Vì sao nói: Bố nóng tính thì con kém thông minh, bố quan tâm yêu thương thì con thành đạt?

vi-sao-noi-bo-nong-tinh-thi-con-kem-thong-minh-bo-quan-tam-yeu-thuong-thi-con-thanh-dat-1

Trong cuộc sống bận rộn của xã hội phát triển như ngày nay, rất nhiều ông bố bà mẹ vì công việc bận rộn, chăm chỉ bôn ba kiếm tiền nên không có thời gian quan tâm đến con cái. Những áp lực của công việc khi về nhà thường trút lên các con, thường nổi nóng, la mắng khi trẻ có điều gì đó lỡ làm cha mẹ không vừa ý. Đây quả thật là một việc làm không đúng chút nào, gây tổn hại đến đến tâm hồn và sự phát triển của trẻ.

Phong cách sống cũng như phương pháp giáo dục của cha mẹ sẽ có ảnh hưởng đến tính cách, số phận của trẻ. Cha mẹ thường xuyên nổi nóng, đứa trẻ lớn lên cũng có thể trở thành một người rất dễ nổi nóng, không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Những biểu hiện của bạn hôm nay, chính là biểu hiện của con cái bạn ngày mai.

Trong bài viết này, tác giả sẽ nhấn mạnh về tầm quan trọng của người bố trong quá trình nuôi dạy con cái, và những ảnh hưởng của người bố trong cách giáo dục con trẻ. Một lần nữa lại phải nhấn mạnh rằng, vai trò của các ông bố đối với sự phát triển của con là vô cùng quan trọng.

Người bố hay nóng giận, con có chỉ số IQ và EQ thấp

Có một chia sẻ như sau trên mạng xã hội: “Lúc trước chồng em rất trẻ con, đã làm bố rồi nhưng suốt ngày cứ thích bay nhảy bên ngoài, nói chơi với con thì cằn nhằn khó chịu.

Cho đến một hôm, lão chồng gọi mãi con không chịu tới, lại cứ quấn lấy mẹ, lão chồng khi đó mới nhận ra rằng, trước giờ mình đã quá thờ ơ với con, không quan tâm và đôi khi còn nổi nóng với con, thế nên con càng lớn càng xem bố như người lạ. Từ đó chồng em cũng biết lỗi và chơi với con nhiều hơn. Thế mới nói vai trò của bố rất quan trọng, một đứa trẻ lớn lên đâu chỉ cần mỗi sự chăm sóc của mẹ, mà bên cạnh đó còn cần có sự đồng hành, dạy dỗ uốn nắn của bố nữa”.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, sự phát triển và đặc biệt là trí thông minh của con phụ thuộc khá nhiều vào môi trường sống. Trong đó, những em bé được bố quan tâm, chăm sóc, thường xuyên chơi cùng sẽ có chỉ số IQ cao hơn hẳn. Ngược lại, nếu bố càng ít tiếp xúc, hay  nóng giận, con sẽ càng kém thông minh hơn. Đây là một điều ông bố nào cũng nên tham khảo, đừng bao giờ ỷ lại vào vợ trong chuyện chăm con kẻo sẽ có ngày phải hối hận.

Một Tiến sĩ tại trường Đại học Harvard từng thực hiện một nghiên cứu và chứng minh rằng, những đứa trẻ có những ông bố  nóng tính, hay tức giận, quát mắng con thường sẽ có chỉ số IQ thấp hơn các bạn khác khoảng 12 điểm.

Lý giải về điều này, họ cho biết trẻ nhỏ có tâm lý rất mỏng manh, tinh thần dễ bị tổn thương. Nếu bố thường xuyên quát mắng, con sẽ hay cảm thấy lo lắng, sợ hãi, từ đó, cơ thể liên tục nảy sinh ra những cảm xúc tiêu cực. Chúng tác động qua từng ngày và dần khiến trẻ luôn nghĩ rằng mình thực sự là một đứa con hư, kém thông minh nên mới hay bị quát mắng như thế.

Nổi nóng với con cái quá thường xuyên không chỉ khiến trẻ “khép mình”, đôi khi trở nên ướng bướng và không nghe lời, mà còn sẽ khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương, khiến đầu óc chúng càng trở nên “si ngốc”, có thái độ lạnh nhạt và còn dễ bị các chứng bệnh liên quan đến tâm lý như: đau đầu, stress, rối loạn lo âu v.v

Không những ảnh hưởng đến cảm xúc và chỉ số IQ của trẻ, khi có một ông bố cục cằn, nóng tính. Trẻ còn có thể bị nhiễm tính cách này và cũng trở thành một người khó chịu trong tương lai. Ngoài ra, chẳng đứa trẻ nào có thể gần gũi với một ông bố luôn tạo cho chúng cảm giác lo lắng, sợ hãi. Vì thế, khoảng cách giữa hai bố con cũng sẽ càng dễ bị xa cách hơn. Đây chắc chắn là điều không một ông bố nào mong muốn.

Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình

Cha mẹ thường xuyên nổi nóng, đứa trẻ lớn lên cũng có thể trở thành một người rất dễ nổi nóng, không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Những biểu hiện của bạn hôm nay, chính là biểu hiện của con cái bạn ngày mai.

Nếu trẻ hay tức giận, là bởi vì cha mẹ thường hay nổi nóng.

Nếu trẻ thích lên án người khác, là bởi vì bình thường cha mẹ phê bình trẻ quá nhiều.

Nếu trẻ thích phàn nàn về bất cứ việc gì, là bởi vì cha mẹ thường cắt bẻ chúng.

Nếu trẻ thích phản kháng, là bởi vì cha mẹ thường xuyên cưỡng chế trẻ.

Nếu trẻ không đủ lương thiện là bởi vì cha mẹ thiếu sự đồng cảm.

Nếu trẻ nhút nhát, rụt rè là bởi vì cha mẹ thường hay giễu cợt, la mắng chúng.

Nếu trẻ không tâm sự với cha mẹ là vì cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc của chúng.

Nếu trẻ không biết đúng sai là bởi vì cha mẹ cực đoan, cứng nhắc, không cho trẻ cơ hội tự chủ và tự suy ngẫm.

Nếu trẻ tự ti là bởi vì cha mẹ luôn thất vọng về trẻ, không kiên nhẫn cổ vũ chúng.

Nếu trẻ hay ghen tị, nhạy cảm, sợ bị tổn thương là bởi vì cha mẹ không khoan dung và dịu dàng với trẻ.

Nếu trẻ không thích bản thân chúng là bởi vì cha mẹ không thừa nhận và tôn trọng trẻ.

Nếu trẻ không vươn lên, không nỗ lực là bởi vì cha mẹ yêu cầu ở trẻ quá cao.

Nếu trẻ quá ích kỉ là bởi vì cha mẹ quá cưng chiều trẻ, trẻ muốn gì cũng cho cái đó.

Nếu trẻ không hiểu nỗi khổ của cha mẹ là bởi vì cha mẹ không dạy trẻ biết thấu hiểu, cảm ơn  người khác.

Nếu trẻ chùn chân, tránh né là bởi vì bị cha mẹ thường xem nhẹ và hay đả kích chúng

Nếu trẻ lười biếng và ỷ lại là bởi vì cha mẹ làm thay và quyết định thay trẻ quá nhiều.

Nếu trẻ thường có hành vi và tư tưởng “bạ.o lực” là bởi vì cha mẹ thường dùng “bạ.o lự” để xử lý vấn đề của chúng.

Là bậc làm cha, làm mẹ, bạn cần phải tự xét lấy mình, phải sửa đổi bản thân, sửa đổi tính cách – khi bạn sửa đổi thì con trẻ sẽ thay đổi.

Vì thế, các mẹ nên động viên chồng mình hãy thường xuyên chơi đùa, trò chuyện với con nhiều hơn. Đặc biệt hãy sửa đổi bản thân, hạn chế nóng giận hay tệ hơn là quát mắng con quá thường xuyên. Đương nhiên khi trẻ phạm lỗi, các ông bố hoàn toàn có thể nhắc nhở con, nhưng hãy thực sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Khi ấy, con sẽ biết lắng nghe và thấu hiểu lời của bố.

Đứa trẻ nào cũng muốn được cả bố lần mẹ yêu thương, gần gũi, quan tâm chăm sóc. Chỉ khi ấy, con mới có thể có được một tuổi thơ đẹp và có đủ điều kiện để phát triển toàn diện, từ trí não cho đến thể chất. Đôi khi bố chỉ xem một vài lời la mắng hay thái độ hời hợt của mình là chuyện nhỏ, nhưng trẻ có thể phải mất một thời gian dài để chữa lành những sự tổn thương.

Người ta có câu “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”, nuôi dạy con là cả một hành trình dài. Mỗi ngày, bố mẹ cũng sẽ phải học hỏi thêm nhiều điều để có thể hỗ trợ con mình phát triển một cách tốt nhất. Dù rất khó khăn, nhưng xét cho cùng làm bố, làm mẹ vẫn là một trong những công việc ý nghĩa nhất trên đời, vì thế, hãy tận hưởng công việc tuyệt vời này và đừng bao giờ khiến bản thân mình phải hối hận quá nhiều trong quá trình cùng con khôn lớn bố mẹ nhé.

 

Lan Hòa biên soạn

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: