000 kết quả được đưa ra trong chưa đầy một giây. Hàng loạt bài báo với tiêu đề: “Học sinh kết liễu vì áp lực: không ai nghe thấy lời cầu cứu”, “Học sinh ra đi vì áp lực học tập: Ra đi trong kỳ vọng của bố mẹ”… có thể khiến nhiều phụ huynh giật mình.
Có nhà văn đã từng kể lại sự cố bi thảm xảy ra trong gia đình của anh trai mình: Cả anh và vợ đều là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, và hai vợ chồng họ tin rằng cả gien di truyền và phương pháp giáo dục của họ đều là hoàn hảo.
Hai năm trước, đến kỳ thi tuyển sinh đại học của đứa trẻ. Họ cảm thấy rằng, đứa trẻ phải đỗ vào trường đại học hàng đầu, ít nhất phải đạt điểm cao. Tuy nhiên, kết quả thi của đứa trẻ không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Điều này khiến hai vị phụ huynh thất vọng, họ bắt đầu lôi ra những lỗi lầm trước đây của đứa con để trách móc, rồi đưa những đứa trẻ khác ra để so sánh.
Cuối cùng, người mẹ rất tức giận và buột miệng mắng: “Có mỗi việc học cũng không xong. Còn không bằng đứa trẻ năm tuổi chỉ biết đếm ngón tay. Đúng là đồ vô dụng! Sống như vậy thật tốn cơm!”. Đứa trẻ nghe xong, cảm thấy ngây ngẩn cả người, nghẹn ngào không nói được lời nào, lặng lẽ đi về phòng.
Đến giữa đêm, đang ngủ thì họ nghe thấy một tiếng động lớn, cảm giác có chuyện không hay bèn chạy đến phòng của con trai. Nhưng không còn thấy đứa trẻ trong phòng… nó đã nhảy xuống từ ban công. Trên chiếc bàn học có một tờ giấy để lại, viết rằng: “Bố mẹ ơi, con xin lỗi, vì con không xứng đáng làm con trai của bố mẹ …”
Chúng ta mắng con cái lúc giận dữ, không thể tránh khỏi những lời không đáng nói, cuối cùng dẫn đến hậu quả khôn lường. Chúng ta hy vọng con cái của mình sẽ trở thành “con của gia đình người khác”, nhưng kết quả nhận được… lại là bất hạnh.
Một cuộc khảo sát cho thấy 83,4% phụ huynh trong năm 2009 đã so sánh con cái họ với “con của người khác”. Những cha mẹ không làm như vậy chỉ chiếm chưa đến 20%. Một số người được phỏng vấn tin rằng “đây là mong muốn của cha mẹ”; Một số người lại cho rằng, đây là tình yêu dành cho đứa trẻ, và một số khác cho rằng, đây là sự phản ánh của áp lực xã hội.
Giáo dục thành công nhất của cha mẹ là bảo vệ lòng tự trọng của con mình
Tiến sĩ Jeffrey Bernstein – Tác giả cuốn sách “10 ngày giáo dục trẻ khác biệt” cho rằng:
Danh dự là thứ quan trọng nhất của một người, là điều phản ánh cách ta tự nhìn nhận bản thân, điều khiển hành vi và đưa ra quyết định. Lòng tự trọng cao giúp con người vượt qua thử thách khó khăn, khao khát trải nghiệm những điều mới mẻ và tự tin vào khả năng của mình.
Là các bậc phụ huynh, ai cũng muốn nuôi dưỡng tính cách này ở trẻ. Tuy nhiên, một cách vô thức, cha mẹ thường có những hành động, cách giáo dục không đúng, làm ảnh hưởng đến lòng tự tôn của đứa trẻ.
Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ, Tiến sĩ James Dobson từng nói:”Có hàng trăm cách để đánh mất lòng tự trọng, nhưng xây dựng lại lòng tự trọng là một quá trình chậm chạp và khó khăn”. Vì vậy, có thể nói rằng giáo dục thành công nhất của cha mẹ là bảo vệ lòng tự trọng của con cái mình.
Để nuôi dưỡng và bảo vệ lòng tự trọng của con trẻ, mong rằng, các bậc cha mẹ có thể làm được những điều này:
Đừng trước mặt mọi người mà phê bình con
Những đứa trẻ thường làm các việc khiến chúng ta ‘đau đầu’, ví như trong các bữa tiệc hoặc cuộc vui chơi. Cách làm của hầu hết các bậc cha mẹ là ngay lập tức la mắng và ra lệnh cho con phải xin lỗi, khiến đứa trẻ cảm thấy xấu hổ. Nói chung, trẻ con sẽ ngoan ngoãn cúi đầu thừa nhận lỗi lầm của mình, nhưng trái tim chúng đã bị tổn thương, và chúng sẽ không còn tin tưởng cha mẹ khi chúng thất vọng. Chúng sẽ trở nên rụt rè thu mình lại, tình trạng có thể tồi tệ hơn, và sẽ đi đến những hành động sai lầm.
Như nhà giáo dục người Anh John Locke đã từng nói:
Nếu cha mẹ không rêu rao lỗi lầm của con cái, thì đứa trẻ sẽ càng coi trọng danh dự của chính mình. Chúng cảm thấy rằng mình là một người có danh dự, cho nên càng thận trọng hơn để duy trì sự khen ngợi của người khác.
Vì vậy, cách tốt nhất là hiểu tình huống một cách bình tĩnh và độc lập, sau đó phân tích đúng sai cho con, và để trẻ tự nguyện nhận lỗi.
Đừng nói những lời khó nghe
Trong quá trình dạy dỗ con trẻ, để con ghi nhớ và ấn tượng, chúng ta thường chọn những từ nặng nhất để ‘gieo’ vào tai trẻ. Nhiều lần như vậy, đứa trẻ thoạt nhìn bề ngoài thì trông có vẻ bình tĩnh, nhưng bên trong tâm hồn đã đầy sẹo. Đứa trẻ không thể tin rằng cha mẹ yêu quý của chúng lại có thể nói những điều như: đồ ngu, đồ bỏ đi, đồ vô dụng v.v.
Có một cuộc khảo sát trên đường phố ở Hoa Kỳ hỏi trẻ em: “Mẹ bạn đã nói gì khiến bạn buồn?” Mỗi đứa trẻ đều kể lại những lời mắng mỏ của mẹ khi tức giận, chúng nước mắt lưng tròng thốt lên: “Cháu không hiểu tại sao bà ấy lại nói điều đó với cháu!”
Khi bạn rất tức giận và muốn ‘bùng nổ’, hãy cố gắng để ngăn nó lại, đợi đến lúc tâm trạng bình tĩnh mới nói chuyện cùng con. Đừng trút cảm xúc xấu xa của bạn cho con bạn, bởi đây sẽ là ám ảnh đối với cuộc đời của chúng.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của trẻ em
Nhà tâm lý học nổi tiếng Hạ Lĩnh Phong cho rằng điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ cha mẹ và con cái, đó làm cho con trẻ trở thành chính mình tốt nhất.
Tư chất của mỗi đứa trẻ là khác nhau, nhưng chúng đều là những thiên thần nhỏ và có những thế mạnh riêng. Điều chúng ta cần làm là không so sánh những thiếu sót của con mình với thế mạnh của ‘con nhà người khác’. Và điều quan trọng nhất là phải giỏi khám phá thế mạnh và chỉ dẫn cho con trẻ.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của đứa trẻ, và bình tĩnh đối xử với sự không hoàn hảo này trong suốt quá trình trưởng thành của con. Hãy để đứa trẻ tuần hoàn theo thiên tính để trở thành chính mình tốt nhất. Một khi bạn có được loại tư duy này, tự nhiên sẽ không còn chú ý nhiều và không quá nghiêm khắc với những khuyết điểm và sai lầm tự nhiên của con trẻ, qua đó có thể dạy dỗ con cái một cách có lý tính.
Hy vọng rằng mỗi bậc cha mẹ chúng ta đều có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng!
Lan Hòa biên tập
Nguồn: NTDVN